Ông viết như không biết đến tuổi già. Ông vẫn đi tìm “tiếng hồn” nhằm thỏa mãn “cơn đói tâm hồn” của riêng ông, để sống và viết, để đi và viết một cách say mê và thuyết phục.  

BÚT ĐANG CẦM, THƠ ĐANG XUỐNG CÂU...

(Đọc “Ngỗng trời kêu xa xứ” của Vũ Quần Phương, NXB Hội Nhà văn 2023) 

ĐẶNG HUY GIANG

Ở tuổi quá bát thập mấy nấc, nhà thơ Vũ Quần Phương công bố tập thơ “Ngỗng trời kêu xa xứ”, như để gửi gắm một thông điệp rất lạ, rất đáng để giải mã trong thơ. Ngay từ “ngỗng trời” - một bài thơ gợi ý cho việc đặt tên tập thơ, đã xuất hiện hai câu thơ như là sự mở đầu đáng lưu ý: “Con ngỗng trời di trú/ kêu tiếng hồn xa xứ”.

Tứ của bài thơ bắt đầu từ đây, từ hai câu thơ này, gói trọn trong hai câu thơ này. Một xuất phát không thể thay thế, không thể xác đáng hơn, không thể tuyệt vời hơn. Sự đáng lưu ý tập trung vào năm từ “kêu tiếng hồn xa xứ”. Chắc chắn, khi “tiếng hồn xa xứ” mà “kêu” qua “con ngỗng trời di trú”, thì rất dễ lay động, rung động lòng người cùng chung cảnh ngộ.

Từ một xuất phát như thế tất phải dẫn đến một kết cục gần như là một câu hỏi có phần ngậm ngùi, tiếc nuối chính bản thân mình:

“tiếng ngỗng vang trong màu mây năm trước

hay tiếng vọng

nơi lòng ta đã xa”.

Giữa ba câu đầu và ba câu cuối là sự liên hệ, kết nối đến thân phận con người, đến sự ngẫm ngợi của tuổi già: “Tuổi nhỏ lòng theo đi bao la/ tuổi già ngồi lặng phắc”, “Tiếng ngỗng trời trở lại hôm nay/ trời vẫn xanh ngăn ngắt/ chỉ ta thì bạc tóc”.

Cách nay đã lâu, nhà thơ Nguyễn Khuyến từng viết “Thu vịnh”. Ông lưu lại cho hậu thế hai câu thật hay, mang màu sắc của tâm trạng: “Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái/ Một tiếng trên không ngỗng nước nào?”. Cảnh vật thì vẫn vậy, thiên nhiên thì vẫn vậy, không khác gì năm ngoái. Chỉ có khác là tác giả bất chợt gặp tiếng ngỗng kêu. Rồi tác giả nghe “một tiếng trên không” và bật ra câu hỏi “ngỗng nước nào?”. Vậy là nhà thơ của chúng ta vẫn hướng ra ngoài mà hỏi.

Giữa Nguyễn Khuyến và con ngỗng, dầu sao vẫn là hai. Còn Vũ Quần Phương thì khác. Ông nhập vào “con ngỗng trời di trú”, hướng vào trong mà “kêu tiếng hồn xa xứ”. Giữa Vũ Quần Phương và con ngỗng, chỉ là một.

Sự ngẫm ngợi của tuổi già còn không ngừng được tiếp nối, không ngừng được biểu hiện qua nhiều bài thơ khác, theo những cách khác nhau. Có thể tạm thống kê: “Mỗi buổi sáng đời người/ muốn reo to lại muốn ngồi lặng im” (Gió xuân cao nguyên đá), “Mình trò chuyện với mình/ không tiếng” (Có ngôi sao dậy sớm), “Một trơ trọi mình và năm tháng” (Những mái nhà), “Tóc cũng êm ru mà bạc trên đầu” (Hải âu), “Mái tóc bạc có còn được bạc ở quê hương” (Xứ người), “Nước mắt mặn và chuyện đời cay đắng/ đã chín dần thành múi ngọt hương bay” (Cam canh Lục Ngạn).

