Ở tuổi 85, nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn chưa bao giờ
nghĩ mình đã già. Ông vẫn còn cái hăm hở, háo hức với cuộc đời, làm thơ giễu
mình và giễu đời.
Thơ, nhiều người viết, ít người đọc
PV: Thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, có sự
“dan díu” nào giữa một vị bác sĩ và một nhà thơ?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: (Cười...).
Tôi học cấp ba ở trường Chu Văn An, cùng khóa (1956-1959) với các bạn làm thơ
Bùi Minh Quốc, Lữ Huy Nguyên, Nguyễn Đình Hồng. Người làm thơ đầu tiên là
anh Bùi Minh Quốc, tên thật là Bùi Trường Đa. Khoảng năm 1958, anh đã có bài
thơ “Lên miền Tây” đăng Tạp chí Văn Nghệ, được khen lắm. Khen vì khát vọng
thanh niên và giọng thơ tràn trề sức lực, khát khao đi xây dựng xã hội mới. Anh
Quốc được mời dự Hội nghị Nhà văn trẻ lần thứ nhất ở Thái Hà ấp, có cuốn sổ lưu
lại chữ ký của các nhà văn nổi tiếng đến thăm hội nghị đó, như Nguyễn Công
Hoan, Xuân Diệu, Nguyên Hồng... Chúng tôi xúm lại xem, háo hức lắm.
Tôi thích thơ Bùi Minh Quốc vì thấy những cảm nhận của
anh rất gần mình. Tôi thuộc rất nhanh nhiều đoạn ở nhiều bài của anh. Không biết
có phải vì thế mà có lúc tôi thầm nghĩ có khi mình cũng viết được. Thầm nghĩ chứ
không dám nói với ai. Mấy năm sau, khi đã là sinh viên, được đọc thêm thơ của
anh Lữ Huy Nguyên (Nguyễn Huy Lư), anh Nguyễn Đình Hồng. Học y với tôi là nhàn.
Thế là tôi làm thơ.
Trước đó, khi học lớp Đệ lục (1953-1954), tôi được thầy
Nguyễn Xuân Huy, cũng là một nhà thơ, giảng bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu.
Lần đầu tiên tôi ngạc nhiên vì một bài thơ ngắn như vậy mà gợi cho tôi bao kỷ
niệm, xúc cảm về mùa thu. Rồi tôi có bà chị bán hàng xén với mẹ tôi ở các chợ
làng Canh, làng Nhổn, làng Đăm, cứ về nhà là cầm cuốn sách không có bìa, đọc mê
mải. Tôi trọ học, được về thăm nhà, cũng ghé đọc. Mở đầu là “Lỡ bước sang
ngang”, rồi những “Sáng giăng chia nửa vườn chè”... Tôi đọc, thấy thích, thích
ngơ ngẩn, chứ không hiểu mấy, nhưng thuộc nhanh lắm. Những điều bé nhỏ đó, khi ấy
tôi không để ý, cứ thế thấm dần vào tôi. Sau này, khi làm nghề văn, ngẫm lại
tôi thấy những dấu vết đầu tiên ấy quả là có ý nghĩa với tôi.
Tôi mồ côi bố từ nhỏ, ra Hà Nội trọ học nên rất nhớ mẹ
và hai em ở quê. Quê đây là quê ngoại tôi, làng Canh, bây giờ thuộc quận Nam Từ
Liêm, cách nơi tôi trọ chỉ 12 cây số. Nhưng, với đứa trẻ lên mười thì xa cách lắm.
Phải đi tàu điện đến Cầu Giấy, đi xe ngựa đến Cầu Diễn và đi bộ về làng Canh.
Nhiều kỷ niệm về mẹ, về các em tôi, về quê hương, tôi
nhớ mãi, muốn viết lại mà không biết có kịp không.
