Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, gương mặt nữ duy nhất trong giới sáng tác âm nhạc được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, ra mắt tập thơ ‘Hòa âm đêm’ tại TP.HCM sáng 7/8.


Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã định vị trong lòng công chúng với nhiều ca khúc nổi tiếng, mà lan tỏa mạnh mẽ nhất là ca khúc “Huế tình yêu của tôi”. Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1965, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu. Năm 2023, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai có ba người con Nguyễn Thao Giang, Nguyễn Linh Giang và Nguyễn Thảo Hương đều nối nghiệp mẫu thân trên con đường âm nhạc.

Đam mê nghệ thuật của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai mở rộng sang lĩnh vực thi ca, góp thêm một kênh thẩm mỹ thú vị để giới mộ điệu được tham khảo và khám phá. Sau sáu tập thơ “Một nửa cho anh”, “Lá vỡ”, “Nghe trăng”, “Gọi thầm”, “Mắc cạn” và “Gập ghềnh khúc đau”, thì tập thơ “Hòa âm đêm” chứng minh chị ở tuổi 80 vẫn thổn thức cùng cuộc sống mến thương.

Trong đời sống văn hóa Việt Nam có không ít nhạc sĩ kiêm nhà thơ, hoặc nhà thơ kiêm nhạc sĩ. Giữa sự cộng hưởng thơ nhạc, phía nào tố chất thiên bẩm nhiều hơn thì chi phối và lấn át phía còn lại. Không khó nhận ra thơ Trương Tuyết Mai rất giàu nhạc tính. Sở trường của một nhạc sĩ chuyên nghiệp giúp chị viết được những câu thơ êm ái và ngân vang: “Một áng mây trôi/ Cũng khiến lòng xao xuyến/ Một tiếng lá rơiẢnh có chứa đen và trắng, màu đen, đơn sắc, bóng tối

Mô tả được tạo tự động/ Cũng khiến dạ bồi hồi/ Một làn gió thoảng/ Cũng chạnh lòng thương nhớ/ Một búp non xoè nở/ Cũng biết mấy xôn xao/ Một ngôi sao sa/ Cũng chơi vơi lòng dạ/ Một chút nhện giăng mành/ Trời đất hoá mong manh”.

Tuy nhiên, khi người sáng tác thơ quá chú trọng nhạc tính, thì nhiều bài thơ tồn tại trên văn bản như một phần ca từ nằm chờ giai điệu để được dịp thăng hoa. Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai có nhiều bài thơ phù hợp để hát bằng chất giọng rạo rực, hơn là để đọc bằng ánh mắt ưu tư. Khi và chỉ khi đối diện những đề tài khó gửi gắm âm thanh, thì chị có được những câu thơ sâu lắng. Ví dụ, lúc đứng trước trại tập trung Buchenwand ghi dấu tội ác thế chiến thứ hai: “Ta bỗng nhiên nhìn thấy/ những oan hồn kết lại/ thành tảng/ thành hàng/ Tìm về nhân gian/ tỏ bày oan khốc”, hoặc lúc cay đắng sự đời sấp ngửa trớ trêu: “Đồ ăn giả/ Thức uống giả/ Lời tỏ tình cũng giả/ Hồn thật/ Bơ vơ/ Giữa nhộn nhạo chợ đời”.



Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai có phương pháp làm thơ theo kiểu kể chuyện. Mỗi bài thơ đều mong muốn hoàn chỉnh một thông điệp nhất định, có đoạn mở đầu, có đoạn diễn giải và có đoạn kết luận. Cho nên, những ý thơ khắc khoải của chị lắm phen bị lẩn khuất giữa những câu chữ ngổn ngang che chắn, mà phải đọc chậm rãi và kỹ lưỡng mới có thể phát hiện: “Gối ta không nước mắt/ Cần chi nắng hong khô/ Chỉ có những giấc mơ/ Vẫn còn đẫm trên đó/ Ta sợ bất chợt gió/ Ập vào cuốn bay đi”.

Có sẵn tâm hồn đa đoan, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai biết chắt chiu tâm trạng để nghiêng trái tim yếu mềm vào thơ: Ảnh có chứa đen và trắng, màu đen, đơn sắc, bóng tối

Mô tả được tạo tự động“Hãy nhớ chốn này/ Chỉ một mình ta/ Khắc khoải câu ca/ Như chim tung cánh”. Vì vậy, chị có được sự đồng cảm với những số phận bấp bênh: “Bán dạo mà không dám rao/ Người mua đâu biết, làm sao gọi mình/ Bán dạo mà cứ làm thinh/ Cứ ngơ ngác giữa chợ tình đảo điên”.

Đồng thời, trải nghiệm năm tháng đã mang đến cho thơ Trương Tuyết Mai những day dứt về sự đổi thay nhân tình thế thái: “Ngày xưa/ Khi hỏi tại sao/ Lập tức có người giải thích/ Ngày nay/ Khi cần lời đáp/ Ai cũng nhún vai lắc đầu/ Chẳng biết/ Ngày xưa trốn đâu/ Để tôi đi tìm mải miết”.

Ưu điểm vượt trội của tập thơ “Hòa âm đêm” nằm ở những bài thơ ngắn, không cần sự trợ lực rộn ràng của tiết tấu, không cần sự nâng đỡ ngọt ngào của khúc thức. Bài thơ “Mắc cạn” gói gọn hai câu “Đã biết giếng không sâu mà vẫn thả dây dài/ Sợi dây tôi mắc cạn giữa muôn vàn rỗng không” đủ để nhạc sĩ Trương Tuyết Mai xác lập vị trí cho nhà thơ Trương Tuyết Mai./.

                                                                              LÊ THIẾU NHƠN