Bây giờ dường như Anna Karenina sẽ bị vây quanh bởi những  gã to mồm lớn tiếng, và cô ấy, trong lúc bối rối, chắc chắn sẽ tìm đến một trung tâm mua sắm nào đó để tìm một đôi găng tay mới, rồi rẽ vào một cửa hàng nữa mua cho mình một thỏi son...


Nhân vật nữ chính của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất thế giới đã sẵn sàng quay trở lại nhà ga, nơi Leo Tolstoy từng đưa cô tới. Ngoài cửa sổ toa xe đang lấm tấm mưa. Một chuyến xe lửa điện cũ kỹ không có máy điều hòa, đông nghẹt người, ai cũng thở nên toa tầu trở nên ấm áp và dễ buồn ngủ. Gần đó, một kẻ chinh phục Moscow khác đến từ Trung Á đang lẩm bẩm điều gì đó qua điện thoại, cô ta nói rằng căn hộ đã cho cô ấy thuê, nhưng đồ đạc vẫn chưa được dọn đi và giờ cô ấy không còn nơi nào để đặt chiếc valy

Và tôi, rất lạc lõng, thầm nghĩ: “Lev Tolstoy đã ném Anna Karenina vào gầm tàu ​​vào thời điểm nào trong năm?”. Ở đó liệu có ánh nắng chiều chói chang, gió đùa nghịch với tấm rèm, những khách bộ hành gõ gót trên bậc tam cấp lát gỗ, những người giúp việc đang bàn tán về chiếc ren của Anna với những lời thì thầm vui sướng: “Thứ thiệt đấy”.

CHỖ DỪNG LẠI TRONG RỪNG

Thay vì đi nghỉ, thanh niên Nga đến sống và làm việc trong tu viện: đây là một cách thư giãn thời thượng mới. Tôi nghĩ vậy không hẳn vì nỗi buồn mùa thu, mà vì tôi đang đi nhà ga Obiralovka trước đây, nơi được Leo Tolstoy mô tả là địa điểm Anna Karenina kết thúc cuộc đời. Tôi nhìn vào công trường xây dựng rộng lớn phía bên ngoài cửa sổ, nơi ken sít những cánh rừng, các công nhân đang xây dựng những tuyến đường bổ sung dẫn tới Moscow, suốt ngày đêm, trong bất kỳ thời tiết nào, và tôi cố gắng tưởng tượng thời điểm mà nơi này từng được đặt tên là Obiralovka.

Những khu rừng ở đây rậm rạp, hoang sơ, vốn xưa kia là nơi ẩn náu của đủ loại thổ phỉ, chúng tấn công những người đàn ông mang theo tiền kiếm được, các thương gia đang vận chuyển những chiếc xe lặc lè chở đầy lông thú và những món ăn đắt tiền đến Moscow để dự hội chợ, và cướp chúng hoàn toàn. Đó là cách mà danh tiếng của nơi tồi tệ này lan rộng: “Họ bị cướp sạch rồi!”.

Theo một cuốn sách của ban đồng ca nhà thờ, ghi vào năm 1807, thì nơi này được gọi là “Abiraevo”- Natalya Sotnikova, Nữ Giám đốc Bảo tàng lịch sử địa phương, nói với tôi - Thật khó để nói nó biến thành “Obiralovka”. Cho năm 1939, Obiralovka lại bị đổi tên thành Zheleznodorozhny. Mặc dù, bạn biết đấy, Obiralovka là nơi duy nhất có trên bản đồ nước Nga, vậy mà có tới tám khu vực đông dân cư có tên Zheleznodorozhny!

TOLSTOY BỊ SỐC KHI NHẬN DẠNG

Tai họa này của Obiralovka vẫn chưa đủ, Lev Tolstoi còn nỗ lực hơn bằng việc chọn địa điểm này dành cho cái kết bi thảm cuốn tiểu thuyết của ông.

