Hôm nay 12/6, Nhà lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) được khánh thành tại đội 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Dù ghét dù yêu thế nào, cũng không thể phủ nhận, Nguyễn
Trọng Tạo là một nhân vật tài hoa trong làng nghệ thuật Việt Nam. Mọi trường lớp
đào tạo chính quy đều không có ý nghĩa với Nguyễn Trọng Tạo, chủ yếu ông mày mò
tự học và thành danh theo cách lãng tử của mình: “Vẽ tôi mực rượu giấy trời/
Nửa say nửa tỉnh nửa cười nửa đau”.
Nguyễn Trọng Tạo có tố chất thi sĩ thiên bẩm. Ngay từ
những bài thơ đầu tiên viết tại nơi chôn nhau cắt rốn như “Quê cát” đã cho thấy
Nguyễn Trọng Tạo có một giọng điệu riêng: “Quê cát đựng một trời gió cát/
Bãi lau thưa nhọn hoắt nắng hè/ Nhà bạn nhỏ bên kia con đường đất/ Mà muốn
sang, tìm trước bóng cây che…/ Xác máy bay cùng hố bom tội lỗi/ Cát cứ vùi như
cát có bàn tay/ Lớp trẻ chúng tôi lớn lên làm chiến sĩ/ Cát quê hương thành
chuyện kể đường dài…”.
Rời quân ngũ, Nguyễn Trọng Tạo nhanh chóng nổi tiếng
nhờ tác phẩm và nhờ giai thoại. Một trong những điều kỳ lạ nhất ở Nguyễn Trọng
Tạo là khả năng sáng tác ca khúc, khi chưa chơi được bất kỳ loại nhạc cụ nào và
cũng rất mù mờ về ký âm. Đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, chỉ cần đồng nghiệp
Nguyễn Phan Hách đưa bài thơ “Làng quan họ quê tôi” cho đọc thử, Nguyễn Trọng Tạo
ê a bắt nhịp hát luôn mà thành ca khúc lừng lẫy.
Về sau, Nguyễn Trọng Tạo có nghiên cứu chút ít khúc thức
và giai điệu, nhưng cũng không mấy rành rọt kỹ thuật âm nhạc. Vậy mà, ông vẫn
có thêm “Khúc hát sông quê” phổ thơ Lê Huy Mậu, làm nức lòng nức dạ giới mộ điệu.
Tương tự như vậy, Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa sách và
trình bày báo cũng chính bằng những cảm giác thẩm mỹ run rẩy trời cho, bố cục
và màu sắc rất bình thường nhưng lại rất cá tính!
Nguyễn Trọng Tạo có nhiều năm gắn bó với mảnh đất cố
đô. Ông từng có một gia đình êm ấm ở đó, với không ít niềm riêng: “Đất trời
lướt khướt dìu nhau bước/ Đắc đạo rượu ngon đắc đạo tình/ Bạn bè ở Huế thương
nhau thiệt/ Một đứa vợ la... chục đứa kinh”. Hôn nhân đổ vỡ, Nguyễn Trọng
Tạo ra Hà Nội dấn thân vào miên man thơ, nhạc, rượu… để thỉnh thoảng lại giật
mình: “Một năm là mấy cuộc chơi/ Một đời đâu dễ kết người mỹ nhân/ Trở về
căn hộ độc thân/ Cắm nồi cơm điện. Rân rân mi mày”.
Lúc cao hứng, Nguyễn Trọng Tạo thường tự hào xem mình
như một hậu sinh kế thừa của hai bậc tiền bối Văn Cao và Nguyễn Đình Thi. Nghĩa
là cũng nòi đa tài, nghiêng bên phải đụng thơ, nghiêng bên trái chạm nhạc. Công
bằng mà nói, âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo không thể so với Văn Cao và Nguyễn
Đình Thi, nhưng thơ của Nguyễn Trọng Tạo thì hoàn toàn không thua kém Văn Cao
và Nguyễn Đình Thi.
Nếu thơ của Văn Cao và Nguyễn Đình Thi hơi chú trọng
chất suy tưởng, thì thơ Nguyễn Trọng Tạo lại lấp lánh bởi cái dan díu và cái
hoang mang của một kẻ nặng nợ phiêu dạt. Bài thơ “Đồng dao cho người lớn” có thể
xem là một dấu ấn tiêu biểu cho thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Có cánh rừng chết vẫn
xanh trong tôi/ Có con người sống mà như qua đời/ Có câu trả lời biến thành câu
hỏi/ Có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới/ Có cha có mẹ có trẻ mồ côi/ Có ông
trăng tròn nào phải mâm xôi/ Có cả đất trời mà không nhà ở/ Có vui nho nhỏ có
buồn mênh mông/ Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/ Mà đời vẫn say mà hồn vẫn
gió/ Có thương có nhớ có khóc có cười/ Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”.
Nguyễn Trọng Tạo tung tẩy ở nhiều lĩnh vực, nhưng gia
tài lớn nhất mà ông để lại cho nhân gian là thơ. Nguyễn Trọng Tạo quan niệm:
“Trên con đường vô định, tôi đã đi tìm thơ gần trọn cuộc đời, để quay lại với
ngôn ngữ thơ ca nhịp chẵn của Việt Nam mình. Thơ lục bát, thơ bốn tiếng, thơ
tám tiếng... bao giờ cũng tạo nên những cặp đôi thủy chung bền vững như một đặc
tính vĩnh cửu của tâm hồn người Việt Nam”.
Những mỹ nhân có thể đến với Nguyễn Trọng Tạo một cách
hân hoan rồi rời xa Nguyễn Trọng Tạo một cách nhẹ nhàng. Còn thơ thì không, thơ
bám lấy Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Trọng Tạo cũng bám lấy thơ, để song hành tồn
tại, để an ủi cưu mang: “Buồn đốt hết ngày/ Đêm dày tàn tro/ Buồn đốt bài
thơ/ Bài thơ thành khói nào ngờ... khói cay”.
Nguyễn Trọng Tạo thích xê dịch, thích tụ bạ, thích bù
khú, thích xã giao… nhưng thơ ông vẫn giữ được thao thức thường trực: “Ngày
vung vãi đức tin/ Đêm gặp mình đơn độc/ Ranh khôn giữa muôn nghìn/ Trở về thành
thằng ngốc/ Mướn niềm vui kẻ khác/ Có gì như tham lam/ Mướn nỗi buồn kẻ khác/
Có gì như nhàm nhàm/ Cây khế nở hoa cam/ Cây bàng nở hoa bưởi/ Ăn mãi món mật
ong/ Biết đâu đời đắng lưỡi?”.
LÊ THIẾU NHƠN