Tốt nghiệp trung học “trúng tuyển xuất sắc”, tôi chọn
học y. Tốt nghiệp bác sĩ, tôi về công tác tại Bộ Y tế. Trong 7 năm ở Bộ Y tế,
tôi cảm thấy mình mất dần chuyên môn vì hằng ngày tôi làm hành chính về chuyên
môn. Nhưng, có lẽ, lời khuyên khiến tôi quyết định chuyển sang Hội Nhà văn là của
nhà thơ Chế Lan Viên, lúc đó tôi đã có thơ đăng đều hơn.
Ông thuyết phục tôi thế này: “Cậu biết đấy, công nhân ở
Chicago phải đấu tranh đổ máu để đòi quyền làm việc ngày 8 tiếng, về Hội Nhà
văn, cậu chỉ phải làm có 4 tiếng. Hai thế kỷ nữa chưa chắc đã có chế độ đó. Cậu
chỉ đến cơ quan buổi sáng, chiều ở nhà đọc, viết. Có những chuyến đi thâm nhập
thực tế, cậu có thể đi”. Nghe thế, tôi mừng quá. Nói gì thì nói, làm ở Bộ Y tế,
mới ra trường như tôi vẫn phải đọc nhiều thứ, công việc sự vụ rất nhiều, muốn
dành thời gian để viết cũng khó. Sau đó tôi quyết định chuyển nghề và đã về Ban
Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam, làm chương trình “Tiếng thơ”.
Học y, tốn công tốn sức lắm. 6 năm, sáng ở bệnh viện,
chiều lên giảng đường, đêm còn phải trực. Tôi đã nghiêm chỉnh học. Học cho kỳ
được nhưng học xong thì đi làm thơ. Cứ tưởng thơ lơ mơ mây gió. Tưởng thế thôi,
chứ cũng khi nghiêm khi nghỉ. Vậy mà... tôi đã đi một mạch với thơ, không nghĩ
mình giờ đã 85 tuổi rồi.
PV: Có phải ngày xưa, danh xưng, danh
hiệu nhà thơ, nhà văn có giá trị hơn bây giờ nhiều bởi thi ca có tầm ảnh hưởng
rộng lớn hơn. Xã hội nhìn vào nhà văn, nhà thơ đầy trọng vọng. Còn bây giờ,
danh xưng nhà thơ, nhà văn không còn “thiêng” nữa. Do chính họ làm cho danh
xưng đó “mất thiêng”, hay do xã hội thay đổi?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Những
điều chị đánh giá rất đúng nhưng ta phải đi tìm nguyên nhân nào dẫn đến hệ quả
đó. Trước hết, chúng ta ghi nhận các hiện tượng: Người làm thơ đông lên. Có tới
hàng vạn, nhiều vạn “nhà thơ” trong cả nước. Số tập thơ xuất bản hằng năm cũng
tới hàng nghìn, nhiều nghìn mà chất lượng rất không đồng đều. Những tập đọc được
tính bình quân chỉ chiếm khoảng 1-2%. Nghĩa là, theo xác suất phải đọc cả trăm
cuốn mới gặp một vài cuốn hay. Nhưng, thường thì đọc quá dăm cuốn mà chưa thấy
thích thì bà con thôi luôn. Không đọc nữa, không mua nữa, thế là thơ ế, ế đến mức
các hiệu sách không muốn bày thơ bán.
Rồi, hình như danh hiệu “nhà thơ” dùng quá dễ dãi cũng
làm tăng sinh đội ngũ thơ. Số nhà thơ so với số dân, khéo nước ta cao nhất thế
giới. Đôi lúc, nghe như khôi hài, như trêu chòng nhau, nhưng rồi thấy in cả vào
danh thiếp, vào cáo phó. Tưởng đùa lại thành long trọng. Tưởng long trọng lại
thành mất giá. Nhưng, cũng chẳng lo, các bạn ạ. Mình để tâm và có cách sửa, nó
sẽ qua nhanh. Mà, để tự nó, nó cũng sẽ tự hết. Cũng như dịch bệnh thôi, có quy
luật cả đấy. Có khi còn sinh “miễn dịch” nữa. Gọi khống người ta là nhà thơ,
người ta cáu, chắc chắn sẽ cáu, là mình lố đấy.