-Mà bạn có biết rằng một trường hợp như vậy chưa từng xảy ra ở đây, trong toàn bộ lịch sử của nhà ga Obiralovka không? Chúng tôi đã nghiên cứu tất cả các tài liệu lưu trữ. Chưa có ai ở đây từng tự tử cả - Nữ Giám đốc Bảo tàng đảm bảo với tôi - Nhưng một sự việc tương tự lại đã xảy ra vào ngày 4 tháng 1 năm 1872 tại nhà ga Yasenki ở vùng Tula. Anna Stepanovna Pirogova, 32 tuổi, bị tàu hàng đâm phải. Người phụ nữ bất hạnh này là bạn của gia đình Lev Tolstoy và văn hào đã được gọi đến để nhận dạng. Lev Tolstoi tận mắt chứng kiến ​​thi thể của bà bạn bị xẻ đôi và chuyển đến khu trại đường sắt. Bà vợ của văn hào- Sofya Andreevna, sau này đã viết trong hồi ký của mình: “Anna Stepanovna, hoàn toàn khỏa thân, to lớn, đầy đặn, với bộ ngực cao, nằm trên bàn. Da phía sau đầu của cô ấy được vén lên còn mái tóc đen dày xõa xuống mặt cô ấy”. Điều này đã gây ấn tượng rất lớn đối với Lev Tolstoy và ông đã bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết.

 Ngoài ra còn có thêm một tình yêu bất hạnh nữa… Anna Stepanovna làm quản gia cho người hàng xóm của Lev Tolstoy, ông chủ điền trang Velyatinka- Alexander Bibikov. Chị quản gia này là  tình nhân của ông Bibikov và ấp ủ hy vọng kết hôn với người chủ đất góa bụa. Nhưng  Bibikov  lại ngoại tình với một gia sư người Đức và cưới cô kia. Ông ta thậm chí còn không thèm đọc lá thư cuối cùng của Anna. Còn khi nhận được tin nhắn trong lá thư định mệnh, Anna lập tức phóng đến nhà ga... Bibikov thậm chí không đến nhà ga Yasenki vì đã biết chuyện gì xảy ra.

Chắc hẳn ông ấy rất coi trọng sức khỏe tinh thần của mình, hoặc có thể ông ấy đang bận với người yêu trẻ tuổi. Còn nếu Lev Tolstoy mô phỏng ngoại hình Karenina từ người con gái của Pushkin với “những lọn tóc xoăn thuần chủng sau gáy” (nhân tiện nói ngay, con gái của Pushkin cũng là một người phụ nữ có số phận bi thảm: cô ấy đã chết vì đói vào buổi bình minh của Liên Xô cũ), thì cô con gái của thi hào đã chịu mắc nợ cái tên của mình và cái kết cho người phụ nữ bất hạnh bị bỏ rơi này.

                   Nhà ga Obiralovka khi Lev Tolstoi còn sống.

 BÂY GIỜ, TÔI NHƯ ĐANG ĐI LẠC TRÊN SÂN GA HIỆN ĐẠI…

- Nhưng cái nhà ga xây bằng gỗ được Lev Tolstoy miêu tả trong tiểu thuyết cũng đã trụ vững được 100 năm! Họ bắt đầu phá bỏ nó chỉ vào những năm 80 của thế kỷ XX, và chúng tôi đã khóc khi nhìn cảnh tượng này. Hình ảnh của cái nhà ga ấy có sức ám ảnh lớn đến mức sau này chúng đã được chuyển hóa trong bóng dáng những ngôi biệt thư biệt thự của một số nhà lãnh đạo- Natalya Sotnikova kể- Sau đó, một nhà ga bằng đá được dựng lên. Nó đã tồn tại được 30 năm nhưng không còn đáp ứng được lượng hành khách ngày càng tăng. Bây giờ ở vị trí của nó là một nhà ga xe lửa khổng lồ xây bằng kính và bê tông, bên cạnh có các các trung tâm mua sắm, quán cà phê, bãi đậu xe ô tô và xe tay ga. Và xác suất nếu rơi vào gầm bánh xe của nó ngày  hôm nay  sẽ ghê gớm hơn nhiều so với việc bị tàu hỏa đâm xưa kia!