Và đi sau câu: “Một trơ trọi mình và năm tháng” là những câu thơ tài tình, đầy phát hiện: “Năm tháng lớp nên nhà/ phiêu bạt hóa quê hương”. Và sự ngẫm ngợi của tuổi già như được bộc lộ hết chiều kích qua “Trên cao trăng lẻ”: “Đêm lạnh trăng cao/ Càng cao càng lạnh/ Càng lạnh càng ngân nga” và “vầng trăng lẻ/ bên trời/ sáng quắc/ hơi lạnh thấm vào không gian tê buốt/ một mình soi”.  Đó là sự trải nghiệm sâu sắc, có phần đặc hữu của tuổi già mà không phải bất kỳ người tuổi già nào cũng có được, ngộ ra được. Bất chợt nghĩ thế và viết ra như thế, hốt nhiên mà nghĩ thế và viết ra như thế! Ở đây, một mình có phần nặng đồng cân hơn cô đơn. Thiết tưởng cũng cần phân biệt: Một mình với cô đơn. Nói cách khác, không nên đánh đồng hoặc đồng nhất một mình với cô đơn. Trong khi người cô đơn vẫn cần một ai đó, thì người một mình thường không cần ai cả. Một người một mình là một người có bản lĩnh, luôn tự tin, tự chủ. Một mình luôn được đánh giá cao hơn cô đơn là vì thế, là bởi thế! Cho nên, có người coi thơ là chứng ngộ của tâm hồn của một mình, cũng là điều có thể chia sẻ được.

Bên cạnh “Ngỗng trời”, “Chè sen” là một tứ thơ lạ với: “Chỉ biết rằng hoa thác/ thì chè thành hương bay”. “Không đề” và “Hiện vật” cũng vậy. Nhưng “Không đề” và “Hiện vật” thành công nhờ sự thông minh và nhấn nháy ở nghĩa chữ. Còn khi đọc “Dấu bàn chân Phật”, người đọc không thể quên: “Mẹ đã vào tịch mịch/ dấu chân còn lầm than”.

Tương tự như thế, ta có thể tìm ra những câu thơ khác cũng thật đáng nhớ. Đó là “Chuông Thiền nghe lạnh ngắt/ người Thiền ngồi ngây ngô” ( Phật về đâu?), “Trong sương, Người tạo Chúa/ rồi người thành nhân gian” “Sớm mai sương phủ), “Ông bồng cháu trên tay/ tay ông thành xứ sở” (Lặng im ru cháu), “Sáng nay khói lả trên mái bếp/ xem chừng bịn rịn với hương đêm” (Gió xuân trên cao nguyên đá), “Mái đình thơm ngói thì tâm sự/ Với một nguồn hương xa, tít xa” (Mùa hoa bưởi), “Năm tháng là ý nghĩ của ta thôi/ chỉ giấc mơ là thực trong đời” (Chiều mưa ấy), “Giờ lượn xe êm giữa đỉnh trời/ nhìn lại con đường ứa nước mắt/ đất đá/ người ơi, xương máu ơi” (Mã Pì Lèng) ...

Riêng “Gió xuân cao nguyên đá” có thêm một liên tưởng lạ kiểu Vũ Quần Phương: “Ao chuôm nở giữa cao nguyên đá/ thì đá thành hoa súng hoa sen/ đồng tam giác mạch ôm vai núi/ thành giải khăn choàng trên áo em”.



Tôi đặc biệt nể và trọng Vũ Quần Phương qua “Chuyện với sinh phần”. Tứ thơ giản dị mà sâu sắc, tự nhiên mà khó viết và không phải ai cũng có thể viết được. Đây là gần như là lời trò chuyện với một ngôi mộ chờ của một đời người, ở cái “Nơi không nói/ chỉ nghe/ nghe không nghe/ chỉ biết/ đám mây bay soi lòng hồ ký ức” và một giả định gần như là tất yếu nếu diễn ra: “Nếu phải thế/ ừ thì cứ thế/ bút đang cầm, thơ đang xuống câu/ thì cứ xuống/ có gì phải vội”.

