Các cơ quan kiểm toán nhà nước và thuế có lẽ cần xem xét thật kỹ chuyện doanh thu vì doanh thu thật sự thì không sao, còn nếu sai lệch thì buộc lòng phải nghĩ đến chuyện doanh thu ảo để lấy tiếng hoặc để… rửa tiền.


Xung quanh bộ phim MAI ăn khách

Kỳ 3: Con số doanh thu có đáng tin?

HÀ THANH VÂN

 

Chuyện phim “Mai” là một phim lên tay của Trấn Thành dĩ nhiên có tác động đến doanh thu. Theo số liệu của Box Office Việt Nam - đơn vị thống kê độc lập, phim chạm mốc doanh thu 300 tỷ đồng chỉ sau 8 ngày ra rạp (vượt kỷ lục đạt 300 tỷ đồng trong 11 ngày của Nhà bà Nữ). Đến hết ngày 18.2.2024, phim có doanh thu 335 tỷ đồng. Nhưng điều này cũng phải tính công cho việc bao rạp chiếu. Ban đầu trong những ngày Tết, phim “Mai” áp đảo với khoảng 4000 suất chiếu/ngày, hiện nay tăng lên khoảng 5000 suất/ngày.

Trong khi đó các phim khác ngày Tết duy trì số lượng rất thấp và chỉ có vài ba trăm suất và có phim phải rút lui khỏi cuộc đua phim Tết. Thậm chí có phim hoạt hình như “SPY x FAMILY CODE: WHITE” (Gia Đình x Điệp Viên Mã: Trắng) trong mấy ngày Tết phải chiếu vào lúc 23g50 phút và cho đến hôm nay mới trở lại chiếu vào giờ bình thường, dĩ nhiên vẫn với số suất ít ỏi. Cho nên trên mạng xã hội, nhiều khán giả không đồng tình với chuyện phim bao rạp. 

Theo bài báo “Phim "Mai" của Trấn Thành có ép suất chiếu phim khác?” trên báo Người lao động ngày 13.2.2024, Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Nội dung của CGV Việt Nam, cho biết: "Tất cả các nhà rạp luôn có quy tắc xếp suất chiếu rõ ràng dựa theo nhu cầu thực tế của khán giả. Doanh thu bán vé trước cũng là một trong những cơ sở để rạp xếp suất chiếu. Sau khi phim ra rạp chính thức, dựa vào sức mua của khán giả, rạp tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, phim "Mai" của Trấn Thành có lượng đặt vé trước là 40.000 vé. Đây là lý do khiến phim có doanh thu từ trước khi chính thức ra mắt và tỉ lệ vé đặt trước mỗi ngày tiếp theo đều cao nhất trong tất cả các phim. Điều này được phản ánh trực tiếp qua doanh thu phòng vé và có thể kiểm chứng qua số liệu của các đơn vị thống kê độc lập".

Vậy nguyên nhân vì sao phim “Mai” chiếu bao rạp. Theo thông tin công khai trên báo chí thì dĩ nhiên là do phía phát hành phim mua xếp suất chiếu và lý giải của phía phát hành phim là tuân theo quy luật thị trường. Nhưng vấn đề là con số kinh phí một bộ phim bao nhiêu thường là do đạo diễn bật mí với báo chí, còn con số thống kê từ vé thì chủ yếu lấy từ Box Office Việt Nam - đơn vị thống kê độc lập. Vậy có công ty kiểm toán nào kiểm toán các con số đó?

Bằng cảm nhận chủ quan của tôi với nhiều lần xem phim, tôi luôn hoài nghi về các con số. Cụ thể là với phim “Mai”, khi tôi mua vé trên app thì rạp báo là 88 ghế đã mua trên tổng số 211 ghế trong rạp. Bản thân hàng ghế tôi mua vé theo như app báo là đầy hết và tôi mua cái ghế cuối còn trống. Nhưng khi rạp chiếu phim thì thực tế chỉ có hơn 40 khán giả và hàng ghế tôi ngồi cũng chỉ đầy 1 nửa. Tôi cũng được biết là vé có thể đặt mua rồi hủy. Thậm chí các app đặt vé cũng có thể can thiệp vào bằng công nghệ để thay đổi. Vậy thì con số doanh thu thực tế là như thế nào? Tôi nghĩ các cơ quan kiểm toán nhà nước và thuế có lẽ cần xem xét thật kỹ chuyện doanh thu vì doanh thu thật sự thì không sao, còn nếu sai lệch thì buộc lòng phải nghĩ đến chuyện doanh thu ảo để lấy tiếng hoặc để… rửa tiền. Chưa kể phía sau một vài nhà phát hành phim của Việt Nam là bóng dáng của quan chức hay họ hàng quan chức!

