Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời ngày 1/4/2001. Sự ra đi
của ông khiến công chúng tiếc thương, bởi lẽ ngay khi còn sống thì ông đã là một
huyền thoại, vì ca khúc Trịnh Công Sơn đứng riêng một dòng, với tên gọi “nhạc
Trịnh”. Cùng với nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Văn Cao vượt trội trong nền tân nhạc
Việt Nam, nhưng chỉ có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có được khái niệm “nhạc Trịnh” độc
đáo.
Chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng cảm nhận được điều ấy,
nên ông trình bày: “Đôi khi tôi tự hỏi: Có phải tôi là kẻ hạnh phúc hơn nhiều
người? Không phải bất kỳ ai cũng có thể sống trong một đời dưới nhiều hình thái
xã hội khác nhau. Tôi là ai vậy? Tôi, hình như, đã có lúc mang thân phận chiến
tranh, rồi hòa bình, rồi tư sản và rồi cộng sản. Cái lý lịch đã mang này cũng đủ
để tôi tự thấy mình là một công dân ngoại hạng”.
Cuộc đời 62 năm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có được hơn
300 ca khúc. Thế nhưng, những văn bản còn lưu giữ, chỉ chừng 250 ca khúc. Những
văn bản mà công chúng không được tiếp cận hoặc ít cơ hội biết đến, chủ yếu ở
hai giai đoạn, thứ nhất là những sáng tác đầu tay mà ông cảm thấy chưa hài
lòng, thứ hai là những sáng tác vài năm sau cột mốc 1975 mà ông cảm thấy chưa bắt
nhịp cuộc sống mới.
Trong những ca khúc khởi nghiệp mà ông mạnh dạn công bố,
có ca khúc “Diễm xưa” viết tặng người đẹp Ngô Vũ Bích Diễm ở xứ Huế, như ông
bày tỏ: “Thời gian mơ ước được làm người lớn cũng là thời gian của mối tình đầu
tiên, cũng là thời gian đã được yêu và được nhìn người yêu đi lấy chồng. Cuộc
tình duyên này không cân xứng về tuổi tác nhưng cân xứng về danh vọng và nhan sắc.
Điều này đã trở thành cổ điển và không gây thêm được một chút ngạc nhiên nào
trong xã hội nho nhỏ của thành phố. Tuy thế, riêng tôi là một thất vọng lớn
không lường được. Sau đó là những mối tình khác nhưng tôi vẫn khó xóa được mặc
cảm (tuy càng ngày càng mỏng dần trong tôi) đối với thành phố này”.
Nếu thi ca và hội họa bổ sung trực tiếp giá trị thẩm mỹ
cho sự nghiệp Trịnh Công Sơn, thì văn xuôi của ông lại gián tiếp chú giải cho
ca khúc mà ông từng sáng tác. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết văn xuôi không nhiều.
Ngoài truyện ngắn “Chú Lộ” hoàn thành năm 1967, văn xuôi của Trịnh Công Sơn chủ
yếu là đoản văn.
Những đoản văn ấy, nếu đọc chậm rãi và kỹ lưỡng, sẽ hiểu
thêm thế giới “nhạc Trịnh”. Ca từ có màu sắc triết lý Phật giáo kiểu “tìm trong
vô thường, dưới chân cội nguồn” hoặc “bước tới hư vô, khoác áo chân như”, với
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một thái độ chọn lựa: “Một ngày sống tới, mỗi ngày
tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm. Đời sống thực sự không tiềm ẩn điều gì mới lạ.
Có lẽ vì thế, vì sự quen mặt mỗi lúc mỗi gần gũi, thắm thiết hơn, nên tôi càng
thấy yêu mến cuộc đời. Như đứa con ngoan không tuyệt tình nổi với rẫy sắn nương
khoai, nơi có bà mẹ suốt đời không sáng nổi một ngày trẫy hội”.
