Công trình nghiên cứu văn học của nhà văn Evgeny Popov và nhà phê bình văn học Mikhail Gundarin, có tên gọi “1968, kinh nghiệm nghiên cứu nghệ thuật" dẫn giải ý tưởng chính, năm ấy đã trở thành một bước ngoặt đối với đời sống văn hóa và xã hội của Liên Xô cũng như của toàn thế giới.
@ Hãy cho chúng tôi biết lý do tại sao các ông bạn gọi năm ấy là tháng năm huyền thoại?
Mikhail Gundarin (M.G): Năm 1968 được coi là sự khởi đầu của lịch sử hiện đại. Nhiều xu hướng mới, lạ nổi lên vào thời điểm này: văn hóa thanh niên ra đời, thanh niên bắt đầu được vào chính quyền, nữ quyền trở thành một phong trào xã hội rộng rãi, nảy sinh sự quan tâm đến chương trình nghị sự sinh thái... Ý tưởng giải phóng tình dục cuối cùng đã chiến thắng. Tôi đang nói về thế giới như một tổng thể. Nghĩa là, đã có một sự chuyển biến từ trật tự tồn tại trên thế giới cuối thế kỷ 19 sang trật tự mà chúng ta thấy ngày nay. Nó đi kèm với tình trạng bất ổn của sinh viên, và ở một số nơi thậm chí còn có các cuộc cách mạng, như ở Pháp và Mỹ. Xảy ra cùng năm Mùa xuân Praha là một nỗ lực của những người ở phe xã hội chủ nghĩa nhằm tạo ra “chủ nghĩa xã hội mang bộ mặt con người”.
Evgheni Popov (E.P): Sự hiện hữu của tình trạng bất ổn không phụ thuộc trực tiếp vào cấu trúc chính trị xã hội. Đột nhiên mọi thứ bùng nổ ở mọi nơi trên thế giới. Điều này đã xảy ra ở Nam Mỹ - Bolivia, Mexico và Anh... Cùng với chúng, một thẩm mỹ mới xuất hiện - ví dụ, nhạc The Beatles đang ở đỉnh cao của sự nổi tiếng.
M.G.: Nhưng
ở Liên Xô, một mặt, không có gì thay đổi xét từ quan điểm về cơ cấu chính trị -
xã hội, mặt khác, có lý do để tin rằng chính vào thời điểm này các quá trình đã
bắt đầu dẫn đến sự bùng nổ của perestroika và xa hơn nữa là sự sụp đổ của Liên
Xô sau này. Không giống như phần còn lại của thế giới, những thay đổi diễn ra
không phải trong chính trị hay kinh tế mà ở Liên Bang Xô Viết chính ở trong đời
sống văn hóa và văn học.
@ Hai ông nhớ gì về năm 1968?
E.P: Năm 1968, tôi hai mươi hai tuổi, đang viết luận văn tốt nghiệp (tôi học tại Viện thăm dò địa chất Mátxcơva) và sống trong một ký túc xá. Chúng tôi có một chiếc máy thu tự chế tuyệt vời và chúng tôi đã nghe “đài địch” từ mùa xuân và biết mọi thứ về Praha. Bạn thấy đấy, thật vô cùng ngạc nhiên khi thấy ở đó có một loại quyền tự do ngôn luận nhất định. Chúng tôi đều nghĩ, điều này sẽ kéo dài bao lâu? Sau đó tôi nhận bằng tốt nghiệp, lên tàu đến Siberia, và trong khi tôi đang đi thì xe tăng Xô Viết tiến vào Praha.
M.G: Trong tập sách của chúng tôi có cả một chương dành cho các nhân chứng là các nhà văn nổi tiếng. Để họ nhớ lại những sự kiện này một cách cụ thể.
E.P: Vâng,
đó là những người đồng nghiệp của tôi - Sasha Sokolov, Yury Kublanovsky, Sergei
Chuprinin, người theo chủ nghĩa Slave, Rene Guerra, sống ở Paris vào thời điểm
đó và họ muốn đuổi anh ta ra khỏi Sorbonne vì anh ta giải bài về nhiều "kẻ
phát xít" khác nhau, cụ thể là những người di cư Nga Zaitsev, Shmelev và
những người khác. Tôi không thể tưởng tượng được tất cả “chủ nghĩa cánh tả” của
thế giới phương Tây vào thời điểm đó ở Pháp không chỉ có tình trạng bất ổn mà
còn có một cuộc cách mạng thực sự: những người giàu thậm chí còn chạy ra nước
ngoài, mang theo đồ trang sức của họ. Họ nghĩ rằng sắp tới sẽ có chế độ cộng
sản ở Pháp. Những kỷ niệm thật thú vị. Ví dụ, Yury Kublanovsky nói rằng khi đó
anh ta yêu một phụ nữ Pháp và khi giao tiếp với cô ấy, anh ta vẫn không hiểu
tại sao người Pháp lại được tặng những tập sách của Mao Trạch Đông và Marx?
@: Hai ông có cho rằng không có yếu tố chính trị trong cuốn sách của mình không?
