Cương là người vẽ tối giản. “Nhà & người” cũng
là một tối giản chữ của Cương. Nghe Cương nói đã bỏ đi khoảng 60% bài viết cùng
chủ đề, ấy vậy mà vẫn còn hơn 300 trang. Vẫn là Cương thôi, bớt đi, tối giản, để
tăng thêm trọng lượng cho con chữ.
TỐI GIẢN CHỮ CỦA CƯƠNG
YÊN BA
Biết Lê Thiết Cương đã lâu, đồng niên nhưng không
thân, chủ yếu chỉ nhờ xem tranh của Cương ở các triển lãm mà hiểu phần nào con
người nghệ sĩ trong anh. Rồi một ngày Cương tặng cuốn “Nhà & người” của
anh mới ra; tôi hơi ngỡ ngàng.
Tôi thi thoảng đọc bài Cương viết trên báo. Nhưng đó
dường như chỉ là những vệt màu đơn lẻ. Chỉ đến khi tập hợp lại trong một tuyển
tập “Nhà & người” mới cho tôi một hình dung bức tranh tổng thể những
suy tư của Cương về một mảng đời sống văn hóa qua phố phường, nhà cửa, kiến
trúc nội thất. Đằng sau những trang viết là các vùng đất mà Cương đã trôi qua,
những gương mặt bạn bè Cương, có danh cũng như vô danh. Rất nhiều bạn, trong đó
có cả những người bạn chung của chúng tôi.
Cương là người vẽ tối giản. “Nhà & người” cũng
là một tối giản chữ của Cương. Nghe Cương nói đã bỏ đi khoảng 60% bài viết cùng
chủ đề, ấy vậy mà vẫn còn hơn 300 trang. Vẫn là Cương thôi, bớt đi, tối giản, để
tăng thêm trọng lượng cho con chữ.
Viết cho một tờ báo hay tạp chí thì do khuôn khổ bắt
buộc nên không thể viết dài được. Buộc lòng phải nén lại, cô lại. Không rườm lời
mà vẫn phải đủ ý, phải lấp lánh một tứ gì đó, không to tát gì, nhưng phải
riêng. Khúc gỗ trong bàn tay nghệ nhân nếu được đục đẽo bằng bàn tay khéo léo
tài hoa bớt đi những chi tiết thừa thì thành tuyệt phẩm, nếu vụng về thì chỉ
còn lại đống dăm bào vô dụng.
Nhưng sự tối giản không chỉ thể hiện ở dung lượng các
bài viết được tiết chế nghiêm ngặt theo khuôn khổ của tờ báo hay tạp chí, cũng
như việc Cương tiết giảm tối đa số bài viết để đưa vào “Nhà & người”.
Tôi có cảm giác rất rõ sự tối giản ấy được Cương gò vào từng con chữ, nặng, chặt,
kiệm, đắt, kỹ, với sự khó tính đến mức khắt khe đã trở thành thương hiệu của
Cương. Nó làm cho những bài viết trong tập này không phải chịu số phận phù du
ngắn mỏng của những bài báo.
Đa số các bài viết trong “Nhà & người”, được
Cương viết trong rải rác các năm khác nhau mà chất lượng tương đối đồng đều,
mang một phẩm tính rất quan trọng để níu được người đọc trên trang giấy: khác.
Viết khác với những người viết khác đã khó; khác với chính mình khó hơn gấp bội.
Cương đã làm được công việc cực khó đó ở “Nhà & người”. Mà trong suốt
thời gian ròng rã hơn hai chục năm, mới là đáng nể.
