Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, người mang đến cho khán giả nhiều bộ phim đáng nhớ về nông thôn Việt, vừa qua đời ở tuổi 77 vào trưa 22/5 tại Hà Nội.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là người đã dàn dựng những bộ phim truyền hình dài tập gây ấn tượng mạnh mẽ về nông thôn Việt như “Đất và người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”… Tâm đắc sáng tạo của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được ông lý giải: “Nông thôn là một trong những nơi tập trung nhiều nhất mâu thuẫn về gia đình, dòng họ, đất đai, quyền lực… Nếu tìm hiểu nó và khai thác đúng về những hiện trạng nông thôn thì chúng ta sẽ có một dòng phim phục vụ đến gần 70% dân số ở nông thôn, đồng thời phản ảnh được tâm trạng và suy nghĩ của họ”.
Tác phẩm về nông thôn của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khá
gai góc những tạo xúc động cho người xem. Bởi lẽ, ông quan niệm: “Tôi tin rằng
mọi sự phản ánh, dù có đụng chạm đến những vấn đề xã hội phức tạp nhưng với
tinh thần xây dựng và với cách nói thẳng thắn thì khán giả, người dân, nhà quản
lý sẽ nhận ra ngay. Những bộ phim tôi đã làm cũng chưa có ai yêu cầu phải cắt bỏ
chỗ này chỗ khác bao giờ. Hơn thế nữa, khi phản ánh những nhân vật tiêu cực tôi
thường có cách giải quyết riêng của mình từ góc độ nhân quả và ý nghĩa tâm linh
chứ không phải dùng đến sự trả thù hoặc xét xử theo luật pháp”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là con út trong gia đình có 7
người con. Ông quê gốc Hưng Yên nhưng sinh ra ở Hà Nội. Người cha mất khi Nguyễn
Hữu Phần mới 3 tuổi, nên ông sớm phải làm lụng để phụ giúp người mẹ gieo neo.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, ông có nhiều năm làm
giáo viên dạy văn. Tuy nhiên, dần dần ông nhận ra đam mê của mình lại nằm ở trường
quay. Sau mấy năm đảm nhận vai trò thư ký cho các đạo diễn đàn anh, Nguyễn Hữu
Phần khi vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội khóa 1979-1983 và bắt đầu
theo đuổi sự nghiệp điện ảnh.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là người đầu tiên làm phim về
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc nhân vật huyền thoại này còn trên dương gian. Bộ
phim “Em còn nhớ hay em đã quên” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần ra mắt năm 1990, được
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bài phát biểu cảm tưởng hào hứng ngay ngày khởi chiếu.
Dù có không ít bộ phim về các đề tài khác như “Chiến
binh tiền kiếp”, “Bản tình ca trong đêm”, “Giọt lệ Hạ Long”… nhưng đạo diễn
Nguyễn Hữu Phần dành nhiều sự quan tâm nhất cho những bộ phim về nông thôn. Nhiều
số phận khuất lấp vùng sâu vùng xa được ông đưa lên màn ảnh với góc nhìn ân cần
như “Mảnh đời của Huệ”, “Người trên núi”, “Ảo vọng xe hơi”, “Đảo chắn sóng”…
Từ khi nghỉ hưu ở Trung tâm sản xuất phim crua Đài
truyền hình Việt Nam, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chọn cuộc sống lặng lẽ bên người
bạn đời trong căn nhà nhỏ trên phố Hàng Đào, Hà Nội. Tuy nhiên, ông vẫn dõi
theo nhịp điệu phát triển của nghệ thuật thứ bảy nước nhà, và có những ý kiến đóng
góp tâm huyết.
Trước sự túng túng và hụt hẫng của dòng phim lịch sử, đạo
diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng: “Những nhà làm phim của chúng ta lười nhác.
Chúng ta lười tư duy, lười sáng tạo. Chúng ta đã quen phản ánh lịch sử theo một
định đề cho trước. Các nhà làm phim Việt Nam đã quen đi theo một lối mòn dễ
dãi, dựa dẫm vào những tài liệu đã có để lên kịch bản. Phim lịch sử muốn hay,
muốn hấp dẫn, thu hút người xem, cần những nhà làm phim có cách làm mới, độc
đáo, lạ, và biết biểu đạt những cái lạ, độc đáo, sáng tạo lên màn ảnh. Sự sáng
tạo, độc đáo chỉ đến từ tài năng, nhưng tài năng lại là thứ mà chúng ta thiếu
nhất. Luôn thiếu, từ xưa đến nay”.
Nghĩ về nghề làm phim của chính mình trong bối cảnh
chung của điện ảnh hôm nay, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần suy tư: “Bản thân tôi nhìn
lại thì thấy những cái đó không có gì đáng kể cả, nhất là với điện ảnh thì sức
sống của nó ngắn lắm, không dài đâu. Bây giờ thấy rõ vô cùng là phim điện ảnh
chỉ sống một tuần, xong là không còn ai biết đến, kể cả với phim đình đám. Ngày
xưa phim sống qua năm này năm khác, vì không có gì để xem nên cứ phải xem đi
xem lại. Cho nên cứ nói ngày xưa tôi vĩ đại lắm là đang sống trong ảo tưởng. Ví
dụ như vấn đề về nông thôn tôi làm không có gì là phát hiện mới cả. Cái khác là
khi làm phim, tôi luôn có vài tính cách đặc biệt trong phim”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được trao tặng Giải thưởng Nhà
nước năm 2012 và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần có một người con trai nối
nghiệp là đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng từng có bộ phim “5S online” rất được giới
trẻ yêu thích.
NNVN