Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy cho rằng: Có những tác phẩm
best seller chỉ chú trọng vào tính giải trí và được thổi phồng, quảng bá chỉ để
bán được và thu được lợi nhuận. Việc thổi phồng, quảng bá theo kiểu quảng cáo
này có lỗi một phần bởi các nhà phê bình.
Khi người đọc tạo nên số phận cho tác phẩm
ĐINH THỊ NHƯ THÚY
Từ những năm 1927 – 1928, nhà lí luận văn học kiệt xuất
người Ba Lan Roman Ingarden trong công trình Tác phẩm văn học đã đưa
ra quan điểm: “Tác phẩm văn học là vật hai lần có chủ ý: chủ ý sáng tạo của tác
giả và chủ ý tiếp nhận của người đọc”. Nhà văn M. Gorki cũng từng nói:
"Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm, nhưng chính người đọc tạo nên số
phận cho nó". Các quan điểm trên đã nhấn mạnh vai trò của người đọc trong
việc tạo lập nghĩa và xác định giá trị cũng như sự thành công cho các tác phẩm
văn học. Cũng đã có nhiều tranh luận quyết liệt về quan điểm này, tuy nhiên vai
trò của bạn đọc không ai có thể phủ nhận được. Và đặc biệt bạn đọc đó là các
nhà nhà văn, các nhà nghiên cứu phê bình.
1. Khi tác phẩm thơ trở thành đối tượng
nghiên cứu
Chúng ta biết làm thơ và đọc thơ là nhu cầu cần thiết
với con người bất cứ ở thời đại nào. Người ta đọc thơ vì nhiều lý do khác nhau.
Để giải trí, để hiểu biết, để trưởng thành, để tìm kiếm sự đồng điệu. Lý do nhu
cầu đọc khác nhau tạo nên các phân khúc, các kiểu dạng người đọc khác nhau. Với
tác phẩm thơ, có kiểu người đọc chỉ lưu tâm đến vần điệu đến nội dung tự sự
trong thơ. Nội dung tự sự càng éo le, sướt mướt với những tình cảm trúc trắc
não lòng đọc càng thấy hay. Có người không chỉ quan tâm đến vần điệu nội dung tự
sự mà còn để ý đến các thủ pháp nghệ thuật được vận dụng trong thơ. Có người đọc
sâu hơn, lấy tác phẩm thơ làm đối tượng nghiên cứu. Người đọc này là kiểu người
đọc đặc biệt đó là các nhà văn, các nhà phê bình văn học, các sinh viên ngữ văn
làm luận văn, khóa luận tốt nghiệp.
Tuy nhiên từ thực tế chúng ta cũng thấy ngay cả bạn đọc
là các nhà văn, các sinh viên ngữ văn làm khóa luận luận văn tốt nghiệp, hay
các nhà phê bình văn học thì cũng có những cách đọc, cách phê bình khác nhau.
Có phê bình báo chí và phê bình chuyên nghiệp. Phê bình báo chí thường có nội
dung thông tin giới thiệu về một tác giả hoặc một tác phẩm. Các bài phê bình kiểu
này giúp cho người đọc biết về sự phong phú đa dạng của sinh hoạt văn chương của
một quốc gia một vùng miền. Còn phê bình văn học chuyên nghiệp thì thường dựa
trên lý thuyết văn học và sử dụng các phương pháp phê bình như: phương pháp tiểu
sử, phê bình ấn tượng, phê bình thi pháp học, phê bình phân tâm học, lý thuyết
tiếp nhận, chủ nghĩa cấu trúc và giải cấu trúc... để xem xét đánh giá cặn kẽ kỹ
lưỡng tác phẩm.
Nhà phê bình Đặng Tiến (1940-2023) vận dụng Thi pháp học
của Roman Jakobson để phê bình thơ. Ông đã xuất bản các tập: Vũ trụ thơ (1972), Vũ
trụ thơ II (2008), Thơ – Thi pháp và chân dung (2009). Đọc các
Vũ trụ thơ của Đặng Tiến chúng ta bị thuyết phục bởi các bài phê bình chuyên
sâu: Nguyễn Du, nghệ thuật như một chiến thắng; Nữ tính trong thơ Bà huyện
Thanh Quan; Tản Đà, thi sĩ của Phôi Pha; Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử; Thi
giới Đinh Hùng... ; Phó giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy dùng phân tâm học để nghiên
cứu Hồ Xuân Hương, Hoàng Cầm. Ông đã in: Con mắt thơ (1992), Bút pháp của
ham muốn (2009), Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực (2010), Thơ
như là mĩ học của cái Khác (2012); Nhà thơ Mai Văn Phấn có tập Không
gian khác; Nguyễn Đức Tùng với Thơ đến từ đâu; Khổng Đức với Dẫn vào
thế giới thơ; Hồ Thế Hà với Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ....
Nhiều, rất nhiều các công trình nghiên cứu khác nữa.
Nhờ các công trình nghiên cứu thơ này, chúng ta có thể xác định được vẻ đẹp của
thơ ca. Những đóng góp của thơ, những biểu hiện của thơ ca Việt Nam trên hành
trình phát triển diễn ra như thế nào, hội nhập và lan tỏa với thế giới bởi những
tác giả tác phẩm xuất sắc nào. ...
