Nguyễn Khuyến mỉa mai thứ văn sáo rỗng, tán tụng: “Văn bia không đốt như văn tế/ Ghi rõ để lưu truyền về sau, không phải dễ/ Dài ngắn đã khó mà đo được nghìn dặm/ Phải trái còn có người trăm năm sau mới biết/ Gần đây sự học đã hoang phế nhiều/ Huống chi gặp thời buổi rối ren…”.


Nguyễn Khuyến - Cái nhìn nghệ thuật riêng!

NGUYỄN THANH TÚ

Những văn hào lớn thường có quan niệm riêng về sáng tạo và tiếp nhận, bắt đầu từ cái nhìn này mà quy định thế giới nghệ thuật mang phong cách riêng, vị trí riêng. Ngày nay được gọi là “mỹ học cái Khác”. Đóng góp của người nghệ sĩ, trước hết phải Khác, đó là tiền đề của cái Mới. Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835 - 1910) là một trường hợp như vậy.

Từng để lại cho văn học Việt Nam những câu thơ hay cảm động về tình bạn, qua đó, chúng ta hiểu thêm quan niệm về tác phẩm nghệ thuật phải là tiếng nói của sự tri âm. Có thể gọi đó là mỹ học về sự tri âm: “Câu thơ nghĩ đắn đo không viết/ Viết đưa ai, ai biết mà đưa/ Giường kia treo cũng hững hờ/ Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn” (Khóc Dương Khuê). Tác phẩm (câu thơ) phải là sản phẩm của sự suy nghĩ thấu đáo (đắn đo), và có đối tượng tiếp nhận phù hợp. Ý thơ lấy từ tích Trần Phồn đời Hậu Hán có bạn thân là Từ Trĩ. Phồn dành riêng cái giường, Trĩ đến thì mời ngồi, Trĩ về thì treo giường lên. Bá Nha và Chung Tử Kỳ là bạn tri âm. Tử Kỳ mất, Bá Nha đập đàn không gẩy nữa.

Mượn hình tượng cây dành dành (là hoa cảnh và làm thuốc) nhà thơ nói về nghệ thuật có giá trị tự thân, không cần đến sự nâng đỡ, “hữu xạ tự nhiên hương”: “Dành dành không có đất bón/ Mà tươi tốt thế kia/ Mới biết hễ có chất tốt thì tạo hóa vun đắp cho/ Không cần mượn ai nâng đỡ cả” (Tiểu cảnh). “Chất tốt” có thể hiểu là nội lực, là tài năng nhà nghệ sĩ. Có tài năng thì chẳng cần đến nguồn dinh dưỡng bên ngoài (đất bón), càng chẳng cần đến “nâng đỡ”. Tác phẩm đích thực của tài năng đích thực sẽ tuyệt đối trong sáng, tự nhiên: “Băng ngọc thiên nhiên nãi nhĩ tài - Trong như băng, trắng như ngọc, thiên nhiên đục chuốt ra như thế” (Thủy tiên). Sẽ sống mãi với thời gian: “Phương xú phân minh thiên tải hậu - Thơm thối dù nghìn năm sau vẫn rõ ràng” (Thủy tiên).

Rất trân trọng cái đẹp, với tư cách một “ông say”, nhà thơ tả cây mai: “Mùi hương mát dịu, đáng đứng đầu trăm hoa/ Chỉ có ông say sớm tối thường an ủi ngươi/ Còn người đời, không ai biết ngươi, thật đáng buồn” (Vịnh mai). Đó là một quan niệm về cái đẹp kín đáo, không sặc sỡ, thâm trầm (mát dịu). Buồn thay cho người đời không biết đến cái đẹp như vậy, mà chỉ có “ông say” này biết yêu thương, biết thưởng thức. Thì ra ông lão ấy không phải là “say” nữa, mà là tỉnh, thậm chí tinh tường vượt lên trên cả thế gian trần tục và phàm tục. Không vụ lợi nên nghệ thuật phải tránh xa nơi buôn bán thô tục.

