Xa quê nhiều năm, nhưng hình bóng quê hương vẫn vẹn
nguyên trong lòng nhà văn Trần Đức Tiến. Tình yêu và nỗi nhớ đối với nơi
“chôn rau cắt rốn” được ông lưu giữ một cách tinh tế và sống động trong những
trang viết dành cho tuổi thơ.
Người giữ hồn làng cho con trẻ
PHƯƠNG HÀ
Năm 2023, giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn đã được trao cho
nhà văn Trần Đức Tiến, đây là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến của ông
với nền văn học thiếu nhi. Viết cho tuổi hoa là một “sân khấu” quen thuộc của
Trần Đức Tiến. Từ thập niên 90, ông đã cho ra mắt một số tập truyện viết cho
thiếu nhi như Vương quốc vắng nụ cười; Dế mùa thu. Vài năm trở lại đây,
cái tên Trần Đức Tiến được bạn đọc nhỏ tuổi biết tới nhiều hơn qua một số tác
phẩm hấp dẫn với văn phong nhẹ nhàng, trong trẻo, giàu tính nhân văn như Xóm
Bờ Giậu; A lô!... Cậu đấy à; Làm mèo....
Bước vào thế giới văn chương của Trần Đức Tiến, con trẻ
sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thanh bình, yên ả của làng quê Bắc Bộ. Sinh ra và lớn
lên ở một ngôi làng thuần nông thuộc tỉnh Hà Nam, khung cảnh của làng quê Bắc Bộ
hơn nửa thế kỷ trước đã in sâu vào trong tâm trí của nhà văn. Ông đã vận dụng rất
tốt những hiểu biết cùng vốn sống của mình về khung cảnh làng quê miền Bắc xưa
kia và đưa nó vào trong trang viết. Bởi với người cầm bút, dù viết bất cứ thể
loại nào, khi đặt bút xuống để tái hiện điều mình hiểu và trân trọng cũng dễ
dàng hơn.
Trần Đức Tiến đã tái hiện vẻ đẹp trong trẻo, nên thơ của
làng quê Bắc Bộ xưa với tất cả tình yêu của một người con xa xứ. Nơi đó có ao
làng trong vắt với đàn cá rô tung tăng bơi lội, vài ba chú chuồn chuồn ớt tinh
nghịch nô đùa bên những đóa hoa đồng nội. Với khiếu quan sát tinh tường và tỉ mỉ
của một nhà văn nhạy cảm và yêu thiên nhiên, Trần Đức Tiến đã biến bờ ao, mảnh
vườn, khóm trúc, chú dế, con ốc sên, con cóc … - những không gian và con vật
quen thuộc của làng quê - trở thành một thế giới sống động, vui tươi, luôn đầy ắp
tiếng cười.
Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai thủ pháp miêu tả
và nhân hóa, mỗi nhân vật của nhà văn Trần Đức Tiến đều hiện lên một cách sinh
động, có hồn với những nét tính cách riêng. Chú Dế Còm với tâm hồn thi sĩ ngày
ngày làm thơ, cô Ốc Sên đỏm dáng lúc nào cũng thích trưng diện và cụ Cóc hiểu
biết, thấu tình đạt lý. Tiếng kêu của chú dế, những động tác nhỏ khi đạp nước của
một con bọ que, hay dáng điệu của một con cóc lúc trời sắp đổ mưa… đều được tác
giả quan sát kỹ lưỡng trước khi miêu tả.
Trần Đức Tiến quan niệm: “Nhà văn phải biết lắng nghe
tiếng hát của con Thằn Lằn, tiếng thở dài của Ốc Sên và đọc được bài thơ của
con Dế trên lá mít… Hơn thế, phải làm cho bạn đọc nhỏ tuổi tin vào điều đó, để
học cách “nghe” và “đọc” nhiều thứ khác. Đấy là thử thách khó vượt qua nhất,
nhưng cũng là tham vọng lớn lao của người viết truyện đồng thoại.” Sự nhạy
cảm và tinh tế của một nhà văn được ông đánh giá rất cao. Nếu mất đi sự nhạy cảm
này, nhân vật sẽ trở nên vô hồn, không hấp dẫn.
