Khó tìm được những bài viết nghiên cứu, lý luận, phê bình đúng mực, chuẩn xác, có trình độ chuyên môn sâu mà chủ yếu là các bài viết của các phóng viên theo dõi mảng mỹ thuật. Điều này làm vơi đi giá trị đích thực của tác phẩm hoặc di sản

Nghiên cứu - phê bình mỹ thuật: "Khoảng trống" từ khâu đào tạo

NGUYỆT HÀ

Vừa qua, tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra triển lãm “Nghiên cứu điền dã Nam Định, Bắc Ninh” của nhóm sinh viên năm thứ 2 Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình nghệ thuật. Triển lãm này cũng là kết quả báo cáo kết thúc học phần Lịch sử mỹ thuật Việt Nam 2 của các sinh viên, song nó cho thấy những nỗ lực của thầy và trò Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam trong công tác dạy và học về chuyên ngành nghiên cứu và phê bình mỹ thuật - lĩnh vực vốn đang tồn tại những “khoảng trống” cần được lấp đầy...

Sinh viên đếm trên đầu ngón tay

Chia sẻ niềm vui khi có được thành quả trong hoạt động học tập và nghiên cứu, em Lê Thu Linh - sinh viên lớp Lý luận K21 Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Vừa qua, lớp Lý luận K21 đã được Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức cho đi thực tế điền dã tại 2 tỉnh Nam Định và Bắc Ninh. Chuyến đi thực tế này giúp chúng em bổ sung được những kỹ năng đã được học trên lớp như kỹ năng thu thập thông tin, phân tích tài liệu và các kỹ năng mới như quan sát hiện vật, di sản, di tích để nhận diện được các đặc điểm mỹ thuật và hiểu được giá trị mỹ thuật Việt Nam trong tiến trình lịch sử văn hóa dân tộc.

Có thể nói, công việc nghiên cứu là một công việc tỉ mỉ, đòi hỏi người nghiên cứu phải có khả năng bao quát khi đi điền dã tại di tích. Việc chụp ảnh, ghi, vẽ sơ đồ, đo đạc và làm bản rập cũng là những kỹ năng được học thật cẩn thận trong quá trình nghiên cứu. Từ việc học tập tại các di tích lần này, chúng em học được nhiều kiến thức bổ ích. Hy vọng rằng, trong những năm tiếp theo chúng em lại có được những chuyến thực tập, nghiên cứu điền dã tại các di tích mỹ thuật khác để tiếp tục với hành trình nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam, bồi đắp thêm kiến thức cũng như tình yêu với nền mỹ thuật nước nhà...”.

Như trên đã nói, có được cuộc triển lãm nhỏ này là thành quả của sự nỗ lực rất lớn của các sinh viên, giáo viên hướng dẫn cũng như của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam trong việc quan tâm, đào tạo chuyên ngành Lý luận, Lịch sử và Phê bình nghệ thuật. Chính vì thế, khóa 21 đã có 5 sinh viên theo học - con số được xem là một dấu mốc thành công trong công tác chiêu sinh những năm gần đây. Điều này đem đến niềm hy vọng tương lai sẽ có được những lứa sinh viên được đào tạo chính quy, bài bản và được thực hành để trở thành những nhà nghiên cứu mỹ thuật độc lập, có trình độ chuyên môn và tình yêu với nghệ thuật, khắc phục phần nào sự thiếu vắng trong hoạt động phê bình mỹ thuật chuyên nghiệp hiện nay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trên địa bàn cả nước chỉ có 2 đơn vị đào tạo về lý luận và phê bình mỹ thuật, đó là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Riêng Khoa Lý luận của trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã được sáp nhập với Khoa Sư phạm, trở thành Khoa Lý luận và Sư phạm mỹ thuật vì không có sinh viên theo học.

Tương tự, cũng từ hàng chục năm nay, chuyên ngành Lý luận, Lịch sử và Phê bình nghệ thuật của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh, đặc biệt, có năm trường chỉ tuyển được... 1 sinh viên. Dù chỉ tiêu tuyển sinh của trường đối với khoa này mỗi năm cũng chỉ có 5, nhưng thường chỉ tuyển được 2-3 em.

Để khắc phục tình trạng này, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã đưa ra những phương pháp điều chuyển theo nguyện vọng của các sinh viên thi từ các khoa khác sang. Bên cạnh đó, nhà trường và khoa đã liên tục tiến hành rà soát, chỉnh sửa chương trình đào tạo của ngành, rút ngắn thời gian đào tạo từ 5 năm xuống 4 năm. Tuy nhiên, vẫn không cải thiện được nguồn nhân lực cho việc đào tạo lý luận và phê bình mỹ thuật. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình được đào tạo và ra trường trước đây, đa phần làm trái nghề, nhiều nhà nghiên cứu đã có tuổi, nghỉ công tác.

Đóng góp lớn của số ít nhà lý luận và phê bình mỹ thuật

Tháng 12/2023, Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình nghệ thuật của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam kỷ niệm 45 năm thành lập. Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng (cựu sinh viên khóa 2) thì: “Sinh viên của khoa hầu hết ra trường đi dạy học và làm báo. Một số có được công trình nghiên cứu, như Trương Minh Hằng chủ biên tổng tập “Làng nghề Việt Nam truyền thống” rất giá trị.

 Phạm Thị Chỉnh với hai cuốn sách “Lịch sử mỹ thuật Việt Nam và Thế giới”; Phạm Trung tham gia hai công trình lớn là “Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, thế kỷ 20” và “Nghệ thuật đương đại Việt Nam”; Nguyễn Hải Phong cùng nhóm nghiên cứu có sách “Chạm khắc cổ qua các bản rập Việt Nam”; Phan Thanh Bình trở thành Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế và có các công trình nghiên cứu về khảm sành sứ Huế; Trang Thanh Hiền có sách “Tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn” và “Cửu phẩm liên hoa”, Quách Thị Ngọc An có sách về “Lăng mộ hoạn quan thái giám thế kỷ 17, 18”...

Điều đó cũng cho thấy những đóng góp không nhỏ của những người được đào tạo vào sự nghiệp nghiên cứu, phê bình và giảng dạy ở hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực mỹ thuật...”.

Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu mỹ thuật, đối với sinh viên được đào tạo ở chuyên ngành nghiên cứu lý luận phê bình, sau khi ra trường phải tiếp tục được đào luyện qua các cơ quan nghiên cứu văn hóa như Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hoặc về đơn vị gắn bó mật thiết nhất với ngành là Viện Mỹ thuật. Tuy nhiên, có một điều đáng buồn là Viện Mỹ thuật trước đây sau khi được nhập về Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, được cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính, chỉ còn như một phòng/ban với số lượng nghiên cứu viên hiện vỏn vẹn... 5 người và hầu như không có những hoạt động nghiên cứu được nhà nước đầu tư.

Có thể thấy, việc những năm gần đây thí sinh không lựa chọn ngành học này cũng là có lý do chính đáng của họ. Cơ hội việc làm cho các sinh viên mới ra trường của ngành Lý luận, Lịch sử và Phê bình nghệ thuật hiện nay cũng khá ít ỏi. Họ sẽ chủ yếu làm việc ở lĩnh vực báo chí, làm việc cho các phòng tranh, nhà đấu giá, trở thành các giám tuyển... nên trình độ sau khi tốt nghiệp không những không được nâng lên mà có khi còn bị thui chột đi khi không được sử dụng vào đúng chuyên môn, nghiệp vụ mà mình được đào tạo.

Một cá nhân rất khó có thể trở thành một nhà nghiên cứu độc lập nếu không có kinh phí, không có tư cách pháp nhân để đi đến các địa điểm nghiên cứu. Thực tiễn cho thấy, chỉ khi được tiếp tục nghiên cứu thông qua các chương trình hay dự án có sự hỗ trợ nguồn lực từ Nhà nước, từ chính sách thì mới có thể có được những công trình nghiên cứu có chất lượng, có giá trị, phục vụ cho sự phát triển của ngành mỹ thuật nói riêng và văn hóa nói chung. 

PGS.TS Trang Thanh Hiền - giảng viên Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật, cho rằng: “Trong bối cảnh xã hội hiện nay, ngành nghiên cứu lý luận và phê bình mỹ thuật thực sự rất cần thiết. Bởi, rõ ràng, công chúng thường xuyên tiếp nhận thông tin những sàn đấu giá trên thế giới liên tục có các phiên đấu giá về cổ vật, các tác phẩm mỹ thuật quý giá của Việt Nam, liên tục có các triển lãm của các họa sĩ, tác giả trưng bày... Nhưng, ngược lại, khó tìm được những bài viết nghiên cứu, lý luận, phê bình đúng mực, chuẩn xác, có trình độ chuyên môn sâu mà chủ yếu là các bài viết của các phóng viên theo dõi mảng mỹ thuật. Điều này làm vơi đi giá trị đích thực của tác phẩm hoặc di sản, thiếu đi những đánh giá thực thụ cho một sự phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp.

Tôi đến một số nước, trong đó có Trung Quốc thì thấy rằng, nghiên cứu văn hóa - mỹ thuật cổ là một trong những điểm nhấn trong việc hội nhập với văn hóa toàn cầu của họ.

Nếu nền nghiên cứu và phê bình mỹ thuật được đầu tư xứng đáng ngay từ khâu đào tạo để phát triển tốt, thì sẽ là tiền đề cho khả năng quảng bá để đưa không chỉ mỹ thuật Việt Nam mà còn là hình ảnh của Việt Nam đi xa hơn nữa. Bởi, mỹ thuật chính là tấm gương phản chiếu văn hóa của một dân tộc, là biểu trưng cho sự nhận diện về bản sắc văn hóa truyền thống hay đương đại của một đất nước”.

 

 Nguồn: Văn Nghệ Công An