PV: Vậy theo ông, nguyên nhân vì sao
có hiện tượng ‘lạm phát” nhà thơ như vậy? Và, thực tế thơ ca bão hòa nên để tìm
một ngôi sao vô cùng khó và hiếm?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Nguyên
nhân thì nhiều. Mới nhìn thì tưởng là do các câu lạc bộ thơ nhưng nghĩ rộng ra
là do rối loạn tiêu chí đánh giá chất lượng thơ qua các cuộc tặng giải, các bài
phê bình, các tiêu chí kết nạp của các hội nghề nghiệp... Mà đâu chỉ trong lĩnh
vực thơ ca. Chắc bạn cũng nghe nói những “lò ấp tiến sĩ”. Đến chốn tu hành, nơi
lấy buông bỏ làm phương châm tu tập, nạn “dịch” này nó cũng tấn công. Chúng ta
cùng là nạn nhân, cùng là thủ phạm. Nhưng, có điều này các bạn cũng nên ghi nhận:
tác phẩm hay vẫn có đấy, nhiều nhà văn quen thuộc với bạn đọc, âm thầm viết hay
hơn trước, tầm vóc hơn trước. Chúng ta có những độc giả tinh tường, kể cả những
người làm sách, họ cũng âm thầm, âm thầm chọn sách hay, kiên trì và tinh tế.
Làm sao xã hội sớm nghe được tiếng nói của họ. Cũng cần những cái tai tài năng.
Các nghệ sĩ dân gian thời xưa khi làm tượng Phật rất chú ý tạo hình tai Phật. Họ
có lý lắm chứ!
PV: Vậy, vấn đề “lạm phát” thơ lại
thuộc về vai trò của những nhà quản lý xuất bản?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Ngành
quản lý xuất bản không thể là nguyên nhân “lạm phát thơ”, nguyên nhân chính và
đầu tiên là ở người làm thơ và người đánh giá chất lượng thơ để xuất bản, để quảng
bá... Nhưng, để điều chỉnh, để sửa chữa tình trạng hiện nay thì lại cần có họ.
Họ đủ thẩm quyền và kinh nghiệm nghề nghiệp tác động vào thị trường sách báo.
Cũng nên tham khảo cách ứng xử với sách văn chương ở các nước có kinh tế thị
trường phát triển.
Thỉnh thoảng tôi cũng có đọc thơ và viết lời giới thiệu
cho các tập thơ, viết có chê, có khen nhưng không xuể. Nếu cứ đọc mãi thơ dở
thì có khi mình lại tự tin là thơ mình hay, nguy đấy. Có một người nói với tôi
rằng: “Cậu làm nghề y thì khuyết điểm của cậu được chôn cùng bệnh nhân, còn cậu
làm văn chương thì khuyết điểm của cậu thành di sản”. Thế đấy, không đùa được.
PV: Câu lạc bộ thơ mọc lên như nấm,
người người làm thơ, chúng ta đang thừa, hay nói thẳng là “bội thực” những “nhà
thơ” nhưng lại thiếu công chúng thưởng thức thơ? Nghịch lý này được lý giải thế
nào, thưa ông?
Nhà thơ Vũ Quần Phương:
Việc các câu lạc bộ thơ nở rộ trong 20 năm qua cho thấy đây là một thời kỳ đặc
biệt của văn học Việt Nam, cần một công trình nghiên cứu đầy đủ và nhiều chiều
hơn. Từ thời nhà Lý, chưa khi nào phong trào làm thơ phát triển rộng khắp như
hiện nay. Những người yêu thơ ấy ở đâu ra? Hầu hết họ là cán bộ, bộ đội hưu
trí, một phần nhỏ hơn là công nhân hưu trí và nông dân tuổi cao. Hưu ở những
năm đầu thập niên 90 thế kỉ 20, là lứa cán bộ khởi sự từ thời kháng chiến chống
Pháp.
