Tham luận của nhà văn Văn Chinh viết cho cuộc Hội thảo
giữa hai Hội Nhà văn Việt Nam và Trung Quốc dự kiến tổ chức tháng 11/ 2023, với
chủ đề "Viết trong những thay đổi của thế giới". Do vài lý do khách
quan, Hội thảo đã được lùi lại. Nguyên văn in trên Viết & Đọc mùa Xuân
2024.
SỨ MỆNH CỦA NHÀ VĂN TRƯỚC NHÂN TÍNH VÀ TỰ DO, DÂN CHỦ
VĂN CHINH
Tôi có lần nói, tiểu thuyết là đứa con ngoài giá thú của
nhà quý tộc sa sút với bà góa thị dân suồng sã, nó toát lên từ đời sống thật của
Tào Tuyết Cần giữa một xã hội thị dân từ lễ giáo phong kiến ngả dần sang tiền
tích lũy tư bản. Nhưng tác giả Hồng Lâu Mộng không ngoái lại tiếc nuối thời
vàng son dĩ vãng, ông hướng tới tư tưởng thời đại: Đó là tinh thần dân chủ,
tinh thần phê phán những giáo điều cổ hủ đã thành cặp nhiễm sắc thể thứ 25 của
con người Á Đông nói chung. Đạo diễn Vương Phù Lâm sử dụng bài ca về khát vọng
tự do yêu đương và tràn đầy nhân tính của Vương Lập Bình để kết thúc phim Hồng
Lâu Mộng là họ thấu hiểu tiểu thuyết và đã truyền ám ảnh của mình tới người
xem. Chi tiết Lâm Đại Ngọc cùng Giả Bảo Ngọc chôn hoa ngời ngợi nhân tính trong
một xã hội mà quy củ ước thúc cũ như phiến đá nén dưa tinh thần con người và
nhân thể bóp nghẹt mầm nhân tính còn non dại. Tôi thích cái tên ban đầu hơn,
“Thạch đầu ký” (石頭記)
vì nó chứa cái cốt lõi nhiều hơn.
Muộn hơn Tào Tuyết Cần chừng một thế kỷ, Harriet
Beecher Stowe ở bờ kia Thái Bình Dương xuất bản “Túp lều bác Tôm” năm 1851. Sử
gia nổi tiếng Mỹ hiện đại, ông Franck L. Schonell đã viết trong“Lịch sử Hoa Kỳ”:
“Độc giả cảm thấy tính xác thực trong những cảnh tả chân về cuộc đời chua xót của
nô lệ tại những đồn điền miền Nam, cảm thấy là những ông chủ bạo tàn kinh khủng
mà tác giả mô tả là có thật. Còn Tổng thống Abraham Lincoln gọi nữ sĩ Harriet
Beecher Stowe là "quý bà nhỏ bé châm ngòi cho cuộc chiến vĩ đại".
Năm 1945, Nhật phát xít thất trận, cái nước Nhật cổ điển
của Kawabata đã chết và ông khóc than rồi thở dài trong “Tiếng rền của núi”. Mượn
lời sấm dân gian, nước Nhật sẽ có biến khi núi Phú Sĩ phát ra tiếng rền từ lòng
đất, Kawabata lại mượn thêm đôi tai dị thường, có khả năng nghe được mọi âm
thanh mơ hồ dù là nhỏ nhất của ông lão Ogata Shingo để kết nối mọi cung bậc uể
oải, day dứt, xói mòn nhân tính trong tình thế bi thảm của dân tộc; ông muốn nhắn
nhủ các nhà văn phải nghe được mọi cảnh báo mơ hồ nhất mọi cung bậc thăng trầm
của dân tộc, nhà văn phải nghe thấy khi mọi điềm triệu còn mơ hồ như có như
không để dự báo nguy hiểm cho đồng loại một cách chính xác. Đồng thời, “Tiếng rền
của núi” cũng như “Xứ tuyết” và “Ngàn cánh hạc” Kawabata muốn nhắn nhủ đồng loại:
Hãy bắt đầu lại, không phải bằng các bước chân kiêu ngạo để tiếp tục một nước
Nhật phát triển đến khủng hoảng rồi phát xít hóa; mà hãy bắt đầu tiếp tục cái
nước Nhật cổ điển bị đứt gẫy.
