Sau nhiều năm ấp ủ, gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng, mà đại
diện là chị Nguyễn Bạch Dương, đã có thể trình làng dự án dài hơi, đồ sộ để tuyển
tập lại cả một sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng của ông.
Di sản của nhạc sĩ Thanh Tùng: Tình yêu và còn gì nữa?
HÀ QUANG MINH
Dự án ấy mang tên “Thanh Tùng: Legacy of Love” (Thanh
Tùng: Di sản của tình yêu), mở màn bằng một buổi hòa nhạc, nối tiếp bằng một
album đĩa than với chất lượng âm thanh tốt nhất, một cuốn sách tập hợp những
bài viết của bằng hữu, của những người kế tiếp con đường âm nhạc của Thanh Tùng
viết về ông và cuối cùng là một bảo tàng tư nhân tại căn nhà mà ông từng gắn bó
ở TP Hồ Chí Minh. Sự dài hơi, đồ sộ của dự án tất nhiên cũng cần những bàn tay
hợp tác của những cá nhân xuất sắc nhất và đây cũng là một dự án giới thiệu một
diện mạo âm nhạc Thanh Tùng còn chưa được khai phá suốt nhiều thập niên qua.
1. Trước khi nổi tiếng với những sáng tác góp phần
định hình diện mạo nhạc nhẹ Việt Nam sau này, Thanh Tùng đã từng làm việc ở
lĩnh vực khí nhạc rất lâu, qua vai trò nhạc trưởng mà ông đảm nhận ở Đài Tiếng
nói Việt Nam và sau này là Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Cũng chính trong thời
gian ấy, ông đã chuyển soạn rất nhiều tác phẩm âm nhạc Việt Nam cho dàn nhạc lớn,
dàn nhạc giao hưởng mà điển hình nhất là ca khúc “Con kênh xanh xanh” và nhiều
bài dân ca quen thuộc của các dân tộc.
Vai trò chỉ huy, nhà soạn nhạc, người chuyển soạn của
Thanh Tùng sau này ít được nhắc tới bởi cái bóng quá lớn của những ca khúc nhạc
pop đình đám của ông như “Lối cũ ta về”, “Giọt nắng bên thềm”, “Em và tôi”, “Giọt
sương trên mí mắt”… đã khiến khán giả chỉ nghĩ rằng ông là một nhạc sĩ sáng tác
chuyên tạo hits, chuyên dàn dựng các tiết mục đặc sắc giúp các đoàn nghệ thuật
các địa phương liên tiếp giật giải vàng.
Nắm bắt được thực tế này, dự án “Thanh Tùng: Legacy of
Love” đã được xây dựng với hình thức classic crossover (cổ điển giao thoa nhạc
nhẹ) với biên chế dàn nhạc giao hưởng kết hợp với ban nhạc điện tử. Với biên chế
lên tới hơn 70 nghệ sĩ, “Thanh Tùng: Legacy of Love” là một kết hợp đặc sắc giữa
dàn nhạc SSO với band nhạc Sơn Thạch và những gương mặt solo tài danh như
saxophone Quyền Thiện Đắc, pianist người Đài Loan (Trung Quốc) Liao Hsin-Chiao,
cellist Phan Đỗ Phúc. Đặc biệt là sự phối hợp giữa giám đốc âm nhạc Trần Mạnh
Hùng, người chuyển soạn toàn bộ các tác phẩm của Thanh Tùng trong dự án này và
nhạc trưởng tài năng người Pháp Olivier Ochanine.
Cùng với giọng ca rất đẹp của Nguyễn Ngọc Anh, Lân
Nhã, Uyên Linh, âm nhạc của Thanh Tùng sẽ vang lên ở sắc thái Thanh Tùng nhất,
như ông đã từng hình dung khi sáng tác. Các chuyển soạn lần này giới thiệu đầy
đủ nhất âm nhạc của Thanh Tùng, điều mà các bản ghi âm trước đây còn chưa làm
được vì những hạn chế về trang thiết bị cũng như nhân lực ở thời đoạn Việt Nam
còn nhiều khó khăn của thời bao cấp.