Số lượng cán bộ hưu giờ đây đã khá lớn và sẽ ngày càng
lớn. Nhà nước đã dần dần thành lập các tổ chức đặc thù nhằm phục vụ và sử dụng
tiềm lực trong lứa cán bộ này, trong đó dễ tổ chức nhất và phù hợp nhất với số
đông là câu lạc bộ thơ. Thời điểm ấy lại trùng với thời kỳ Đổi mới, Nhà nước chủ
trương phục hồi nhiều giá trị văn học nghệ thuật, xóa bỏ nhiều nghi ngờ, thành
kiến. Một làn gió tươi mới, cởi mở thổi qua mọi lòng người. Công chúng nghệ thuật
hào hứng đi nghe ca nhạc lãng mạn trước cách mạng, nghe nói chuyện văn chương từ
tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng đến thơ của phong trào Thơ Mới.
Đấy là một hồng phúc của nền văn học vì sẽ nâng cao việc
thưởng thức thơ. Nhiều người làm thơ cũng tốt nhưng việc xuất bản thơ tự do khiến
thơ dở tràn lan thì lại làm mất bạn đọc của thơ. Tuy nhiên, làm thơ dở cũng là
quyền của mọi người chứ không chỉ là “độc quyền” của các nhà thơ nổi tiếng(!).
Việc in thơ, bán thơ là quyền của họ. Tôi nghĩ, bây giờ ở các câu lạc bộ phải
biết định hướng, đẩy mạnh phong trào đọc thơ, cảm thụ thơ, thấy cái hay của thơ
chứ không vội sản xuất thơ. Còn nếu sản xuất thơ thì phải áp dụng bán thơ như
bán thực phẩm không được gây độc hại, hạ thấp thẩm mỹ mới được bán.
PV: Tôi còn nhớ, cách đây mấy năm có
vụ ồn ào quanh giải thưởng thơ của Báo Văn nghệ, bài “Mất trộm gà” của Tòng Văn
Hân được trao Giải B. Có hai luồng dư luận. Một bên cho rằng, đó là một tác phẩm
xuất sắc; một bên thì coi đó là sự suy đồi, xuống cấp về nhận thức thẩm mỹ của
thi ca, không phân biệt được đâu là ngọc hay đá vì thơ là những rung động, cảm
xúc. Thất vọng lớn nhất là những người cầm cân nảy mực chấm và trao giải. Với
tư cách là một nhà thơ, ông cho biết những suy nghĩ của mình về vấn đề này?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Lúc
này, để bàn về một tác phẩm cụ thể e không hợp với chủ đề chúng ta đang trò
chuyện. Tôi mong muốn, nhân bài thơ này có một cuộc trao đổi ý kiến giữa ban
giám khảo, công chúng thơ và tác giả nhằm tìm ra những tiêu chí chung nhất để
đánh giá thơ đương đại và cũng hạn chế một cách biểu dương quá rộng rãi trong
các cuộc thi. Ban giám khảo trao giải chắc họ cũng có dụng ý nào đó nhưng thơ
ca phải làm cho người ta xúc động, chạm vào trái tim mọi người bằng sự chân thật.
Khi nào thơ ca nói được thân phận của nhân vật hay
thân phận của chính mình sẽ làm xúc động người khác. Bài thơ “Lên Cấm Sơn” của
Thôi Hữu có hai câu động lòng: “Thương các anh tôi từng rỏ máu/ Đem thân xơ xác
giữ sơn hà”. Hay, khi dân quân Quảng Bình tiễn người đi tiếp tế Cồn Cỏ, họ làm
đêm hò ma sống cho người ra đi. Nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Anh cúi mặt bên đèn
khêu lại bấc/ Nước mắt sau câu hò em giấu tay che”. Nhà thơ Chế Lan Viên so
sánh ông với Tố Hữu rằng: “Có tiếng nhỏ của sông Thương nước mắt/ Sông nhớ
thương ơi, nước chảy đôi dòng/ Lòng ta là một cánh đồng lẩn khuất/ Đau bên Đoài
nên thổi gió bên Đông”. Đó là những câu thơ chạm đến thân phận.
