“Về từ hành tinh ký ức” là tập ký sự của Võ Diệu
Thanh, ghi chép lại ký ức của những nạn nhân cuộc diệt chủng Pol Pot ở Ba Chúc,
An Giang; của những người lính nữ từng bị bắt và tra tấn.
Về từ hành tinh ký ức hay sự hồi đáp của một người ngoài cuộc
BÍCH DUYÊN
Trong mấy mươi năm gần đây, khoa học xã hội và nhân
văn chứng kiến sự bùng nổ của việc nghiên cứu ký ức. Chưa bao giờ vấn đề này được
quan tâm, nghiên cứu rộng rãi, chuyên sâu và xuyên qua nhiều lĩnh vực như vậy.
Một trong những lý do thúc đẩy mối bận tâm đó là bởi sự
mất dần những chứng nhân trực tiếp của các sự kiện lịch sử đã diễn ra trong thế
kỷ XX. Làm cách nào để ký ức được lưu giữ và trao truyền qua các thế hệ? Văn học
là một câu trả lời. Và Võ Diệu Thanh với tác phẩm Về từ hành tinh ký ức chính
là một trường hợp cho thấy những người thuộc thế hệ thứ hai, những người không
trực tiếp trải nghiệm sự kiện có thể hồi đáp và kháng cự lại sự mất mát của ký ức
như thế nào.
Sống cùng ký ức
“Về từ hành tinh ký ức” là tập ký sự của Võ Diệu
Thanh, ghi chép lại ký ức của những nạn nhân cuộc diệt chủng Pol Pot ở Ba Chúc,
An Giang; của những người lính nữ từng bị bắt và tra tấn trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ cứu nước; của những người phụ nữ là nạn nhân của chiến tranh và thời
cuộc… Tác phẩm còn là tự sự của tác giả về hành trình tìm kiếm, tiếp nhận, truyền
tải những ký ức của mình từ góc độ của một “kẻ ngoại cuộc” – tức một người ở
bên ngoài hành tinh ký ức của người khác.
Trong kho lưu trữ ký ức ấy, có thể cảm nhận rõ ràng ký
ức về cuộc diệt chủng Ba Chúc là nổi bật nhất. Nguyên nhân không phải chỉ vì phần
lớn dung lượng tác phẩm là ký ức của các nhân chứng lẫn cảm nhận của tác giả về
cuộc diệt chủng mà còn vì tính ấn tượng của chủ đề với người đọc. Ký ức diệt chủng
không phải là ký ức được quan tâm trình hiện nhiều trong văn học nghệ thuật ở
Việt Nam. Sức hút của tác phẩm nằm ở chỗ đây là một trong những tác phẩm hiếm
hoi, đầu tiên đề cập đến cuộc diệt chủng. Thêm nữa, tính phi nhân của thủ phạm,
nỗi đau vượt quá sức chịu đựng của nạn nhân hoàn toàn gây choáng ngợp với độc
giả, làm chấn động tâm can những ai chưa biết/ít biết về nó.
Thế nhưng, Về từ hành tinh ký ức không chỉ là những bản
tường thuật về những gì đã qua mà còn là bản mô tả về dư chấn của quá khứ đến
hiện tại. Những ký ức đau thương vẫn chưa khi nào buông tha cho nạn nhân của
nó, ngay cả khi phải tìm cách để quên đi và sống tiếp với tất cả những hỷ nộ ái
ố của cuộc đời. Một người mẹ mất con trong chiến tranh sẽ mãi không thể nào
quên được hình ảnh ngày con trở về trong hình hài bất động, một người cháu sẽ
không bao giờ quên hình ảnh người dì của mình chết trong tư thế đang quỳ, và những
người làm cha làm sao quên được tiếng khóc cuối cùng của đứa con thơ trong khi
bị giặc vây bắt…
Có thể nói, những người về từ hành tinh ký ức, sẽ phải
luôn sống cùng với ký ức dù họ trực tiếp trải nghiệm hay chỉ là một kẻ ngoại cuộc.
“Sao không ai kể về tôi?”
“Về từ hành tinh ký ức” không chỉ có một lớp tự sự của
những nhân chứng, mà còn có lớp tự sự của người nghe nhân chứng, tức tác giả Võ
Diệu Thanh. Trong tác phẩm, người đọc sẽ hiểu vì sao chị tự gọi mình là “kẻ ngoại
cuộc”, hiểu tại sao chị lại dấn thân vào hành trình tìm kiếm các nhân chứng và
ghi lại ký ức của họ ngay cả khi việc đó khiến chị rơi vào tình thế bị ký ức chấn
thương của người khác xâm lấn và cảm thấy như thể chính mình cũng phải trải qua
tất cả những điều khủng khiếp đó vậy. “Quên là an lạc. Tôi có nhớ gì không? Tôi
không nhớ gì cả, thậm chí không nhớ mình năm nay bốn mươi lăm hay bốn mươi sáu
tuổi. Tôi cũng không nhớ mình đang ở độ tuổi trẻ trung hay già nua. Tôi quên
luôn sự giàu nghèo của bản thân và những người xung quanh. Nhưng tôi không an lạc.
Có những câu chuyện đã sáu mươi năm trước, đến với tôi qua lời kể, nhưng hôm
nay nhắc lại vẫn còn tươi rói”.
