Vào dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/2024, Hữu Thỉnh cho công bố trường ca "Giao hưởng Điện Biên", trở lại với thể loại trường ca mà anh đã tròn đầy phong cách trong “Đường tới thành phố” năm 1978.


ĐIỆN BIÊN TRONG MỖI CON NGƯỜI

KHUẤT BÌNH NGUYÊN

Kể từ khi bài thơ đầu tiên “Về một khúc sông” in trên báo Văn Nghệ số 174 ngày 26/8/1966 đến nay còn hai năm nữa, Hữu Thỉnh đã có tròn 60 năm theo nghiệp bút nghiên thơ. Vào hồi cuối năm 2020, khi xuất bản tập thơ “Ghi chú sau mây”, hầu hết là những bài thơ ngắn, khi mà ở vào cái buổi anh đang khép cửa phòng văn nơi số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội để trở về nhà, thì tôi cứ nghĩ tới lúc anh chỉ chiêm nghiệm những dòng thơ ngắn mà thôi. Ở đó bâng khuâng một sự ngoảnh lại cuộc đời những năm tháng cũ nhạt nhòa mà thảnh thơi nơi Phú Vinh Thôn: “Người đi ngoảnh lại hồi chuông vọng, Tre trúc ăn chay tiếng sáo diều”.

Vậy mà đánh đùng một cái. Vào dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/2024, Hữu Thỉnh cho công bố trường ca "Giao hưởng Điện Biên", trở lại với thể loại trường ca mà anh đã tròn đầy phong cách trong “Đường tới thành phố” năm 1978. Khi đọc Ghi chú sau mây  tôi cứ nghĩ anh đã rời xa con đường dẫn tới thành phố dài hàng thế kỷ ấy!

Trong lời tác giả viết ngày 20/3/2024, Hữu Thỉnh tỏ ra lo lắng với tinh thần trách nhiệm công dân của một nhà thơ rằng ở trường ca này có đem đến cái gì mới hay không và những vấn đề thách thức đặt ra khi viết về một trận đánh có tầm vóc lớn trong lịch sử đã được Việt Nam và thế giới kể đi kể lại đến mức quen thuộc như thế. Tôi muốn chia sẻ cùng anh điều thách thức này.

Thú thật là trước khi mở bản “Giao hưởng Điện Biên”, tôi tự nghĩ, hông biết anh sẽ bắt đầu từ đâu và kết thúc thế nào? Thách thức nào lớn nhất của một trường ca sử thi là gì với một thi sỹ đang ở tuổi ngoại bát tuần? Mặc dầu vậy, cái tất yếu đã kêu gọi và đẩy anh đi tới. Như chúng ta đã biết. Người Việt Nam vốn thích nói ngắn. Không thích nói dài. Ít nhất là trong thi ca. Vậy mà không dưới hai lần, người Việt đã không thể không nói dài được nữa.

Lần thứ nhất. Vào thế kỷ 18. Sau bao nhiêu năm chiến tranh nồi da nấu thịt. Đất nước điêu linh mới tạm yên hàn. Truyện nôm và khúc ngâm, vốn có từ thế kỷ 17, đã đồng loạt vọng lên tiếng kêu đau đớn và ước nguyện nhân nghĩa thắng bạo tàn, cái thiện thắng cái ác. Khát vọng thiết tha về tình yêu hạnh phúc, thường là của những người đàn bà trong vật vã cô đơn và thường kết thúc có hậu.

Lần thứ hai. Vào nửa sau thế kỷ 20. Sau những cuộc chiến đấu dài khốc liệt giành và giữ nền độc lập, dân tộc Việt Nam rũ bùn đứng dậy đã tạo nên không gian lịch sử bi tráng cho các trường ca sử thi.

Dù đã bước vào những năm 20 của thế kỷ 21, Hữu Thỉnh viết “Giao hưởng Điện Biên” vẫn là được dồn tới bởi sự tất yếu của thế kỷ trước thôi thúc.

Giao hưởng Điện Biên, có 21 chương, cùng 5 phần bình luận xen kẽ. Với 2299 câu thơ. Đúng hơn là dòng thơ. Được khởi bút ngày 7/5/2023 và hoàn thành vào ngày 20/3/2024. Tức là đúng 333 ngày. 333 ngày với 2299 dòng thơ. Đó là một sự lao động nghệ thuật tận lực. Chưa kể đến thời gian chìm chuẩn bị tư liệu và gây men niềm cảm hứng.