Còn bà mất gà chửi như thế không chạm đến thân phận. “Từ
thuở bé đến giờ/ Hễ nhà mình mất gà mất lợn/ Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như
thế/ Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả/ Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa”.
Chửi như thế là tỉnh táo rồi, chửi bằng lí trí chứ không phải cảm xúc thực, đã
nghĩ được thế thì chắc họ không chửi. Nhưng, hội đồng chấm giải là các nhà thơ
nổi tiếng nên tôi nghĩ, biết đâu có những ẩn ý mình chưa hiểu. Người viết chắc
cũng có lòng tốt, muốn biến cáu giận thành tình thương yêu nhân loại, rất nhân
văn nhưng cái nhân văn ở đây không thật. Văn chương hay vì thật, nó lay động
lòng người vì sự chân thật.
PV: Vậy, phải chăng, những người cầm
cân nảy mực trong lĩnh vực thơ ca cũng phần nào làm cho thơ bị hạ thấp?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi
nhớ Sandor Petofi, nhà thơ lớn của Hungary, hi sinh trên chiến lũy năm 27 tuổi,
cũng đã tự thú: “Đi vào trong láo nháo cuộc đời. Mới biết chúng ta nhầm lẫn cả”.
Đời tôi cũng bỏ lỡ nhiều thứ
PV: Ông gắn bó cuộc đời mình với nhiều
gương mặt thi ca nổi tiếng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Thu Bồn, Việt Phương,
Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ... Ông có thể chia sẻ kỷ niệm về những người bạn lớn
đã đi xa?
Nhà thơ Vũ Quần Phương:
Tôi may mắn đi qua hai giai đoạn của nền văn học, tôi có biết cảnh sống như chị
Dậu và biết cả “Đổi mới” nữa. Đó là may mắn của lớp nhà văn chống Mỹ. Lớp này
chín muộn, chặng sau “Đổi mới” mới có tác phẩm hay.
Tôi có một quãng thời gian dài được làm việc và sinh
hoạt cùng những người anh lớn trong văn đàn Việt Nam. Có lẽ, người gần gụi nhất
là Xuân Diệu. Ông nổi tiếng là người khó tính, ăn ở rất kỹ tính nhưng cũng là
người biết cuộc đời là thế nào. Ông đi nói chuyện thơ hay hỏi ban tổ chức là họ
cho ăn cơm thế nào. Có lần tôi mạo muội hỏi thẳng ông việc đó, ông nói: “Chú hỏi
anh câu đó chứng tỏ chú rất thật thì anh cũng xin trả lời thật. Anh sống một
mình, có lương, chia lương cho 30 ngày nên ăn cũng đủ chất, đi công tác mà
không ăn bằng ngày thường nó tổn thọ, nên anh chủ động hỏi, nếu họ không có thì
anh đưa tiền cho họ”.
Xuân Diệu còn kể, có lần ông giận Nguyễn Đình Thi 2
năm. Sau này, ông bảo, giận ông Thi là thiệt vì sách báo nước ngoài họ tặng Hội
Nhà văn, chỉ hai người được giữ là ông Thi và Nguyễn Tuân, không có báo đọc thì
không hiểu gì về thế giới. Nên, Xuân Diệu nghĩ đến việc mình lớn tuổi hơn phải
làm thân trước. Ông gọi điện thoại để không thấy mặt nhau cho đỡ ngượng: “Thi
ơi, Diệu muốn gặp Thi một tiếng có việc, có được không?”. Nguyễn Đình Thi trả lời
ngay: “Anh Diệu ơi, anh ở đâu? Thi sẽ đến gặp anh ngay”. Và, ngay lập tức, Nguyễn
Đình Thi đến nhà tìm Xuân Diệu. Ông khuyên tôi rằng: “Tình bạn như cái cây, có
lúc nó tự mọc nhưng cũng phải tưới cho nó. Mình tưới một gáo thì có khi bạn tưới
hai gáo”.