Cương viết về những vùng đất anh đã qua, nơi thân thuộc,
nơi thoáng chốc; Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Sa Pa, Đà Lạt… Viết về Hà Nội bao
người đã viết, nhưng Cương vẫn lẩy ra được một cách ý vị cái tứ Hà Nội Làng. Đời
sống xô bồ thị tứ hàng trăm năm vẫn không xóa nổi cái dấu-vết-làng của đất kinh
kỳ. Bây giờ lái xe ở Hà Nội vẫn thấy lướt qua ngoài cửa kính cả dãy cổng làng nối
tiếp nhau trên phố Thụy Khuê, trên một doi đất chính giữa đường cao tốc vành
đai 2 vẫn sừng sững một cái cổng làng! Sống ở giữa lòng phố cổ, Cương len lỏi
vào những ngõ ngách quanh nơi anh sống để phát hiện ra điều giản dị: đình làng
về đến Hà Nội thành đình phố, mỗi làng mỗi đình thì mỗi phố cũng mỗi đình; bận
rộn làm ăn không về quê được thì ra đình phố thờ vọng ông tổ nghề ở làng.
Cái duyên làng ấy không tìm ở đâu xa mà Cương tìm thấy
ngay trước cửa nhà mình, nơi những người bán hàng rong, nơi quán trà chén vỉa
hè, hay trong vị ngọt củ khoai nướng trộn mùi khói than hoa làm cay mắt một tối
mưa phùn gió bấc của Hà Nội. Sau mấy chục năm, cái âm hưởng da diết “Thương
nhớ mười hai” vẫn thấp thoáng ẩn hiện nơi những con chữ ấy nơi “Nhà &
người”. Vũ Bằng sống xa nên viết về Hà Nội như một hoài niệm dịu dàng, đẹp đẽ;
Cương sống ngay giữa lòng Hà Nội mà vẫn nhớ Hà Nội, bởi biết vẻ đẹp của nó đang
dần lặng lẽ phôi pha, không thể cứu vãn.
Phần nhiều trong “Nhà & người”, Cương viết về
nhà, về cái bên trong mỗi ngôi nhà. Là họa sĩ nên dĩ nhiên Cương viết về design
- thiết kế. Nhưng chỉ có Cương mới viết design của bật lửa Dupont là cái trọng
lượng hơi quá nặng của nó, design của xe môtô Harley-Davidson là cái âm thanh
trầm đục vang xa cả cây số của của cái ống bô; còn design của một ngôi nhà là
người chủ nhà. “Chủ nhà sang thì ngôi nhà sẽ sang gấp đôi. Nhưng chủ nhà hèn
thì vẻ đẹp của ngôi nhà không phải giảm đi hai lần mà mất cảm tình toàn bộ” -
Cương viết.
Nhiều nhất những design cho nhà ấy là gương mặt bạn bè
hay người quen người thân của Cương. Cương viết về những ngôi nhà của họ với
tình cảm trìu mến đặc biệt. Bạn bè của Cương đều là những “thích khách”, không
phải như Kinh Kha, mà là những người luôn “đói bạn”, “thích được chiều đãi
khách”. Nên ngôi nhà của gã lãng tử Lê Nuôi ở Hội An hay của nhiếp ảnh gia Trần
Huy Hoan ở Sài Gòn được xây là để vời bạn đến ở miễn phí chứ không phải xây cho
mình. Nhà của điêu khắc gia Phan Phương Đông tĩnh lặng với bức tường cao và dài
nhưng không có một cái cột nào để nắng sớm chiếu lên tường khỏi bị vấp. Nhà văn
Nguyễn Việt Hà có ngôi nhà bé xíu ở phố Nhà Chung Hà Nội trăm bận bạn bè đến uống
đều ở trong phòng ngủ của chủ nhà, đêm Noel “uống Tết” mở cửa sổ có thể nghe ca
đoàn nhà thờ thánh thót Ave Maria của J.Bach. Nhà của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn
Thụy Kha trên phố Hàng Bông đón bạn bè khắp Bắc Trung Nam, chật quá, chủ nhà
thuê thêm một phòng của hàng xóm để đủ chỗ tiếp bạn…
Riêng nhiếp ảnh gia Dương Minh Long lại xuất hiện
trong “Nhà & người” bởi lý do rất dị: luôn xê dịch, không thích sở
hữu nhà, chỉ thích đi thuê để dăm ba tháng lại được chuyển nhà!
