‘Gặp gỡ mùa thu’ không chỉ là cuộc triển lãm mong muốn quyên góp cứu trợ đồng bào vùng bão lũ, mà còn thể hiện tình thầy trò giữa 5 họa sĩ.


 “Gặp gỡ mùa thu” được diễn ra từ 20/9 đến 26/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, với tác phẩm của 5 họa sĩ có quan hệ thầy trò trong giới mỹ thuật. Người thầy là họa sĩ Ngô Đăng Hiệp 62 tuổi đang sinh sốngở Đà Nẵng, còn 4 học trò là họa sĩ độ tuổi 40 đang cư ngụ tại bốn địa phương khác nhau, gồm Đoàn Tuyên ở Hải Phòng, Hà Văn Chúc ở Thanh Hóa, Nguyễn Thị Ngọc Ánh ở Quảng Bình và Trần Trọng Đạt ở Hà Nội.

Tình thầy trò được kết nối ở khoa sư phạm mỹ thuật tại Nha Trang, bây giờ lại “Gặp gỡ mùa thu” tại TP.HCM. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Thanh Bình, “Gặp gỡ mùa thu” là triển lãm của nhóm 5 họa sĩ thuộc hai thế hệ, nhưng họ không làm cho công chúng quá chú ý về khoảng cách tuổi nghề, bởi họ gắn kết từ những điểm chung của sự say nghề với những cảm xúc dạt dào không dấu kín.

Tranh của họ rất khác nhau ở sắc màu, với những nét mỹ cảm riêng lắng đọng và không khó để nhận diện mỗi người trong đó. Hơn nữa, mỗi người là một hướng đi, mỗi âm sắc, bút pháp và sự khác biệt, điều đó cho thấy những tìm kiếm sáng tạo là trăn trở, khắc khoải của cả cuộc đời để không dẫm theo lối mòn sẵn có nào đó. Vì vậy, triển lãm trở nên rất gần gũi, chân tình và có cả sự khiêm nhường của những người luôn tự tin vươn về phía trước.

Tranh của Ngô Đăng Hiệp.


Nhận lời làm giám tuyển cho triển lãm “Gặp gỡ mùa thu”, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi thực sự hài lòng về tác phẩm của 5 thầy trò. Ngôn ngữ hội họa của họa sĩ Ngô Đăng Hiệp là sự rực rỡ của sắc màu. Ngắm tranh của họa sĩ Ngô Đăng Hiệp, điều đầu tiên đập vào mắt của chúng ta là ngàn tia lóng lánh mà nơi đó màu nóng lên ngôi. Mỗi bức tranh Ngô Đăng Hiệp là sự độc thoại với chính mình, khám phá những sâu kín trong tâm tưởng.

Họa sĩ Ngô Đăng Hiệp quan niệm: “Tranh chính là người. Khi xem tranh cần chú ý đến tinh thần của tác phẩm. Đó là tâm hồn của tác giả bàng bạc trong từng nét bút, chấm màu. Tôi vẽ tranh rất chậm, từ một đến vài tháng mới xong một bức. Nhưng cũng có khi vài năm sau, tôi vẫn tiếp tục sửa nếu phát hiện ra yếu tố nào đó chưa vừa lòng. Với tôi, con đường của hoạ sĩ là con đường hạnh phúc. Hoạ sĩ như người hướng đạo, đưa mọi người đi đến những bến bờ an, vui”.

                        Tranh của Hà Văn Chúc.

Trong sự êm đềm tĩnh lặng, tranh của họa sĩ Hà Văn Chúc lưu luyến trải dài miền đất đi qua, tràn đầy tính giản dị mà thấm thía, diễn tả bằng màu sắc nhẹ nhàng. Những miền đất ấy có thể là vùng đất lạ nhưng từ nơi đó đã gieo duyên hạnh ngộ, như họa sĩ Hà Văn Chúc bày tỏ: “Tôi vẽ không quá khó, song cũng không mấy khi hài lòng, nên hay nhìn ngắm, ngẫm ngợi, chỉnh sửa, bôi xóa..., hôm nay hài lòng có khi mai mốt lại không. Tôi vẽ để thỏa mãn sở thích của mình, tôi hay vẽ phụ nữ, vì tôi thích sự mềm mại, duyên dáng, đáng yêu của họ và vì sự hấp dẫn giới tính nữa”.