Việc viết sao cho không khiên cưỡng, thú vị mà vẫn
toát ra được sự tự nhiên khi tái hiện các nhân vật được nhân hóa trong truyện đồng
thoại thiếu nhi, không phải là điều đơn giản. Nó đòi hỏi nhà văn phải rất tinh
tế để pha trộn các chi tiết thật khéo léo, sao cho nhân vật vừa mang cái phần
“người” và vẫn giữ được phần “con”, quan trọng nhất vẫn là khi đọc lên, độc giả
nhí không thấy gượng ép. Con trẻ vốn nhạy cảm, nếu đọc một đoạn văn kể về con dế,
nhưng lại không cho chúng cảm nhận chân thực như được nhìn thấy một chú dế thật,
thì rất dễ khiến độc giả nhí chán nản và bỏ cuộc, không muốn đọc tiếp.
Sự chân thực và tự nhiên chính là hai “gia vị” chủ chốt
tạo nên thành công cho các tác phẩm thiếu nhi. Cốt truyện đồng thoại cho trẻ nhỏ
cần đơn giản, không nên lớp lang, cầu kỳ, sẽ khiến các em khó ghi nhớ và nắm bắt.
Cái hấp dẫn của tác phẩm nằm ở cách miêu tả và xây dựng nhân vật của người viết.
Nhà văn Trần Đức Tiến hiểu rõ điều này, nên ông chú trọng nhiều vào việc xây dựng
và miêu tả nhân vật. Cốt truyện luôn được ông tiết chế một cách vừa phải, sao
cho dung dị, đơn giản và phù hợp với trẻ nhỏ.
Khi viết cho thiếu nhi, nhà văn dù ở bất cứ độ tuổi
nào, cũng phải nhìn cuộc đời bằng ánh mắt ngây thơ của một đứa trẻ. Làm được điều
đó không dễ. Và xét trên phương diện này, Trần Đức Tiến là một người có tài.
Khi đọc những tác phẩm ông viết cho thiếu nhi, độc giả cảm nhận một nét hồn
nhiên rất “thật” đúng chất của trẻ con. Trong các tác phẩm, nhà văn đã hoàn
toàn đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ để quan sát - cảm nhận - sáng tác.
Yếu tố giáo dục trong các sáng tác dành cho thiếu nhi
là điều được nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Người lớn thường theo đuổi ý nghĩ: “Con
trẻ sẽ học được điều gì khi đọc tác phẩm này?” Chính ý nghĩ đó đã khiến nhiều
nhà văn cố gắng lồng ghép các bài học đạo đức mang nặng tính giáo điều vào
trong những tác phẩm dành cho trẻ nhỏ. Song Trần Đức Tiến lại nghĩ khác. Khi
sáng tác cho thiếu nhi, điều ông trăn trở nhất là viết làm sao để bạn đọc nhỏ
tuổi yêu thích tác phẩm. Điều đầu tiên và quan trọng hơn cả là viết sao để các
bạn nhỏ cảm thấy thích thú với các nhân vật, từ đó các em sẽ suy ngẫm về câu
chuyện và rút ra được những bài học riêng cho mình.
Mỗi đứa trẻ là một “cái tôi” khác, nên những gì chúng
học được qua việc cảm thụ văn chương có thể không giống nhau. Nhưng nếu không
yêu thích tác phẩm mình đang đọc, làm sao con trẻ có thể cảm nhận được những
giá trị nhân văn tốt đẹp tác giả gửi gắm trong đó. Sự say mê thích thú với các
nhân vật và câu chuyện trong trang sách sẽ ngấm dần vào trí óc của trẻ thơ, khiến
chúng ngộ ra những điều tốt đẹp mà văn chương mang lại.
Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin, giải trí thời đại 4.0 đã khiến nhiều trẻ em xa rời việc đọc sách nói chung, đọc văn chương nói riêng. Mặt khác, đời sống đô thị hiện đại gấp gáp với những khối nhà cao tầng toàn bê tông hun hút cũng khiến các em dần trở nên xa lạ với bờ ruộng, bụi tre, bờ cây, ao cá, vườn nhà… Những trang sách của Trần Đức Tiến như thế, là một trong những hình thức níu giữ “hồn làng”, “hồn dân tộc” cho trẻ em, giúp các em có một tuổi thơ trọn vẹn, đủ đầy.
Nguồn: Văn Nghệ