Đời sống khoái hoạt của giới văn nghệ một thời hiện ra
qua cách Cương đi những nét phác họa về cách tiếp bạn tới nhà. Nhà thơ Đồng Đức
Bốn “em bỏ chồng về ở với tôi không” đến chơi nhà Nguyễn Huy Thiệp “Này hoa
ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng thế không?” rồi ở lại hai tháng. Thi
Hoàng đất Hải Phòng “có một buổi chiều không biết cất vào đâu” đến chơi nhà đạo
diễn phim tài liệu Đào Trọng Khánh phố Chùa Hàng rồi ở lại…bốn năm!
Chơi với bạn chí tình, Cương phát hiện ra nét riêng
không lẫn lộn với ai nơi những người bạn. Trong “Nhà & người”, chỉ có
Cương mới ví Lê Nuôi như giếng Bá Lễ của Hội An, luôn cho đi không nhận lại,
vơi lại đầy, không bao giờ cạn; Nguyễn Quang Thiều là một cái chân nến mất ngủ;
Bảo Ninh đã kiệm lời rồi mà rượu vào… lời vào. Qua chữ của Cương, bậc trưởng
thượng như họa sĩ Lưu Công Nhân không còn cảm giác vẽ nữa mà “chơi màu, chơi
hình, chơi lụa, chơi cùng giấy mực vậy thôi”; hay từ rất lâu trước khi đám trẻ
ngày nay dư thừa thời gian vào quán mua một ly café uống một chỗ ngồi thì Đặng
Đình Hưng đã từng ra ngồi quán quen, gọi một chén, uống rất chậm, nhìn ra ngoài
để “nếm cả một cái chợ”…
Viết về nhà, về ngõ, về phố, về làng, rốt lại là Cương
cũng đi tới chỗ viết về người, về những gương mặt bạn bè. Nhưng đọc hết cả tập
sách, tôi nhận ra rằng thật ra Cương cũng viết về mình, về gương mặt mình.
Cương là người phức tạp, đa diện, đa mang, thiên hạ
chơi tranh pháo, đồ cổ, đồ gốm, chơi xe hơi còn anh “chơi ghế”. Mê thuốc lào và
uống whisky như điên. Tính nết cẩn thận, khắt khe, đã “thiết” lại còn “cương”.
Người như thế dễ phải sống đời cô độc (không phải cô đơn vì Cương nhiều bạn). Đọc
các bài viết về nhà trong “Nhà & người”, tôi cứ băn khoăn không hiểu
vì sao trong một ngôi nhà, Cương viết nhiều về bếp thế. Hết “Lửa và nước”, “Bếp
đơn” rồi lại “Dọn bếp”, “Bếp riêng”.
Ngẫm nghĩ mãi rồi tôi tự rút ra: Cương viết về Cương đấy!
Bởi cái bếp, đằng sau nó, là một đời sống gia đình ấm êm. Bếp nhà là lời mời gọi
quay về sau những chuyến đi xa, là nơi trú ngụ an toàn sau những bất trắc trong
đời sống. Có lẽ từ trong thẳm sâu, khi đặt bút viết mà không tự biết, Cương muốn
tìm một chốn an yên.
Trong “Nhà & người”, Cương dẫn lời Kawabata bảo:
“Khi tiếp xúc với cái đẹp, người ta thèm có bạn”. Mượn ý này, đọc “Nhà
& người” của Lê Thiết Cương, tôi nghĩ người ta bỗng nhiên thèm viết.
Cương sinh năm 1962, Nhâm Dần. Lứa Nhâm Dần dụng chữ để
sống có đôi chút danh mọn (lời tác giả Cơ hội của Chúa) khá hiếm hoi,
không hết số ngón tay trên hai bàn tay: Nguyễn Việt Hà, Hồng Thanh Quang, Ngô Tự
Lập, Yên Ba, Hữu Việt. Nay thêm Lê Thiết Cương, một họa sĩ, nhưng với nhà
& người, đã tự mình xác quyết là một cây viết cứng cáp, cá tính. Rất
văn.
Và tôi tin “Nhà & người” không phải là
cuốn sách cuối cùng của Cương.