Họa sĩ Lê Thiết Cương từng có rất nhiều triển lãm cá nhân trong và ngoài nước, nhưng đến nay mới có triển lãm cá nhân lần đầu tiên mang tên “Duyên” tại TP.HCM.
Họa sĩ Lê Thiết Cương vừa trải qua một cơn bạo bệnh. Ở
tuổi 62, họa sĩ Lê Thiết Cương tổ chức triển lãm cá nhân “Duyên” với 34 tác phẩm,
bao gồm tranh, tượng và một số tác phẩm làm từ sắt, composite, đá mang tính mỹ
thuật ứng dụng.
Lần đầu tiên triển lãm cá nhân tại TP.HCM sau một hành
trình chinh phục công chúng khắp nơi, họa sĩ Lê Thiết Cương nói về “Duyên” ở đô
thị lớn nhất phương Nam: “Duyên không bao giờ ở dạng số ít, duyên là trùng
trùng duyên khởi. Tức là nhiều yếu tố hợp lại, tình cờ. Duyên nợ, nợ duyên,
duyên nghiệp, nghiệp duyên, duyên tình, tình duyên…”.
Khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, họa sĩ Lê
Thiết Cương từng có ý định lập nghiệp tại TP.HCM bằng một nghề lao động phổ
thông. Nhà thơ Lê Nguyên, thân phụ của họa sĩ Lê Thiết Cương từng tiết lộ: Khi
thấy Lê Thiết Cương vẫn loay hoay mưu sinh khó nhọc ở Hà Nội, ông đã kêu con
trai vào TP.HCM sống chung với mình. Nhà thơ Lê Nguyên sắm cho con trai một chiếc
xích lô để tạm thời kiếm sống. Thật may, Lê Thiết Cương chưa kịp xuống đường
hành nghề đạp xích lô thì nhận được tin có khách nước ngoài đến hỏi mua tranh
nên vội vàng bay trở lại Thủ đô.
Từ xưởng vẽ ở phố Lý Quốc Sư, họa sĩ Lê Thiết Cương đã
thành danh và thành đạt. Bây giờ, triển lãm cá nhân “Duyên” cho thấy một nhân vật
đam mê và xác lập vị trí riêng với phong cách mỹ thuật tối giản.
Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Từ thích tối giản đến
vẽ tối giản lại là chuyện khác. Năm 1984, rời quân ngũ, thất nghiệp nằm nhà, thỉnh
thoảng sang bên hàng xóm là nhà cụ Đặng Đình Hưng làm chân phục vụ chiếu rượu của
cụ. Tôi học được nhiều ở cái “trường” ấy và cụ Đặng Đình Hưng là người phát hiện
ra tố chất tối giản trong tôi, đẩy một cú cuối cùng để tôi rơi vào tối giản”.
Không chỉ được ưa chuộng với tranh sơn dầu, các tác phẩm
sơn mài của họa sĩ Lê Thiết Cương cũng tạo ra sự độc đáo khiến giới sưu tầm phải
săn lùng. Sơn mài của họa sĩ Lê Thiết Cương so với sơn dầu của họa sĩ Lê Thiết
Cương thì có gì khác biệt?
Họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ: “Tôi thích sơn mài và đến
với chất liệu này trước cả sơn dầu. Nhưng chỉ thích chất liệu sơn truyền thống:
then, cánh dán, son, vàng bạc… và kỹ thuật truyền thống tức là vẻ đẹp của hiệu
quả mài. Chất liệu và kỹ thuật thì hoàn toàn truyền thống nhưng tạo hình thì hiện
đại, tối giản, mảng phẳng, đậm nhạt của nhiều lớp sơn mài ra để lộ lớp màu dưới,
đi cao nét, nghiêng về đồ họa. Mà sơn mài thì nên vậy”.
Trong triển lãm cá nhân “Duyên” của họa sĩ Lê Thiết
Cương có một khu vực chiếu phim giới thiệu các làng nghề truyền thống của Việt
Nam để công chúng hiểu thêm giá trị văn hóa dân tộc. Họa sĩ Lê Thiết Cương
không che giấu sự băn khoăn: “Các làng nghề truyền thống đang thoi thóp, do sản
phẩm không bán được. Cuộc sống đổi thay, nhu cầu đổi thay nhưng mẫu mã của họ vẫn
không thay đổi cho kịp xu hướng.
Theo tôi, thiết kế là yếu tố quan trọng nhất đối với bất
kỳ làng nghề nào. Muốn bảo tồn và phát triển phải bắt đầu từ yếu tố con người.
Không có nghệ nhân tâm huyết thì không có thế hệ kế tiếp, chúng ta phải tôn
vinh họ. Đồng thời, cũng cần nhanh chóng thay đổi chính sách nhằm kích hoạt các
nghệ nhân và các làng nghề truyền thống”.
NNVN