Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói, những đóng góp của ông với nền điện ảnh nước nhà là khiêm tốn, nhỏ bé và ông may mắn vì được làm những điều mình muốn, từ bộ phim đầu tiên "Thị xã trong tầm tay" đến bộ phim cuối cùng "Hoa nhài".


Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: "Phiên xử cuối cùng" của “Bao giờ cho đến tháng Mười” và sự gặp gỡ nhân loại

VIỆT LINH

Theo nhà phê bình Lê Hồng Lâm, nếu chọn một đạo diễn người Việt đại diện điện ảnh và tâm hồn người Việt Nam trong thế kỷ XX, thì đó là đạo diễn Đặng Nhật Minh. Và, nếu được chọn duy nhất một bộ phim để đại diện điện ảnh Việt ra thế giới, Lê Hồng Lâm chọn "Bao giờ cho đến tháng Mười". Còn đạo diễn Đặng Nhật Minh thì chiêm nghiệm một cách giản dị: "Tôi là người kể chuyện về đất nước và con người Việt Nam, tôi làm phim từ cảm xúc và trái tim của mình...”.

Từ phiên dịch viên đến đạo diễn điện ảnh

Từ một phiên dịch viên tiếng Nga cho các chuyên gia Liên Xô, rồi về dạy tại Trường Điện ảnh, ông đã đặt chân vào lĩnh vực điện ảnh lúc nào không hay. Dù ban đầu ông không nhìn thấy chút cơ may nào, nhưng ông đã đi đến cùng sự lựa chọn của mình. Điều gì giúp ông, từ một người không được học bài bản về điện ảnh lại có thể trở thành một trong những đạo diễn hàng đầu Việt Nam?

Đặng Nhật Minh: Tôi đến với điện ảnh bắt đầu bằng một sự tình cờ, rồi tiếp theo là một chuỗi những sự tình cờ. Các đạo diễn điện ảnh khi nói về bước đường và sự nghiệp của mình thường hay bắt đầu bằng một câu: Tôi yêu điện ảnh từ nhỏ... Riêng tôi, thành thật mà nói, không có một niềm say mê nào từ thuở bé đối với lĩnh vực nghệ thuật này.

Bộ phim đầu tiên tôi được xem trong đời là bộ phim của Walt Disney: "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn", đó là vào năm tôi 7 tuổi. Mãi đến năm lên 10, tôi mới được xem một bộ phim khác ở rạp Tân Tân cạnh đầu cầu Tràng Tiền ở Huế. Đó là phim "Zorro", một phim cao bồi Mỹ có nhân vật chính là một cao bồi, đội mũ rộng vành, phi ngựa, đeo mặt nạ đen chỉ để hở đôi mắt.

Tôi không có đam mê nào với môn nghệ thuật này ngoài sự hiếu kỳ của tuổi trẻ. Gia đình tôi ở Huế là một gia đình phong kiến theo đạo Khổng - Mạnh, lấy thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ làm lẽ sống, lấy chữ Hiếu làm đầu, hoàn toàn xa lạ với môi trường nghệ thuật. Trong nhà chỉ toàn những người làm nghề y và dạy học, thích ngâm thơ, yêu “Truyện Kiều”, ca dao tục ngữ và những câu hò xứ Huế.

Tôi đến với điện ảnh bằng những sự tình cờ run rủi của số phận, không hề có sự chuẩn bị gì từ trước và cũng chẳng qua trường lớp nào. Trong gia đình chỉ có một người am hiểu lĩnh vực văn học nghệ thuật nhất là cậu Nguyễn Hồng Phong - chồng của dì tôi là bà Nguyễn Thị Ngọc Trai. Có một người thân như vậy trong gia đình thực sự là một may mắn lớn đối với tôi khi quyết định dấn thân vào con đường nghệ thuật.