E.P: Chúng tôi trình bày những gì đã xảy ra với đất nước và nền văn hóa của chúng ta cũng như cách những người nắm quyền lực đã cư xử không đúng mực với những người có văn hóa. Không có gì phù hợp với họ cả: cả chủ nghĩa quốc tế của tạp chí “Tuổi trẻ” cũng như chủ nghĩa Nga của “Đội cận vệ trẻ”. Kiệt tác “Thùng quá tải” của Aksenov sắp ra mắt, và vì vậy ông ta đã bị trừng phạt vì chủ nghĩa quốc tế, và Vasily Belov bị trừng phạt vì chủ nghĩa thiên Nga. Giới cầm quyền cần gì? Rõ ràng, họ cần phải tuân theo họ. Và thời đó trong giới lãnh đạo có rất ít người thông minh. Tại sao phải nghe theo lời những người dốt nát, ít học như Nikita Khrushchev? Những người như ông ta đã cố gắng quản lý văn hóa.
M.G: Trong sách của chúng tôi cũng có một chương được dành cho việc đàn áp tình cảm thân Nga của tạp chí “Đội Cận vệ Trẻ”. Tức là đến năm 1968, chính quyền bắt đầu cắt đứt mọi thứ - cả khuynh hướng ngả trái hay nghiêng phải. Và chính sách văn hóa của chính quyền chính là nền tảng. Chúng tôi tìm thấy hàng tá ví dụ cho thấy rằng vào năm 1968 đã có rất nhiều điều xảy ra với nền văn học của chúng ta và những người sáng tạo ra nó. Solzhenitsyn đặt dấu chấm cuối cùng rồi chôn bản thảo “Quần đảo Gulag” (nhà văn đã chôn một phần tại ngôi nhà gỗ của mình ở trong rừng). “Những câu chuyện về người thợ mộc” của Belov, “Cây cung cuối cùng” của Astafiev, “Ốc sên trên sườn dốc” của Strugatskys và “Câu chuyện về con số ba”. Tất cả ra mắt trong năm 1968 này.Và chỉ trong một năm!
E.P: Và tất cả đi kèm với nhiều sự trấn áp khác nhau. Ví dụ: người ta loại bỏ biên tập viên của tác phẩm “Câu chuyện về con số ba” in trên tạp chí “Angara”. Vậy mà, mọi thứ có ý nghĩa quan trọng trong văn học,bất chấp tất cả, vẫn diễn ra . Mặc dù nếu những nhà cầm quyền có ý kiến gì, thì ngược lại, các nhà văn sẽ bình thản và nói: hãy nhìn xem chúng tôi tuyệt vời biết bao, nhờ chúng tôi mà văn học nở rộ như thế đấy! Nhưng nhà cầm quyền đã ngồi xổm lên tất cả, kể cả phản ứng đối với họ ở trong nước hay ở nước ngoài. Họ thực sự xa rời nhân dân. Nhưng tôi sẽ không nói về chính trị, đó không phải việc của tôi. Không phải việc của chúng ta. Vâng, chúng ta hãy quay lại với văn học.
M.G: Năm
1968, Aksenov cho ra mắt tác phẩm chính trong thời kỳ sáng tác đầu của ông -
“Thùng chứa quá chật”. Còn đây là thế giới ngầm: vào năm 1968, Eduard Limonov
gây bão ở Moscow - anh ta may quần soọc và đeo găng tay, đồng thời tích cực đi
chơi với những người phóng túng; cũng xẩy ra câu chuyện nổi tiếng về việc anh
ta đánh nhau với Gubanov, lãnh đạo của SMOG (một hiệp hội văn học không chính
thức của các nhà thơ trẻ thành lập năm 1965). Lễ hội thi sĩ đầu tiên và duy
nhất được tổ chức ở Novosibirsk, nơi Galich đọc thơ và nhận giải nhất, ngay sau
đó lễ hội này bị cấm. Nhưng cũng không bao lâu ra đời Lễ hội Grushinsky vẫn còn
tồn tại cho đến hôm nay.
Và Vysotsky, vì bị báo chí xúc phạm, nhà thơ đã viết một lá thư cho Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông được triệu tập đến Quảng trường Cũ để trấn an... Đối với Solzhenitsyn, đây là năm cuối cùng nhà văn đoạn tuyệt với chính quyền. Aksenov cũng nhiều lần tuyên bố rằng khi đưa xe tăng tiến vào Praha, ông đã hoàn toàn vỡ mộng với chính quyền Liên Xô.
E.P: Lúc đó tôi bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết chống Liên Xô “Đốt cháy”. Nhưng không hy vọng được xuất bản.
M.G: Có rất
nhiều tình huống hài hước. Những năm sáu mươi - Rozhdestvensky, Yevtushenko,
Voznesensky - đã đi khắp thế giới. Rozhdestvensky tới Úc, Yevtushenko, nếu bạn
tin vào lời nói của chính ông ấy, thì đang ở Đảo Phục Sinh. Tất cả giống như
đang ở trên mặt trăng!