Xuân Diệu lấy NSND Bạch Diệp, sống với nhau mấy tháng
rồi chia tay. Ông buồn lắm. Bà Bạch Diệp quý ông Diệu nên hôm Xuân Diệu mất,
hai vợ chồng đến viếng một vòng hoa trắng... Khi xếp hoa lên mộ, chính tôi đã xếp
vòng hoa này lên trên cùng. Tôi đã viết về Xuân Diệu: “Thơ tình tặng khắp người
ta/ Hại thay trắng một vòng hoa trên mồ/ Anh đi trăm núi nghìn hồ/ Gửi hương
cho gió bao giờ mới xong/ Chữ trên trang giấy phập phồng/ Trái tim im lặng dưới
vòng cỏ may?”.
Tôi hiểu Xuân Diệu, ông cũng rất thương người. Ông kể
với tôi: “Tôi “tăng lương” cho u Khang, u chỉ có một người con trai nhưng đã mất.
Tôi tăng lương để u cải thiện nhưng u lại để dành, chắc phòng khi ốm đau hay ma
chay sau này. U sợ tôi không lo được. Khi u chết, tôi giở hành lý u để lại thấy
một cuộn tiền, tôi khóc. Chắc u lo chết không có ai lo”.
PV: Những nhà thơ lớn đều có những
góc khuất trong cuộc đời. Nhưng, ngày đó, họ sống với nhau thật chân tình, đẹp
đẽ. Mối quan hệ giữa họ, vì thế cũng sâu sắc hơn?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi
muốn kể câu chuyện này về nhà thơ Việt Phương, cũng là một người gần gũi với
tôi. Ông là người rất khiêm nhường. Thỉnh thoảng ông đến cơ quan tôi (Bộ Y tế)
chơi. Nhưng, khi ông bị kỷ luật vì tập thơ “Cửa mở”, ông không đến nữa. Ông gọi
tôi ra vườn hoa trước cửa Thông tấn xã và bảo rằng: “Mình báo để Phương, Bằng
Việt và Xuân Quỳnh yên tâm, bầu đảng viên bốn tốt năm nay, chi bộ khoanh “Cửa mở”
lại, mình đồng ý ngừng phát hành, nhưng xin bảo lưu quan điểm tập thơ”.
Trước đây, đến Bộ Y tế nói chuyện thơ, ông khéo léo
làm sang cho tôi nhưng sau khi có “sự cố”, ông lại tránh hệ lụy đến tôi. Ông
quý mến Xuân Quỳnh, rủ chúng tôi lên nông trường chơi. Xe đi qua dòng suối, tôi
và Bằng Việt đang lúng túng thì ông đã cởi áo nhảy ào xuống xem dòng nước thế
nào. Lúc đầu ông ngồi ghế trên, nhưng xe đi được một đoạn, ông nhường lại chỗ
êm đó cho Xuân Quỳnh và Thanh Nhàn. Nhưng, hai cô không dám ngồi. Thế là cả lũ
ngồi phía sau.
Ngày xưa, mẹ tôi luôn muốn tôi ở ngành y vì cụ thấy
các nhà thơ chân cẳng cát bụi không được mỹ thuật lắm, nhiều khi chân còn lấm
láp hơn cả giày dép. Có lẽ vì thế cụ thấy làm nhà thơ không có tương lai lắm.
Sau một thời gian, anh Việt Phương đến chơi, thấy mẹ tôi túng bấn nên viết thư
cho Bộ trưởng Bộ Ngoại thương xin việc cho mẹ dán phong bì thư để thêm thu nhập.
Cụ thấy nhà thơ cũng xin được việc cho mình làm nên cụ nể cả ngành thơ.
PV: Bài thơ “Trước biển” là một trong
những bài thơ tình hay nhất của ông nhưng ông ít nói tới. Ông có thể chia sẻ về
bài thơ này với bạn đọc?