Đạo diễn Fellini, người Ý có nói một câu về nghề đạo diễn điện ảnh như sau: "Đạo diễn không phải là một nghề. Đó là một thế giới quan". Càng ngày tôi càng thấm thía câu nói đó. Thật vậy, đạo diễn không phải là người có trong tay một mớ thủ pháp rồi hành nghề. Hành trang quan trọng nhất khi bước vào nghề này là thế giới quan, cảm quan thẩm mĩ của riêng anh. Không có những điều đó, người đạo diễn chỉ là một người thợ (thợ khéo hay thợ vụng).

Tôi có làm được chút gì trong điện ảnh cho tới nay cũng do được cậu tôi sớm định hướng từ đầu. Chính ông là người đã trang bị để tôi có được một cách nhìn sự vật của riêng mình để rồi từ đó làm công việc sáng tác. Tôi từng được chứng kiến nhiều cuộc đàm đạo tại nhà cậu tôi giữa cậu và các bạn bè như Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Đình Quang, nhà nghiên cứu Vũ Hoàng Địch, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu v.v... những người bạn tâm đắc của cậu.

@ Vậy, ông đã bắt đầu bộ phim của mình như thế nào? 

Đặng Nhật Minh: Sau 12 năm làm phiên dịch, tôi được về hãng phim truyện làm phó đạo diễn. Rồi, tôi đã qua được giai đoạn phó đạo diễn, đạo diễn thứ hai và bây giờ nghiễm nhiên ngồi chờ đến lượt để được giao làm đạo diễn chính. Tôi làm "Những ngôi sao biển" và "Ngày mưa cuối năm". Những bộ  phim làm xong cũng chẳng có tiếng vang gì, chỉ được lãnh đạo xưởng phim khen là làm nhanh, giúp xưởng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch để nhận Cờ Thi đua Luân lưu của Bộ.

Thế mà ông từng có ý định từ bỏ điện ảnh vì bế tắc, khủng hoảng không được làm những bộ phim ông muốn mà phải đi theo sự phân công của Hãng Phim truyện. Ông đã vượt qua thời kỳ bế tắc, khủng hoảng đó như thế nào?

Đặng Nhật Minh: Sau 2 phim được làm đạo diễn chính, sự háo hức ban đầu trong tôi không còn như trước nữa. Việc phấn đấu để được công nhận là đạo diễn đối với tôi đã xong. Tôi bắt đầu nghĩ về ý nghĩa của cái nghề này. Nếu tôi tiếp tục xếp hàng rổ rá ở xưởng thì cứ 2 hoặc 3 năm sẽ được ban giám đốc gọi lên giao cho một kịch bản đã được duyệt sẵn, đem về thành lập đoàn làm phim rồi đi quay và cuối cùng cũng thành một bộ phim. Hết phim chiến đấu đến phim về đề tài sản xuất công nghiệp, nông nghiệp...

Những kịch bản như vậy được thông qua rất dễ dàng. Chúng là sản phẩm của một nền văn nghệ được định hướng từ trên và được thực hiện bởi những nghệ sĩ công chức. Quả thật, tôi chẳng thấy mặn mà gì với những thứ kịch bản như thế. Chúng khô khan, sơ lược, giáo điều... Tôi cảm thấy không thể tiếp tục dấn thân vào con đường nghệ thuật kiểu này được. Tôi từ chối mọi phân công làm phim của giám đốc (xin được làm thì khó, chứ từ chối thì dễ vì luôn sẵn có người khác thế chân).

Để lấp chỗ trống trong đầu, ban đêm tôi đi học tiếng Pháp, ban ngày ôn luyện. 3 năm liền hầu như tôi không lui tới xưởng phim. Một hôm, tôi gặp một người bạn, tôi chia sẻ về sự bế tắc và định từ bỏ điện ảnh của mình. Tôi không thể làm phim theo những kịch bản phục vụ kịp thời do người ta viết sẵn như thế này được. Bạn khuyên: "Sao cậu không tự viết kịch bản để làm, viết cái gì cậu thích. Cái truyện ngắn "Thị xã trong tầm tay" của cậu tớ vừa đọc trên Báo Văn nghệ. Cái đó làm phim được. Đấy là cinéma chứ còn gì nữa".