Tranh của Trần Trọng Đạt.


Bầu trời của họa sĩ Trần Trọng Đạt là những kỷ niệm chập chùng, ùa về đan xen nhau bằng ngôn ngữ của màu sắc. Những bóng dáng tưởng chừng xa lắm nay bỗng qua nét cọ trở về trên tranh, và hiện rõ cùng một lúc câu cười tiếng nói của quá khứ. Họa sĩ Trần Trọng Đạt thổ lộ: “Với tôi, điều đầu tiên khi nhìn vào một tác phẩm, màu sắc phải hấp dẫn, ấn tượng. Tiếp đến sẽ là hình mảng, ý tứ tác phẩm, kỹ thuật chuyển tải thông tin điêu luyện hoặc không? Cuối cùng bức tranh đó phải hài hòa từ màu sắc, bố cục, mảng miếng, đường nét... phù hợp với nội dung đề tài đặt ra. Tôi luôn để cảm xúc lên cao nhất, chính vì vậy tôi vẽ nhanh, khi vẽ giống như ta đang chơi với ngôn ngữ (tạo hình, hội họa…) và được vẽ tôi thấy rất vui, vì được chơi, rất thỏa mái”.

Tranh của Đoàn Tuyên.


Trong tranh của họa sĩ Đoàn Tuyên, chúng ta không tìm thấy nỗi buồn, tuy nhiên thỉnh thoảng cũng thoáng chốc man mác trong cái tĩnh lặng thân thương ẩn chứa đằng sau những màu sắc rạng ngời tươi sáng. Họa sĩ Đoàn Tuyên cho rằng, được vẽ tranh là điều mong muốn, khát khao. Hiện tại, những lo toan của cuộc sống đang cuốn anh đi, chưa cho phép anh được tắm mình trong giấc mơ với nghệ thuật! Vì thế, mỗi khi có dịp được dứt ra để vẽ, anh cảm thấy như được tìm về thế giới riêng đầy cảm xúc! Và những lúc như thế, anh hoàn thiện bức tranh rất nhanh đạt ý.

Tranh của Nguyễn Thị Ngọc Ánh.


Họa sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh là gương mặt nữ duy nhất trong “Gặp gỡ mùa thu”. Phảng phất trong tranh Nguyễn Thị Ngọc Ánh là sự nhẹ nhàng, thoáng chút yểu điệu, ngay cả những điểm nhấn cũng vương vấn nét đài trang. Chị tâm sự: “Trước khi vẽ, tôi luôn băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu, hoặc chưa biết nên vẽ về chủ đề gì. Khi bắt tay vào vẽ, tôi cứ để cảm xúc dẫn đường. Từ khi bắt đầu có phác thảo đến khi kết thúc mỗi tác phẩm tôi thường vẽ khá nhanh, không quá trau chuốt về hình và màu, tôi tập trung vào cảm xúc của mình và lấy nó làm yếu tố chính để thể hiện”.

Họa sĩ Ngô Đăng Hiệp và bốn họa sĩ Đoàn Tuyên, Hà Văn Chúc, Trần Trọng Đạt, Nguyễn Thị Ngọc Ánh từng nhiều năm ấp ủ tổ chức triển lãm chung, nhưng chưa chọn được thời điểm thích hợp. Khi chứng kiến cơn bão Yagi càn quét các tỉnh miền Bắc và gây tai ương cho đồng bào, họ lập tức quyết định “Gặp gỡ mùa thu”. Thầy trò sẽ dành số tiền bán tranh để quyên góp giúp đỡ người dân bị thiệt hại vì thiên tai.

                                                              NNVN