Mong muốn nêu bật sự nghiệp của Thanh Tùng một cách đầy
đủ nhất, từ khí nhạc cho tới thanh nhạc. Trong đó, phần không thể thiếu chính
là nhạc không lời, điển hình như nhạc phim “Ván bài lật ngửa” quen thuộc. Trong
chương trình, sẽ có vài ca khúc của ông được chuyển soạn cho hòa tấu bởi theo
như nhạc sĩ, nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng, những nhà tổ chức muốn ca từ sẽ vang
lên trong lòng khán giả, hoặc khán giả sẽ thầm hát theo bởi với họ, âm nhạc của
Thanh Tùng đã từng là một thời thanh xuân tươi đẹp nhất, đáng nhớ nhất. Và đó
cũng chính là thông điệp chủ đạo của dự án “Thanh Tùng: Legacy of Love”. Như lời
chị Nguyễn Bạch Dương, con gái ông, thì “di sản lớn nhất mà Thanh Tùng để lại
không chỉ là âm nhạc mà còn là một thứ bất diệt đối với mỗi người: Tình yêu”.
2. Đúng là di sản lớn nhất mà Thanh Tùng để lại
chính là tình yêu, một tình yêu được chọn làm chủ đề xuyên suốt của tất cả các
ca khúc; một tình yêu riêng trong ký ức của mỗi người nghe khi họ chạm vào các
nốt nhạc, các ca từ ông viết ra… song liệu có phải di sản của Thanh Tùng chỉ có
những điều cơ bản ấy? Chắc chắn là không. Thanh Tùng còn để lại một di sản lớn
hơn nhiều mà ít ai trong chúng ta nhận ra. Đó chính là nguồn cảm hứng âm nhạc để
thế hệ sau tiếp nối và tiếp tục tạo ra những thành công mới góp phần định hình
diện mạo nhạc nhẹ Việt Nam ở giai đoạn hiện đại.
Trong một nền tân nhạc non trẻ như tân nhạc Việt Nam,
sự tiếp nối là thứ quý giá nhất. Những Văn Cao, Nguyễn Văn Tí, Đỗ Nhuận… đã từng
là cảm hứng để những lớp nhạc sĩ kế tục thi triển tài hoa của mình. Rồi trong
cái mạch chảy cuồn cuộn ấy, Thanh Tùng xuất hiện lừng lững với một ngôn ngữ âm
nhạc mới mẻ, trẻ trung, tiên phong và cập nhật với thế giới. Chính các tác phẩm
của ông khi vang lên và khiến những thiếu niên của thập niên 80, 90 mê mẩn,
chúng đã tạo ra một chiều kích rất mạnh để họ dấn thân vào con đường âm nhạc,
trở thành những nhạc sĩ thành danh ở thời hiện đại như Võ Thiện Thanh, Đức Trí,
Việt Anh và cả nhiều người trẻ sau này nữa.
Còn nhớ, ở giai đoạn COVID-19, Nguyễn Thanh Nhật Minh,
một nhạc sĩ trẻ với nhiều sáng tác, bản phối khí được khán giả và các ca sĩ
ngôi sao ưa thích, đã cho ra mắt dự án “Chúng ta một thuở” với nhiều ca khúc của
thời 1980 -1990… và trong đó cũng có xuất hiện âm nhạc của Thanh Tùng. Sức lan
tỏa của âm nhạc Thanh Tùng chính là động lực để một người nghe trẻ tuổi yêu âm
nhạc hơn, đến gần với âm nhạc hơn và sau này là dấn thân hoàn toàn cho âm nhạc.