"Hãy đi đến tận cùng cái của ta, ta sẽ gặp nhân loại"

Từ đó, ông xác định cho mình một hướng đi: "Tôi chỉ làm những phim do tôi tự viết lấy kịch bản, nói về những vấn đề mà tôi quan tâm, mà tôi rung động". Tìm được cho mình một cách tồn tại trong điện ảnh quả là khó khăn và gian nan thời đó?

Đặng Nhật Minh: Ngày đó, nhiều người cho rằng, tôi phải có “ô dù" mới có thể được làm những bộ phim như thế. Sau bộ phim "Thị xã trong tầm tay", mỗi khi có một nội dung, một vấn đề gần gũi và tâm đắc với mình (vì nó là con đẻ của chính mình) thì những hình thức thể hiện tự khắc tìm đến một cách rất tự nhiên. Chúng như có phép thần, hiện ra trong đầu tôi rõ mồn một. Đến tận bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng phim "Thị xã trong tầm tay" là một phim giàu chất điện ảnh nhất trong các phim tôi làm. Tôi đã sử dụng một thứ ngôn ngữ điện ảnh, không phải để kể một cốt truyện mà để diễn tả tâm trạng thông qua những hồi ức của nhân vật chính.

Bộ phim ra đời đã làm mọi người hết sức bất ngờ. Kẻ bất ngờ vì coi đó không thể là một phim truyện theo cách nghĩ quen thuộc của họ. Người bất ngờ vì cho đó là một tiếng nói mới, một thứ ngôn ngữ mới chưa từng thấy trong các phim Việt Nam từ trước đến nay. Cuối cùng thì tôi là người bị bất ngờ hơn cả. Năm 1983, phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và nhận giải Bông sen Vàng.

Về sau tôi mới biết rằng những người chỉ đạo liên hoan phim muốn dành Bông sen Vàng cho một bộ phim khác, nhưng trong ban giám khảo năm đó có các nhà thơ Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, nhà văn Nguyễn Khải cùng các đạo diễn Mai Lộc, Phạm Kỳ Nam, Trần Vũ là những người đã ủng hộ bộ phim của tôi. Phim còn nhận được một số giải cá nhân như: Giải kịch bản và Giải quay phim. Tại liên hoan phim này, phim tài liệu "Nguyễn Trãi" nhận giải Bông sen Bạc cho thể loại phim tài liệu. Đúng là một năm may mắn của tôi.

Nửa năm sau, tôi gặp lại nhà thơ Chế Lan Viên ở Hà Nội. Ông cho biết, sau liên hoan phim ông còn bị chất vấn về việc đã trao Bông sen Vàng cho bộ phim "Thị xã trong tầm tay". Nhưng rồi ông nói: "Tôi chẳng có điều gì ân hận cả. Cậu xứng đáng được giải, hãy chứng minh điều ấy trong những phim sau". Cảm ơn ông, một nhà thơ, một nhà văn hóa lớn đã tiếp sức cho tôi trong những bước đi đầu tiên trên con đường sáng tác điện ảnh. Còn nhà văn Nguyễn Khải sau liên hoan phim đó trở thành người bạn vong niên của tôi. Mặc dầu ít gặp nhau nhưng tôi biết anh vẫn luôn theo dõi mọi bước đi của tôi trong điện ảnh.

Vì sao ông có tâm thế làm phim nhất quán, bình thản như thế khi ông đi qua bao nhiêu biến động của thời cuộc, số phận và lịch sử cùng với những ràng buộc, định hướng về tư tưởng, quan điểm thẩm mĩ thời đó?

