Ở Tô Thi Vân vừa có sự chất phác giản dị của một lão
nông đồng thời lại có nét của một nhà nho. Điều đó được thể hiện ở phong thái,
lời nói, ở sự thâm trầm và sâu sắc, ông quan sát cuộc đời, thế thời đang diễn
ra quanh mình.
LÃO NÔNG THI SĨ
TRẦN VŨ LONG
Nhà thơ Tô Thi Vân sinh năm 1948, tên thật là Tạ Văn
Thiệu. Ông làm thơ từ khi còn thanh niên nhưng lại xuất hiện trên văn đàn khá
muộn, đó là nửa đầu thập niên 90 của thế kỉ trước. Đến năm 1995 ông nhận được
giải khuyến khích trong cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ, từ đó ông chuyển
công tác từ Nhà máy Cơ khí Nông nghiệp về Hội Văn nghệ tỉnh Hà Tây, làm biên tập
thơ cho Tạp chí Tản Viên Sơn cho đến lúc nghỉ hưu.
Ở Tô Thi Vân vừa có sự chất phác giản dị của một lão
nông đồng thời lại có nét của một nhà nho. Điều đó được thể hiện ở phong thái,
lời nói, ở sự thâm trầm và sâu sắc, ông quan sát cuộc đời, thế thời đang diễn
ra quanh mình, nhưng không để dính chấp, mà an trú trong chính con người mình một
cách thanh thản nhất, để từ đó làm nên một giọng thơ riêng.
Với tôi, Tô Thi Vân thực sự vừa là thi sĩ vừa là một
lão nông dân đáng yêu và đáng kính cả về nhân cách và tài năng. Một lão nông
thi sĩ chứ không phải chỉ biết làm thơ. Người làm thơ thì nhiều, làm thơ hay
cũng có thể nhiều, nhưng là một thi sĩ chắc không có nhiều. Một thi sĩ mà chẳng
cần màng, chẳng cần biết mình là thi sĩ. Vì trong ông không có tâm sở đắc. Ông
sống nhi nhiên đến hồn hậu, như trẻ thơ, như cỏ cây hoa dại ven sông Đáy quê
nhà.
Tô Thi Vân cứ lặng lẽ sống như vậy nên ông cũng viết
như vậy. Dễ mà khó. Không màu mè. Không diễn từ. Không phù thủy chữ nghĩa như
bao bạn bè đồng nghiệp. Bởi như thế ông mới thực là ông. Đó mới là giá trị ông
cần. Thiết nghĩ, cũng là giá trị nhân sinh này nên có. Ngay từ buổi đầu đọc thơ
Tô Thi Vân tôi đã bị cuốn hút. Tôi như được thoát xác khỏi thực tại với rất nhiều
sở cầu xâm chiếm. Những câu thơ của Tô Thi Vân kéo tôi về với bản thể của mình,
của nhân sinh, của tự nhiên bao la, của những yêu thương và khát vọng.
Ngôn ngữ thơ của Tô Thi Vân mộc mạc trong sáng. Hình ảnh
trong thơ của Tô Thi Vân đẹp một cách dân dã mà đầy trí huệ, bởi trong đó chứa
đựng yêu thương. Vẫn biết, cái sự “yêu thương” ai cũng có thể nói, có thể viết,
có thể diễn, nhưng không thể lừa dối được bằng chữ nghĩa, bởi anh có thể lừa được
vạn người nhưng không thể lừa được một người. Chữ nghĩa của Tô Thi Vân đã đạt
như thị, nhưng không bị cũ, thậm chí là mới. Mà đã như thị thì mới mà như
không.
Lẽ thường người cầm bút hay có tham vọng lập ngôn,
mong tìm kiếm cho được cái danh gì đó, kiếm tìm sự nể trọng tung hô từ bên
ngoài, nhưng Tô Thi Vân không có mong cầu ấy. Bởi khi anh khởi điều đó thì
không còn là ngôn và danh đó nữa, vì đã sở cầu dính chấp. Tô Thi Vân quay vào
bên trong nội tâm, nương tựa vào chính mình, sống thực với con người mình trong
từng thời khắc, để có được sự bình an bền vững. Thuở xưa đức Như Lai đã từng
nói: “Nếu hành giả hiện tiền còn phần nào chấp mình có chứng duy thức, thì chưa
phải thật chứng duy thức, vì còn vọng chấp có sở đắc”.