@ Hai ông đã thu thập tài liệu như thế nào? Ví dụ, như về nữ thi sỹ Pallas Bogdanova-Belskaya, người sinh ra vào cuối thế kỷ 19 - một loại biểu tượng của sự suy đồi?
M.G: Một trong những chủ đề trong cuốn sách của chúng tôi là những người mang tính biểu tượng đã qua vào năm 1968. Một thời đại kết thúc và một thời đại khác bắt đầu vào năm này. Ví dụ, năm 1968 Konstantin Paustovsky qua đời, một nhân vật tầm cỡ, người suýt nữa thì nhận giải Nobel. Và nhà thơ Ilya Selvinsky.
E.P: Và Alexey Kruchenykh.
M.G: Còn nữ
thi sỹ Pallas là một cô gái quyến rũ của Thời đại Bạc, đại diện cuối cùng của
thời đại đó. Ai mà không viết về cô ấy trong thời đại của họ, cả bằng thơ và
văn xuôi! Nữ thi sỹ đã trải phần lớn cuộc đời mình trong một căn hộ chung cư ở
St. Petersburg và sống sót sau cuộc phong tỏa. Hầu hết các tài liệu hiện nay
đều ở dạng nguồn mở. Và rất rải rác. Chúng tôi đã làm việc, giống như vợ chồng
Strugatskys, với tư cách là một “nhà sưu tập những thông tin rải rác". Tôi
đã phải đào kho lưu trữ của các tạp chí, không chỉ của Liên Xô, mà cả của những
người di cư sang phương Tây. Chúng tôi thu thập từng mẩu hình ảnh. Đó là công
việc thú vị và gần như vô tận. Năm 1968 là năm sinh của tôi, tôi đã quan tâm
đến việc này từ lâu, tích lũy những thông tin chủ yếu trong nhiều năm.
@ Hiện nay trào lưu hướng hướng tới văn học lịch sử đang nở rộ, điều này được phản ánh trong số những cuốn sách bán chạy nhất. Theo hai ông đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?
M.G: Ở nước ta bây giờ có đủ mọi thứ, và không có tình trạng cấm cản. Nhiều người cho rằng chúng ta một lần nữa đang trải qua “những khoảnh khắc chết người” mà tương lai sẽ bị lệ thuộc điều này. Vào những lúc như vậy cái nhìn của chúng ta nên quay về quá khứ, quay về những bước ngoặt tương tự, khi diễn ra những ngã ba lịch sử. Vào năm 1968 ấy, nền văn hóa nói chung,nền văn học hiện đại của nước ta ở vào thời kỳ bung nở. Lẽ ra nó cần được hỗ trợ và sẽ có nhiều cơ hội hơn.
E.P: Những
người cầm quyền hôm nay cũng là những đứa trẻ của những năm sáu mươi. Họ hoàn
toàn không giống những người cai trị thời Khrushchev. Hãy nhớ lại cách
Khrushchev ăn vận, hãy nhớ cách ông ấy đánh bại các nghệ sĩ tiên phong vào năm
1962 ở Manege. Những người cầm quyền hôm nay có học thức, rành rẽ chữ nghĩa. Và
có cả kinh nghiệm- dù là đau buồn- đã dạy cho con người điều gì? Ai không chống
lại chúng ta tức là đi cùng với chúng ta. Người mà nước Nga là “của tôi” chứ
không phải “đất nước này” đang ở với chúng ta. Cho dù anh ta là nghệ sĩ theo
chủ nghĩa trừu tượng, hiện thực, quốc tế hoặc chủ nghĩa đất đai. Tất cả chúng
ta cần ở bên nhau - đây là thời buổi như thế.
@ Cuốn sách tiếp theo sẽ là tiểu sử của Shukshin phải không? Kế hoạch tiếp theo của hai ông là gì?
E.P: Hy vọng rằng trong nửa đầu năm nay chúng tôi sẽ xuất bản hai cuốn sách - “1968” và “Vasily Makarovich”. Và sau đó chúng tôi đang suy nghĩ, dự định viết một cuốn sách về nhà văn kiêm nhà báo Alexander Kabkov, có lẽ là người nổi tiếng nhất trong “những năm sau sáu mươi”.
M.G: Tất nhiên, trên thực tế 1968 là một năm bất thường,năm bước ngoặt. Còn lâu chúng ta mới khám phá ra hết. Có rất nhiều sách, không phải là những công trình khoa học mà là khoa học phổ thông, thậm chí mang tính bí truyền. Và có những phiên bản đến mức gần xa lạ như người ngoài hành tinh gửi tới Trái đất. Chúng tôi đã đề cập đến hiện tượng này trong một chương về văn học Nga. Và tôi nhắc lại, chúng tôi đã phát hiện ra rất nhiều điều đáng ngạc nhiên.
E.P: Cuộc
sống nói chung là một điều kỳ diệu. Cần phải suy nghĩ về điều này. Hãy viết
nhạc, viết văn, làm phim, nếu Chúa ban cho dù chỉ một chút tài năng. Và hãy cố
gắng tử tế, mặc dù điều đó rất khó khăn.
TÔ HOÀNG chuyển
ngữ
(từ báo
“Văn hóa”- Nga, tháng 3/2024)