Nhìn lại khoảng thời gian trên dưới 50 năm, nhất là sau 1975 đến 2015 có tới 164 trường ca của 102 tác giả. Chưa kể 30 truyện thơ và hàng trăm bài thơ trường thiên khác thì “Giao hưởng Điện Biên” có dung lượng khá lớn. “Từ đêm 19” của Khương Hữu Dụng viết năm 1948 có 672 dòng thơ. “Những người trên cửa biển” của Văn Cao viết năm 1956 có 531 dòng thơ. “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm viết năm 1974 có 1379 dòng thơ. “Trường ca sư đoàn” của Nguyễn Đức Mậu viết năm 1980 có 1847 dòng thơ. “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh viết năm 1978 có 1713 dòng thơ.

Trong số 30 bài thơ viết về Điện Biên hay nhất cũng chưa có tác phẩm nào có dung lượng và tầm bao quát như “Giao hưởng Điện Biên”. Với 2299 dòng thơ về trận đánh Điện Biên Phủ, Hữu Thỉnh mở đầu bằng chương “Người ra trận đầu tiên” kể về Bác Hồ đi chiến dịch biên giới 1950 đến chương 21, thuật lại trận đánh cuối cùng ở Điện Biên, đã nói được phần nào trách nhiệm của người nghệ sỹ với thời cuộc để vượt qua những thách thức lớn khi phải xử lý những sự thực lịch sử mang tầm vóc sử thi.

Xét về thi pháp của trường ca sử thi có hai vấn đề lớn.

Một là phải giải quyết quan hệ giữa tự sự và cảm xúc, tức là giữa kể chuyện chân thực một câu chuyện đồ sộ, hàng nghìn nhân vật lịch sử có thật, đồng thời lại phải kết hợp được những rung cảm của cảm xúc thẩm mỹ, thấy được chiều sâu của tâm hồn người Việt Nam trong sự lắng đọng kỳ diệu giữa khói bom đạn lửa. Nếu chỉ kể sử không thôi thì người viết sử có thể làm đầy đủ hơn. Chỗ đứng của nhà thơ khác với nhà sử học ở chỗ đó. Về vấn đề này, Hữu Thỉnh đã dụng công dựng lên đầy đủ và khá chi tiết bức tranh của chiến trường Điện Biên. Có nhiều chi tiết lý thú. Đồng thời Giao hưởng Điện Biên, sản phẩm của một thi sỹ có những khoảng lặng cảm xúc thật đáng quý.

Một cảnh thu trên núi rừng Việt Bắc nghe được tiếng heo may luồn trong gối: “Ta bước vào thu đông năm thứ 8/ Lá rụng dày thêm nỗi nhớ nhà/ Heo may se sẽ luồn trong gối/ Ta nhìn Việt Bắc ngắm mây xa”.

Một cảnh đượm nghĩa tình quân dân. Vội là thế, gian nan là thế mà vẫn nhờ người tìm hộ chiếc khăn Piêu: “Ta lên với nghĩa tình Tây Bắc/ Tre nứa thêm thương những bản nghèo/ Tuýp xôi dúi vội hơi còn ấm/ Nhờ ai tìm hộ chiếc khăn Piêu”.

Một cảnh Mường Phăng rừng xa cổ thụ, nơi đặt bộ chỉ huy chiến dịch như một xóm nhỏ yên bình thấp thoáng mấy nếp nhà tranh: “Mường Phăng chẳng có gì khác biệt/ Rừng già cổ thụ tiếng chim rơi/ Núi đứng xây thành mây lãng đãng/ Thấp thoáng sau cây mấy nếp nhà.

Một cảnh đào chiến hào giữa lòng chảo Điện Biên, chỉ nhận ra đồng đội qua đôi mắt: “Cuốc suốt đêm vang, tiếng cuốc/ Như trái tim ta đập bộn bề/ Nhìn nhau chỉ nhận ra đôi mắt/ Nụ cười rạng rỡ - lá thư quê”.

Cảm xúc hạnh phúc nghẹn ngào của người lính khi chiến trường im tiếng súng. Người lính tả tơi lửa đạn, ta nghe được tiếng anh gọi đầu tiên: “Ta muốn lên đỉnh núi nào cao nhất/ Gọi thật to hai tiếng “mẹ ơi”/ Năm mươi sáu ngày đêm lửa máu/ Hôm nay ta giành lại nụ cười”.

Thật là những đoạn thơ giàu cảm xúc. Tuy nhiên phải nói rằng do chịu sức nén quá lớn của một trận đánh vĩ đại với hàng nghìn nhân vật, sự kiện có thật phải phản ánh, nhiều khi phải xô theo những sự kiện bề bộn nên những dòng thơ trữ tình giàu cảm xúc này còn là ít trong “Giao hưởng Điện Biên”.

Thách thức lớn thứ hai, có lẽ là lớn nhất, là việc xây dựng nhân vật anh hùng làm tâm điểm trong trường ca sử thi. Ở đây có vấn đề quan niệm thi pháp về xây dựng nhân vật sử thi. Hữu Thỉnh với quan niệm Điện Biên trong mỗi con người và trân trọng tất cả những ai đã có mặt ở trận đánh lịch sử này, không bỏ sót một ai.

