Cái sự hưng phấn của chị em nó như đường hypebon như thế này, lên từ từ thôi. Còn sự hưng phấn của cánh đàn ông chúng ta thì nhanh chóng vọt lên như thế ri. Sau này lấy vợ, phải làm sao hai đường hypebon trùng ở một điểm thì vợ chú mới hạnh phúc, hiểu chưa?


MỘT THỜI VẮNG BÓNG CỐ VẤN ÁI TÌNH

TÔ HOÀNG

1

Hơn nửa thế kỷ trước, vốn liếng tiếng Nga còn võ vẽ đã cả gan dịch truyện "Người đàn bà có con chó nhỏ" của Anton Chekhov. Mà dịch hết.

Dĩ nhiên viết bằng bút. Chả lẽ hồi ấy có bút bi rồi sao? Ghi lại trên nhg trang giấy ố vàng. Lòng rưng rưng tự hào.

Chiều nay đọc lại, giật mình gặp mấy câu mà hồi ấy quyết "đổ mồ hôi sôi nước mắt" phải dịch cho ra hết nghĩa. Ví như câu này:

"Họ như hai con chim trời cùng đàn, một con trống, một con mái cùng bị bắt, bị nhốt vào hai cái lồng khác nhau. Họ tha thứ cho nhau tất cả những gì mà họ cảm thấy ngượng ngùng, khi hồi tưởng lại quá khứ, tha thứ tất cả những gì xẩy ra trong hiện tại và cảm thấy rằng mối tình này đã làm thay đổi cả hai người"

Thích là thích vậy thôi. Hồi ấy chưa hề có mối tình nào vắt vai. Chạy theo các em sinh viên hay văn công người Hà Nội thì bị " hành" mệt phờ râu. Đành chuyển hướng vào đám " bộ đội gái " của đơn vị với những cái tên rất hương đồng gió nội: Đậm, Mát, Phú, Cưu, Lệm, Nõn...

Em gái quân y sỹ tên Cưu thỏ thẻ, giọng run run:

- Ông nội em đặt tên em đấy. Cưu khg phải là con cừu đâu. Ông nội em là nhà nho. Ông em nói Cưu (thư cưu) là tên một loài chim luôn sống có đôi. Nếu một con tử nạn, con kia bay tít lên cao, tìm một mỏm đá lao xuống vỡ đầu chết liền...Tích tận bên Tàu đấy!

 Đại úy Th- vốn xưa nay vẫn được mình coi là cố vấn ái tình, bàn vào:

- Con nhỏ xinh thật, nhưng mỏng tang vỏ trứng thế, dễ.. hậu sản lắm !

Sợ và chấm xuống dòng ...

 

2

Đại úy Th hứa: Mình sẽ giới thiệu cho cậu một cô bé thật oách. Bố là Thiếu tá công binh, khỏi lo phần lý lịch rồi. Mà rất xinh. Mà lại làm công việc đo gió, đo mữa ở một trạm khí tượng, khỏi phải lo nhiều thằng khác để mắt tới.

Hai anh em hẹn gặp nhau ở cơ quan Bộ Tư lệnh vào sáng Chủ nhật. Còn nhớ nguyên: Đại úy Th hô to: “Nghiêm! Chỉnh đốn trang phục”. Tôi làm theo, vuốt lại đầu tóc, nếp áo quần. Khi mọi việc đã lọt mắt Đại úy, hai anh em phóng xe lên đường. Đội Cấn. Điện Biên. Ngã tư Cửa Nam, Phố Huế…

Hai chiếc xe đẹp dừng lại trước Khu tập thể ở phố Nguyễn Công Trứ. Đến Tòa nhà A. 1. Lên cầu thang bên phải. Tôi đã hơi sinh nghi. Leo lên tầng 3. Dừng trước phòng A. 12 …

Đại úy Th đưa mắt ngắm quân dung của tôi một lần nữa. Và giơ tay gõ cửa.

V.A xuất hiện trước ngưỡng, giọng như reo:

- Ối anh H. Cháu chào chú T.H! Sao hai người lại quen nhau à ?

V.H là người yêu của bạn tôi, một nhà thơ trẻ, tiếng tăm đang nổi như cồn.

Khi chia tay, Đại úy Th làm như giận dỗi, nói với tôi:

-Quen cả Hà Nội thế này, ai dại mà đi mối lái cho cậu ! 

 

3

Cơn giận dỗi qua nhanh..