Thậm chí, sự thảng thốt “em năm xưa vui buồn chút phù
du” không phải “vì trái tim tội lỗi lưu vong” mà thoát ra từ chính quan niệm sống
của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin
sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng. Có nghĩa là tin vào chính mình. Tin vào cuộc
đời vốn không thể khác. Và như thế, tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng
của tên tuyệt vọng”.
Trong sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những ca
khúc được đặt tên theo một mô -típ giống nhau. Với chủ thể thẩm mỹ là “em” thì
ông có các ca khúc “Em đã cho tôi bầu trời”, “Em đến cùng mùa xuân”, “Em đến từ
nghìn xưa”, “Em đi trong chiều”, “Em hãy ngủ đi”, “Em còn nhớ hay em đã quên”,
“Em đi bỏ lại con đường”… Thế nhưng, “em” không hẳn cố định dành cho một người,
như ông viết: “Trong một giấc ngủ bồng bềnh không giờ giấc của mùa xuân, tôi thảng
thốt thấy bờ bến bỗng rã tan thành những cánh bèo mông lung vô định. Em không bến
và tôi không bờ. Em trôi đi và tôi cũng trôi đi. Em và tôi cùng là bến. Em và
tôi cùng là bờ. Chúng ta tan biến vào nhau thành một khối bến bờ không còn chia
lìa nữa”.
Tương tự, chữ “tình” cũng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
triển khai thành nhiều ca khúc “Tình sầu”, “Tình nhớ”, “Tình xa”, “Tình yêu tìm
thấy” hoặc “Tình xót xa vừa” mà ông tâm sự: “Tình yêu thường mang đến khổ đau đồng
thời tình yêu cũng mang đến hạnh phúc. Có một lá cờ bay trên hạnh phúc và có một
đóa quỳnh héo úa ngủ trong khổ đau. Cố gắng tránh đừng than thở. Thử thở dài một
mình và quên lãng. Ta không thể níu kéo một cái gì đã mất. Tình yêu khi muốn ra
đi thì không có một tiếng kèn nào đủ mài nhiệm để lôi về lại được. Tình yêu là
tình yêu. Trong nó đã sẵn có mầm sống và sự hủy diệt”.
Trong muôn màu “nhạc Trịnh” thì tình ca vẫn chiếm đa số.
Ông dùng ngôn từ êm ái nhất là “ru” để gửi gắm sự trìu mến “Ru em”, “Ru tình”,
“Ru đời đi nhé”, “Ru đời đã mất”, “Ru em từng ngón xuân hồng”… bởi ông chủ
trương: “Người ta có thể yêu nhau và ghét nhau, nhưng đừng hãm hại nhau. Tôi sợ
lắm những gì mang đến bất hạnh cho con người. Hãy cố gắng mang đến cho nhau những
giấc mơ, những giấc mơ làm nên hạnh phúc. Đi đâu, đến đâu cũng chỉ thấy những nụ
cười. Những nụ cười như đóa hoa hồng đứa bé cầm trên tay đi qua đường phố rực rỡ
một lòng yêu thương vô tận. Chúng ta hình như thừa bạo lực, nhưng lại thiếu
lòng nhân ái”.
Và cũng vì vậy, trong ca khúc Trịnh Công Sơn có những
“lời” thì thầm “Lời buồn thánh”, “Lời mẹ ru”, “Lời của dòng sông”, “Lời ở phố về”,
“Lời ru đêm”, “Lời thiên thu gọi”…
Giới mộ điệu vẫn luôn có những đồn đoán về chân dung
người tình của Trịnh Công Sơn. Và dù đó là vài mỹ nhân có thật như Dao Ánh,
Bích Khê, Vân Anh hay Michiko Yoshii thì kết quả vẫn là một hình ảnh Trịnh Công
Sơn bơ vơ. Ông không oán giận mà bao dung: “Càng yêu ta càng thấy: có tình yêu
thì khó mà mất tình yêu thì quá dễ. Hôm qua mới yêu nhau đấy, hôm nay đã mất rồi.
