Nhân chứng thời khắc lịch sử thống nhất đất nước vào trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, sau 49 năm đã xuất bản cuốn tự truyện mang tên ‘Sống đến bình minh’.
Nhân chứng thời khắc lịch sử được giới truyền thông biết
đến rất nhiều là nhà báo Trần Mai Hạnh. May mắn được làm nhân chứng thời khắc lịch
sử của dân tộc anh hùng, nhà báo Trần Mai Hạnh khi ấy là phóng viên Thông tấn
xã Việt Nam có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 đã viết bài tường thuật “Thành
phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”.
Ở giai đoạn kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng trọn
vẹn non sông, nhân chứng thời khắc lịch sử Trần Mai Hạnh tròn 32 tuổi. Vinh hạnh
ấy đã theo ông suốt những năm tháng thành đạt sau này với vị trí Tổng Thư ký Hội
Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Thậm chí, vinh hạnh ấy
cũng trở thành điểm tựa cho ông lúc nguy nan: “Khi vướng vòng lao lý do tai nạn
nghề nghiệp, chính thời khắc huy hoàng trưa 30/4/1975 được chứng kiến và viết
bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử tại Dinh Độc Lập đã giúp tôi bình
tâm lại, giúp tôi đứng vững với niềm tin không gì lay chuyển với lý tưởng cao đẹp
của người cộng sản mà mình đã chọn lựa”.
Nhân chứng thời khắc lịch sử Trần Mai Hạnh không chỉ
là một nhà báo nổi tiếng. Ông còn là tác giả của những cuốn sách “Nắng Thu Bồn”,
“Tình yêu và án tử hình”, “Lời tựa một tình yêu”, “Sụp đổ và tự thú”, “Ngày tận
thế”, “Thời tôi sống”… Đặc biệt, ông có cuốn tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến
tranh 1-2-3-4.75” được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 và được dịch
ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Nhà báo Trần Mai Hạnh đột ngột qua đời chiều 2/4/2024
tại TP.HCM, khi ông đang thực hiện chuyến đi xuyên Việt thăm lại những địa chỉ
khói lửa mà ông từng gắn bó. Nghĩa là, ông không được chứng kiến cuốn tự truyện
“Sống đến bình minh” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật đưa đến tay độc
giả vào cuối tháng 4/2024.
Cuốn tự truyện “Sống đến bình minh” của Trần Mai Hạnh
có độ dày 700 trang, chia làm 7 phần, gồm “Chàng trai tỉnh lẻ”, “Đi qua cái chết”,
“Chiến tranh và hòa bình”, “Thời bao cấp giữa bao vây cấm vận”, “Những năm đầu
đổi mới báo chí”, “Vòng xoáy” và “Sống đến bình minh”.
Trong lời cuối sách, nhân chứng thời khắc lịch sử Trần
Mai Hạnh chia sẻ: “Đã có lúc tôi nghĩ không thể hoàn thành cuốn tự truyện này.
Khi bắt đầu viết phần cuối thì vợ và con gái thứ hai của tôi cùng lúc phải cấp
cứu trong tình trạng sự sống rất mong manh. Vợ tôi bị thoát dương hơn sáu tiếng,
may tới bệnh viện kịp nên cứu được, nhưng từ đó yếu hẳn, phải di chuyển bằng xe
lăn, lúc nào cũng phải có người thân ở cạnh. Con gái thứ hai của tôi, cháu Trần
Hiền Anh bị ung thư giai đoạn cuối, sau 18 năm chiến đấu với căn bệnh K quái ác
đã ra đi mặc dầu được các bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện quân đội 103 tận
tình cứu chữa suốt hai tháng trời.
Tôi phải tạm gác cuốn tự truyện lại. Cú sốc tinh thần
quá nặng, cuộc sống gia đình đảo lộn khiến tôi không sao tĩnh tâm tiếp tục những
trang viết của minh. Thế rồi, hình ảnh những ngày cuối cùng của con gái yêu
quí, tài hoa và nghị lực trên giường bệnh hiện ra khiến tôi bừng tỉnh. Không
nói được vì phải mở khí quản để thở máy, cháu viết ra giấy hỏi tôi: “Sách bố viết
xong chưa?”. Nghe tôi nói chỉ còn phần cuối, gương mặt cháu sáng lên. “Con
thích tên sách của bố: Sống đến bình minh”. Đấy là những dòng chữ cuối cùng của
cháu còn lưu lại.
Cháu cố giành giật từng giây cuối cùng của sự sống, và
ra đi khi máy thở và các thiết bị cấp cứu vẫn hoạt động nhưng cơ thể không còn
tiếp thu được nữa. Cháu như một vì sao hiện diện trong cuộc sống gia đình tôi
suốt 47 năm qua. Vì sao đó đã tắt, nhưng ánh sáng nó gửi lại vẫn thao thức
trong tâm trí tôi, nhắc nhở tôi sự sống trong từng phút giây quí giá tới nhường
nào. Tận dụng thời gian sống hữu ích nhất đối với tôi lúc này, đó là phải hoàn
thành bằng được cuốn tự truyện”.
Nhà báo Trần Mai Hạnh dự định, sau chuyến đi xuyên Việt
thăm lại chiến trường xưa, ông sẽ bắt tay viết tiếp cuốn hồi ký “Ngày ấy hôm
nay”. Thế nhưng, kế hoạch của ông đành dang dở, khi một cơn đột quỵ quái ác đã
khép lại cuộc đời ông ở tuổi 81.
TUY HÒA