 Khoảng hai,ba tuần sau Đại úy Th lại chỉnh đốn trang phục cho tôi tại sân Bộ Tư lệnh.

Hai an hem đạp xe xuống tận huyện Tứ kỳ, Hải Dương

-Lần này phải quăng lưới thật xa bờ, xem xem chú mày còn gặp con cá quen không?-

Đại úy Th. nói.

Số là thế này..Đại úy Th có cô em gái đang dạy tại trường trung cấp Sư phạm Hải dương, sơ tán về huyện Tứ kỳ. chắc đại úy có lần đã kể cho cô em gái nghe về chặng đường gian khổ, trường kỳ, tự lực cánh sinh đi tìm người tình của tôi. Có thể vì vậy, cô giáo đã “giấm” cho tôi một cô học trò năm cuối, cứ theo lời đại úy Th.thì đàn bà mà phán xét về đàn bà thì “bách phát bách trúng”.

Quả nhiên tôi đã hồn siêu phách lạc khi vửa chạm mặt cô nữ sinh sư phạm. Nói gọn lại:một thằng lính mang quân hàm một vạch vàng ba sao trắng (thượng sỹ quen) thì không còn dám vương tầm đâu xa hơn thế.

Cả một buổi chiều đại úy Th và cô em gái  kiếm cớ lảng đi nơi khác để chúng tôi tha hồ trò chuyện. sách mới đọc, phim mới xem, bài hát nào anh thích, em thích…Cứ phăm phắp như đã từng trao đổi với nhau từ trước. Hai cô trò lúi húi vào bếp để chiêu đãi khách Hà Nội với vịt dưới ao, măng hái ngay bụi tre sau trường, ớt tỏi sau vườn...

Sáng hôm sau, em gái Sư phạm rụt rè hỏi, có thể chở em ra Hà Nội được không? Tôi mừng run, nhận lời. Hơn sáu chục cây số, giữa tiết trời đã vào thu, nắng nhẹ, gió mát, có một em gái xinh đẹp ngồi phía sau xe thỏ thẻ, kiếp lính láp còn mong gì hơn.

Mải vui câu chuyện, khi đạp xe về tới ga Phú Thị tôi mới hỏi em gái sư phạm:

-Em ra Hà nội thăm bà con hay vì việc gì..

Em gái sư phạm nhẹ nhàng:

-Em ra khám bệnh. Phía bên sườn am có một cái u. Đã lên bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh khám mấy lần mà chưa có kết quả. Bác sỹ bảo em phải đến khám ở bệnh viện trung ương. Mà không đau, anh ạ- câu cuối em nói như an ủi tôi.

Qua cầu Long Biên, theo địa chỉ em ghi trong tờ giấy, đạp xe một thôi không quá lâu, dừng xe trước một tòa nhà, lối cổng  tấp nập người ra kẻ vào. Ngước lên nhìn rõ mấy chữ in trên vòm cổng: BỆNH VIỆN K. TRUNG ƯƠNG

 

4

Đi vào vùng đất lửa với cánh cán bộ tham mưu thích hơn cánh cán bộ chính trị. Ở binh chủng pháo binh chúng tôi, cán bộ tham mưu thường là dân có học đã đi một nhẽ, thêm nữa , dù qua bao năm ninh đao họ vẫn giữ được nguyên tính hồn nhiên, têu táo của những cậu học trò. Chứ không hay bắt bẻ, hay uốn nắn, thuyết lý giáo huấn  kẻ cả như mấy ông cán bộ chính trị..

Càng may mắn, vui sướng hơn lần này lại được đi với Đại úy Th- ông Cố vấn Tình Yêu!

Sau mấy trận pháo ta đánh lớn, trả thù bọn pháo Mỹ ở các căn cứ Dốc Miếu, Cồn Tiên, Điểm cao 241 ngang nhiên bắn sang các làng xóm yên ả, thanh bình ở Vĩnh Linh, các trung đoàn pháo của Bộ, của Quân khu được lệnh rút ra vùng ngoài, riêng Đại đội pháo 13 của Khu đội Vĩnh Linh ở lại làm nhiệm vụ… bắn kiềm chế. Tức thị thỉnh thoảng bọn Mỹ hớ hênh cho trực thăng bay tới thả đồ tiếp tế, hoặc phun nước từ máy bay xuống cho bọn lính Mỹ tắm thì nghếch nòng làm vài phát…tráng  miệng, rồi hạ nòng xuống.

Đại úy Th rủ tôi xuống Đại đội 13!

Trận địa là một vùng đồi cát, cây lúp xúp. Hầm cho pháo thủ là những lóng gỗ kết theo hình chữ A, nhưng không chằng chéo, mộng mị gì. Những ngày, những đêm bình thường, pháo Mỹ từ bên kia kích sang cũng vừa phải, quả rơi gần, quả rơi xa là chuyện thường tình..

Một tuần trôi qua, bộ binh Mỹ mở cuộc càn ra tận Khu Phi quân sự để lập hàng rào Macnamara.

Đêm trước trận càn, chúng mở một trận tập kích pháo kinh hồn. Hình như có bao nhiêu nòng pháo ở các trận địa phía Nam, tính cả những căn cứ pháo Mỹ mãi ở Cửa Việt, Ái tử cũng dồn đạn trút về các xã bên bờ Bắc. Chưa đủ, chúng huy động cả các nòng pháo 406 ly trên chiến liệt hạm Niugiogi cùng phối hợp. Pháo địch bắn theo lối cuốn chiếu, rải đạn từ phía đông sang phía Tây. Rồi rút tầm từ phía Tây “ trần” trở lại phía Đông.

Mảnh đạn rít lên, chốc chốc rơi cạch cạch trước cửa hầm hai anh em tôi. Ngồi nhổm dậy, Đại úy Th bảo tôi đánh lửa châm ngọn đèn “ dã chiến”. Đèn vừa thắp, hơi đạn pháo phà vào thổi tắt liền. Một, hai, ba..đến lần thứ 4 đèn vẫn tắn. Những trận cuồng phong như vậy đã cuốn qua khu vực hầm chúng tôi nửa tiếng, rồi một tiếng mà xem ra trận pháo kích không có dấu hiệu định chấm dứt..

-Đừng nghĩ ngợi lan man gì chú em nhé- Đại úy Th nói với tôi- Ngồi xích lại đây!

Ông lấy trong chiếc túi dành riêng cho cán bộ tác chiến một tấm bàn đạc, cây bút, bấm đèn pin, vẽ lên bàn đạc và giảng giải với tôi:

-Cái sự hưng phấn của chị em nó như đường hypebon như thế này, lên từ từ thôi. Còn sự hưng phấn của cánh đàn ông chúng ta thì nhanh chóng vọt lên như thế ri. Sau này lấy vợ, phải làm sao hai đường hypebon trùng ở một điểm thì vợ chú mới hạnh phúc, hiểu chưa?

- Ôi ! Mà trong thực tế phải làm gì hở ông anh?

- Làm gì à? Phải kéo dài thời gian khởi động ra. Tức phải kiên trì, đừng vội vã, hấp tấp  khi làm nóng máy cô vợ, hiểu chưa, đồ ngốc !

Quên được một lần đạn pháo Mỹ vừa rải qua ngoài cửa hầm!

Đại úy Th khịt khịt mũi, tiếp tục:

-Mà anh đặn chú điều này, sống bỏ túi, chết mang theo nghe . Nếu chọn vợ ở thành phố, anh không bàn, còn nếu chọn vợ ở nông thôn, nhớ nhắm vào những gia đình từ Trung nông “cứng” trở lên….

Tôi ngắt ngang:

-Mà ông anh nói sao? Làm vậy không sợ mất lập trường giai cấp à? Nhắm gia đình từ Trung nông “cứng” trở lên, tức sau đó lấy con gái  tầng lớp Phú nông, Địa chủ à ? Có mà chết!

- Mách khôn, không nghe thì thôi, thằng ngốc! Cậu nhằm vào đám con cái bần cố nông ấy à? Các ông bà nông dân cơ khổ, túng thiếu ấy lo được bữa trưa, còn chưa biết xoay sở bữa tối ở đâu..Nghèo đói, cơ cực quá họ làm sao còn tâm sức mà dạy dỗ  con cái cúng kiếng tổ tiên, gìn giữ nếp nhà, vun quén gia phong. Và cậu sẽ ăn đời ở kiếp với một cô vợ vụng về, chém to kho mặn, hương hỏa, giỗ chạp không hay…

Tôi kêu to:

- Ôi, kén vợ còn  thêm chuyện PHỨC TỘP  đến vậy sao, thủ trưởng ơi??? Thôi, tôi nén nhịn chờ thêm mười năm nữa, đến xin cưới cô bé “ nhi đồng thối tai” của thủ trưởng là yên tâm nhất!.