Họa sĩ Vũ Trung tổ chức triển lãm 20 tác phẩm mới bằng chất liệu sơn mài, với tên gọi ‘Cái chạm nhẹ’ khai mạc chiều 5/4 tại Annam Gallery TPHCM.
Họa sĩ Vũ Trung không phải tên tuổi mới
trong giới sáng tác sơn mài. Cách đây 6 năm, họa sĩ Vũ Trung từng có triển lãm
cá nhân “Sơn mài là sơn mài” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Điểm thú vị trong
sơn mài của họa sĩ Vũ Trung mà không phải đợi đến triển lãm “Cái chạm nhẹ” bây
giờ công chúng mới nhận ra, đó là không “vàng son”.
Từ khi ngồi trên giảng đường đại học mỹ
thuật, anh đã chọn không sử dụng vàng quỳ, nền son đỏ và vỏ trứng. Tuy nhiên,
có một cơ may là theo thời gian, nguyên liệu màu khoáng cho sơn mài theo lối
truyền thống ngày càng phong phú, tạo điều kiện cho mọi họa sĩ chủ động hơn
trong việc thể nghiệm bảng màu của riêng mình.
Trong quá trình học hỏi và thực hành nghệ
thuật, họa sĩ Vũ Trung cũng đã nhiều lần thử thoát ra khỏi hấp lực của sơn mài
cũng như thử thoát khỏi những thách thức đến khó chịu của nó dành cho cá nhân
anh (hoặc đây là điều mà anh tự tưởng tượng) trong việc đi qua giới hạn của sự
quen thuộc, chán nản.
Họa sĩ Vũ Trung từng thực hành nghệ thuật
sắp đặt, vẽ tranh sơn dầu, đôi lúc không làm gì theo kiểu mặc kệ bản thân và
sơn mài một thời gian. Nhưng cuối cùng, sơn mài vẫn là nơi duy nhất khiến anh cảm
thấy bình tâm khi đi cùng. Sự bình tâm ấy đã phần nào được thể hiện trong từng
nét, từng điểm màu trên tranh của anh, tạo nên những khoảng lặng thi vị trước mắt
mỗi người xem.
Làm được một thứ gì khác với chính mình của
trước đó, phải là một nhu cầu nội tại của người sáng tạo. Điều này đối với họa
sĩ Vũ Trung trở nên rõ ràng hơn kể từ sau chuyến tham quan và trải nghiệm ba
tháng tại Trường Mỹ thuật Quốc gia Pháp ở thủ đô Paris (the Ecole nationale des
Beaux Arts in Paris), nhờ giải Nhất cuộc thi sáng tác mỹ thuật Ánh mắt trẻ
(Jeunes Regards), do Tổng lãnh sự Pháp tại TP Hồ Chí Minh và Hội Mỹ thuật Việt
Nam phối hợp tổ chức, năm 2005.
Chuyến đi đó giúp anh nhận ra, có những
thành tựu nghệ thuật sơn mài mà khi ở trong nước, chúng ta thấy thật cao vợi
nhưng khi đi ra với thế giới quá rộng lớn của nghệ thuật, những cao vợi ấy dường
như chưa lưu dấu gì đáng kể.
Chính vì thế, điều duy nhất mà họa sĩ Vũ
Trung có thể làm là quay trở lại thế giới nội tâm mênh mông trong chính mình để
tiếp tục khám phá và bày tỏ những điều thu lượm được thông qua nghệ thuật, để mỗi
lần khám phá là một lần thấy những mới mẻ, thay đổi của chính mình, và cũng là
thay đổi trong sáng tạo của mình. Vậy là anh yên tâm với chính mình, các chuyện
khác nếu đến thì đều là chuyện bên ngoài mình, không thể tự quyết hay tự huyễn
hoặc.
Nhìn thoáng qua “Cái chạm nhẹ”, sơn mài của
họa sĩ Vũ Trung không phải là nơi trình hiện những đổi thay ngoạn mục, hiển lộ
trước mắt. Có chăng là thay đổi về khuôn khổ của tấm vóc, từ vuông vức sang
tròn, hoặc gấp góc. Những thay đổi này cũng là từ chính anh với mong muốn thử
thách khả năng quán xuyến trường không gian khác do ảo ảnh tạo nên từ hình tròn
của tấm vóc, như rộng dài và sâu thẳm hơn đến vô tận, khác với vuông vức, góc cạnh
của vóc chữ nhật hay hình vuông, gợi sự hữu hạn. Từ đây, nhịp điệu của màu và
nét cũng được chuyển hóa, khoáng hoạt và bay bổng hơn.
Sơn mài của họa sĩ Vũ Trung có nhiều sắc độ
của hai màu xanh dương, xanh lục, đặc biệt là xanh dương. Màu xanh này lúc như
một bảng nền, lúc như một sự điểm trang trên bề mặt loang lổ ghi xám. Sử dụng kỹ
thuật sơn mài hoàn toàn theo lối truyền thống, nhưng Vũ Trung phá hết mảng và
hình, để sự pha hòa tự nhiên, giữa sơn ta và các lớp màu chồng lấp nhau, rồi dần
được hiển lộ nhờ nét mài, tạo nên những không gian ngoài mọi dữ liệu.
Từ đó, những phông cảnh gợi nhắc khoảnh khắc
trong tự nhiên ở đâu đó hiện ra trước mắt người xem, có thể là rừng cây, bóng
nước, vạt cỏ và hoa dại, cũng có thể chỉ là ảo ảnh hòa trộn thật và mơ khiến ta
thấy quen mà lạ. Nhìn kỹ hơn vào từng điểm màu, người xem sẽ không khó để nhận
ra phía sau đó là những điểm màu khác, gợi nét khác, khuyến khích trí tưởng tượng
của mỗi người để tự mở ra những vùng không ảnh mới.
Không diễn giải hay kể tả, mỗi bức sơn mài
“Cái chạm nhẹ” của họa sĩ Vũ Trung như là phân mảnh từ một hiện thực huyền ảo
mà họa sĩ muốn thể hiện, ở đó chứa đựng nguồn năng lượng thẩm mỹ chờ người xem
tiếp nhận, cộng hưởng và cùng tạo nên những huyền ảo khác.
NNVN