Thi hào Nguyễn Du là người đồng thời với văn hào Tào
Tuyết Cần, cũng đều là con em trong một danh gia vọng tộc nhưng cả hai đều hướng
tới chủ nghĩa nhân bản vừa manh nha. Các nhân vật của họ đều tự do yêu đương,
khác hẳn với những giáo lý mà họ được dạy, với gia huấn phai theo; suốt đời Kiều
còn tôn thờ chữ Trinh dành cho Kim Trọng như Nguyễn Du thờ tư tưởng nghệ thuật
của riêng mình. Đó là hướng đến “thập loại chúng sinh”, lo cái đói nghèo yếu thế
của họ, thương nỗi đau của họ, xót xa những phận người dưới đáy:
Trong trường dạ tối tăm trời đất
Có khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Nhưng không chỉ có thế, Nguyễn Du còn có chính kiến
riêng về một quan niệm sai lầm khi độc quyền chân lý; ở đây là quan niệm “chân
lý thuộc về kẻ mạnh” phổ biến ở nhiều ngôn ngữ hay nôm na như người Việt nói:
“Vai đeo túi bạc kề kề/ Nói phách nói lối cứ nghe rầm rầm.” Các suy đoán rất
khác nhau giữa Khuất Nguyên, Tống Ngọc và Nguyễn Du về quan niệm: “Đời đục mà
ta trong.” Khuất Nguyên có lý do để viết câu nổi tiếng ấy. Ông thờ vua Sở, tận
trung, liêm khiết. Nhưng Sở vương tin nghe bọn Thượng Quan tham lam vô sỉ.
Trên đường đi đày, Khuất Nguyên đã tự vẫn trên sông Mịch
La. Tống Ngọc bạn ông đã làm bài từ “Chiêu hồn” nổi tiếng, đại ý hồn đừng về tứ
di man địch: “Hồn chớ lạc về đấy.” Chớ về phương Đông, nơi có 10 mặt trời thiếu
cháy hồn mất. Chớ về phương Bắc, nơi cúi băng sông tuyết lạnh lẽo. Chớ về
phương Tây, nơi con kiến to như con voi, con ong to như cái bầu. Chớ về phương
Nam, nơi cúng tế toàn thịt người, xương băm làm mắm ruốc Chỉ có Yên Dĩnh nước Sở
là đáng sống nhất. Tư tưởng “dĩ ngã vi trung” không phải của Tống Ngọc, nó,
trùng khít với Khuất Nguyên, “đời đục mà ta trong”; Tống Ngọc chỉ phát ngôn nó
và vừa chiêu hồn bạn vừa ngợi ca vua Sở. Chiêu hồn vang vọng suốt 2000 năm, được
các nhà thơ Đường Tống ngâm ngợi, tán thưởng. Chỉ có Nguyễn Du viết bài“Phản
chiêu hồn”:
Hậu thế nhân gian giai Thượng Quan
Đại địa xứ xứ giai Mịch La
Xin nhớ rằng, viết như thế là khi quân phạm thượng – một
tội chết vào thời của ông. Vua Tự Đức đọc “Truyện Kiều” đến câu Dọc ngang nào
biết trên đầu có ai, đã nói nếu tác giả còn sống thì nọc ra đánh 50 trượng vì
câu thơ tung hoành này. Viết câu đời sau ai cũng là Thượng Quan, mặt đất đâu
cũng là sông Mịch La [nghĩa là Sở vương thời nào cũng có, mà Sở cương có thì
Thượng Quan cũng có và Mịch La ở đâu cũng sẵn] Nguyễn Du đã bộc lộ một tư tưởng
lớn của người Việt. Đến Truyện Kiều, Nguyễn Du sẽ trở lại:
Chàng rằng khéo nói nên lời,
Mà trong lẽ phải có người có ta.
Đây là một tư tưởng lớn và độc đáo của đương thời. Giữa
người với người, nó giúp cả hai hiểu nhau, tôn trọng nhau hơn; trong gia đình,
nó khiến hòa thuận, hạnh phúc, đặc biệt nó giúp mọi thành viên nam phụ lão ấu
được tôn trọng phát triển cá tính nhân cách. Sang thế kỷ XXI, thời đại hội nhập
nó trở thành một nguyên lý cho hợp tác quốc tế, cho hòa bình và trở thành nền tảng
của hữu nghị bền vững.
