Thực trạng của sự “cạnh tranh” là khi báo chí biến thành mạng xã hội với tin tức “hầm bà lằng” từ nội dung đến hình thức (trình bày, ngôn ngữ, nhận xét, đánh giá...), nhưng thiếu sự đa dạng, nhất là sự đa chiều.


BÁO CHÍ PHẢI CẠNH TRANH VỚI MẠNG XÃ HỘI?

NGUYỄN THỊ HẬU

Không! Vì vai trò chức năng hai “trường thông tin” này khác nhau.

Vài năm gần đây cứ đến Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là thế nào cũng có những bài viết nói về vai trò trách nhiệm của nhà báo và báo chí, thế nào cũng có những khó khăn hiện nay mà báo chí phải đối mặt, thế nào cũng có một thực trạng “báo chí đang phải cạnh tranh với mạng xã hội”, “Báo chí đối đầu với mạng xã hội”... Đại để thế.

Nhưng có phải là mạng xã hội là đối thủ, và báo chí đang cạnh tranh với nó?

Báo chí ra đời và phát triển sớm hơn mạng xã hội rất lâu, tính chuyên nghiệp trong tổ chức bộ máy và sản phẩm ngày càng cao, nhiều người làm nghề tài năng và được đào tạo bài bản. Kỹ thuật và vật chất phục vụ việc “làm báo” tiến bộ trên nền tảng cơ học. Điều kiện “đầu tiên” là tiền đâu thì luôn có các ông chủ (tư nhân và nhà nước) đứng sau.

Chủ trương, tôn chỉ mục đích của một tờ báo được xác định rõ ràng, đối tượng độc giả cũng vậy, do đó nội dung của tờ báo đó mang nét riêng, độc đáo, sự canh tranh nếu có chính là ở việc bảo đảm cho tờ báo giữ được sự riêng biệt trong thị trường báo chí đa dạng, phong phú.

Mạng xã hội mới ra đời khoảng hơn hai mươi năm trên nền tảng công nghệ internet. Tính cá nhân và tính tương tác nhanh là đặc điểm chủ yếu. Vì vậy bản chất mạng xã hội là các quan hệ và thông tin xã hội được thể hiện ở một “môi trường ảo”.

Do vậy, tính chất “dư luận”, phiếm chỉ, tùy tiện... ở mạng xã hội cũng phổ biến như ngoài đời thực, tính tương tác ngay và luôn kích thích nhu cầu “câu view” thể hiện cá nhân cao hơn, nhưng trách nhiệm chỉ là của cá nhân, ko đại diện cho một tập thể hay tầng lớp nào như tòa soạn báo chí phản ánh cho một bộ phận độc giả.

Truyền thông có vai trò quan trọng bởi thông tin mà nó mang lại chứ không phải bản thân thiết chế báo chí, truyền hình hay đài phát thanh hay mạng xã hội…. Quyền lực của cơ quan truyền thông là ở quyền có thông tin và đưa thông tin nhanh chóng, chính xác và khách quan và đa chiều. Điều này báo chí có ưu thế vì tính chuyên nghiệp và sự “chính danh” (theo nghĩa đây là chức năng mà xã hội phân công cho nghề nghiệp ấy).

Xã hội càng phát triển, thông tin ngày càng nhiều và cần sự chia sẻ mạnh hơn. Mạng xã hội đã tận dụng, sử dụng đặc điểm này để phát triển và lan tỏa. Do tính chất cá nhân “dư luận, truyền miệng” làm cho thông tin ở mạng xã hội “linh tinh lang tang” nhưng không hoàn toàn vô ích. Trong mọi việc người tham gia có thể tự do bày tỏ quan điểm, nhận xét, suy nghĩ, đánh giá... Đa chiều là lợi thế của mạng xã hội.

Hiện nay cả báo chí và mạng xã hội đều dựa trên nền tảng công nghệ internet và truyền thông đa phương tiện, cùng hướng đến mục đích quan trọng nhất là thông tin nhanh và thu hút sự tương tác của cộng đồng, bên cạnh những mục đích khác.

Thực trạng của sự “cạnh tranh” là khi báo chí biến thành mạng xã hội với tin tức “hầm bà lằng” từ nội dung đến hình thức (trình bày, ngôn ngữ, nhận xét, đánh giá...), nhưng thiếu sự đa dạng, nhất là sự đa chiều. Khi báo chí không làm tròn vai trò của mình thì mạng xã hội sẽ thay thế. Trong một xã hội không minh bạch và bình đẳng về thông tin thì việc đó có lợi cho cộng đồng.

Nói cho cùng, sự “nẫn nộn nung tung” thường thể hiện ở báo mạng, là nơi thu hút ngày càng nhiều độc giả bởi sự tiện lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên một số báo in và chương trình truyền hình cũng sa vào sự “cạnh tranh” này. Độc giả, bên cạnh việc chịu đựng sự xơ cứng và bảo thủ trong việc phản ánh các vấn đề xã hội, còn rất khó chịu khi luôn phải đọc, nghe những câu chữ sai ý, tối nghĩa...

Đây chỉ là vài suy nghĩ đơn giản của tôi - một người có thói quen xem báo (in, online, hình) vài chục năm và cũng là người dùng mạng xã hội mười mấy năm. Phân biệt rõ hai trường thông tin của hai phương thức truyền thông này giúp tôi chọn lọc thông tin và có trách nhiệm hơn khi tham gia tiếp nhận và lan tỏa thông tin.