Nhà thơ tả chậu hoa thủy tiên đặt nơi sang trọng: “Đặt vào bể đá để trên chỗ ngồi/ Sáng hôm sau thấy nở ra vài bông hoa/ Đem dồn cho bọn con buôn lớn thì còn kén chọn gì?” (Thủy tiên). Bài thơ như một tiếng thở dài toát ra từ một tình thế tương phản: hoa đẹp thế kia mà bán cho “bọn con buôn”, thì cần gì đến sự “kén chọn”. Họ chỉ biết tiền chứ đâu cần biết đến cái đẹp. Nghệ thuật phải có giá trị tương ứng với chính nó: “Văn ta tuy chẳng hay/ Há không xứng ba tiền/ Khách mua sao rẻ thế/ Không đáng giá ta không bán” (Bán hàng đối trướng). Cho thấy một quan niệm con người phải biết trân trọng nghệ thuật, kể cả sáng tạo và kẻ tiếp nhận.

Còn là một quan niệm nghệ thuật phải thiết thực, có tác dụng với nhân sinh. Thời gian sẽ cho thấy văn này hay, đáng đọc, văn kia dở, nên bỏ qua. Ông mỉa mai thứ văn sáo rỗng, tán tụng: “Văn bia không đốt như văn tế/ Ghi rõ để lưu truyền về sau, không phải dễ/ Dài ngắn đã khó mà đo được nghìn dặm/ Phải trái còn có người trăm năm sau mới biết/ Gần đây sự học đã hoang phế nhiều/ Huống chi gặp thời buổi rối ren/ Bác hãy trở về mà tìm lấy thì sẽ được/ Thứ văn tán tụng công đức, kinh đô không thiếu” (Lại nghĩ hộ bài văn bia ghi công đức cho người không xong, nhân làm thơ trả lời).

Bối cảnh bài thơ này ra đời khi có người cũng dạng “văn hay chữ tốt” đến xin nhà thơ mấy câu đề khắc bia. Suy nghĩ mãi Nguyễn Khuyến trả lời bằng thơ. Trong bản phiên âm chữ Hán, câu “Trường đoản dĩ nan thiên lý đạc” (Dài ngắn đã khó mà đo được nghìn dặm) có từ điển cố: “Xích bức thiên lý” nghĩa là bức tranh một thước mà thu vào nghìn dặm. Là sự nhắc lại ý người xưa: văn chương phải hàm súc, lời ít ý nhiều nên cần sự công phu chưng cất thi liệu từ đời sống, rồi còn phải “thôi xao” câu chữ, may ra mới đến được với đời, với người.

Chủ trương đã là nghệ thuật phải có bản sắc, tiếng nói riêng, trong bài “Chủ thần tiên nhục” (Nấu món thịt thần tiên) nhà thơ khẳng định phải kế thừa học tập lẫn nhau để làm giàu có vốn văn hóa nhưng phải giữ được cái riêng, không được bắt chước: “Nam nhân hiệu bắc nam phi nam/ Tục tử tòng tiên tục cánh tục/ Sở dĩ Chung Nghi thao thổ âm” (Người nam bắt chước người bắc, nam chẳng còn là nam/ Kẻ tục theo tiên, tục càng thêm tục/ Cho nên Chung Nghi gảy đàn cứ giữ âm điệu quê hương).

Điển tích Chung Nghi làm quan coi nhạc nước Sở bị nước Trịnh bắt hiến cho nước Tấn. Khi vua Tấn bảo Chung Nghi đàn, Nghi không gảy theo âm điệu miền bắc mà gảy theo âm điệu miền nam, tức âm nhạc nước Sở. Nghi điển hình cho một tấm gương văn hóa có nhân cách, chí khí, bản lĩnh, yêu quý, tôn trọng văn hóa dân tộc, đất nước mình. Ý thơ này như là nói với hôm nay, thời buổi văn hóa toàn cầu, nếu cứ bắt chước sẽ thành nô lệ, đánh mất mình.