Chúng ta vừa trở lại với các giá trị cổ điển của bốn
nhà văn lớn Trung Quốc, Nhật, Mỹ và Việt Nam. Quốc tịch của họ khác nhau, hoàn
cảnh xuất thân cũng như sở học sở kiến khác nhau nhưng tư duy và văn hóa của họ
đều thuộc về nhân loại. Họ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh nhà văn trước khát vọng
tự do, dân chủ để hoàn thiện nhân cách người không biên giới. Đó là cơ sở của
minh triết văn chương là công cụ tình yêu của xã hội; là chìa khóa vạn năng, là
lẽ bất biến để ứng phó với thiên vạn biến mà thế giới đang diễn ra.
*
* *
Cuộc cách mang tháng Tám của Việt Nam thành công gọn
gàng, trên nét lớn là không đổ máu. Về sau, Chính phủ cụ Hồ còn đoàn kết được mọi
giai cấp, tôn giáo, các nhóm chính kiến kể cả các quan đại thần nhà Nguyễn là
nhờ ở khát vọng độc lập, cộng hòa, dân chủ và tự do được đánh thức sâu sắc,
toàn dân tộc. Đó là sự nghiệp lớn của đất nước chúng tôi, của Đảng Cộng sản Việt
Nam nhưng giác ngộ là một quá trình; trong đó đóng góp của các nhà văn là đáng
kể. Họ gồm các nhà thơ Mới, nhóm Tự lực Văn đoàn; nhóm hiện thực phê phán; nhóm
văn học yêu nước và Cách mạng. Văn học đã làm tơi mềm tâm thức người người lớp
lớp, khi Cách mạng gieo những hạt giống đỏ, chúng rất nhanh thành cây, thành rừng.
Khát vọng tự do lớn trong quá trình Cách mạng, Kháng
chiến bảo vệ độc lập lại nảy nở những hạt mầm của thi pháp thơ Tự do không vần
do nhà văn Cách mạng Nguyễn Đình Thi chủ xướng. Suýt nữa, chúng tôi đã có cuộc
cách mạng thi ca liền ngay cuộc cách mạng thi ca vĩ đại lần thứ nhất ở thập
niên 1930. Thật tiếc, kháng chiến với vô cùng gian nan và với những đòi hỏi
nghiêm khắc của nó, nên cuộc cách mạng thi pháp lẽ ra gói gọn trong những năm
1940 – 50 đã phải tiến hành suốt từ bấy đến nay. Vâng, đồng hành với dân tộc, với
đồng bào là nét căn bản, xuyên suốt và bền bỉ nhất của các nhà văn Việt Nam.
Xin kể hai chuyện để chứng minh:
1, Người Việt, kể cả nhóm tinh hoa trong thập loại
chúng sinh rất thích bói Kiều. Họ coi ông là đấng siêu nhiên, ít ra cũng phải
La Hán, Bồ Tát. Khi bói, họ gạt mọi tạp niệm, dọn dẹp tâm tư đến chí thành rồi
khấn niệm rằng: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy Tiên Thúy Kiều…con xin
[số dòng, từ trên xuống hay dưới lên] nam mô a di đà Phật.” Nó cho thấy, vào
lúc bấn loạn tâm, lúc gặp gian nan bất trắc, thập loại chúng sinh nghĩ đến nhà
văn.
2, Phiên khai mạc Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV,
tháng 12 năm 1989; Chánh văn phòng Hội, nhà văn Xuân Thiều trình trước Đại hội
hàng mấy kilogam đơn từ, kiến nghị của người dân, xin Hội Nhà văn xử lý hoặc đệ
đạt lên các cơ quan cấp trên. Lòng tin cậy các nhà văn của thập loại chúng sinh
là tuyệt đối, nó nằm ngoài mọi cơ sở lý lẽ.
Ngược lại, các nhà văn Việt Nam xứng đáng được nhận niềm
tin hồn nhiên ấy.