Nhạc sĩ Hồng Kiên, một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều dự
án âm nhạc uy tín đã nhận xét rằng: “Phải thừa nhận, Thanh Tùng là nhạc sĩ tạo
ra cảm hứng lớn nhất cho tôi để theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp. Cảm hứng ấy đến
từ những ngôn ngữ âm nhạc tưởng chừng đơn giản, dễ hiểu nhưng ẩn chứa trong đó
đầy tính đương đại, mãnh liệt và luôn là sự minh bạch, rạch ròi, không lòng
vòng, không mơ hồ, không quá đánh đố. Ca từ của ông gần gũi, như những câu chuyện
đời thực và các tác phẩm của ông đã trở thành kinh điển với âm nhạc Việt Nam.
Giờ đây, tôi vẫn nói với thế hệ trẻ hơn mình rằng âm nhạc Thanh Tùng là động lực
lớn nhất cho thế hệ nhạc sĩ chúng tôi. Tôi mong thế hệ trẻ nghe và cảm nhận được
trong âm nhạc của ông, ngay cả khi buồn nhất, đau khổ nhất thì vẫn luôn có sự
tích cực, yêu đời, yêu cuộc sống, yêu gia đình ở trong đó.
Âm nhạc của Thanh Tùng luôn là thế, chuẩn mực về nhịp
điệu, chất liệu và các tác phẩm của ông luôn là mảnh đất màu mỡ cho những nhạc
sĩ sáng tác, phối khí sau này”. Chia sẻ của Hồng Kiên cho thấy, ảnh hưởng của
Thanh Tùng tới thế hệ nhạc sĩ sau này lớn như thế nào. Và có thể nói không ngoa
(như chính Hồng Kiên bộc bạch), Thanh Tùng là một trong số ít những nhạc sĩ đầu
tiên đặt nền móng cho nhạc nhẹ Việt Nam cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
Trong khi đó, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nhắc lại “Khi tôi
còn học phổ thông, tôi đã nghe các ca khúc “Hát với chú ve”, “Phố biển”, “Ngôi
sao cô đơn”… và cảm nhận thấy được ngay niềm cảm hứng từ đó để giúp tôi kiên định
với con đường âm nhạc đầy chông gai, thách thức. Những ca khúc của ông thời bấy
giờ mang hơi thở thời đại, trong sáng và trẻ trung, đầy sức sống. Đặc biệt, tôi
ấn tượng nhất là ca khúc “Giọt sương trên mí mắt”. So với các ca khúc nhạc pop
hiện nay, nó vẫn mang một giá trị chuẩn mực kinh điển. Tôi chịu ảnh hưởng rất lớn
từ ông trong khúc thức, ngôn ngữ và phong cách âm nhạc”.
Sẽ không thể liệt kê hết những nhạc sĩ tài danh hôm
nay đã có một tình yêu âm nhạc được nuôi dưỡng từ cảm hứng Thanh Tùng từ thuở
thơ ấu. Nhưng rõ ràng, dấu ấn Thanh Tùng đối với nền nhạc nhẹ Việt Nam đương đại
là rất lớn. Ông có thể chưa từng lên bục giảng dạy ai cả nhưng rất nhiều nhạc
sĩ trẻ sau này đều tự nhận mình là “học trò của Thanh Tùng”. Họ học từ việc lắng
nghe âm nhạc của ông, và nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc cho mình cũng từ chính các
tác phẩm của ông.
Như vậy, có thể nói di sản lớn nhất của Thanh Tùng
chính là những người trẻ đang tiếp nối con đường âm nhạc hôm nay. Đặc biệt, sức
lan tỏa của những ca khúc mang tình yêu cuộc sống đúng như câu “Rồi một ngày, một
ngày cuộc sống mới, ghé bước chân đến hiên nhà em” mà ông từng viết ở những năm
tháng đất nước đổi mới, mở cửa đã thổi vào lớp trẻ một năng lượng tích cực vô
cùng, để tác phẩm của họ cũng giữ được ngọn lửa lạc quan ấy và thắp chúng sáng
lên hơn nữa, ấm lên hơn nữa trong lòng khán giả sau này.
Nguồn: An Ninh Thế Giới giữa tháng