Mất sạch như người đi buôn mất hết vốn liếng. Cứ tự an ủi mình khi nghĩ rằng
mình đau khổ thì có một kẻ khác đang hạnh phúc. Và biết đâu cái thời gian mình
được yêu thì một người khác cũng đang đau khổ vô cùng. Nghĩ thế thì thấy cuộc đời
bỗng nhẹ nhàng hơn và cũng dễ tha thứ cho nhau. Sống mà giữ mãi trong lòng những
hờn oán thì cũng nặng nề”.
Đồng thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn an ủi bản thân bằng
sự cảm thông: “Tưởng rằng có thể quên dễ dàng một cuộc tình nhưng hóa ra chẳng
bao giờ quên được. Mượn cuộc tình này để xóa cuộc tình kia chỉ là một sự vá víu
cho tâm hồn. Những mảnh vá víu ấy chỉ đủ để làm phẳng lặng một bên ngoài mà
thôi. Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất
tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung”.
Ca khúc Trịnh Công Sơn man mác buồn, nhiều trắc ẩn và
lắm hoài nghi. Tuy nhiên, ông thú nhận: “Tôi không phải là kẻ nuôi dưỡng một thứ
đam mê buồn tẻ muốn khóc than cho số phận con người, nhưng qua ca khúc, tôi muốn
đánh lên những tiếng chuông mai, chuông chiều, mượn ánh nắng của trời đất để
soi tỏ cái số phận đó cho mỗi người có thể nhìn mình và nhìn người rõ hơn, chăm
chú hơn cho đến một lúc nào đó thì mọi sự tốt lành, thì tình yêu sẽ khiến chúng
ta thấy rằng con đường duy nhất đi đến với người khác trên mặt đất này không phải
là sự ác độc mà chính là một lòng nhân ái vô biên”. Cho nên, công chúng có được
những niềm run rẩy bất tận qua các ca khúc “Như cánh vạc bay”, “Như chim ưu phiền”,
“Như hòn bi xanh”, “Như một vết thương”, “Như tiếng thở dài”, “Như một lời chia
tay”…
Trước khi giã từ dương gian, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có
một số ca khúc viết đầu năm 2001 như “Đốm lửa hồng” hoặc “Hạt điều khăn điều”
nhưng chưa phổ biến rộng rãi. Việc xác định ca khúc cuối cùng của ông cũng
không quá quan trọng, bởi ông bộc bạch: “Tôi không hề có ý định viết bài hát cuối
cùng bởi vì tôi nghĩ rằng thời điểm cuối cùng là điều mà mình không thể nào bắt
gặp được. Nếu vì một lý do nào đó tôi buộc mình phải lên đường để viết những ý
nghĩ cuối cùng của mình trong một ca khúc, thì tôi tin rằng lúc đó tôi sẽ cố gắng
cởi trói mình khỏi mọi hệ lụy của đời để sống chứ không cần phải nói thêm một
điều gì nữa”.
Hành trình sáng tạo của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không
chỉ “Có những con đường”, “Có nghe đời nghiêng”, “Có một ngày như thế”, “Có một
dòng sông đã qua đời”… mà còn có những khoảnh khắc thúc giục tin yêu một cách đắm
đuối “Hãy cố như”, “Hãy cứ vui như mọi ngày”, “Hãy đi cùng nhau”, “Hãy khóc đi
em”, “Hãy nhìn lại”, “Hãy nói dùm tôi”, “Hãy yêu nhau đi”…
Và mỗi ca khúc, với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có một thông điệp khác: “Khi làm việc thiện, người ta không chờ kẻ xin. Người làm việc thiện chân chính là kẻ phải tự mình mang đến một cách tình nguyện để dâng hiến những của cải dù khiêm tốn hoặc tráng lệ cho đời, cho người. Và ngược lại, người chờ lòng từ thiện cũng không nên tự biến mình thành kẻ xin. Từ đó, cho và nhận đã trở thành một vấn đề khiến ta cần suy nghĩ. Người nhạc sĩ khi viết được một bài hát hay, đó là làm được một việc thiện”./.
LÊ THIẾU NHƠN