Gần ba cái Tết kể từ khi Nguyễn Huy Thiệp rời bỏ cõi tạm, hai người con Phan Bách và Phan Khoa vẫn nỗ lực chắp nối các mảnh ghép ký ức để kể lại những di sản của ông. Họ bắt đầu từ những di cảo nhỏ nhất.


“Ở HỮU HẠN NÀY, RỒI CŨNG HOÁ THÀNH HOA”

HUY VŨ – NGUYỆT LINH

Nhà văn – người cha

Nằm khuất khúc trong xóm Cò (Khương Hạ), ngôi nhà của Nguyễn Huy Thiệp mùa đông này đang trải qua một cuộc đại trùng tu. Con trai cả của nhà văn, họa sĩ Nguyễn Phan Bách, cho biết anh và em trai muốn biến căn nhà cũ thành một “không gian Nguyễn Huy Thiệp” nhằm tưởng nhớ sự nghiệp của cha mình.

Hồi tưởng những ký ức ngày nhỏ, họa sĩ Phan Bách cho biết anh không được gần gũi với bố thường xuyên như em trai Phan Khoa sau này. Từng có giai đoạn, Nguyễn Huy Thiệp công tác trên vùng cao Sơn La nhiều năm trời. Những ngày mà Phan Bách nói, bố dạy học trên núi, mẹ dạy học ở vùng quê Hà Bắc, gia đình không được sống cùng nhau.

Cứ cách vài ba tháng, Phan Bách lại thấy bố bước xuống từ chiếc xe UAZ, hành lý chẳng có gì ngoài những củi, gạo. Sau này Nguyễn Huy Thiệp kể, gạo và củi trên núi sẵn có, ông mang sách giáo khoa từ vùng xuôi lên đổi, chứ cũng chẳng có tiền mua.

“Thời gian nghỉ phép không nhiều, nhưng bố luôn cố dành thời gian cho tôi. Hồi đó tôi thích Tôn Ngộ Không, nên thường đòi ông vẽ. Bố dùng phấn vẽ đủ thứ để chiều con”, Phan Bách hồi tưởng.

Dù là nhà văn được nhiều người mến mộ, nhưng không vì thế Nguyễn Huy Thiệp hướng hai con theo nghiệp văn chương. Ở ngoài, ông được nhiều bạn văn và độc giả mến mộ. Bước chân qua cánh cổng gỗ, ông lại là một người cha hiền lành, ít nói.

Trong trí nhớ của cậu út Phan Khoa, Nguyễn Huy Thiệp không phải một người hoạt ngôn. Nhưng nếu chạm đúng “mạch chuyện”, thì ông sẽ nói rất hăng say.

Cũng như lối viết thể hiện qua hàng chục truyện ngắn, ông dạy con bằng cách kể những câu chuyện, kinh nghiệm của mình để hai con tự ngẫm nghĩ. Biết con cả Phan Bách bỏ khối tự nhiên theo học điêu khắc, ông không ngăn cấm mà còn khuyến khích con thi vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, bởi hội họa vốn là ước mơ mà ông không thực hiện được.

“Tôi phấp phỏng nửa mừng nửa lo cho Bách: con trai tôi chỉ có con đường tiến sâu và xa hơn nữa vào nghệ thuật, nó không có bước lùi nào khác… Bách sẽ phải nếm tất cả vinh quang và cay đắng cho dù thế nào đi nữa, chỉ có điều nếu thất bại thì nỗi đau của nó sẽ đau hơn nhiều những nỗi đau của người thắng lợi mà thôi, vì đấy là nỗi đau của kẻ bất tài”, ông từng trải lòng như vậy trong tiểu luận “Con vẽ, bố khen hay”.

Quẻ bói văn nghiệp

Kể về những kỷ niệm đáng nhớ về bố, hai anh em Phan Bách, Phan Khoa đều nhắc tới những chuyến xe cả hai cùng ông trở về Sơn La, mảnh đất gần như gắn liền với định mệnh của nhà văn. Đó là nơi, mà như Nguyễn Huy Thiệp nói, ông từng tự tay chôn vùi những năm tháng thanh xuân. Rồi chính sau này, cậu út Phan Khoa lại lấy vợ quê Sơn La.

Dường như ông có một nỗi ám ảnh với mảnh đất biên viễn này, ông có nói trong đám cưới của Khoa: “Nếu không có việc vui của con, tôi không nghĩ sẽ trở lại nơi này”.