Nếu gọi Đổi mới [1986] là Cải cách mở cửa [1978] như
Trung Quốc thì tiếng gõ cửa đầu tiên và dai dẳng nhất là các nhà văn. Chùm truyện
ngắn Khách ở quê ra, Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam, Phiên chợ Giát của Nguyễn
Minh Châu; các tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu; Thời gian của người, Gặp gỡ
cuối năm của Nguyễn Khải; Mùa lá rụng trong vườn, Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng;
Đứng trước biển, Cù lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn…chính là những tiếng gõ vào
cánh cửa tự do dân chủ. Thân phận con người lần đầu sau 40 năm được bày ra dưới
“cái nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật”, được đón nhận. Thân phận của
các nhân vật như là nạn nhân của các giáo lý cứng nhắc, hẹp hòi, duy ý chí; của
các phương thức sản xuất nóng vội, ấu trĩ khiến những người bảo thủ nhất, dù
không thích nhưng vẫn phải thừa nhận. Kinh tế đổi mới, văn học “cởi trói”đã giải
phóng nguồn năng lượng bị dồn nén bí bích lâu ngày và chỉ sau 18 tháng, Việt
Nam từ một nước nhập khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm, đã xuất khẩu 1,5 triệu tấn
vào năm 1988. Cũng tại thời điểm này, các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị
Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Lập đã cùng hàng chục đồng nghiệp khác làm xao
xuyến văn đàn, làm nức lòng công chúng bạn đọc. Văn đàn đi vào chiều sâu hơn, vững
chắc hơn sau đó với Những ngày thường đã cháy lên (Xuân Cang) Nhìn dưới mặt trời
(Nguyễn Kiên). Chim én bay (Nguyễn Trí Huân) Đi về nơi hoang dã (Nhật Tuấn) Nỗi
buồn chiến tranh (Bảo Ninh) Bến không chồng (Dương Hướng) Mảnh đất lắm người
nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường) Người đưa đường thọt chân (Bùi Việt Sỹ)…Chúng tôi
tự hào về họ, như bạn đọc Trung Quốc tự hào về Mạc Ngôn, Lý Nhuệ, Giả Bình Ao
và mới đây là Diêm Liên Khoa.
Được chuẩn bị kỹ hơn, do đó mà lùi lại sau một nhịp,
hàng loạt các nhà thơ trẻ xuất hiện cùng với thi pháp thơ khác trước, ngồn ngộn
sức sống và biên độ rộng mở: Y Phương, Dương Thuấn, Irasara, Dương Kiều Minh,
Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Đặng Huy Giang, Trần Quang
Đạo, Trần Quang Quý, Trần Anh Thái… Họ hừng hực khí thế, có thể họ không có được
thi đàn huyên náo, rầm rộ của công chúng như thời thơ Mới 1932 – 1942; nhưng tổng
nội lực của họ là khó nói hơn thua. Họ kế thừa ý thức cách tân thi pháp của thơ
Mới nhưng khước từ làm cái đuôi lộng lẫy của nó.
Khi Đổi mới, chúng ta mới vỡ lẽ ra rằng, bên cạnh cuộc
suy thoái kinh tế mà mọi người tưởng như không còn gì đáng kể/ đáng lo lắng hơn
lại phải đối mặt với vấn nạn suy thoái văn hóa và xói mòn nhân tính. Đây là kiểu
nhân tính xói mòn do ngâm lâu trong bệnh thành tích, dối dả; do túng đói tích tụ
quá lâu mà thành:
Chúng ta bị cái chết gạt về một phía
Bị cái hư danh gạt về một phía
Phải vượt mấy trùng khơi mới bắt gặp nụ cười
Vừa bắt gặp nụ cười
Thì lại nghe tiếng cuốc. [Nghe tiếng cuốc kêu, Hữu Thỉnh]
Mọi khái niệm thiêng liêng, mọi tình nghĩa tưởng như bền
chặt. Nhưng:
Cơn lốc đen đánh úp lá bàng
Tôi cảm thấy mùa thu đang mất máu
Còn một chút hoa dong riềng cuối dậu
Sợ một chiều sương muối đến mang đi [Trường ca Biển, Hữu
Thỉnh]
Hữu Thỉnh có cả chùm thơ hay về nhân tính trong cơn
bão: Hỏi, Cây đổ về nơi không có vết rìu, Buổi sáng thức dậy… Nhưng các nhà thơ
thế hệ sau Hữu Thỉnh thì tiên cảm thấy đằng sau tai họa xói mòn nhân tính còn một
ẩn họa kép; chúng lừ lừ như cơn bão, càng vào sâu thị trường, càng trở nên một
hiểm họa thách thức sống còn. Cái thân thể nhân tính đang gày mòn, yếu nhược
kia bị sức mạnh của đồng tiền, của các đổi thay giá trị quật cho tơi tả, làm
sao để nó khả dĩ gánh vác được sự nghiệp dân chủ, tự do?