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng căn cứ vào chuyện đặt vé trước để xếp suất chiếu cũng chỉ là mang tính tương đối trong bối cảnh hoàn toàn có thể sử dụng nhiều seeders mua và sau đó trả vé, chưa kể trên lý thuyết là có thể can thiệp vào app đặt vé bằng công nghệ! Vấn đề là doanh thu thực tế chứ không phải chỉ là những con số thông báo trên báo chí! Ở Việt Nam cho đến nay, đã có bao lĩnh vực, tập đoàn, công ty… đưa ra những con số… phi thực tế rồi?

Xem lại Luật Điện ảnh năm 2022 thì tôi nhận thấy rằng trong đó không nêu ra vấn đề cạnh tranh trong điện ảnh. Rõ ràng đây là một thiếu sót và trên thế giới không thiếu những vụ kiện chống độc quyền trong điện ảnh, thậm chí là chính phủ kiện tư nhân. Năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức cáo buộc Disney, NBCUniversal, Paramount Pictures, Sony, Twentieth Century Fox và Warner Bros, cùng với hãng truyền hình Sky UK vi phạm luật cạnh tranh của EU. Việt Nam chưa có tiền lệ kiện song khi tìm hiểu Luật cạnh tranh thì tôi nghĩ có thể kiện được nếu xảy ra hiện tượng độc quyền.

Theo quan điểm của tôi, các công ty phát hành phim nên bị buộc phải ký thỏa thuận tuân theo Luật cạnh tranh do Chính phủ Việt Nam ban hành năm 2018, để tạo cơ hội cho các nhà làm phim có sự cạnh tranh công bằng và khán giả có cơ hội xem nhiều phim như nhau. Mặt khác nhà nước mà cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Cục Điện ảnh phải đóng một vai trò lớn hơn. Miếng bánh thị trường phim ảnh không thể chỉ nằm hoàn toàn trong tay tư nhân mà nhà nước cũng nên phát triển một hệ thống rạp, chứ không thể chỉ trông cậy vào Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Trường hợp phim “Đào, phở và piano” cháy vé mấy hôm nay và chỉ được chiếu duy nhất ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tại Hà Nội, dẫn đến tình trạng quá tải sập trang web là một ví dụ tiêu biểu cho việc khán giả có nhu cầu mà không có cung! Trong khi đó tại Sài Gòn không thể xem phim này. Vậy tại sao không áp dụng Nghị định của Chính phủ để buộc các rạp phim tư nhân phải chiếu? Ngày 31/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2022/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, trong đó điều 9 nêu rõ: “Phim Việt Nam phải được chiếu trong hệ thống rạp chiếu phim, đặc biệt vào các đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.”

Nói đến nhu cầu của khán giả, nên chăng bổ sung thêm Nghị định đưa ra quy định cụ thể về việc phân bổ các suất chiếu theo tỉ lệ đặt vé trước (dẫu có thể đó là ảo), nhưng đồng thời cũng cần có sự cân đối các suất chiếu của các phim Việt tương đối đồng đều. Sau một thời gian ngắn khoảng 2, 3 ngày sau khi chiếu, các nhà phát hành phim sẽ có quyền phân bổ lại suất chiếu theo tỉ lệ mua vé thực tế. Cần có sự minh bạch doanh thu và cần có sự tham gia của kiểm toán nhà nước cùng với cơ quan thuế để theo dõi sát sao doanh thu bởi vì doanh thu của điện ảnh cũng nằm trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã được ban hành.

Cũng theo Nghị định số 131/2022/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, trong đó điều 9 có nêu: “Phim Việt Nam được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ. Tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu phim được thực hiện theo lộ trình như sau: Từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm; Từ ngày 01/01/2026, bảo đảm đạt ít nhất 20% tổng số suất chiếu trong năm. Giờ chiếu phim cho trẻ em dưới 13 tuổi tại rạp kết thúc trước 22 giờ, cho trẻ em dưới 16 tuổi kết thúc trước 23 giờ.”

Vậy tại sao CGV và Lotte Cinema vẫn ép trẻ em phải đi xem phim hoạt hình lúc 23g50 phút với 0g10 phút ngày Tết? (Xem ảnh). Có vi phạm Nghị định hay không thì đã quá rõ ràng! Vậy thì cần xử phạt như thế nào cho dù đến thời điểm này thì các nhà phát hành không còn dám… xếp suất chiếu như vậy nữa.

Tóm lại, bộ phim “Mai” của Trấn Thành là một phim giải trí bình thường cho ngày Tết. Nhưng qua đó có thể thấy khá nhiều vấn đề của điện ảnh Việt Nam nói chung và thị trường điện ảnh nói riêng. Tôi thuộc về phe khán giả và những góp ý của tôi là góp ý của một người xem phim từ hàng ghế khán giả và luôn mong điện ảnh Việt Nam có những bộ phim hay, có chất lượng nghệ thuật, có sự công bằng cho khán giả và những người làm phim, có sự cân đối giữa quản lý đúng đắn của nhà nước với sự phát triển của tư nhân trong thị trường điện ảnh./.