Thế giới sách trở thành cảm hứng sáng tác để họa sĩ Bùi Chát có được triển lãm mang tên ‘Những hiện diện vô hình’ tổ chức tại J Artspace, TP.HCM.
Thế giới sách luôn đem đến cho con người nhiều sự khám
phá. Tuy nhiên, khi thế giới sách nằm ngoài sự quan tâm thường xuyên thì không
gian chứa đầy sách lại gợi lên nhiều suy tư. Họa sĩ Bùi Chát đã chìm đắm vào thế
giới sách và bày tỏ góc nhìn cá nhân qua triển lãm “Những hiện diện vô
hình”
Họa sĩ Bùi Chát bày tỏ: “Sách vừa là vật liệu, vừa là
chất liệu, vừa là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật của tôi. Là một người gắn
bó với sách hơn 20 năm, ăn ngủ với sách, tôi hiểu những niềm vui và nỗi buồn của
sách. Những lúc khó khăn tưởng như có thể buông xuôi, sách lại là nguồn động
viên và thường có mặt kịp thời trước những ý định dại dột.
Sách bên tôi. Vô hình. Như những quý nhân không lộ diện.
Tôi luôn trân trọng và biết ơn những hiện diện vô hình! Vì vậy, đây là một triển
lãm nhằm ghi dấu kỉ niệm với sách”
Triển lãm “Những hiện diện vô hình” trưng bày tổng cộng
13 tác phẩm. Trong đó, gồm 12 bức tranh chất liệu tổng hợp (mixed media
painting) với sách là thành phần chính, và một tác phẩm sắp đặt (installation
art).
12 bức tranh chất liệu tổng hợp với chủ thể thẩm mỹ là
sách, họa sĩ Bùi Chát khơi gợi cho công chúng những ý nghĩ miên man về sách.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng, sách ở đây, vừa là vật liệu, vừa là chất
liệu, vừa là nguồn cảm hứng. Vật liệu để tạo hình, chất liệu để thể hiện các cảm
nhận về sách. Và tất cả nhằm biểu hiện các cảm xúc trữ tình thế sự và siêu hình
nơi chính anh về văn hoá đọc, về môi trường văn hoá xã hội nói chung...
Sách ở đây, không quan trọng là sách gì, có nội dung
ra làm sao. Đó đơn giản chỉ là sách. Những cuốn sách được họa sĩ Bùi Chát lấy
ra từ kho sách nhà mình. Trong đó, có những cuốn sách còn mới tinh, có những cuốn
sách cũ nát, có những cuốn sách bị xé rách, có những cuốn sách bị ngập nước
cong vênh, có những cuốn sách bị mối mọt ăn lỗ chỗ... Sự khác nhau này, trước hết,
là sự khác nhau ở bề mặt vật liệu tạo thành những tình huống khác nhau trong
hình thức tạo thành tác phẩm. Nhưng quan trọng hơn, đó còn là những chỉ hiệu
khác nhau, biến sách thành chất liệu cấu thành một ‘trạng thái hiện hữu’ của
tác phẩm, mở ra nhiều liên tưởng, suy tưởng khác nhau nơi người xem.
Tác phẩm sắp đặt bao gồm một kệ sách bằng gỗ và hàng
trăm cuốn sách. Sách được đặt ngay ngắn trên kệ, kệ thì được đặt ngay ngắn ở một
góc tường. Toàn bộ tác phẩm sắp đặt (bao gồm tất cả sách và kệ gỗ) đều được sơn
màu trắng. Tất cả sách trên kệ đều không còn tên, không ai có thể biết hàng
trăm cuốn sách trên kệ là những sách gì, thậm chí có thể không biết đó là những
cuốn sách...
Khi nhìn vào tác phẩm, mọi người chỉ nhìn thấy một cái
kệ, một vật trang trí rất đẹp mắt nhưng nó dường như vô hình. Những cuốn sách
màu trắng dường như bị chìm lẫn vào màu trắng của của kệ gỗ, cái kệ thì dường
như bị chìm lẫn vào màu trắng của tường và không gian trắng của phòng triển
lãm. Tất cả tạo nên một hiệu ứng mơ hồ và khó xác định.
Họa sĩ Bùi Chát không nói gì về ý nghĩa của tác phẩm,
nhưng người xem dù sao vẫn có thể nhận thấy rằng: Sách, nếu chỉ để trên kệ và
chỉ để trưng bày như vật trang trí thì những cuốn sách này không còn là sách,
không còn hiện hữu đúng như chính nó. Nói dễ hiểu là những cuốn sách đã không
được sống một cuộc đời như nó muốn, và sự hiện diện của nó ở bất kì nơi nào
cũng đều là vô hình, đều là không bản sắc và không bao giờ được người ta biết
hoặc quan tâm đến.
Giới chuyên môn đánh giá tác phẩm sắp đặt đáng chú ý
nhất” trong triển lãm “Những hiện diện vô hình”, vì thể hiện cái nhìn thông
minh với những suy tư sâu sắc của họa sĩ Bùi Chát về sách. Đó không còn là một
thế giới sự vật, đồ vật mà người ta có thể trưng bày hay đốt bỏ. Đó là một thế
giới ẩn dụ của những ý nghĩa và giá trị.
Cái kệ sách được phủ toàn bộ bằng màu trắng này, là một
sự “hiện diện vô hình” buộc người xem phải nghiền ngẫm về cái nội hàm văn hoá
và tư tưởng ẩn sâu trong thế giới sách.
NNVN