Đặng Nhật Minh: Vì tôi có một niềm tin, cái gì tôi làm đến tận cùng sẽ thành công. Tôi nhớ một câu của nhà văn Nguyễn Minh Châu: "Hãy đi đến tận cùng cái của ta, ta sẽ gặp nhân loại". Một trong những lý do thành công vì sớm xác định được cái đích của mình trong điện ảnh khi đặt bút viết "Thị xã trong tầm tay" và tôi không dao động, mặc ai nói ngả nói nghiêng, cho đến tận "Hoa nhài". Từ khi tôi đặt bút viết kịch bản "Thị xã trong tầm tay", là khi tôi đã trả lời cho mình câu hỏi, mình tồn tại trong điện ảnh để làm gì, làm điện ảnh để làm gì? Tôi đoán nhiều người cứ làm thôi chứ không tự trả lời những câu hỏi như vậy.

@: Tương tự, bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" cũng do chính ông viết kịch bản và được công chiếu năm 1984. Bộ phim gặt hái được nhiều giải thưởng và chiếu tại nhiều nước trên thế giới. Năm 2008, bộ phim được CNN bầu chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Như ông từng nói: Tôi không bao giờ lặp lại mình, cũng không a dua theo trào lưu nào cả. Cảm xúc của chính tôi dẫn dắt cho tôi làm phim. Quan trọng nhất là cảm xúc chân thật, không giả dối. Vậy "Bao giờ cho đến tháng Mười" được dẫn dắt như thế nào?

Đặng Nhật Minh: Tôi bắt tay viết kịch bản "Bao giờ cho đến tháng Mười" xuất phát từ nỗi đau của gia đình tôi, từ nỗi đau của hàng vạn, hàng triệu người có người thân ngã xuống trong chiến tranh. Đó là những điều đã có sẵn trong tôi, không cần phải tìm kiếm đâu xa cả. Chỉ cần tìm hình thức thể hiện nữa thôi.

Một lần, ngồi trú mưa trên đê, trong quán nước ven đường ở huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc, tôi nhìn thấy dưới cánh đồng xa xa, một đoàn người lầm lũi đi trong mưa. Khi đoàn người đến gần, tôi nhận ra đó là một đám tang. Theo sau chiếc kiệu có 4 người khiêng là một phụ nữ trẻ quấn khăn trắng, dắt đứa con trai chừng 7 tuổi. Bà con trong quán cho biết chồng chị là bộ đội đi B, hy sinh đã lâu, nhưng bây giờ người ta mới báo tin cho gia đình biết và làm lễ rước hương hồn người chiến sĩ về yên nghỉ tại nghĩa trang của làng. Còn anh đang nằm ở đâu trên chiến trường miền Nam, đến bây giờ không ai biết. Người phụ nữ chít khăn tang đi dưới chiều mưa hôm ấy chính là chị Duyên sau này trong bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười".

Kịch bản được Cục Điện ảnh thông qua một cách nhanh chóng, không gặp trắc trở gì, chỉ yêu cầu không được để thầy giáo Khang yêu cô Duyên (hồi ấy ông Nguyễn Thụ làm Cục trưởng). Nhưng, đối với tôi, không có mối quan hệ đó thì còn gì là phim. Chấp hành ý kiến của Cục, tôi chỉ làm nhẹ mối quan hệ đó thôi chứ không bỏ hẳn.

Tôi đã mời nữ diễn viên Lê Vân vào vai chính của phim, để rồi từ đó tên tuổi của cô gắn liền với hình ảnh chị Duyên, người vợ liệt sĩ, tiêu biểu cho hàng vạn, hàng triệu phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.

Người làm nhạc cho phim này là nhạc sĩ Phú Quang. Hồi ấy anh còn trẻ lắm, mới tốt nghiệp Khoa Sáng tác, Nhạc viện Hà Nội và chưa từng làm nhạc phim bao giờ. Anh đánh cho tôi nghe những giai điệu đầu tiên sáng tác cho phim trên chiếc piano trong căn hộ chật hẹp chỉ vừa đủ kê chiếc đàn và một chiếc giường đôi ở trong ngõ Văn Chương, Hà Nội. Anh đã rung động thực sự khi làm nhạc cho phim này, do đó âm nhạc của anh đã đi vào phim rất ngọt ngào, nâng sức truyền cảm của hình ảnh lên rất nhiều. Đến bây giờ tôi vẫn tiếc một điều: giá anh sử dụng thêm nhạc cụ dân tộc thì có lẽ chất dân gian sẽ còn đậm đà hơn.