Trước khi đến thăm Tô Thi Vân ở làng Tê Quả, tôi đã có
những hình dung về một làng quê Bắc Bộ thật đẹp, thật bình yên mà ông nói đến
trong thơ. Tô Thi Vân viết về cha mẹ, về vợ con, về những người nông dân làng
ông, viết về cảnh làng quê bình dị đã gắn bó cuộc đời ông, nuôi dưỡng tâm hồn
ông, bằng một giọng thơ trong sáng, giàu hình ảnh, như dẫn dắt người đọc bước
vào đời sống đó, cảnh vật đó một cách tự nhiên nhất. Với tôi, có lẽ Tô Thi Vân
là một trong số ít nhà thơ đương đại viết về làng quê một cách nhi nhiên hay và
cuốn hút đến vậy.
Hãy thử đọc Tô thi Vân viết về cha mình:
Cha ơi!
Con châm đóm rồi
Con mời cha hút
Mong cha đừng quá say
Điếu thuốc lào đầu tiên trong ngày
Cha thả khói con cay cay mắt
…..
Cha ơi!
Đóm trên tay con cuộn cháy
Mặc ngoài đời gió lay
(Buổi sớm)
Hình ảnh người con châm đóm cho cha hút thuốc lào rất
đỗi thân quen, đời thường, nhưng đã vẽ lên một đời sống nông thôn, một gia
phong nề nếp, đầy lễ nghĩa, yêu thương. Và cao trào của bài thơ được đẩy lên đến
cùng ở những câu thơ cuối “Cha ơi/ Đóm trên tay con cuộn cháy? Mặc ngoài đời
gió lay”. Đầy chất thơ, đầy triết học, và làm đậm nét thêm về hiếu nghĩa của
người con đối với cha, khiến người đọc không khỏi thổn thức, xúc động. Cho dù
thế cuộc có đổi thay, cuộc đời lắm nhiễu nhương, đời sống gặp nhiều sóng gió
thì đạo hiếu, gia phong, tình cảm gia đình, nếp nhà vẫn phải giữ. Đọc đến đây
chúng ta phải ngả mũ bái phục trước một thi ảnh đẹp, giản dị, thâm sâu và tài
hoa đến thế.
Còn đây, khi Tô Thi Vân viết về mẹ:
Mẹ ngồi chõng tre nhìn theo chiều
Bóng mẹ trùm lên chiếc bị cói và hộp kim chỉ
Trong tay mẹ chiếc áo vá dở
Trong tay mẹ cái kim nắng vàng
…….
Mẹ ơi!
Chiếc bị đựng mụn vá và hộp kim chỉ bao năm rồi bên Mẹ
Những tấm áo, những mảnh đời cháu con nhói đau lòng Mẹ
Những đứa cháu ríu rít đòi xâu kim
Chiều lắng nghe
Dường như chiều quên…
(Chiều bên mẹ)
Vẫn là những chữ nghĩa, thi ảnh giản dị chân thật đến
tận gan ruột mà ấm áp, đầy yêu thương của con cháu dành cho mẹ, cho bà và tấm
lòng thơm thảo, đức hy sinh của người bà, người mẹ dành cho con cháu. Và, một lần
nữa sự tài tình của Tô Thi Vân lại được thể hiện ở những câu thơ cuối bài. Đây
là một chủ ý nghệ thuật rất rõ của Tô Thi Vân, khi ta bắt gặp được điều này ở
trong hầu hết các bài thơ khác của ông. Những câu thơ kết bài của Tô Thi Vân
luôn mang giá trị tư tưởng, là sức nặng cho toàn bài thơ. Trong bài thơ “Chiều
bên mẹ” cũng vậy, ở những câu thơ cuối có gì đó thấm đẫm buồn thương, xa xót,
nhớ nhung, bâng khuâng, tiếc nuối đã gieo vào lòng người đọc nỗi da diết khôn
nguôi.
Rồi một ngày, tôi đến thăm nhà thơ Tô Thi Vân ở làng
Tê Quả. Ngôi nhà của ông nằm trong một con ngõ nhỏ. Một con ngõ giống như bao
con ngõ ở trung tâm thành phố. Tô Thi Vân bảo: “Làng quê của anh đấy em, giờ
không còn lại dáng vẻ gì của ngày xưa nữa”. Hiểu được tâm trạng đó của ông, tôi
bảo: “Cuộc sống là vậy mà anh, mọi sự vô thường. Đến lòng người ngày nay còn
khác trước nói gì đến cảnh vật”.
Nhưng dẫu sao ông đã làm được một việc đầy ý nghĩa mà
mai sau người dân làng Tê Quả sẽ ghi nhớ và trân trọng. Đó là ông đã ghi chép,
đã vẽ lại khung cảnh làng quê bằng những bài thơ thật hay thật đẹp cho những thế
hệ sau trên mảnh đất này có thể được thấy lại. Những bài thơ đó cũng chính là một
phần lịch sử đã được ghi chép của làng Tê Quả này.