2. Mối tương giao (viết - đọc) của
nhà văn và người nghiên cứu
Nếu thơ của bạn được đọc, được trở thành đối tượng
nghiên cứu của các nhà văn, nhà phê bình lý luận, các sinh viên ngữ văn thì với
tư cách là người viết ra những bài thơ, tập thơ đó, bạn mong chờ điều gì?
Theo tôi trước tiên là sự đồng cảm.
Bởi khi viết, chúng ta trình bày những điều mình yêu
thương, những vẻ đẹp mình cảm nhận, những phải trái đúng sai mình suy nghĩ, những
chấn thương, đau đớn dồn nén từ đời sống bất toàn. Có ai viết lại không mong có
người đọc thấu hiểu, chia sẽ đồng cảm với những điều mình viết ra. Mong muốn được
thấu hiểu trong tác phẩm văn chương đã là mong muốn từ ngàn đời.
Hơn thế nữa, chúng ta đã nghe nhiều đến khái niệm đồng
sáng tạo trong văn chương. Đó là khi điều người đọc phát hiện từ câu chữ vượt
xa với điều tác giả nghĩ đến khi viết. Tuy nhiên cũng cần nói thêm về sự đồng
sáng tạo trong tiếp nhận văn chương. Những giá trị mới phát hiện chỉ được chấp
nhận khi hợp lý trong giới hạn nhất định của văn bản. Những phát hiện chủ quan
những suy diễn tùy tiện khác xa văn bản gốc không không thể được thừa nhận.
Vậy nên nếu có sự đồng cảm thấu hiểu từ người đọc. Nếu
những ý tưởng sâu kín của chúng ta được phát hiện, những ẩn dụ, mờ nhòe trong
thơ ta được rọi sáng. Nếu những gì mình viết ra được tìm tòi bóc tách bằng hết
nghĩa trái, nghĩa đằng sau bề mặt câu chữ từ đó đem lại những giá trị mới cho
tác phẩm. Thì chúng ta là những người viết vô cùng hạnh phúc. Có được người đọc
như thế trên đời quả đúng là bạn tri âm. Nhà thơ và nhà phê bình tự dưng thấy
quý mến nhau dù có thể chưa lần gặp mặt. Và sự chia sẻ đồng cảm này, tình bạn
tâm giao này giữa nhà phê bình và nhà văn sẽ là động lực tốt đẹp để người viết
tiếp tục sáng tạo những tác phẩm của mình. Bởi quá trình sáng tạo là của riêng
nhà văn. Nhưng cảm hứng sáng tạo là cảm hứng được lan truyền và cộng hưởng
trong những sinh hoạt văn học trong đó có sự kết nối giữa người đọc và người viết.
3. Thơ và phê bình thơ dưới những thiết thế
truyền thông đa phương tiện
Như vậy, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của người
đọc trong việc xác định giá trị của tác phẩm văn chương trong đó có thơ. Một vấn
đề nữa đặt ra là chúng ta cũng không thể phủ nhận tác động của truyền thông với
sinh hoạt văn chương trong thời đại bùng nổ của truyền thông đa phương tiện hiện
thời.
Có thể nói người đọc ngày nay đang được dẫn đường bởi
một danh hiệu không chính thức đó là danh hiệu best seller. Bản thân danh hiệu
best seller đã hàm chứa thị hiếu và xu hướng đọc của độc giả. Các tác phẩm best
seller có thể không có tính hàn lâm và tôn vinh như các tác phẩm đạt giải thưởng.
Nhưng nó có sức hấp dẫn với bạn đọc. Bạn đọc có thể e dè với những tác phẩm đạt
giải thưởng cao, thậm chí giải Nobel nhưng họ rất rất dễ bị thuyết phục bởi các
tác phẩm đạt danh hiệu best seller. Có những tác phẩm best seller vừa mang tính
giải trí cao vừa có những thông điệp về nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Nhưng
cũng có những tác phẩm best seller chỉ chú trọng vào tính giải trí và được thổi
phồng, quảng bá chỉ để bán được và thu được lợi nhuận. Việc thổi phồng, quảng
bá theo kiểu quảng cáo này có lỗi một phần bởi các nhà phê bình.
Trước thực tế này các nhà thơ, các nhà phê bình, các bạn
đọc chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp của văn chương cần tỉnh táo. Cả trong
sáng tạo cả trong phê bình. Khi tiếp cận một tác phẩm thơ, cần tự mình đặt ra
những câu hỏi tác phẩm đó đem lại điều gì mới. Cách viết có gì độc đáo so với
các tác phẩm đã xuất hiện trước đó trong văn chương Việt Nam. Cần xác lập tính
văn chương của tác phẩm và tài năng sáng tạo của tác giả trong những bài viết,
những công trình nghiên cứu. Nếu các nhà phê bình trong lúc này vẫn chạy theo
các bài viết kiểu ve vuốt phỉnh phờ theo dẫn dắt của các phương tiện truyền
thông vì lợi nhuận. Nếu định hướng thẩm mỹ cứ bị lấn át bởi những yếu tố thương
mại như vậy thì tác động không tốt đến diện mạo văn học của đất nước là đã rõ
ràng.