Bởi thế, Hữu Thỉnh đã huy động tất cả các cá nhân và binh chủng hợp thành vào bản trường ca này. Từ lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh; các tướng lĩnh Võ Nguyên Giáp, Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Hữu An… các chiến sỹ anh hùng có tên và không tên Trần Can, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện… Anh hùng quân giới Trần Đại Nghĩa; những dân công vận tải và cứu thương… Các văn nghệ sỹ: Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Chính Hữu, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tuân… cùng với tên tác phẩm của họ về Điện Biên như “Hò kéo pháo”, “Hành quân xa”, “Kết nạp Đảng ở Điện Biện”… Cả những tên tướng giặc Na va, Cô Nhi, Đờ Cát…

Đáng chú ý có bốn chương giành cho những nhân vật đời thường có khi không có cả tên cả họ. Chương 13 viết về “Người đóng cối xay bên đường 41”. Chương 16 “Làng phản chiến bên bờ sông Nậm Rốm” kể chuyện cô Lò Thị Trinh, vợ bé của Đèo Văn Lang tận tình cứu chữa thương binh Pháp. Chương 17 “Bí mật đồi A1” kể về người đi gom thuốc bom của Pháp để làm bộc phá và xung phong giật nụ xòe. Chương 19 “Gặp gỡ giữa rừng” kể chuyện nữ sinh trường Trưng Vương làm cứu thương thì gặp anh ruột chỉ huy đánh đồn D1 bị thương nặng… Đây là những bức tranh đặc tả sinh động và có lẽ là những chương viết thành công của trường ca này.

Điều mong muốn của tôi là trường ca sử thi giành thêm sự chú ý khắc họa một vài nhân vật trung tâm để làm rõ ràng hơn tầm vóc của chiến thắng và bản lĩnh của người Việt Nam ta thông qua những chi tiết sinh động đời thường. Có lẽ là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Hai con người không phải viết hoa mà viết thường giống như Lep Tonxtoi đã làm với Cutudop của nước Nga trong Chiến tranh và hào bình, đã suy nghĩ điều gì khi vào trận đánh cam go và sinh tử này, nung nấu gì về mục đích của cuộc chiến. Tấm lòng nhân ái và bao dung với kẻ bại trận…

 Những lúc thời gian như bom phá ép vào chiến hào đại tướng Võ tổng còn cuốn lá quanh đầu vì lo lắng và nghĩ suy điều gì khi thay đổi thời điểm tấn công, đánh nhanh hay là đánh chắc… Những buổi chiều Hồ Chí Minh thường ra giữa khoảng rừng thưa Việt Bắc ngồi một mình yên lặng suy nghĩ nhiều giờ… Hai người lính ấy – Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, tiêu biểu cho cốt cách, dũng khí, tâm hồn Việt Nam. Họ sống ra sao trong những ngày tháng đó. Họ xứng đáng là những anh hùng của sử thi Điện Biên…

Hữu Thỉnh có thừa bản lĩnh để hiểu rõ điều đó khi anh giành hẳn chương 10 nói về thư Bác  và cả ở đoạn mở đầu khi Bác Hồ đi chiến dịch biên giới 1950. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được xuất hiện nhiều lần trong Giao hưởng Điện Biên. Họ là linh hồn của trận đánh. Quan niệm Điện Biên ở trong mỗi con người có lẽ đã bao hàm cả điều đó và nhân dân Việt Nam đã làm nên lịch sử.

“Điện Biên trong mỗi con người” là câu kết của trường ca. Tôi nghĩ đó cũng là tư tưởng nghệ thuật và điều nhắn gửi của tác giả với tất cả chúng ta. Điều tôi muốn tâm sự ở đây là trường ca sử thi thường có bi có tráng. “Giao hưởng Điện Biên có nhiều tráng hơn bi”. Khi lên đồi A1, chỉ có một đoạn chiến hào dài độ chừng 50m đã có hơn 300 người lính của chúng ta hy sinh khi đào đoạn đường sinh tử đó. Họ là ai? Có lẽ lịch sử còn chưa biết hết? Và rất nhiều người khác nữa. Ở những nơi khác nữa. Cuộc chiến đấu của người Việt Nam qua các trận đánh không biết mất đến bao nhiêu người? Những chiến thắng vinh quang nhờ những hy sinh vô cùng đau đớn.

Khi vào Bảo tàng Điện Biên ở đoạn cuối có một bảng ghi tên các dũng tướng và sỹ quan. Điều đó thật xứng đáng. Và tôi xin được thêm một dòng nữa vào cái bảng vàng ấy: Người lính vô danh bất tử. Phải chăng Hữu Thỉnh cũng đã đau đáu điều này trong bản trường ca 2299 câu?