Xã hội hóa văn học - nghệ thuật không đến mức là
"một bức tranh cực kỳ hỗn loạn" như ai đó nói, và cũng không vì
"các hãng phim tư nhân, rạp chiếu bóng mọc lên khắp nơi" mà dẫn đến hỗn
loạn. Hỗn loạn là do công tác quản lý nhà nước.
Xã hội hóa Văn học - Nghệ thuật: Những điều được mất
SƯƠNG NGUYỆT MINH
"Xã hội hóa văn học - nghệ thuật" là một cụm
từ xuất hiện cách đây hơn 20 năm. Xã hội hóa văn học - nghệ thuật mở ra một
giai đoạn mới: Nhà nước chấm dứt độc quyền, các doanh nghiệp, cá nhân được tham
gia tổ chức và can dự vào các hoạt động văn học, nghệ thuật. Một chân trời mới,
cái được cũng nhiều mà cái mất cũng không ít.
1.
Viết kịch, sáng tác văn học, mỹ thuật... không của
riêng ai. Bất cứ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào, bất cứ cá nhân nào cũng đều
có thể tham gia vào quá trình sáng tác, đem tác phẩm đến công chúng bằng các
con đường đi khác nhau, miễn là không vi phạm pháp luật. Chẳng hạn: Một cá nhân
có thể làm "đầu nậu" đặt một tác giả viết về một chủ đề, một nhân vật
nào đó, nghiệm thu tác phẩm, hay mua một tập thơ của bất kỳ ai, xin giấy phép
xuất bản, in ấn và... bán ra thị trường. Một người nào đó xin thành lập hãng
phim tư nhân, tổ chức từ khâu kịch bản, sản xuất bộ phim, phát hành. Chẳng hạn,
nhà nước huy động vốn liên doanh với một doanh nghiệp nào đó đầu tư sản xuất,
phát hành một vở kịch, một bộ phim truyền hình dài tập, hay phim truyện...v.v.
Một thực trạng rất đáng buồn kéo lê từ thời bao cấp
sang đầu thời đổi mới gần chục năm là... đất nghèo nàn. Ngành ngành khó khăn.
Nhà nhà túng thiếu. Có thể ví nhà nước như một ông bố nghèo khó đông con. Đứa
con làm ăn khấm khá thì ít mà đứa làm không đủ ăn, thiếu thốn và tiếng kêu chi
viện kho lương thảm thiết thì nhiều. Muốn "xóa đói giảm nghèo", muốn
đầu tư phát triển mà không có vốn. Lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật cũng vậy. Các
nhà xuất bản buồn hiu hắt, mòn mỏi. Các rạp chiếu phim cũ rích, trang thiết bị
cổ lỗ, hiu hắt vắng bóng khán giả. Các đoàn nghệ thuật dặt dẹo, họa hoằn vài ba
lần mới đỏ đèn biểu diễn. Nhà văn viết sách ra nhưng không có tiền in, nếu tự bỏ
tiền in thì không biết phát hành, không biết bán sản phẩm của mình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch muốn làm các bộ phim để
tuyên truyền nhân các ngày lễ kỉ niệm lớn, nhưng chỉ trông mong vào vốn ngân
sách nhà nước. Các rạp hát muốn nâng cấp, nhưng chẳng biết trông vào đâu. Mọi
hoạt động văn học - nghệ thuật cứ phải ngóng cổ dài chờ kinh phí nhỏ giọt của
nhà nước. Mà kinh phí nhà nước thì giống như con bò sữa già teo tóp. Tình trạng
nhà văn bỏ viết văn đi viết báo vặt kiếm tiền nuôi gia đình là... phổ biến.
Tình trạng các nghệ sĩ tên tuổi bỏ nghề chuyên nghiệp đi hát đám cưới đám ma,
đi làm diễn viên ở các hội diễn phong trào không phải hiếm...
"Xã hội hóa văn học - nghệ thuật" đã và đang
là một hiện thực sinh động. Nó không phải là bức tranh u ám, mà là những mảng tối
- sáng đan xen có chủ đề tương phản. Nó có cái được và có cái mất, có cái hay
và có cái dở. Trước hết là được nhiều hơn mất, "Xã hội hóa văn học - nghệ
thuật" phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Nhà nước và nhân dân
cùng làm. Huy động được chất xám và tiền bạc đang nhàn rỗi vào đầu tư cho lĩnh
vực tinh thần. Các tổ chức và tư nhân được mang tiền đầu tư, góp vốn với những
"đứa con dặt dẹo", nhà cửa xuống cấp, trang thiết bị tồi tàn. Nhưng
nguồn nhân lực và chất xám dồi dào ấy đang ăn không ngồi rồi, đang có địa điểm
mặt tiền, đang có thương hiệu mậu dịch quốc doanh
Dù sao nguồn nhân lực này cũng quen với cái nhìn
cái nghe cái xem của phần đông dân chúng, lại không muốn chi một khoản tiền
nào, trong khi hầu bao không căng chật. Kinh phí nhà nước vốn ít ỏi lẽ ra phải
nhỏ giọt cho khu vực này thì sẽ được chuyển sang đầu tư phát triển cho các
ngành khác, khu vực khác. Nhiều người vui mừng, phấn chấn đón chào, và tiếp nhận
một làm gió mới, một không khí mới trên con đường hướng tới vực dậy nền văn học
- nghệ thuật đang chao đảo khó khăn, lo miếng ăn hơn là làm nghề.
Quả nhiên, hàng loạt hãng phim tư nhân ra đời; hàng loạt
các nhà sách, các công ty văn hóa - truyền thông được thành lập như: Nhã Nam,
Phương Nam Phương Đông, Thành Nghĩa, Trí Việt...v.v. Đúng là "trăm hoa đua
nở, trăm nhà đua tiếng". Nhiều hãng phim tư nhân không chỉ nhằm mục đích
thương mại mà còn hướng đến giá trị nghệ thuật cao, tham gia Liên hoan phim
toàn quốc, hoặc dự xét giải thưởng hàng năm của Hội Điện ảnh đã đoạt giải, hoặc
lọt vào vòng chung khảo, phim truyện "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
là một ví dụ sinh động và thuyết phục.
2.
Xã hội hóa văn học - nghệ thuật là một chủ trương
đúng, phù hợp với sự phát triển của thời đại, nhưng quá trình thực hiện cũng bộc
lộ nhiều khuyết điểm, nhiều sai sót nặng nề. Có thể nói chưa bao giờ sách in ấn,
phát hành nhanh và dễ dãi như hiện nay. Hàng nghìn câu lạc bộ thơ nhưng không
có thơ hay, hàng vạn đầu sách mỗi năm nhưng 70% là "sách vô bổ". Sách
vô bổ là bởi ai cũng có thể viết sách, ai cũng có thể in ấn, in bao nhiêu cũng
được, biếu tặng ai cũng xong, chỉ cần câu cú sạch sẽ, nội dung không phạm vào
các điều cấm. Vậy là, một người làm thơ muốn tập hợp lại in một quyển cũng
xong, mà ai đó tổ chức bản thảo, gọi các tác giả nộp tiền in cũng được. Hậu quả
là đi đâu cũng thấy người tặng sách tặng thơ. Sách tặng mà chả bao giờ đọc. Thơ
in nhiều bị rẻ rúm đến mức... thành thơ: "Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Tặng
gì thì tặng, xin đừng tặng thơ". Một năm tốn kém bao nhiêu vạn tấn giấy và
bao nhiêu người vô tình biến thành gã tiều phu đốn rừng mà không biết.
Người làm thương mại thì bao giờ cũng phải tính đến
tiêu chí lợi nhuận đầu tiên. Càng lãi nhiều càng đầu tư. Cho nên, có những loại
hình nghệ thuật vẫn nằm bên ngoài dòng chảy xã hội hóa. Chẳng hạn, tư nhân dường
như chẳng để mắt đến phim hoạt hình, họ không mạo hiểu đầu tư để mà biết trước
rủi ro cao "được ăn cả ngã về không", hầu hết do Hãng phim Hoạt hình
Việt Nam, Hãng phim Giải phóng của nhà nước sản xuất.
Người thưởng thức văn học, nghệ thuật thì phần lớn do
nhu cầu giải trí. Đã là giải trí thì tác phẩm phải mới, lạ, độc, hấp dẫn, lôi
cuốn. Giữa cái hay của nghệ thuật và hấp dẫn của giải trí là cách nhau một trời
một vực. Đầu tư cho cái hay nghệ thuật sẽ tốn kém, công phu, mất thời gian, và
lượng khán giả, độc giả ít. Đầu tư cho cái hay, cái hấp dẫn của giải trí thì dễ
làm, công chúng đông đảo hơn, túi tiền đầy hơn. Chạy theo lợi nhuận là điều
không tránh khỏi và cũng là nhu cầu chân chính. Kinh doanh mà không nhằm lợi
nhuận thì tán gia bại sản, chỉ có điều con đường lợi nhuận và cái cách thu có
chính đáng hay không.
Tổ chức hoặc tư nhân tham gia xã hội hóa có thể đóng cổ
phần liên doanh với ngành văn hóa, có thể thuê trọn, hay mua trọn một hãng
phim, một hay nhiều rạp chiếu bóng. Khi doanh nhân đã làm chủ một loại hình vật
chất của thiết chế văn hóa nào đó, họ có quyền làm những gì không cấm trong hợp
đồng và pháp luật cho phép. Thậm chí, khi đã là chủ sở hữu thì người ta muốn
làm gì cũng khó ngăn cản. Họ có thể biến rạp chiếu phim thành phòng trà, quán
cafe, hoặc bỏ cho rêu phong cỏ mọc mà không chiếu phim, không tổ chức biểu diễn
âm nhạc. Báo chí, đơn từ kiện cáo cũng chỉ như sỏi ném xuống ao bèo, rồi
"để lâu cứt trâu hóa bùn".
Hơn 5 năm trước, PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Giám
đốc Sở Văn hóa Hà Nội từng kêu thống thiết rằng: "...sau chủ trương xã hội
hóa văn học, nghệ thuật, nay các rạp chiếu bóng ở Hà Nội trở thành showroom,
phòng trà, chỉ còn lại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và rạp Tháng Tám. Tất cả
bãi chiếu bóng thành nơi xây nhà để bán. Hà Tây trước khi sáp nhập về Hà Nội đã
bán sạch các trung tâm văn hóa, thư viện, bảo tàng". Xã hội hóa văn học -
nghệ thuật làm xuất hiện nhiều chủ thể sáng tác, doanh nghiệp sách, hãng phim,
câu lạc bộ… nhưng chất lượng lại là một câu chuyện khác. Nhà thơ Hữu Thỉnh khi
còn làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nói: "Chúng ta có hàng nghìn
CLB thơ nhưng có bài thơ nào hay, có sức sống lâu dài không? Khó vô cùng! Tôi rất
chịu khó đọc thơ của các CLB, nhưng tôi phải thú nhận là không có thơ hay
đâu".
Tuy nhiên, xã hội hóa văn học - nghệ thuật không đến mức
là "một bức tranh cực kỳ hỗn loạn" như ai đó nói, và cũng không vì
"các hãng phim tư nhân, rạp chiếu bóng mọc lên khắp nơi" mà dẫn đến hỗn
loạn. Hỗn loạn là do công tác quản lý nhà nước. Ai sai thì phạt, ai đúng và hay
thì khen. Ở đây lại thêm một câu chuyện: Cầm trịch - Kiểm tra - Thanh tra - Xử
lý. Công tác quản lý văn hóa - nghệ thuật đã không theo kịp sự phát triển phức
tạp, đa dạng, sinh động của "thời xã hội hóa". Năng lực cán bộ nhà nước
quản lý kém và cũng có thể do thoái hóa, biến chất, đồng lõa với những cái sai
mà trở thành lực cản sự phát triển của văn học - nghệ thuật. Muốn xã hội hóa
văn học - nghệ thuật thành công hãy bắt đầu từ cán bộ quản lý nhà nước trong
lĩnh vực tinh thần này.
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng