Nếu có một thứ gì đó cần cảnh giác khi xem xét tiêu
chí phát triển công nghiệp văn hóa, đó chính là doanh thu. Năm trăm hay một
nghìn tỷ đồng doanh thu không khẳng định vai trò lịch sử của một sản phẩm văn
hóa.
Nỗi lo sa vào công nghiệp phản văn hóa
ĐỨC HOÀNG
Khi khái niệm "công nghiệp văn hóa" được đề
xuất vào giữa thế kỷ trước, thực ra nó được đề cập với tư cách một thế lực phản
diện. Khi hai học giả Đức Theodor Adorno và Max Horkheimer nhắc đến "công
nghiệp văn hóa" lần đầu tiên vào năm 1947, họ đặt nó trong một quan hệ
tương phản với "văn hóa đích thực".
Hiểu đơn giản, quan niệm này cho rằng khi sản phẩm văn
hóa được sản xuất công nghiệp, biến thành hàng hóa, thì quần chúng chỉ còn mỗi
một việc là tiêu thụ chúng, triệt tiêu khả năng tưởng tượng và suy nghĩ độc lập
của con người. Adorno và Horkheimer thậm chí còn tin rằng công nghiệp văn hóa
là một công cụ của giai cấp cai trị để kiểm soát đám đông.
Cách định nghĩa này đến nay đã nhiều phần lạc hậu.
"Công nghiệp văn hóa" không còn bị giới hạn như những bộ phim hay tiểu
thuyết rập khuôn mà các học giả theo trường phái tinh hoa kia nhìn thấy trong
thế kỷ 20. Nhiều sản phẩm văn hóa thậm chí trở thành công cụ để người ta phát
huy chủ nghĩa cá nhân: đơn cử, các game thủ, cùng "chơi một trò chơi điện
tử" nhưng nhiều người trở thành thần tượng truyền cảm hứng nhờ vào sự sáng
tạo của họ. Hay những tour du lịch văn hóa về các miền đất có nền văn minh lâu
đời như Nepal hay Ấn Độ, thậm chí còn trở thành nơi người ta tìm thấy bản ngã của
mình.
Nhưng chỉ cần bạn dành vài ba tiếng trên các nền tảng
mạng xã hội, bạn sẽ thấy phản biện của hai học giả người Đức vẫn còn nhiều giá
trị suy ngẫm. Chỉ một chút sơ hở, chúng ta sẽ nhân danh văn hóa chỉ để làm công
nghiệp, và tạo ra những sản phẩm công nghiệp phản văn hóa.
Bạn bè tôi nhiều người đến tuổi đã đủ tiền mua đất cất
nhà. Và rất nhiều người trong số họ tiêu dùng một thứ sản phẩm công nghiệp rất
đặc trưng của thời đại: các bản vẽ bán sẵn. Nhanh, tiện, rẻ. Các văn phòng kiến
trúc công khai quảng bá các motif nhà cửa được dựng sẵn; không ngần ngại giao
cho khách hàng những bản vẽ lấy thẳng từ thư viện - gần như không có hàm lượng
cá nhân hóa; hay thậm chí một số công ty còn lập cả "thư viện bản vẽ"
để khách hàng lên chọn như mua rau.
Kiểu xây nhà này phản bội mọi hiểu biết của tôi về kiến
trúc, trong tư cách một lĩnh vực học thuật. Nó cũng phản bội mọi cảm nhận của
tôi về xây nhà, như một tập tính văn hóa của cộng đồng.
Trong tư cách lĩnh vực học thuật, mọi sinh viên bước
chân vào cổng trường kiến trúc sẽ được học tôn chỉ đầu tiên của Ludwig Mies van
der Rohe và Le Corbusier: "Hình thức đi theo công năng". Họ sẽ được
khuyên đọc các cuốn sách về giải phẫu, về mối quan hệ giữa cơ thể con người và
không gian sống. Họ được dạy về khí hậu của vùng đất nơi họ sẽ hành nghề. Nôm
na, kiến trúc là một lĩnh vực nghiên cứu về cách sống của con người, trong tư
cách các cá thể, giữa môi trường sống của riêng họ, chứ không phải là việc trang
trí một cái hộp.
Trong tư cách một tập quán, xây nhà cũng là một thảo
luận văn hóa trọng đại. Nó không chỉ diễn ra giữa chủ nhà với người xây, giữa
các thành viên trong một gia đình, giữa chủ nhà với cộng đồng và thiên nhiên
xung quanh, mà còn là cuộc thảo luận giữa chủ nhà với chính nội tâm của mình.
Cuộc thảo luận này là một quá trình tự khám phá kỳ diệu mà một kiến trúc sư hiểu
biết phải đóng vai bác sĩ tâm lý giúp gia chủ đi qua.
Nhưng nó đã bị biến thành hàng hóa công nghiệp. Và thứ
này rất hấp dẫn trong hoạt động tiêu dùng. Nhanh, tiện, rẻ.
Trước khi bàn đến chiến lược phát triển công nghiệp
văn hóa, chúng ta cần bàn đến việc mình không cần đầu tư phát triển cái gì. Giống
như thị trường thực phẩm sẽ tự đẻ ra những thứ "nhanh, tiện, rẻ" và
phản dinh dưỡng; thị trường giải trí cũng sẽ đẻ ra những thứ "nhanh, tiện,
rẻ" và phản văn hóa. Tiêu thụ một chút lúc buồn chán cũng chẳng sao, nhưng
dùng nhiều ắt suy dinh dưỡng (thể thấp còi hoặc thể béo phì).
Có bao nhiêu thứ ít giá trị như thế đang tồn tại trên
thị trường truyền thông, giải trí, kiến trúc và văn học nghệ thuật? Bạn hãy mở
mạng xã hội lên và thấy rất nhiều video ngắn theo công thức, những ca khúc nghe
một lần rồi quên, các tác phẩm hình ảnh vô hồn (mà chính dân làm truyền thông
như tôi cũng bối rối, không biết gọi là "meme" hay là
"tranh" nữa). Bạn thậm chí có thể bắt gặp những thứ công nghiệp này ở
rạp chiếu phim, trong nhà hát hay trên sóng truyền hình. Bạn bắt gặp nó trong
các khu du lịch, công viên giải trí với những hình mẫu lai tạp đắp bằng xi
măng. Chúng có giá trị kinh tế, nhưng không thúc đẩy được trí tưởng tượng và khả
năng khám phá nội tâm của con người, không làm giàu có cảm xúc, không tạo thành
ký ức.
Nếu có một thứ gì đó cần cảnh giác khi xem xét tiêu
chí phát triển công nghiệp văn hóa, đó chính là doanh thu. Năm trăm hay một
nghìn tỷ đồng doanh thu không khẳng định vai trò lịch sử của một sản phẩm văn
hóa. Hãy nghĩ thế này: diễn thuyết của một bậc thầy đa cấp có thể tạo ra một
nghìn tỷ, nhưng nó không phải sản phẩm văn hóa. Một livestreamer có bộ kỹ năng
và sự xuất chúng của anh ta, nhưng một buổi livestream không phải, hoặc ít nhất
không nên được coi là sản phẩm văn hóa.
Và 1 triệu USD doanh thu từ "Thư viện bản vẽ"
bán sẵn thậm chí sẽ là một tín hiệu thụt lùi của ngành kiến trúc Việt Nam.
Điều đáng tiếc là chúng ta, trong các văn bản gần nhất,
đều đang xác định mục tiêu của "Công nghiệp văn hóa" bằng doanh thu,
bằng tỷ lệ trên GDP. Đây không phải là một tiêu chí sai, nhưng là một tiêu chí
cần cảnh giác.
Nếu có thể đề xuất, tôi tin rằng, bên cạnh mục tiêu về
doanh thu đạt được, nếu có phần mục tiêu về ngân sách chi ngược lại cho nghiên
cứu, thảo luận, sáng tạo văn hóa phi lợi nhuận, thì chúng ta sẽ có thêm năng lực
cân bằng được "dinh dưỡng văn hóa" của cộng đồng.
Còn nếu chỉ hướng tới mục tiêu công nghiệp văn
hóa đóng góp 8% GDP, chúng ta cứ việc tính các buổi livestream bán hàng là
trình diễn nghệ thuật là xong.
Nguồn: An Ninh Thế Giới giữa tháng