Họa
sĩ Hồ Thị Xuân Thu từng có hai triển lãm cá nhân mang tên “Sắc màu Tây Nguyên”
tại Hội Mỹ thuật TP.HCM năm 2004 và tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hà Nội năm
2012. Bây giờ, ở tuổi 64, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu tổ chức triển lãm tranh sơn
mài “Nghe kể chuyện làng mình” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 6 đến ngày
15/9.
Sau
khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng mỹ thuật Huế, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu rời quê nhà
cố đô lên Pleiku công tác vào năm 1985. Những bỡ ngỡ của núi đồi Gia Lai dần dần
trở thành thân quen, và gắn bó với chị tận hôm nay.
Vẻ
đẹp Tây Nguyên chạm vào trái tim của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu một cách tự nhiên,
để chị cầm cọ một cách say mê. Từ sinh hoạt đời thường đến lễ hội dân gian Tây
Nguyên, đều được họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đưa vào tác phẩm với màu sắc riêng biệt
và rực rỡ.
Sau
gần 10 năm sinh sống ở vùng đất mới, với vô vàn chuyến đi vô làng và vô vàn ký
họa, Hồ Thị Xuân Thu đã thực sự đủ chín để sáng tác về Tây Nguyên như cách nghĩ
của người Tây Nguyên. Chị theo đúng tinh thần đời sống của họ, chứ không phải
theo kỹ thuật, ý chí của mình. Thế nhưng, sau chừng 5 năm vẽ sơn dầu về đề tài
này, chị vẫn thấy chưa thỏa mãn, nên tạm xa gia đình nhỏ để về miền núi Ngự
sông Hương theo học khoa sơn mài của Trường Đại học Mỹ thuật Huế.
Cuối
thế kỷ 20, Hồ Thị Xuân Thu nhận ra sơn mài thực sự là vật liệu và chất liệu mà
bản thân đang tìm kiếm. Và chị dùng sơn mài kể chuyện làng mình thong dong hơn,
sinh động hơn, sâu lắng hơn.
Với
họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, con người Tây Nguyên có sự tự do, mộc mạc, mạnh mẽ
trong phẩm chất của họ. Đây cũng là giá trị tinh thần độc đáo Tây Nguyên. Sau
nhiều năm tháng chìm đắm máu thịt với Tây Nguyên, điều này biến thành nét vẽ của
Hồ Thị Xuân Thu. Cho nên, triển lãm “Nghe kể chuyện làng mình” hiển lộ văn hóa
Tây Nguyên, nhắc nhớ hồn cốt Tây Nguyên, khơi gợi tín ngưỡng Tây Nguyên.
Trong
tranh Hồ Thị Xuân Thu, chuyện làng được kể bằng những tấm áo đồng bào đem phơi
để chờ đón ngày hội về, bằng sự lung linh của bếp than nồng, bằng sự ung dung của
phút giây bên nhà sàn nghe sử thi…
Họa
sĩ Hồ Thị Xuân Thu cho rằng, màu sắc trong tranh sơn mài của chị là tự thân khi
vẽ nó tìm đến, lúc ấy cảm nhận thế nào thì vẽ thế đó. Màu sắc của tranh sơn mài
là son, vàng, then… cũng không phải câu nệ sự đúng sai theo bố cục, vì sự ấm áp
trong tranh cũng là sự ấm áp của chính tình thân, của chính chuyện làng.
Có
lẽ với họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, khi một bức tranh có sự tương đồng về mặt cảm
xúc với người vẽ, thì sẽ dễ dàng nhận ra sự giao thoa, hòa quyện. Trong tranh Hồ
Thị Xuân Thu, có thể nhận ra từ các nhân vật đang hỏi thăm nhau, dải khăn quấn
đang hỏi thăm nhau, những bàn chân cũng đang hỏi thăm nhau… Và trong tranh của
chị, như có âm thanh rì rào, các giai điệu trầm bổng xa xa cũng đang hỏi thăm
nhau. Đó là những câu chuyện làng được kể thanh thoát và tin cậy.
Năm
2016, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu cũng đã mở xưởng vẽ riêng tại Pleiku, muốn tập
trung cho sáng tác. Tuy nhiên, trái tim nhạy cảm của người mẹ thôi thúc tạm gác
giấc mơ màu sắc để tập trung chăm lo cho con cái ăn học. Mãi đến khi Covid-19 xảy
ra, lúc con cái cũng đã tương đối trưởng thành, chị mới nhen nhóm trở lại việc
sáng tác.
Hiện
nay xưởng vẽ của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu chỉ ưu tiên cho việc sáng tác. Còn các
công việc khác như quảng cáo thì chuyển sang một địa chỉ khác, bàn giao phần lớn
cho nhân viên định liệu. Chỉ 3 năm thôi, vừa quán xuyến việc nhà, vừa vẽ tranh sơn
mài, nhưng chị đã vỡ vạc ra nhiều lối đi, đã và đang hoàn chỉnh nhiều tác phẩm,
đủ để làm 2-3 triển lãm cá nhân trong vài năm tới.
Triển
lãm tranh sơn mài “Nghe kể chuyện làng mình” của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đã thu
hút sự chú ý của giới mỹ thuật. Với tư cách đồng nghiệp, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh
nhận xét: “Tôi thích cách chị dựng bố cục, mảng miếng hình khối cô đọng một
cách khỏe khoắn, ở một số bức bố cục đứng rất thú vị, các hình tiết lớp lang
cao thấp xa gần rất hay, đường nét, màu sắc cảm giác như một số tranh truyền thống
của Nhật Bản, rất mềm mại và nhiều chất thơ trong tranh. Chị đã miệt mài làm
nên các tác phẩm trong nhiều năm nên một số bức cho ta cảm nhận sự khác biệt,
những bức càng về sau càng đơn giản nhưng nhuần nhuyễn, màu sắc đẹp trang nhã
hơn.
Tuy
vẽ về đề tài Tây Nguyên nhưng màu sắc và đường nét nhìn vào là cảm nhận được chất
nữ tính ngay trong tranh của chị. Cảm giác đầu tiên khi ngắm là tranh rất tình
cảm. Loạt tranh sơn mài “Nghe kể chuyện làng mình” của chị, xem qua là thấy
tình cảm của một người đứng quan sát lâu năm về các bản làng, về cách sinh hoặt
ăn ở của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, những cô gái đi rẫy về, những
gùi nước trên lưng, khung cảnh tắm rửa giặt giũ bên bờ suối… Đâu đó còn nghe dư
âm của tiếng cồng chiên trong đêm khuya của lễ hội bỏ mả, lễ hội lúa mới của đồng
bào Gia Rai, Ê Đê, Ba Na…
Tranh
của Hồ Thị Xuân Thu ít thấy những vật vã phồn thực loã lồ như một số tác giả
khác khi vẽ lối sống bản địa Tây Nguyên. Có lẽ do chị là một phụ nữ Huế, nên
còn đâu đó trong mình chút bẽn lẽn chăng?”.
NNVN