Giáo sư Cao Huy Thuần đã qua đời ở tuổi 87, vào lúc 5h sáng 8/7 (theo giờ Việt Nam) tại Pháp, để lại cho công chúng nhiều tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc.


Giáo sư Cao Huy Thuần sinh năm 1937 tại Huế. Ông từng tốt nghiệp đại học Luật và làm giảng viên đại học ở quê nhà. Năm 1964, ông sang Pháp du học. Năm 1969, ông hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Paris và làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu về cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie.

Giáo sư Cao Huy Thuần là một học giả có khả năng truyền tải sự hiểu biết của mình một cách khéo léo qua từng trang sách. Những tác phẩm của giáo sư Cao Huy Thuần xuất bản tại Việt Nam đã lôi cuốn bạn đọc nhiều thế hệ.

Bằng một giọng văn nhẹ nhàng, giáo sư Cao Huy Thuần mang đến cho công chúng sự chiêm nghiệm thú vị: “Tôi tự xét mình, tôi chưa bao giờ là chủ của một cái gì, kể cả cuộc đời của tôi, kể cả thân xác của tôi. Tôi muốn tóc cứ xanh, nó cứ bạc. Tôi muốn ngủ, mắt không muốn nhắm. Tôi đâu nghĩ có ngày phải sống xa nước, vậy mà rồi cũng bèo dạt mây trôi. Luật Việt Nam ngày xưa bảo tôi là chủ gia đình. Có ai trên đời này dám vỗ ngực xưng mình là chủ của bà vợ?

Vay nợ để mua nhà, tôi là chủ của cái nhà, hay cái nhà là chủ của tôi? Buồn, vui, thương, yêu, giận, ghét, cứ đến cứ đi, có hề xin phép gì tôi đâu? Ý nghĩ tôi đang nói ra đây, tôi đang làm chủ nó hay nó đã bắt đầu đưa đẩy tôi đi đến chổ nào tôi chưa biết? Không ai là chủ của một cái gì cả, vì lẽ giản dị không có cái gì là khách”.

Di sản của giáo sư Cao Huy Thuần có thể kể đến các tác phẩm: “Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta”, “Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam 1857-1914”, “Nhật ký sen trắng”, “Sợi tơ nhện”, “Nắng và hoa”, “Đến với Phật cùng tôi”, “Người khuân đá”, “Sen thơm nắng hạ quê mình”, “Im lặng như lời chia tay”…

Vốn là một Phật tử, giáo sư Cao Huy Thuần đưa ra nhiều kiến giải uyên tâm về Phật giáo. Phân tích tương quan giữa người bình thường và người tu hành, giáo sư Cao Huy Thuần cho rằng: “Không với lợi, không với danh, không với phú quý, không với chức tước. Thấy lợi, thấy danh, thấy giáo sư tiến sĩ là không, cho nên không bám vào. Không bám vào, cho nên tự do, có thì cũng vui, không có thì không khổ. Người xuất gia cao hơn chúng tôi, không được với những cái khó nhất, không với vợ con, không với ái dục.

Như vậy có trái với thiên nhiên không? Tuỳ. Hễ nhìn với mắt trần thì trái. Hễ nhìn với mắt tuệ thì chính những thứ đó cũng là không. Xuất gia hay tại gia, chúng ta học không với mọi vướng mắc cho đến mức không được cả với cái vướng mắc khốc liệt nhất – vướng mắc của chữ “tôi”.

Một điểm độc đáo trong tác phẩm của giáo sư Cao Huy Thuần là ông tận dụng sự thông tuệ của mình rất uyển chuyển. Đôi khi ông lồng ghép văn học, triết học và sử học vào một câu chuyện rất hấp dẫn: “Giống như bất cứ ai, tôi cũng đã từng choáng ngợp trước hào quang của Napoléon. Người Việt lại dễ choáng ngợp hơn ai hết, vì lịch sử mà chúng ta học từ bé là lịch sử của võ công, của trận mạc, của danh tướng. Huống hồ, trong huyền sử chung quanh Napoléon, còn phảng phất thêm phấn hương hồng lâu mộng Joséphine!

Trai mới lớn chúng tôi ngày trước có đứa thuộc lòng từng đoạn trong thư tình ông gởi cho hoàng hậu: “Ta đang trên đường từ chiến trận về thăm nàng đây. Đừng tắm nhé!”. Khói bốc ra từ hàm ngựa và mùi mồ hôi dâng lên từ phía dưới cổ quý phi, trai nào mà không rạo rực?

Lớn lên chút nữa mới hiểu rằng đâu phải chỉ ngồi trên mình ngựa mới làm nên lịch sử! Nhưng có lẽ chưa già thì chắc cũng chưa dám nghĩ đến việc so sánh sức mạnh giữa cây bút với lưỡi gươm. Chưa già thì chưa nhận ra rằng hóa ra lưỡi gươm chẳng thấm vào đâu so với lời nói và chữ viết”.

Tác phẩm của giáo sư Cao Huy Thuần dành cho những ai thích suy tư. Biên độ thẩm mỹ luôn mở rộng trong cách ông nhìn và cách ông nghĩ buộc độc giả phải bâng khuâng, phải thao thức: “Sống với người, cây có linh hồn: tôi biết điều đó từ nhỏ. Cây biết nói chuyện với chim, biết hát với gió, biết mơ mộng với trăng, biết cãi nhau với bão, và biết dọa tôi với đêm khuya. Cây biết xõa tóc bên hồ làm người thất tình. Cây biết làm liểu đìu hiu chịu tang với mùa thu. Tôi đã từng thấy người ta buộc khăn tang cho cây trong vườn khi gia chủ chết. Và có cây nhớ chủ, chết theo.

Cây thân thuộc với con người như thế nên con người đem luôn cây vào cổ tích. Ngửa mặt lên trời, cây đa nằm trọn lòng mặt trăng. Cây biết khóc là chuyện trẻ con chúng tôi học từ lúc nhỏ. Sách lớp lớp ba của chúng tôi kể: nhà kia, cha mẹ vừa mất, anh em đã chia nhau gia tài, cái gì cũng chia, bàn nhau chia cả cây cổ thụ trong sân. Cây chứng kiến cảnh gia đình ly tán, buồn quá, chỉ trong một đêm, cành khô lá rũ, anh em tỉnh ngộ: cây kia còn có tình, sao chúng ta nỡ để mất nhau?”.

Hành trình 87 năm trên dương gian của giáo sư Cao Huy Thuần đã khép lại. Thế nhưng, tác phẩm Cao Huy Thuần chắc chắn còn đồng hành người Việt Nam trong tương lai với những gửi gắm tư tưởng nhân văn: “Cuộc đời của chúng ta cũng giống như một màn múa, một bản hòa âm. Chỉ là những ngón chân, chỉ là những nốt nhạc tập hợp lại. Chỉ là những khoảnh khắc, có khi vui, có khi buồn, và đầy khó khăn, thách đố, đầy vấn đề. Khoanh tròn từng vấn đề một, đừng để nó lẫn lộn trong mớ bòng bong quá khứ với tương lai, và giải quyết trong tỉnh táo. Nhờ vậy, hiện tại vốn là không có mà thành có, vốn là không thật mà thành thật. Nó thành có, thành thật, nó có bề dày, bởi vì ta có ý thức về nó, ý thức của ta tạo ra nó”.

                                                  TUY HÒA