Bây giờ dường như Anna Karenina sẽ bị vây quanh bởi những  gã to mồm lớn tiếng, và cô ấy, trong lúc bối rối, chắc chắn sẽ tìm đến một trung tâm mua sắm nào đó để tìm một đôi găng tay mới, rồi rẽ vào một cửa hàng nữa mua cho mình một thỏi son, và muốn tiếp thêm sinh lực, nàng sẽ uống nước hoa oải hương ngay tại nhà ga, để sau đó sẽ bối rối trước các bảng điện tử chỉ lối ra vào sân ga, một cửa  giờ đây phải leo lên bằng thang cuốn. Nhưng vẫn còn có những lối ra vào sân ga như ngày xưa , nếu chịu đi qua  một cây cầu lớn. Đứng trên cầu có thể phóng tầm nhìn ra khu rừng mùa thu và những người xây dựng đường sắt đông đúc. Chà, Anna Karenina sẽ không làm hỏng bức tranh thanh bình này đâu. Bởi Bảo tàng đã lưu giữ cẩn thận những bức ảnh của những năm đó cùng khu nhà ga đầu tiên được mô tả trong tiểu thuyết. Nhưng tôi vẫn có thể thấy Anna Karenina bối rối bước nhanh dọc theo đoạn đường đó trong hình ảnh của nữ diễn viên Tatyana Samoilova:“Sau khi bước xuống các bậc thang một cách nhanh chóng và dễ dàng từ tháp bơm nước đến đường rày, Anna Karenina dừng lại ngay cạnh một đoàn tàu đang chạy qua”. Trong ảnh là tháp bơm nước, nơi đầu máy dùng để tiếp nhiên liệu và có vòng quay vì đường là đường đơn. Nhiều người hỏi tại sao nhà văn lại chọn ga Obiralovka cho tấn bi kịch? Tôi luôn trả lời, ở một nhà ga có cái tên như vậy thì có ích gì? – người đối thoại của tôi cười. - Nhưng Lev Tolstoy đã tám lần đi dọc theo con đường Nizhny Novgorod của chúng tôi khi ông ấy đến Samara để chữa trị bằng sữa ngựa lên men và biết rõ về nhà ga của chúng tôi. Bạn còn  nhớ Anna Karenina đã đến Obiralovka với hy vọng tìm thấy Vronsky ở đây không? Nhưng anh ta đã đến dinh thự của mẹ mình. Hóa ra dinh thự nằm ở đâu đấy gần đó..

 BỞI CÁC VIÊN CHỨC TỪ CHỐI

Nhưng những thử thách mà Anna Karenina chịu đựng vẫn tiếp tục sống sau một thế kỷ rưỡi nữa. Ban lãnh đạo cũ của thành phố Zheleznodorozhny và các nhân viên của Bảo tàng lịch sử ở địa phương đã quyết định lưu giữ hình ảnh của Anna Karenina và đã phác dựng một tượng đài nhỏ cho người đàn bà bất hạnh này gần nhà ga. Nhà điêu khắc tài năng của địa phương Sergei Yaloza bắt tay vào việc. Ông ta đã bỏ công sức được vài tháng.

Đây không phải là một tượng đài, mà là một tác phẩm điêu khắc đường phố - một nhân vật phụ nữ cô đơn, đầy xúc động đang ngồi trên băng ghế suy nghĩ. Phía sau cô ấy là một bức phù điêu toàn cảnh với tên của nhà ga cũ là Obiralovka. Mọi thứ đều được làm bằng đồng, chỉ có chiếc ghế dài là làm bằng thép. Bà nữ Giám đốc Bảo tàng địa phương Natalya Sotnikova lấy ra  ra bức ảnh về tượng đài đã chờ đợi lắp đặt suốt 8 năm.

