Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc khiến công chúng ngạc nhiên thú vị khi ra mắt tập thơ đầu tay ở tuổi 67 là một trường ca có tên gọi ngắn gọn ‘Cúc’.
Nghệ sĩ Nhân dân
Hoàng Cúc đã hơn 10 năm chống chọi với bạo bệnh. Không giống những bệnh nhân
ung thư khác, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc đón nhận cú đánh úp của số phận khá
bình thản: “Đồng nghiệp và bạn bè đều lo sợ cho tôi, nhưng tôi bảo, không dễ chết
vậy đâu. Có đêm 30 tết tôi phải đi cấp cứu, nhưng không dám cho ai biết cả. Chỉ
có chồng và hai đứa con biết thôi”.
Ngoài sự kiên trì
chữa trị, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc dùng thi ca để xoa dịu những cơn đau: “Anh
cứ khát khao mình là biển/ Con sóng cuồng phong mê dại si tình/ Em cứ đợi êm đềm
nhung nhớ/ Nồng nàn yêu cát trắng phù du”. Và bây giờ, khi sức khỏe dần ổn định,
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc ra mắt trường ca “Cúc” dày 177 trang, chia thành 3
phần “Cánh đồng của mẹ”, “Hồn thu xứ mặt trời” và “Phục sinh”.
Nghệ sĩ Nhân dân
Hoàng Cúc sinh năm 1957 tại Hưng Yên. Chị là một diễn viên thế hệ đầu tiên góp
phần làm nên thương hiệu của Nhà hát kịch Hà Nội. Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc để
lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả kịch nghệ thủ đô với những vở kịch “Người
đàn bà sau tấm cửa sổ xanh”, “Tôi và chúng ta”, “Em đẹp dần lên trong mắt anh”,
“Nghĩ về mình”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Thầy khóa làng tôi”, “Mùa hoa sữa”…
Bên cạnh sân khấu,
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc còn được hâm mộ với những vai diễn trên màn ảnh, qua
các bộ phim “Sa bẫy”, “Hồi chuông màu da cam”, “Dòng sông khát vọng”, “Kiếp phù
du”... Dù vai Thủy trong bộ phim “Tướng về hưu” của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đem
đến cho Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc giải thưởng “Nữ diễn viên chính xuất sắc” tại
Liên hoan phim Việt Nam năm 1990, nhưng chị cho biết mình tâm đắc nhất vai diễn
Tám Bính trong bộ phim “Bỉ vỏ” của đạo diễn Lương Đức.
Nghệ sĩ Nhân dân
Hoàng Cúc tiết lộ: “Bộ phim “Bỉ vỏ” quay năm 1988, khi ấy tôi 35 tuổi nhưng vào
vai một cô gái 17 tuổi. Có lần diễn cả đêm ở bãi tha ma dưới trời mưa chỉ để lấy
vài cảnh. Sáng ra lại tiếp tục quay cảnh khác. Ngày ấy tôi khỏe mạnh, nên diễn
“sung” lắm”.
Bộ phim gần đây nhất
mà Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc tham gia là “Hoa hồng trên ngực trái” dài 34 tập
của đạo diễn Vũ Trường Khoa, phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam.
Bây giờ không còn ở
thời xuân sắc, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc làm thơ để kết nối với cuộc sống bình
lặng “Hãy ngồi yên để mặt trời đỏ lặn/ Nguyện an lành cho vạn vật hồi sinh”.
Trong thơ chị, có cả những phút giây cam go đối mặt sinh tử: “Vầng trán đã hằn
in ngàn sóng bạc/ Chôn miền đau khai huyệt chỉ riêng mình/ Tay co nắm rơi đôi
đũa lệch/ Gắp bên nào cũng rớt xuống nhân gian”.
Trường ca “Cúc” hé
lộ mạch nguồn tâm sự của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc, từ kỷ niệm xa “Đêm tháng
ba/ trăng rằm nghiêng nhớ mẹ/ Ngát hương cau đau vụ lúa đầu” đến day dứt gần “Trăm
con mắt đọng nụ cười cay nghiệt/ Chắp tay xin khấn nguyện cả tinh cầu/ Như bát
cháo ngâu vầy cô hồn đến/ Ngả nghiêng cười thỏa khát cõi phàm dương”.
Không có ý định dự
phần sáng tạo ngôn từ, thơ Hoàng Cúc giản dị ghi lại những trắc ẩn cá nhân một
cách chân thành. Dẫu có lúc hoang mang “Thương phát khóc cánh đồng hoa điên điển/
Khóm lan xanh, thược dược lúc đang thì/ Mong manh quá vạn cánh đào xuân khát/ Triệu
triệu hồng để hứng sương rơi” thì chị vẫn tìm được chỗ trú ẩn riêng tư: “Đời
nhân thế/ Vụn buồn rơi từng mảng/ Long lanh ngờ/ Ngỡ vạn ánh sao băng/ Ta xếp lại/
Nếp nhăn nới khóe miệng/ Xóa chân chim/ Ém lại nụ cười/ Tóc thưa thớt để gió
đùa gỡ rối/ Nhuộm răng đêm huyễn hoặc mướt đen/ Thế là sống/ Đời an yên cây cỏ/
Bốn mùa qua/ Dẫu mưa gió dày vò”
Nghệ sĩ Nhân dân
Hoàng Cúc cho biết, người góp phần quan trọng để có trường ca “Cúc” là người chồng
hiện tại của chị: “Anh ấy và tình yêu của anh ấy đúng là chất xúc tác để tôi
làm nên nhiều bài thơ tình mặc dù anh ấy chẳng dính dáng gì đến thơ ca, nghệ
thuật… Anh ấy cũng luôn tạo cho tôi một không gian riêng để tôi được đắm chìm
trong cảm xúc của riêng mình. Chẳng hạn, anh ấy bảo tôi làm gì đó nhưng tôi bảo
“khoan đã, em đang làm thơ” thì anh ấy cũng sẽ không làm phiền nữa”.
Người đàn ông “đã
khiến ta phục sinh – người đàn bà” trong thơ Hoàng Cúc, cũng cho chị nhiều ưu
tư: “Đi hết biết dòng sông không còn sóng/ Nghe tiếng vọng thời gian ngưng đọng/
Bàn tay đan bừng sáng cả mặt trời”. Và từ tình yêu ấy, chị đến với thi ca để
thêm tin cậy từng khoảnh khắc bao dung: “Tờ lịch cũ câu thơ buồn nhân thế/ Trả
cho đời mơ giọt nắng tinh khôi/ Trên trời biếc lũ chim trời quấn quýt/ Dưới đất
mềm ta ươm một nhành mai”.
NNVN