Nhà thơ Vũ Quần Phương:
Cũng có thể. Đó là một tình cảm dồn nén, tôi hạnh phúc vì có một tình cảm như
thế nhưng cũng đau khổ. Tôi chỉ gửi cho bạn bè đọc riêng chứ không gửi báo, vì
có gửi cũng không được in thời điểm đó. Khi được hỏi bài thơ của ai, bạn tôi chỉ
trả lời cho qua chuyện là thơ nước ngoài nên một thời gian dài độc giả cứ nhầm
tưởng là thế. Sau 1975, bài thơ mới in báo. Tôi viết trong một lần đi dự hội
nghị của ngành than ở Bãi Cháy, nhìn ra trước mặt là biển.
PV: Vậy, bây giờ, đã ở tuổi 85, đi
qua nhiều biến động của thời cuộc và đời sống văn học nước nhà, ông có thể tổng
kết cuộc đời mình thế nào?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Ngẫm
lại cuộc đời mình, đó là một ý hay, nên làm, cần làm. Nhưng, tôi lại chưa làm
được ra tấm ra món. Tôi gặp nhiều cái may. Cái may của cả thế hệ, cũng có cái
may của riêng mình (thứ này ít thôi). Khi là học sinh, được học công lập; khi
là sinh viên được học bổng toàn phần; khi tốt nghiệp, có việc làm ngay. Xã hội
lành mạnh, không phải chạy vạy lo lót. Tôi biết ơn cuộc đời. Khi tôi nài nỉ xin
Bộ Y tế cho chuyển nghề, một lãnh đạo cấp vụ nhắc nhở: “Chú cũng nên nghĩ đến
công phu đào tạo của Nhà nước đối với chú”. Vậy là tôi ở lại thêm 2 năm nữa.
Tôi làm bác sĩ 7 năm sau 6 năm được đào tạo. Tôi sang cơ quan mới được nửa năm
rồi, bộ còn gọi về cho mua giá cung cấp một xe đạp Vĩnh Cửu. Đến các con tôi,
cũng nhờ các chính sách khuyến học tiến bộ và tài năng của các nhà giáo dục thời
ấy, nên chúng đã được đào tạo chu đáo với “giá thành hạ”.
Nếu như bây giờ không chắc tôi và con tôi kham nổi các
thứ học phí. Tôi cũng bỏ lỡ nhiều thứ, đấy là tại tôi. Tôi chưa đủ tầm nghĩ.
Tôi mồ côi bố khi còn thơ ấu nên có cái thiệt ấy. Như việc chọn nghề, chọn ngoại
ngữ, chọn phương pháp tự học... Tôi nhớ câu thơ của Chế Lan Viên: “Lòng ta là một
cánh đồng lẩn khuất/ Đau bên Đoài nên thổi gió bên Đông” và tự an ủi rằng, đấy
là cái giá mà ai cũng phải trả, “dù đắt rẻ có lúc khác nhau nhưng thời nào cũng
có”.
PV: Tuổi già thường người ta sống
tĩnh lặng, an nhiên với mọi buồn vui của cuộc đời. Còn ông, chắc ông cũng đang
có một tuổi già viên mãn với gia đình hạnh phúc và hai người con trai thành đạt.
Ông sống với tuổi già của mình thế nào?
Nhà thơ Vũ Quần Phương:
Tôi chưa nghĩ là mình đã già, tuổi già thường an tri, tự điều chỉnh để phù hợp
với hoàn cảnh, không còn sức cáu giận, vui mừng, buồn thương như bọn trẻ. Còn
tôi cảm thấy mình già chưa xứng với tuổi, vì tôi vẫn còn chút nghịch ngợm, hăm
hở với đời, còn giễu được mình, giễu đời nữa. Cuộc đời, đôi khi nghiêm chỉnh
nhưng đôi khi lại như một trò đùa.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của ông!
NHƯ BÌNH – VIỆT HÀ
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng