Danh họa Mai Long, nhân vật cuối cùng của khóa mỹ thuật kháng chiến Việt Bắc 1950-1953, đã qua đời ở tuổi 94, sau một thời gian đau yếu tại Hà Nội.


Danh họa Mai Long qua đời vào đêm 21/7/2024. Lễ viếng danh họa Mai Long diễn ra lúc 7h30 ngày 28/7 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, số 1B Trần Khánh Dư, Hà Nội. Thi hài danh họa Mai Long sẽ được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ và an táng tại nghĩa trang Văn Điển vào cùng ngày.

Danh họa Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng. Từ năm 1948, ông theo học nghề với danh họa Tô Ngọc Vân (1906-1954). Danh họa Mai Long được đào tạo lớp chính quy đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam khóa 1950-1953 tại Việt Bắc, thường gọi là khóa mỹ thuật kháng chiến, cùng với các tên tuổi Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Trần Đông Lương, Trọng Kiệm…

Danh họa Mai Long có công đặt nền móng cho phim hoạt họa Việt Nam. Bộ phim hoạt họa đầu tiên của Việt Nam là “Bài ca trên vách núi” do danh họa Mai Long cộng tác với đạo diễn Trương Qua. Ngoài ra, danh họa Mai Long còn nổi tiếng với những tác phẩm truyện tranh cổ tích Việt Nam, mà tiêu biểu phải kể đến “Tấm Cám” và “Sơn Tinh Thủy Tinh”.

Sáng tác ở nhiều thể loại, nhưng danh họa Mai Long đặc biệt tâm đắc với tranh lụa. Lúc sinh thời, ông từng bày tỏ: “Nghệ thuật tạo ra cho cuộc sống sự bình thản, nhẹ nhàng nhất. Phần lớn tranh của tôi đi vào miêu tả những điều êm đềm nhẹ nhàng và vào lụa rất thích hợp. Nhiều người vẽ tranh lụa nhưng chỉ là vẽ trên mặt lụa. Tranh lụa đòi hỏi một không gian lan toả đòi hỏi phải vẽ công phu, phải rửa. Định vẽ một màu, phải vẽ đến hàng chục lần mới ra được không gian huyền ảo đó. Chỉ vẽ một lần như sơn dầu thì không thể ra được chất của tranh lụa. Vẽ xong lại rửa, vẽ xong lại rửa, có những độ mình phải vẽ hàng chục lần mới ra hiệu quả mình mong muốn”.

"Chân dung bà Lê Minh Châu"


Danh họa Mai Long kết hôn với bà Lê Minh Châu, khi cả hai có mặt trong đội ngũ những người tham gia cách mạng ở Thái Nguyên, Vẻ đẹp phụ nữ Tuyên Quang của bà Lê Minh Châu cũng trở thành cảm hứng cho nhiều bức tranh của danh họa Mai Long.

Suốt đời đam mê cầm cọ, ngay cả khi bước qua tuổi 90, danh họa Mai Long vẫn thường xuyên tổ chức triển lãm, như ông tâm sự: “Tôi vẽ thường xuyên, nó là công việc hàng ngày. Khi nào chưa nảy nở được đề tài để vẽ thì mình buồn lắm, có khi lại sinh đau ốm. Cái chính mình khoẻ là do mình được làm việc cụ thể hàng ngày trên tranh”. 

Tri ân đóng góp của danh họa Mai Long, Nhà xuất bản Kim Đồng đã ấn hành cuốn sách “Họa sĩ Mai Long – Những bức tranh như những bài thơ”.  Thế hệ hậu sinh đã dành cho danh họa Mai Long sự trân trọng: “Họa sĩ Mai Long, với tình yêu, với sức lao động cần mẫn, bền bỉ, cùng những tìm tòi sáng tạo sâu sắc, không ngừng nghỉ đã làm nên một hội họa Mai Long hết sức riêng và độc đáo… Một dòng chảy hội họa trong trẻo và uốn khúc bổng trầm gắn bó nghệ thuật của ông, con người ông với thăng trầm đất nước và dân tộc”.

                                     NNVN