Ngày “anh giáo trẻ” trở lại, bản Hua Tát năm xưa vẫn còn, nhưng ngôi trường Bổ túc Công nông Sơn La đã giải thể sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình. Nhìn lại thung lũng Hua Tát thăm thẳm gió, nhà văn kể cho hai con cái đêm ông chứng kiến vụ hỏa hoạn ở bản làng năm xưa. Chuyện đã qua nhiều năm, nhưng ông vẫn nhớ về tiếng khóc của những bà mẹ Thái đen ôm con trong đêm tối. Đó là nguồn cảm hứng để ông viết chùm truyện ngắn “Những ngọn gió Hua Tát”, mà ông gọi là “Mười truyện trong bản nhỏ”.

Cũng chính ở nơi “ba bề bốn bên là núi cao bao bọc, cuối thung lũng có hồ nước nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn”, Nguyễn Huy Thiệp đối diện với cảm xúc cô đơn nhất của năm tháng tuổi trẻ. Những tâm tư nặng trĩu được ông dồn nén vào chùm 51 bài thơ trong tập sổ tay “Những vần thơ chua xót”. Ít ai biết rằng, cuốn sổ thơ được ông cẩn thận khâu gáy đó lại là khởi nguồn cho hàng loạt thiên truyện ngắn, tiểu thuyết làm rúng động cả văn đàn sau này.

Cũng ít ai biết rằng, Nguyễn Huy Thiệp cũng là một người duy tâm, ông biết xem tử vi, và cũng từng đi coi tử vi. Người thầy xem tử vi rồi nói ông có duyên với chữ nghĩa, nhưng nghiệp văn rất nặng, phải sau ba giáp (36 năm) mới được lập thân bằng văn chương. Và năm ông 37 tuổi, "Tướng về hưu" lộ diện khiến dư luận xôn xao về cái tên Nguyễn Huy Thiệp.

Sau thành công ban đầu này, nhiều cây viết nổi tiếng như Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc còn dự đoán, sự nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp sẽ khó mà lâu dài bởi ông “lên cao quá nhanh”. Nhưng ngay sau đó, Nguyễn Huy Thiệp cho ra đời bộ ba "Kiếm sắc ", "Vàng lửa", "Phẩm tiết", tiếp tục gây xôn xao với "Không có vua", "Con gái thủy thần", "Những bài học nông thôn", "Thương nhớ đồng quê"...

“Nhiều người nói bố tôi là một bông hoa nở muộn. Tin vào quẻ bói năm xưa, ông mài giũa ngòi bút của mình nhiều năm, chuẩn bị mọi thứ như một con hổ rình mồi, để khi đặt chân vào văn đàn, những truyện ngắn của ông khiến cả xã hội thức tỉnh”, họa sĩ Phan Bách cho biết.

Cho tới cuối đời, Nguyễn Huy Thiệp vẫn không ngừng quan sát và viết. Ông vẫn thường nói hai con trai: “Nếu trời cho bố khỏe, thì bố quay lại”. Lúc đó, bản thảo cuối cùng ông viết là tiểu luận “Nói chuyện một mình”, đến nay là một tập giấy ngổn ngang những dòng chữ viết tay. Không ưng ý đoạn nào ông viết lại rồi dán đè lên. Ông nói: “Nếu trời còn cho bố viết ‘Nói chuyện một mình’ tầm 5, 6 số, bố có thể lập tức quay lại, có thể viết những truyện như “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”...”.

Đối thoại với cha

Đối với nhiều văn nhân, tư gia là nơi phô bày thẩm mỹ cầu kỳ của họ. Tại nhà Nguyễn Huy Thiệp, ông chẳng biện bày phức tạp mà xếp đặt đồ đạc để chúng hòa hợp với không gian. Không có thú điền viên như những người cùng tuổi, mỗi khi gác bút, nhà văn xoay sang niềm vui bên những đĩa gốm. Thú chơi vẽ đĩa đòi hỏi độ tập trung và tỉ mỉ cao. Có lẽ vì vậy cũng là một cách để ông thiền. Cầm trên tay những phôi đĩa chưa nung, bút pháp phải tài hoa, nhẹ nhàng, không thiếu phần dứt khoát. Sao cho mỗi nét chạm mực đi đủ một chữ, không thừa, chẳng thiếu. Mỗi tiết xuân về, ông đặt chừng hai chục đĩa gốm, vẽ và vịnh thơ lên để tặng người thân, bạn bè.