- Hoàn toàn không thể giải thích nổi tại sao cho tới nay việc này vẫn chưa được thực hiện. Đây là lịch sử của thành phố, là điểm nổi bật của nó. Tôi không ngại phải gõ cửa ở khắp mọi nơi – Nữ Giám đốc Bảo tàng cay đắng nói. - Cùng với các vị đại diện của các cơ quan chức năng ở địa phương và Ban quản lý Đường sắt Nga, chúng tôi đã chọn địa điểm lắp đặt. Chỉ cần một góc nhỏ như thế này thôi ngay cạnh nhà ga. Mọi văn bản đều đã được ký kết nhưng vấn đề bị đình lại ở cấp chính quyền thành phố. Người ta nói với chúng tôi “Nhândân phản đối”! Ai đã lấy ý kiến của nhân dân? Thậm chí nhân dân còn đang gây ồn ào trên mạng xã hội kia với câu hỏi: "Khi nào vấn đề Anna Karenina sẽ được giải quyết?"

HƠN CẢ CÁC MUSKETER

- Làm sao chuyện này có thể lảng tránh các vị khách của thành phố ? Ví dụ, nếu họ muốn  xoa lên mái tóc tóc hoặc bàn tay của Anna Karenina, cử chỉ ấy sẽ chữa lành những tình yêu đơn phương.  Trong mọi trường hợp, không nên bỏ qua những việc làm như vậy. Rất nhiều người hâm mộ tác phẩm của Tolstoy sẽ đến đây. Ngày xửa ngày xưa, vào đêm trước ngày kỷ niệm nhà văn, một nhóm phóng viên BBC của Anh đã đến gặp chúng tôi. Họ đang quay một bộ phim qua các địa điểm của Lev Tolstoy. Họ, người nước ngoài, quan tâm thế đấy! Nhưng ở chúng ta thì không. Tôi hỏi họ tại sao họ cần thực hiện điều này? “Sao bạn hỏi như vậy? Chính tiểu thuyết “Anna Kareninna” là cuốn sách được đọc nhiều nhất trên thế giới!” – Phóng viên BBC ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi.

 Anh có biết rằng chỉ riêng “Anna Karenina” đã có tới 41 bộ phim chuyển thể! Ngay cả người Brazil cũng thực hiện cả một sery phim. Tôi luôn đặt câu hỏi, tiểu thuyết nào đứng thứ hai sau “Anna Kareninna” trong việc chuyển thể điện ảnh? “Ba người lính ngự lâm”! Ngay cả tác phẩm này  cũng không thể vượt qua “Anna Karenina” của chúng ta! Chủ đề tình yêu, gia đình, con cái là muôn thuở- Nữ Giám đốc Bảo tàng Natalya Sotnikova không giữ được bình tĩnh, tôi cũng hiểu được bà ta.

 Buổi sập chiều và cơn mưa lạnh không thể ngăn cản tôi. Tôi muốn tự mình nhìn thấy tác phẩm điêu khắc. Tôi tìm thấy Anna Karenina, cũng như bức phù điêu tuyệt đẹp mang  tên nhà ga “Obiralovka” ở một trong những cung văn hóa. Bị mọi người từ chối, Anna Karenina đang chờ “phán quyết” của chính quyền thành phố.

Và tác phẩm điêu khắc được bọc trong nhiều lớp bạt, được đặt nằm xuống nền gạch để đảm bảo an toàn. Tôi đứng nhìn khối tượng này, tưởng tượng rằng vào mùa đông trời sẽ phủ đầy tuyết, đến mùa xuân trời lại mưa, như đã mưa suốt 8 năm rồi. Ô tô lao qua, làm tung lên những đám mây nước. Và không ai quan tâm đến Anna Karenina bằng đồng bất hạnh, như thể có một lời nguyền nào đó thực sự đeo bám cô ấy.

Chỉ bởi vì, thoạt đầu Anna Karenina bị xã hội tư sản đạo đức giả bác bỏ, còn  bây giờ là xã hội tiêu dùng hiện đại.

TÔ HOÀNG

(Chuyển ngữ theo báo Nga)