Nhà báo Trần Mai Hạnh đột ngột qua đời đêm 2/4 tại TP.HCM, khi vừa kết thúc chuyến đi xuyên Việt để thăm lại những nơi ông từng là nhân chứng lịch sử.


 

Nhà báo Trần Mai Hạnh là một trong số ít phóng viên Việt Nam có mặt tại Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975. Bài tường thuật của nhà báo Trần Mai Hạnh có tên gọi “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” truyền về Thông tấn xã Giải Phóng và được phát sóng trong chương trình thời sự đặc biệt ngày 1/5/1975 trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đồng thời, bài tường thuật của nhà báo Trần Mai Hạnh cũng được đăng trang trọng trên báo Nhân Dân số ra ngày 2/5/1975 với tựa đề được đổi thành “Tiến vào Phủ Tổng thống Ngụy”.

Với tư cách một nhân chứng lịch sử, ngay sau ngày non sông liền một dải, nhà báo Trần Mai Hạnh đã viết hai cuốn sách “Sụp đổ và tự thú” và “Ngày tận thế”. Tuy nhiên, với độ lùi năm tháng, Trần Mai Hạnh có thêm nhiều suy nghiệm sâu sắc hơn và ông quyết định viết tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” xuất bản năm 2014.

Gần chục năm nghiền ngẫm và chấp bút “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, nhà báo Trần Mai Hạnh tâm niệm: “Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời nó cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai”.

“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” chia làm 19 chương khá mạch lạc. Không gian tác phẩm bắt đầu từ Noel năm 1974 và kết thúc bằng sự an bài dành cho những tướng lĩnh và chính khách Việt Nam Cộng Hòa cũng như sự bẽ bàng của những người Mỹ từng nhúng tay can thiệp vào chiến tranh Việt Nam!

Tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo Trần Mai Hạnh đã được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học các nước Đông Nam Á. Đến nay, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia như Lào, Cuba, Tây Ban Nha, Mỹ…

Cuộc đời nhà báo Trần Mai Hạnh như ông tự thú “không chỉ có vinh quang mà còn có không ít đắng cay, kể cả tai nạn nghề nghiệp và những hệ lụy”. Ông từng đảm nhận các cương vị Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam rồi vướng vào vụ án Năm Cam mà phải chịu nhục nhằn.

Thành đạt ở cả văn chương và báo chí, nhà báo Trần Mai Hạnh bày tỏ: “Với tôi, sự yên bình dễ tìm thấy trong sáng tạo văn chương hơn là trong hoạt động báo chí. Do vậy, nỗi niềm thân phận con người muốn gửi gắm cũng phải cậy nhờ đến ngôi đền văn chương thôi. Mặc dầu vậy, tôi vẫn rất yêu nghề báo, rất biết ơn sự cảm thông và ủng hộ của báo chí đối với mình. Tôi yêu nghề báo, vì nghề báo gắn với sự kiện. Nhà báo là người ghi chép lịch sử. Nhà báo không ký tên vào lịch sử, nhưng họ đã để lại tên tuổi của mình trong lịch sử chiến công của người khác”.

Trên hành trình cầm bút, Trần Mai Hạnh còn có được một gia đình đồng lòng cộng hưởng, với vợ là nhà thơ Bùi Kim Anh, các con Trần Mai Anh và Trần Mai Linh đều theo nghề báo. Bản lĩnh của Trần Mai Hạnh là ông không vì trắc trở ân tình hoặc bội bạc nhân gian, mà nguội lạnh tin yêu hoặc thay đổi thái độ với con đường mình đã dấn thân: “Tôi có quan niệm, lịch sử là tự nó diễn ra. Lịch sử là sự thật. Không phải anh thắng thì nói thế nào cũng được, mà anh thua thì muốn nói thế nào cũng được. Nếu có tranh cãi nhau, cũng phải tranh cãi bằng sự thật!”.

Giữa tháng 3/2024, nhà báo Trần Mai Hạnh cùng em trai – nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) thực hiện một chuyến đi xuyên Việt để thăm lại những địa danh gắn liền với năm tháng thanh xuân băng qua bom đạn, như ông đã viết trong cuốn sách “Thời tôi sống” quyết liệt: “Chiến tranh là một cuộc thử thách nghiêm khắc và toàn diện đối với mỗi dân tộc và mỗi một con người. Trong chiến tranh, hơn lúc nào hết, con người được giao phó đến cao độ vận mạng của chính mình, và xử trí ra sao, cái đó hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi người”.

Theo kế hoạch của nhà báo Trần Mai Hạnh, ông sẽ dành nhiều thời gian để nhìn ngắm những cánh rừng miền Đông Nam bộ và những dòng sông miền Tây Nam bộ từng che chở và cưu mang mình. Đáng tiếc, vừa đến TP.HCM chiều 2/4 thì ông bị đột quỵ và vĩnh biệt dương gian ở tuổi 81.

Nhà báo Trần Mai Hạnh đã sống và viết tư cách một nhân chứng lịch sử đích thực. Trang viết giống như một mật khẩu của ông với cuộc đời, trang viết cũng giống như một mật khẩu của cuộc đời đối với ông.

Ngay cả ở giai đoạn thất thế và lẫm lũi, ông cũng không rời bỏ cây bút bằng một thái độ tích cực: “Với tôi, cuộc đời thật vô cùng và nó vẫn luôn ở phía trước. Không ai gặp toàn những điều may mắn. Con người rốt cuộc phải vươn lên trong cuộc đời này giữa tổng hoà những điều may mắn và không may mắn, kể cả những oan trái, tai hoạ để cất bước. Cái gì cũng có giá của nó cả”.

                                                LÊ THIẾU NHƠN