Bài thơ có một cái kết bất ngờ, không theo một trật tự nào, một logic nào, ngoài sức tưởng tượng, biến những điều phiền muộn thành không phiền muộn, âu lo thành không âu lo, như thể nhận thức sinh - lão - bệnh - tử là tất yếu và một khi nhận thức được tất yếu tức là tự do:

“Mây bay gió thổi...không lường được

thì ta là nền xanh trên cao

là cỏ đang tràn trề mặt đất

là nắng sớm đang vàng phơi ngọc dát”.

 Viết đến đây, tôi chợt nhớ lời dạy của Osho (1931-1990) nhà huyền môn, bậc thầy tâm linh người Ấn Độ: “Đừng nghĩ mình đang chờ chết. Hãy nghĩ mình đang sống và còn sống”. Đây là một cách nghĩ có ảnh hưởng tốt cho những ai sớm nghĩ về cái chết. Rõ ràng, đang sống và còn sống, tích cực hơn đang chờ chết.

Có lúc, Vũ Quần Phương gọi ra thân phận người, kể cả thân phận các quan đại thần thời Nguyễn qua “Dãy tượng đá trước lăng vua Khải Định”:

“Mà nghĩ cũng thương các đại thần ơi

thân vinh hiển chầu vua...thành đá cả

đá gương mặt, đá tấm lòng, nếp cờ bay cũng đá

một lần chầu kiếp kiếp phải khom lưng”

Có lúc, Vũ Quần Phương chỉ ra cái bi kịch hết thời và đáng thương na ná dạng “những người muôn năm cũ” đầy ẩn ý qua “Rạp tuồng”:

“Võng lọng vàng son mòn rách cả

Đường Thành, Ngõ Trạm lá me bay

Võ Tòng đả hổ thôi không diễn

tráng sĩ ngồi đan vỉ đập ruồi”.

 Có lúc, Vũ Quần Phương cảnh báo một thứ bệnh rất nặng, rất nguy hiểm, có tính xã hội cao qua “Bệnh”: “Bệnh mà không biết bệnh/ thì lây lan rất nhanh/ bệnh không áo bệnh nhân/ càng cần cứu gấp”. Tôi đọc bốn câu này và không khỏi giật mình.

Sinh thời, nhà thơ lớn họ Chế vốn là người nghiêm cẩn trong thơ, vậy mà có lúc ông cũng yếu lòng mà hạ bút: “Lòng ta không thể tham thiền được/ Mới thấy cô em đã muốn đời”. Cho nên, nếu Vũ Quần Phương viết những câu trong “Gió xuân cao nguyên đá” dưới đây, cũng là điều dễ hiểu: “Cô gái Dao Tiền lên dốc núi/ váy áo làm con suối xôn xao/ tôi mà như suối tôi ngừng chảy/ cỏ sớm ven đường xanh ước ao”.

Tính từ tuổi 71 (năm 2011) đến tuổi 83 (năm 2023), nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn đều đặn cho ra đời 5 tác phẩm thơ, văn và phê bình, trong đó có 3 tập thơ mới (“Chân trời sau chân trời”, “Phía ngoài kia là rừng”, “Ngỗng trời kêu xa xứ”). Điều đấy cho thấy Vũ Quần Phương vẫn trường sức, vẫn góc cạnh, vẫn mới mẻ trong thơ. Ông viết như không biết đến tuổi già. Ông vẫn đi tìm “tiếng hồn” nhằm thỏa mãn “cơn đói tâm hồn” của riêng ông, để sống và viết, để đi và viết một cách say mê và thuyết phục. Dường như với ông, lúc nào “bút” cũng “đang cầm” và “thơ” cũng “đang xuống câu”.