Bộ phim đã không dễ dàng ra rạp mà phải qua 13 lần kiểm duyệt. Còn ông, vẫn kiên quyết bảo vệ đứa con của mình. Ông nhớ gì về những tháng ngày đó?

Đặng Nhật Minh: Khi bộ phim hoàn thành, Giám đốc Hải Ninh xem xong yêu cầu cắt bỏ trường đoạn chợ âm dương với lý do mê tín dị đoan. Đây là một trong những trường đoạn tâm đắc nhất của tôi trong phim. Qua những điều tôi đọc, chiêm nghiệm, tôi nhận ra, trong tâm thức của người Việt Nam không có sự cách biệt giữa cõi âm và cõi dương, giữa người sống và người chết, đúng như cụ Nguyễn Du đã viết: "Thác là thể phách, còn là tinh anh". Đó là một đặc điểm tâm lý rất Việt Nam. Nhưng, hồi đó mọi người sợ phê bình là phim mang màu sắc duy tâm huyền bí, tuyên truyền cho mê tín dị đoan.

Có lẽ, chưa phim nào của Việt Nam lại phải duyệt đi duyệt lại nhiều tầng nhiều nấc như bộ phim này. Cứ như vậy, lần lượt các thứ trưởng đến bộ trưởng trong Bộ, rồi tới Ủy viên Bộ Chính trị Tố Hữu, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nguyễn Đức Tâm và rồi cuối cùng là tới Tổng Bí thư Trường Chinh duyệt. Tổng cộng tất cả là 13 lần duyệt.

Trước khi được gọi đem phim tới chiếu tại nhà Tổng Bí thư Trường Chinh, tôi nói với các đồng sự: "Có lẽ, đây là phiên xử cuối cùng". Và, bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" đã được "tha bổng". Lập tức, nó được khán giả cả nước đón nhận hết sức nồng nhiệt. Không những thế, nó còn nhận được mối thiện cảm rất lớn của khán giả nước ngoài. Có lẽ, đây là phim truyện đầu tiên của Việt Nam đến được với công chúng ngoài biên giới sau năm 1975. Tôi được Đại sứ quán Pháp cấp học bổng sang tu nghiệp tại Pháp 1 năm. Một tháng sau khi tôi tới Paris, Bộ Ngoại giao Pháp long trọng tổ chức chiếu ra mắt bộ phim này tại rạp Cosmos trên đại lộ Rue de Reinnes ở trung tâm thành phố. Sau buổi chiếu đó, tôi có thêm biết bao bạn bè người Pháp và người Việt sống ở Paris.

Năm đó phim còn được bà Ladinki, một bác sĩ Mỹ hoạt động trong Hội Khoa học Mỹ - Việt xin phép Bộ Văn hóa đem sang Hawaii dự thi và phim đã được tặng giải Đặc biệt của ban giám khảo. Rất tiếc là tôi không có mặt. Khởi từ liên hoan phim đó, bộ phim bắt đầu cuộc hành trình rất dài qua màn ảnh của rất nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại không ít thiện cảm cho đất nước Việt Nam, điện ảnh Việt Nam.

"Tôi thừa hưởng những di sản tinh thần của bố tôi"

Nếu tổng kết lại hành trình làm phim của mình, ông sẽ nói gì?

Đặng Nhật Minh: Câu chuyện trong các phim của tôi bao giờ cũng gắn liền với bối cảnh xã hội Việt Nam trong những giai đoạn nhất định. Những câu chuyện đó chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam chứ không thể ở một nơi nào khác. Do vậy, những ai muốn tìm hiểu về xã hội, con người, văn hóa Việt có thể quan tâm đến các phim của tôi. Đó là một đặc điểm, đồng thời cũng là mặt hạn chế trong các phim của tôi bởi chúng không đáp ứng cho nhu cầu của số đông. Phim của tôi không có nhiều tình tiết ly kỳ, éo le... Tôi cố gắng để phim gần với đời sống nhất.