Đó là về thú chơi dịp Tết. Ở nhà, ông có thể ăn mặc xuề xoà, nói chuyện dí dỏm với con cháu, nhưng trong văn chương, Nguyễn Huy Thiệp lại kỹ tính đến cực điểm. Ông không ưa dùng xảo ngữ hoa mỹ, dụng ngôn vô cùng cẩn trọng. Như trong tiểu luận “Nói chuyện một mình”, ông viết: "Nhà văn dùng ngôn ngữ văn học để hướng người đọc về 'cái đang là' với đích đến là đạo đức".

Những khi viết, ông thường lựa chọn châm ngôn của Puskin, Victor Hugo, Lão Tử một cách khéo léo sao cho phù hợp với bối cảnh của từng câu chuyện. Sau này khi thu dọn thư viện hàng nghìn cuốn sách của bố, họa sĩ Phan Bách rất bất ngờ khi mở ra trang nào cũng thấy ông gạch và khoanh tròn những đoạn tâm đắc.

Cái Tết năm 2021, cái Tết cuối cùng của Nguyễn Huy Thiệp thật buồn, ông trải qua chuỗi ngày nằm cách ly trong bệnh viện để điều trị tai biến. Giữa thời điểm căng thẳng đó, nhà văn bình thản đón nhận mọi điều. Ông vừa động viên các con, vừa như suy ngẫm lại cuộc đời: "Con tưởng chết mà dễ à? Có những người ốm đau nằm một chỗ, muốn chết cũng không được".

Dù lúc tỉnh táo cứng rắn là vậy, nhưng khi nghe tin vợ mình qua đời đột ngột, ông lặng đi một lúc, rồi bỏ ăn một tuần. Ông từng nói với các con: "Thường những người đàn ông yêu và sống với vợ mình, thì khi người vợ mất đi, người đàn ông cũng sẽ đi theo vợ rất nhanh".

Những ngày cuối đời, Nguyễn Huy Thiệp càng trở nên trầm lặng. Ông không thể đi lại, thỉnh thoảng được đưa ra ngồi trước hiên nhà, nghe qua phát thanh những truyện ngắn mình viết năm xưa. Hơn 100 ngày sau khi vợ mất, Nguyễn Huy Thiệp lặng lẽ đi theo bà.

Sau cái giỗ đầu, hai anh em Phan Bách và Phan Khoa quyết tâm tập hợp di sản của bố mình để xây dựng không gian lưu trữ, tưởng niệm ông. Đây không chỉ là nơi trưng bày các ký ức về Nguyễn Huy Thiệp, mà còn là không gian cộng đồng, nơi ai cũng có thể ghé thăm. Như vậy ngôi nhà của nhà văn sẽ không còn khép kín, mà luôn rộng cửa với các thế hệ bạn đọc.

Nghĩ là làm, họ cất công kiểm lại những đầu báo, nhà xuất bản bố mình từng cộng tác, rồi liên hệ với các biên tập viên, thư ký tòa soạn… Nhận cuộc gọi của hai anh em, nhiều nhà văn, nhà báo cho biết đây là cuộc gọi họ đã chờ từ rất lâu.

Hành trình tìm lại bản thảo của bố cho “Không gian Nguyễn Huy Thiệp” mang đến cho Phan Bách và Phan Khoa nhiều cung bậc cảm xúc. Theo hai anh, khi được hỏi đến, có những người rất nhiệt tình, gửi cho gia đình cả vali bản thảo như nhà báo Nguyễn Trọng Chức, nhưng cũng có người hứa hẹn mãi rồi chẳng thấy phản hồi…

Lần giở những trang di cảo của bố, Phan Khoa nhận thấy cái hay của văn chương đó là dù nhà văn không còn, độc giả vẫn có thể đối thoại với họ qua những tác phẩm để lại. Vừa là một người con, vừa là người đọc, anh chiêm nghiệm: “Càng lớn tuổi, đọc văn của ông càng cảm thấy có những câu, những đoạn như người cha viết lại cho con, không thuần túy là câu văn của một nhà văn viết cho mọi người. Những lúc đó, tôi nhớ và thương bố rơi nước mắt”.

 

Nguồn: Ngày Nay xuân Giáp Thìn