Có thể hiểu qua bài “Mẹ Mốc” nhà thơ nói về mối quan hệ nội dung - hình thức: “Giữ son sắt êm đềm một tiết/ Sạch như nước, trắng như ngà/ trong như tuyết/ Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ”. Một câu chuyện có thật: năm 1897 ở Nam Định có người đàn bà rất trẻ đẹp mắc bệnh tâm thần, thường ăn mặc rách rưới, nhem nhuốc lang thang hát nghêu ngao. Trước đây thuộc diện khá giả, giàu có, chẳng may loạn lạc, chồng con chết mà bị phát điên. Hiểu vậy thấy rõ hơn bút pháp mỹ lệ hóa cái xấu xí để nhấn mạnh tới cái nội dung, coi cái đẹp bên trong mới là quyết định. Nhà thơ thông cảm và “biện minh” cho việc rách rưới như vậy là “Làm thế để cho qua mắt tục”, còn tấm lòng thì vẫn như “mảnh gương” “vằng vặc”. Bài thơ còn hướng tới một sự tố cáo xã hội tao loạn đẩy con người vào cảnh khốn cùng, đẩy thân phận cái đẹp vào chỗ phải tự làm xấu xí đi để tồn tại!

Là một nhà thơ lớn, Nguyễn Khuyến sớm có quan niệm riêng về cái khác lạ. Ông chủ trương đã cầm bút thì không ai giống ai, nếu có giống thì lập tức đó là giả chứ không phải thật. Bài “Kính” (Gương) chỉ có 4 câu: “Thế gian mi mục tổng phi chân/ Nhất trụ kim đồng bách vạn thân/ Tá vấn trần ai thùy tự ngã?/ Khán lai duy hữu kính trung nhân” (Trên thế gian mắt mày đều không thật/ Cái gương soi trăm vạn thân người/ Trong trần ai này, ai giống mình?/ Xem ra chỉ là người trong gương thôi).

Theo thời gian, “mắt mày” đều thay đổi nên không thật ngay với chính mình, huống hồ so sánh với người khác. Có thấy giống với ai cũng chẳng nói nên điều gì, vì đó chỉ là hiện tượng “giả”. Muốn xem giống mình nhất thì chỉ có cách soi gương, đối diện với chính mình, so sánh với mình, trong một thời điểm. Còn ngoài ra, mình cũng phải khác mình. Bật toát ra một nguyên lý sáng tạo: khác người và phải khác chính mình, không lặp lại mình. Với quan niệm ấy, nhà thơ trân trọng những vẻ đẹp có nét riêng. Ông yêu hoa cúc, vì nó khác mọi loài hoa: “Bách hoa khai thời nhĩ vị khai/ Bách hoa lạc hậu nhĩ phương lai" (Khi trăm hoa nở thì ngươi chưa nở/ Khi trăm hoa rụng rồi mới thấy ngươi đến) (Vịnh cúc).

Mỹ học cái đẹp hài hòa, bình dị, chân quê của Nguyễn Khuyến biểu hiện tập trung nhất ở bài “Ái quất” (Yêu quất): “Người yêu cúc, kẻ yêu sen/ Người xưa mỗi người yêu mỗi thứ/ Tính ta vốn yêu rộng/ Đến tuổi già chỉ yêu quất/ Yêu vì cay mà không xé lưỡi/ Yêu vì chua mà không ghê người/ Yêu vì đắng mà không như mật đắng/ Yêu vì ngọt mà không như mật ngọt/ Đã làm cho người ngon miệng/ Lại chữa cho người khỏi bệnh/ Không đua thơm với ai/ Không tranh tốt với ai/ Chốn vườn nhỏ dễ yên thân/ Mùa đông rét không khuất phục được/ Quân tử thay gã này/ Bọn tầm thường ít kẻ sánh kịp”.

Một quan niệm bình dân, chân quê, mộc mạc thật khác biệt trong thơ chữ Hán trung đại. Không phải là tùng, cúc, trúc, mai đã thành biểu trưng nhưng mòn sáo, xa cách, mà là “quất”, nhà dân nào cũng có, gần gũi, thân thuộc, có ích lợi cho mọi người. Bài thơ còn thể hiện cách sống “lánh đục tìm trong”, “thanh bần lạc đạo” không chịu tầm thường. Một “nghệ thuật vị nhân sinh” đáng quý!

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An