Quá trình sáng tác của tôi là từ cảm xúc rồi hình thành nên câu chuyện để kể với người xem. Câu chuyện phải kể sao để khi xem người xem cảm động và xem xong thì suy nghĩ ít nhiều. Từ cảm xúc rồi đến suy tư đó là hai trạng thái của người xem mà tôi luôn phấn đấu để đạt được. Vì lý do đó nên tôi thường tự viết kịch bản cho mình làm dạo diễn và chỉ để cập đến những vấn đề mà tôi quan tâm, tôi rung động.

Năm 1999, tôi được nhận giải thưởng Nikkei Asia Prize về văn hóa. Nhưng, điều làm tôi cảm động hơn cả là lý do của việc trao giải được ghi trên tấm bằng: "Là vì trong các phim của ông đã nói lên được tấm lòng của người Việt Nam và cũng là tấm lòng của người châu Á ra với thế giới". Tôi cảm động vì có người hiểu được mình, đánh giá đúng việc làm của mình.

Có lẽ, cái gốc gác, nền tảng của một cá nhân rất quan trọng. Ông được sinh ra trong một gia đình có bố là Giáo sư Đặng Văn Ngữ - một trí thức yêu nước, cống hiến cả cuộc đời mình cho khoa học. Ông có những ký ức gì về Giáo sư Đặng Văn Ngữ?

Đặng Nhật Minh: Tôi sinh ra trong một gia đình không có mối liên hệ gì với nghệ thuật. Cha tôi là một nhà khoa học. Năm 1936, sau khi tốt nghiệp bác sĩ tại Hà Nội, ông được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Năm 1942, ông được Chính phủ Pháp cử sang tu nghiệp tại Nhật Bản. Sau 7 năm nghiên cứu về y khoa tại Nhật, ông quyết định về nước tham gia kháng chiến. Ông đã đi tàu thủy từ Nhật đến Bangkok tìm cách bắt liên lạc với Chính phủ ta, rồi từ Thái Lan đi bộ băng qua Lào về đến Khu 4. Từ Nghệ An, ông tiếp tục đi bộ lên Việt Bắc. Suốt chặng đường dài dằng dặc đó, trong hành trang của cha tôi chỉ có 2 bộ quần áo kaki, 1 lọ đựng một thứ nấm có khả năng tiết ra các chất kháng sinh pénicilline mà cha tôi đã phát hiện được trong các phòng thí nghiệm ở Tokyo...

Và một vật mà tôi giữ làm kỷ niệm suốt đời, đó là chiếc kính hiển vi nhỏ bằng một gang tay, nhưng có đủ cả ống kính, gương phản chiếu và bộ phận điều chỉnh tiêu cự. Kính hiển vi đó là món quà cha tôi đem về cho tôi, với hoài bão tôi sẽ đi theo con đường khoa học. Vâng, nếu cuộc đời không có những sự bất ngờ thì có lẽ bây giờ tôi đã là một bác sĩ, một nhà nghiên cứu y học nối nghiệp cha.

@ Dù không theo nghề của bố nhưng những di sản tinh thần Giáo sư Đặng Văn Ngữ để lại, nền tảng văn hóa của một gia đình trí thức dấn thân và cống hiến cho đất nước chắc hẳn có ảnh hưởng đến nhân sinh quan cũng như cuộc sống của ông sau này?