Võ Diệu Thanh tự gọi mình là “kẻ ngoại cuộc” với chiến
tranh vì chị sinh năm 1975. Khi biết nói chuyện, chị đã không còn thấy chiến
tranh nữa. Với cuộc thảm sát ở Ba Chúc của Pol Pot vào năm 1978, chị cũng là một
“kẻ ngoại cuộc” vì nơi chị được sinh ra và lớn lên không phải là Ba Chúc. Hơn nữa,
năm đó, chị cũng chỉ là đứa trẻ lên ba. Như vậy, dù được sinh ra tại thời điểm
cuộc chiến tranh đang ở trong những ngày tháng khốc liệt, dù những năm tháng đầu
đời trùng với thời điểm diễn ra cuộc diệt chủng, thì chị vẫn là một người đứng
ngoài chiến tranh vì chị là thế hệ hậu sinh, là thế hệ hoàn toàn không có trải
nghiệm trực tiếp nào về chiến tranh (hoặc nếu có thì khi đó chưa có đủ nhận thức
và ký ức về nó).
Võ Diệu Thanh dấn bước vào cuộc chiến, thâm nhập vào
những ký ức chấn thương của người khác vì sự thôi thúc của một câu hỏi của những
nạn nhân trong cuộc thảm sát Ba Chúc: “Sao không ai kể về tôi? Những nạn nhân của
cuộc chiến hỏi tôi như vậy. Những câu hỏi mở ra trong tôi một cuộc chiến mới.
Tôi không thể làm kẻ ngoại cuộc”. Do vậy, lắng nghe và đáp lại tiếng nói là một
hình thức thừa nhận những mất mát, chấn thương, góp phần xoa dịu và chữa lành
những vết thương.
Lắng nghe để kể lại
Với nhiều độc giả, tác phẩm Về từ hành tinh ký ức thực
sự mở ra nhiều thức nhận mới về trách nhiệm của những người đến sau đối với quá
khứ của cá nhân, tập thể và của cả dân tộc.
Bất kỳ một sự kiện/chấn thương cá nhân hay tập thể nào
cũng sẽ phải đối mặt với sự mất dần những nhân chứng. Do vậy, sự tiếp nhận và
truyền tải ký ức về chúng của các thế hệ sau thực sự quan trọng trong việc giữ
cho những sự kiện/chấn thương đó tránh được nguy cơ bị quên lãng hoặc bị sửa đổi
sai lệch. Thế hệ đến sau, vì vậy, phải thực hiện trách nhiệm của một người nghe
ký ức, một nhân chứng của chứng ngôn, và tiến đến việc truyền tải những ký ức
đó đến những người ngoại cuộc khác thông qua việc phiên dịch, khuếch đại tiếng
nói nhân chứng để nó tiếp tục được lắng nghe và được coi trọng.
Chính ý thức về trách nhiệm đó mà Võ Diệu Thanh đã đáp
lại câu hỏi của những nạn nhân bằng việc đi tìm những nạn nhân, lắng nghe ký ức
của họ, và viết lại để chúng được lắng nghe nhiều hơn và được thừa nhận nhiều
hơn. Nói cách khác, Võ Diệu Thanh hay thế hệ thứ hai và những người đến sau
không phải và không thể là “kẻ ngoại cuộc” với quá khứ. Vì bất kỳ ai trong
chúng ta, cũng luôn được kết nối với ký ức: ký ức của cá nhân và ký ức của tập
thể.
Nhưng việc tiếp nhận và truyền tải ký ức chấn thương của
thế hệ sau luôn là một thách thức khi nó đẩy họ vào một tình thế nguy hiểm và
phức tạp mà trước nhất là họ có thể phải chịu tác động chuyển thế hệ của chấn
thương. Không những vậy, từ vị trí của một người không trực tiếp trải nghiệm chấn
thương để tường thuật về ký ức chấn thương của người khác, làm cách nào họ giữ
được trạng thái trung gian (trong khi chính họ cũng bị chấn thương) và đảm bảo
được các nguyên tắc thẩm mỹ và đạo đức khi tường thuật là một vấn đề nan giải.
Bằng lương tri và sự nhạy cảm, Võ Diệu Thanh đã nỗ lực
thực hiện nhiệm vụ truyền tải ký ức chấn thương, có khi tránh thoát được những
cái bẫy mà công việc này luôn giăng ra, cũng có khi va phải nó và chưa có cách
gỡ thoát thành công. Song dù có những điểm cần bàn luận thêm về cách truyền tải
này của tác giả trong tác phẩm, những đóng góp của chị trong việc xoa dịu những
ký ức chấn thương thông qua việc lắng nghe để kể lại này là điều không thể phủ
nhận.
Nhà văn Võ Diệu Thanh sinh năm 1975, là giáo viên dạy
Mỹ thuật tại An Giang. Năm 1994, chị được giải nhất cuộc thi văn chương Thủ
Khoa Nghĩa - Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang. Năm
2010, tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược được trao giải nhì trong cuộc thi
Văn học tuổi 20 lần thứ 4... Võ Diệu Thanh viết đa dạng, từ tiểu thuyết (Viên đạn
về trời, Lần đầu thấy trăng), truyện ngắn (Cửa sổ hình tia chớp, Con nước say
mèm…) cho đến ký sự (Về từ hành tinh ký ức, Muôn dặm sầu giăng), tản văn (Bờ
vai cho cả bờ vai, Trò chuyện với lục bình…) và các tác phẩm dành cho thiếu nhi
(Siêu nhân Cua, Tiền của Thần Cây...).
Nguồn: Báo Phú Yên