Đi qua khoảng sân nhỏ, với những chum vại đựng tương,
chậu cây cảnh để bước vào căn nhà khung gỗ, tôi cảm nhận được ngay một nếp nhà
nông thôn Bắc bộ vẫn còn được nhà thơ Tô Thi Vân lưu giữ qua những đồ vật trong
nhà, như: bàn thờ, bộ trường kỷ, tủ, cái sập, những hoành phi câu đối từ thời
các cụ để lại. Thực chất ngay từ chính con người Tô Thi Vân đã toát lên một đời
sống đấy. Ông chính là một bảo tàng sống, là hiện thân của những nét đẹp văn
hóa truyền thống của làng quê này. Sáu người con của vợ chồng ông gồm năm gái một
trai đều đã phương trưởng có gia đình và ở riêng, chỉ còn hai ông bà cùng một
chú chó sống lặng lẽ, thanh bạch trong nếp nhà cũ. Vợ ông, một người phụ nữ đẹp
phúc hậu, mang đầy đủ phẩm chất đẹp đẽ nhất của người phụ nữ nông thôn Bắc Bộ,
chịu thương chịu khó, chăm lo chồng con, hết việc nhà đến việc ruộng vườn, đồng
áng, rồi việc của làng xã, láng giềng, ai nhờ cậy bà đều tận tình vui vẻ đến
giúp. Tô Thi Vân bảo: “Nếu không có bà Thịnh thì anh cũng chẳng thể ngồi làm
thơ được em ạ. Một tay bà ấy lo liệu cả”.
Nếu ai đã từng tiếp xúc với Tô Thi Vân sẽ cảm nhận được
một sự bình yên mà ông đem lại cho người đối diện. Ông cứ thâm trầm thủ thỉ, ân
nghĩa và sâu sắc. Có cảm tưởng như ông không dám, không nỡ làm đau cả một nhành
cây ngọn cỏ.
Sự hiền lành tử tế, đúng hơn là đức bao dung nhân hậu,
biết buông bỏ đã giúp nhà thơ Tô Thi Vân tìm thấy được nơi an trú trong tâm hồn
mình. Đôi khi những ký ức đẹp đẽ xưa cũ cũng tìm về trong ông. Giờ ông đã biết
chấp nhận, nhưng vẫn lưu giữ những kỉ niệm đó như để làm nguồn sống nuôi dưỡng
tâm hồn mình. Ta hãy thử trở về với làng quê của ông trước đây trong thơ:
Cố hương!
Tháng ba ơi! Hoa gạo đỏ sân đình mê mải cỏ
Mắt trẻ mắt chim tươi nắng gió
Cánh diều vút bổng lưng trâu
Những trận mưa rào cá rô rạch phồng mang leo sấm
Mùa thu
Ta ngắt mùa thu hương nếp thơm đồng
Nhét đầy cặp học trò chạy đâm bổ mặt trời xuống núi
Vào đêm… hương cốm vầng trăng
……..
(Vọng cố hương)
Những kỷ niệm xưa cũ, làng quê thuở ấy đã được Tô Thi
Vân vẽ lên thật tinh tế, với những hình ảnh như: “cá rô rạch phồng mang leo sấm”,
“chạy đâm bổ mặt trời xuống núi”, “Vào đêm…hương cốm vầng trăng”. Thử hỏi, ai
đã từng sống trong khung cảnh làng quê thơ mộng, đẹp trong lành đến vậy, rồi một
ngày chứng kiến khung cảnh đó hoàn toàn biến mất thì có buồn, có tiếc nuối? Chắc
chắn không thể không buồn, không thể không nuối tiếc. Những lúc như thế Tô Thi
Vân lại mượn những câu thơ để giãi bày:
Mắt mùa thu xa xăm
Cành tre ngơ ngác gió
Bước chân êm cọng cỏ
Ông lão lầm lũi đi
Ông ơi! Ông về đâu?
Hoa mướp vàng đã nát
Ông ơi! Làng ông đâu?
Tiếng ếch giờ đã khác
(Hoa mướp vàng)
Những câu thơ ám ảnh và xa xót làm sao. Cảnh vật đã
khác, lòng người cũng khác, đến cả như tiếng ếch kêu chừng như nghe cũng đã
khác, khiến cho nhà thơ nhiều lúc cảm thấy mình bị lạc lõng trên chính mảnh đất
quê hương. Như trong bài “Chiều quê” ông viết:
Lắng trong cỏ lả sương lơi
Cuối xuân chiều lặng không lời thốt lên
Bướm vàng hờ hững cành trên
Ngày rơi
như một mũi tên
đuối tầm./.