Đặng Nhật Minh: Cha tôi ra đi cũng như khi trở về nước, hành trang chẳng có gì ngoài những kiến thức y học để cứu chữa những vết thương, những căn bệnh, mang lại sức khỏe cho con người và một tấm lòng tận tụy của một trí thức yêu nước. Gia tài ông để lại cho tôi là tình yêu quê hương, sự gắn bó máu thịt với nhân dân, đất nước mình, là lòng thương yêu con người, sự cảm thông sâu sắc trước những nỗi khổ đau của con người. Tôi cũng học được từ ông tính khoa học, tỉ mỉ, nghiêm cẩn trong công việc. Đó là những phẩm chất của một nhà khoa học mà những ngày tháng ở gần ông tôi học được. Ông không biết rằng, những điều đó cũng chính là nền tảng cơ bản cho mọi sự sáng tạo nghệ thuật. Những gì tôi làm được trong điện ảnh cũng chính nhờ đã thừa hưởng được ít nhiều di sản tinh thần đó.

Đạo diễn trẻ hãy dám đi đến tận cùng cái đích mình đặt ra

@: Những năm gần đây, ông có xem phim của những đạo diễn trẻ và quan tâm đến đời sống điện ảnh trong nước hay không? Ông đánh giá thế nào về họ?

Đặng Nhật Minh: Tôi rất quan tâm và nể phục các bạn trẻ. Tôi đã xem "Bên trong tổ kén vàng" của Phạm Thiên Ân, phim kéo dài 3 tiếng, rất hấp dẫn. Phim "Cu li không bao giờ khóc" của Phạm Ngọc Lân cũng cảm xúc. Các đạo diễn trẻ rất giỏi, tôi mừng vì họ hội nhập được với thế giới, ngôn ngữ làm phim rất hiện đại. Kiểu làm phim của tôi đã xong rồi, tôi chỉ đóng góp phần nhỏ bé của mình cho điện ảnh, các bạn trẻ đóng góp kiểu khác, không nên bắt chước mấy ông già và chúng tôi cũng không "cưa sừng làm nghé" được.

Quan trọng là mỗi tác giả phải có một quan điểm của mình về điện ảnh và dám đi đến tận cùng, như Phạm Thiên Ân làm "Bên trong tổ kén vàng ấy", phim chầm chậm, khiến người ta sốt ruột. Phải có bản lĩnh mới làm được như thế, nếu đem ra phát hành chắc là lỗ vì ít người xem. Mỗi đạo diễn phải đặt cho mình một cái đích và đi đến tận cùng cái đích đó. Nếu đặt cái đích là phải kiếm được 500 tỷ thì phải làm theo kiểu đó, để đi đến cái đích đó. Còn mấy bạn trẻ kia không đặt cái đích đó mà muốn đến với Cannes, Berlin, Venice... Nên có sự đa dạng trong đời sống điện ảnh như vậy.

@: Nhiều người cho rằng, phim không cần cốt truyện mà cần cách kể, ngôn ngữ kể chuyện. Ông có chia sẻ gì với các bạn trẻ về góc nhìn này?

Đặng Nhật Minh: Theo tôi, ngôn ngữ điện ảnh phải bắt nguồn từ nội dung, câu chuyện. Phải có câu chuyện rồi mới tìm cách kể hấp dẫn để diễn đạt câu chuyện đó. Với tôi, câu chuyện rất quan trọng. Và, điều quan trọng nữa là các đạo diễn hãy đi đến tận cùng cái đích mình đặt ra vì một người làm điện ảnh bao giờ cũng phải lý giải rằng, mình làm phim để làm gì và nếu quan niệm của mình về điện ảnh như vậy thì phải đi đến tận cùng để chứng minh điều đó, đừng có nửa chừng. Nếu tôi chấp chới, lúc bắt chước nước này, lúc bắt chước nước kia, tôi sẽ chẳng thành ai cả.

Tôi quan sát nhiều năm nay, có những đạo diễn giỏi, phim đầu tay của họ rất thú vị nhưng họ không kiên trì đi con đường của mình mà sốt ruột, nhảy sang làm nhiều thể loại phim khác nhau, vì thế họ khó có thành tựu. Tôi tiếc vì họ là những người tài năng mà không dám đi đến tận cùng con đường của mình.

@: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

 

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng