Chương trình "Cây Chổi Vàng" do Đồng Xuân Thụ và Tạp chí Môi trường và Đô thị phát động, khởi xướng đã tạo vỏ bọc tinh vi làm công cụ để các đối tượng trong ổ nhóm cấu kết, thông đồng, móc nối với nhau hoạt động cưỡng đoạt tài sản của hàng trăm bị hại trên cả nước với tổng số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng.


Bắt khẩn cấp TBT Tạp chí Môi trường và Đô thị cùng một số phóng viên

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ khẩn cấp Tổng Biên tập Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam cùng một số phóng viên, cán bộ về tội cưỡng đoạt tài sản.

Bắt giữ khẩn cấp và triệu tập hàng chục đối tượng

Ngày 24.9, theo nguồn tin của Lao Động, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an vừa đấu tranh triệt phá thành công chuyên án, tiến hành bắt giữ khẩn cấp Đồng Xuân Thụ (sinh năm 1972, quê quán tỉnh Bắc Giang; hộ khẩu thường trú tại 502-B26 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) - là Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam và một số thuộc cấp để tiếp tục điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, cùng với Đồng Xuân Thụ, ban chuyên án đã bắt giữ khẩn cấp Bùi Văn Toàn (sinh năm 1980, quê quán xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; trú tại phố Trương Định, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) - là Trưởng Ban Kinh tế Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam - đối tượng từng có 1 tiền án về tội "Cưỡng đoạt tài sản"; Nguyễn Ngọc Tuyên (sinh năm 1989, trú tại xã Vũ Chính, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) - là phóng viên Ban Kinh tế Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và Cao Thị Thu Hường (sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; trú tại chung cư 8B, Khu đô thị Đại Thanh, phường Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) - là Kế toán trưởng Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam để điều tra về cùng tội danh.

Bên cạnh đó, khoảng hơn chục đối tượng khác là phóng viên, cộng tác viên, nhân viên tạp chí này cũng đã bị triệu tập về trụ sở cơ quan điều tra phục vụ công tác điều tra, mở rộng án.

Theo nguồn tin, việc "cất vó" chuyên án cưỡng đoạt tài sản nói trên được hàng trăm cán bộ, chiến sỹ trong ban chuyên án đồng loạt triển khai thực hiện trong ngày hôm qua 23.9 tại TP.Hà Nội, Thái Bình và Quảng Ninh. Hiện, các đối tượng đang bị tạm giữ hình sự tại Công an tỉnh Thái Bình.

Trong ngày hôm qua (23.9), ban chuyên án cũng đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Đồng Xuân Thụ, Bùi Văn Toàn, Nguyễn Ngọc Tuyên, Cao Thị Thu Hường và một số đối tượng liên quan tại nhiều địa điểm khác nhau; đồng thời tiến hành phong tỏa, bao vây trụ sở tòa soạn Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tại Hà Nội, thu giữ nhiều tài liệu, hồ sơ, chứng cứ có liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Thủ đoạn cưỡng đoạt tài sản tinh vi thông qua chương trình từ thiện

Vẫn theo nguồn tin của Lao Động, Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, do Đồng Xuân Thụ làm Tổng Biên tập.

Từ năm 2020, Đồng Xuân Thụ chỉ đạo thành lập chương trình, gây quỹ "Cây Chổi Vàng" với danh nghĩa để tôn vinh, ủng hộ, làm công tác từ thiện giúp đỡ công nhân vệ sinh môi trường toàn quốc có hoàn cảnh khó khăn.

Núp dưới "vỏ bọc" của chương trình này, Đồng Xuân Thụ chỉ đạo cán bộ, phóng viên, cộng tác viên đi kêu gọi, vận động các mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ tiền để gây quỹ "Cây Chổi Vàng".

Đáng chú ý, từ danh nghĩa tốt đẹp, nhân văn như trên, chương trình "Cây Chổi Vàng" do Thụ và Tạp chí Môi trường và Đô thị phát động, khởi xướng đã tạo vỏ bọc tinh vi làm công cụ để các đối tượng trong ổ nhóm cấu kết, thông đồng, móc nối với nhau hoạt động cưỡng đoạt tài sản của hàng trăm bị hại trên cả nước với tổng số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng.

Cụ thể, Đồng Xuân Thụ và Bùi Văn Toàn - Trưởng Ban Kinh tế Môi trường của tạp chí đã chỉ đạo phóng viên, cộng tác viên đi tìm hiểu, nắm bắt các dấu hiệu sai phạm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... sau đó đe dọa, đăng tải trên Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam nhằm hạ uy tín, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Tiếp đó, các đối tượng yêu cầu, nếu không muốn bị đăng bài về các dấu hiệu sai trên tạp chí thì cá nhân, doanh nghiệp phải tham gia chương trình "Cây Chổi Vàng" do các đối tượng thực hiện.

Trong đó, các đối tượng luôn mang theo 1 hợp đồng đã in sẵn với nội dung Tạp chí Môi trường và Đô thị "mời" bị hại tham gia tài trợ cho chương trình với các mức: Tài trợ kim cương 300 triệu đồng, tài trợ vàng 200 triệu đồng, tài trợ bạc 100 triệu đồng, tài trợ đồng 50 triệu đồng, tài trợ xây nhà tình nghĩa 100 triệu đồng...

Đặc biệt, với thủ đoạn như trên, số tiền cưỡng đoạt từ các bị hại là rất lớn, song Thụ và Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam gần như không chi cho hoạt động chương trình "Cây Chổi Vàng" mà dùng để ăn chia, phân bổ cho nhau theo tỉ lệ quy định.

Để hợp thức hóa thu, chi, Thụ còn chỉ đạo cấp dưới như thủ quỹ, kế toán "vẽ" ra các hồ sơ, hợp đồng, chứng từ khống... để vận hành, tổ chức chương trình “Cây Chổi Vàng”.

Tổng số tiền cưỡng đoạt hàng chục tỉ đồng

Được biết, trong các năm từ 2022, 2023, chương trình "Cây Chổi Vàng" của Tạp chí Môi trường và Đô thị do Đồng Xuân Thụ làm Tổng Biên tập đã cưỡng đoạt của bị hại thông qua kêu gọi "ủng hộ", "tài trợ" tổng số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Tại các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng khác... dưới sự phân công, chỉ đạo của Đồng Xuân Thụ, Bùi Văn Toàn, các đối tượng phóng viên, cộng tác viên dưới quyền đã tích cực, ráo riết truy tìm, săn lùng các dấu hiệu sai phạm từ lớn đến nhỏ, trọng tâm là bến bãi, công trường, xây dựng giao thông, nghĩa trang, xe cộ quá tải... để gây sức ép với các chủ đầu tư, nhà thầu, cá nhân, doanh nghiệp... yêu cầu đưa tiền, thông qua hợp đồng "tài trợ" chương trình "Cây Chổi Vàng".

Mặc dù không tự nguyện, không có nhu cầu nhưng hàng trăm bị hại do lo sợ ảnh hưởng đến uy tín, công việc làm ăn, dự án... nên đã buộc phải miễn cưỡng chấp nhận tham gia tài trợ, ủng hộ cho chương trình "Cây Chổi Vàng".

Hành vi của các đối tượng diễn ra trong một thời gian dài gây bức xúc, nhức nhối, phẫn nộ cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Sau khi tiếp nhận phản ánh của một số bị hại, xác định tính chất rất nghiêm trọng, phức tạp của vụ việc, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình đã quyết định xác lập chuyên án đấu tranh, quyết tâm xử lý nghiêm, làm trong sạch môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; đồng thời góp phần chấn chỉnh, làm trong sạch đội ngũ người làm báo Việt Nam, bảo vệ, củng cố uy tín cơ quan báo chí, người làm báo chân chính, chính thống.

Sau nhiều tháng triển khai chuyên án, ban chuyên án đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng như đã nêu ở trên.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình đề nghị những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nào trên cả nước là bị hại, từng là bị hại của ổ nhóm tội phạm nói trên cần chủ động liên hệ cơ quan điều tra để trình báo, làm việc.

Hiện, vụ án đang tiếp tục được ban chuyên án khẩn trương mở rộng điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật.

Nguồn: Báo LAO ĐỘNG