Thời gian rạn và không gian vỡ
Cả hai cùng nín thở
Thoắt thực thoắt hư thoắt có thoắt không
Em xoay xở làm sao mà hoa trắng nhị vàng [Trước sen, Đặng
Huy Giang]
Nguyễn Quang Thiều đi cùng, hàng cuối với thập loại
chúng sinh để nhận ra một thua cuộc nhức nhối, bất công và cả bất nghĩa nữa:
Họ lặng lẽ đi như đội quân thất trận
Cán dậm chúi xuống mặt đường… những nòng súng hết đạn
Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng dậm
như cờ ngày việc làng rã đám
Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh những tấm huân chương
[Trên đại lộ]
Xin hãy đọc bài Câu hỏi cuối ngày, để nhớ câu triết
gia Nga Vladimir Soloviev [1853 – 1900] đã nói, với một số cộng đồng, tự do
nghĩa là tự do chết đói; ở đây là bất hạnh trong thị trường:
Các cô gái buôn chuyến đang nghoẹo đầu ngủ
Tóc tai áo quần sặc mùi cá khô
Giấc mơ sẽ thế nào trong giấc ngủ thế kia?
Và tôi lại nhói lên câu hỏi
Rằng nếu tôi lấy họ
Tôi sẽ ngủ với họ thế nào
Vâng, những đổi thay đang làm các giá trị đột ngột
thay đổi, nhưng cũng làm cho các nhà văn kịp đi cùng đổi thay bằng cái bất biến
là tự do kịp lớn lên cùng sự vật thời thế. Đổi mới là thước đo, là thách thức đối
với các nhà văn, cấp đai đẳng cho những ai đứng vào dân chủ, nhân dân và gạt những
nhà văn còn lại gạt sang thị trường - danh lợi.
Nhưng đổi thay đến độ bắn tên lửa hành trình vào hòa
bình của nhân loại thì lại đặt các nhà văn trước một thách thức mới. Oái oăm
thay, cả Nga lẫn Ukraine lại đều là bạn của Việt Nam; có nói không và nói sao
khi bạn bè hành xử sai trái? Nhưng với riêng cái ác thì không thể không nói vì
im lặng ở đây là đồng lõa. Nhà thơ Nguyễn Đình Minh đã cất lời nghiêm khắc:
Văn hóa của nghìn năm chỉ sau một đêm
Biến thành miền hoang phế
Sau tiếng gầm của con thú chiến tranh
[…] Âm thầm tiếng niềm tin sụp đổ
Máu ròng ròng
Trên nhãn mác văn minh. [Thời thiếu lửa thừa bom]
Thơ còn phải chỉ ra những định kiến hẹp hòi là một
trong các nguyên nhân dẫn đến cái ác. Cây sồi gần 200 năm tuổi của văn hào Nga
Ivan Turgenev bị cấm tham dự cuộc thi “Cây của năm” ở châu Âu và Liên đoàn mèo
quốc tế cấm mèo nuôi ở Nga được đăng ký trong sổ phả hệ của tổ chức này. Trong
bài Cuộc chiến thời văn minh, Nguyễn Đình Minh viết:
Thêm cả chú mèo và cây sồi làm đích ngắm
Dưới những tòa tháp vùng kinh đô ánh sáng
Biết ai tủi hổ bẽ bàng?
Câu thơ hay gợi nhớ những câu thơ hay khác. Trong trường
ca Khúc hát người anh hùng (1973) Trần Đăng Khoa mô tả vết hằn bàn tay của đồn
Coóc tát cụ Đình:
Mắt bỗng thoáng cái gì như là làn bụi
Hai má dần hằn nổi
Những ngón tay dài và thon
Vết những ngón tay tụ lại tím bầm
Hình dạng giống bản đồ nước Pháp
Người Pháp, nước Pháp có “tủi hổ bẽ bàng” chăng trước hành vi sỉ nhục mình của chính những đứa con, như Coóc năm xưa, như cái hội nhân danh tôn vinh cây xanh, tôn vinh mèo kia lại đi bắt nạt đến cả cây cả mèo? Tôi không biết, nhưng tôi chắc những câu thơ ấy xứng đáng có mặt trong túi khôn nhân loại, như các câu thơ của bậc tiền bối Nguyễn Du vừa dẫn ở đầu bài.