Nhạc sĩ Hoàng Hiệp là một người con miền Nam nhưng có hai mươi năm hoạt động nghệ thuật trên đất Bắc. Ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã quen thuộc với công chúng suốt bốn thập niên qua, được viết từ chính trải nghiệm và tình yêu ở mảnh đất Thủ đô “một thời đạn bom, một thời hòa bình”.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật Lưu Trần Nghiệp,
sinh ngày 1/10/1931 tại Cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 14 tuổi,
chàng thiếu niên Lưu Trần Nghiệp rời gia đình đi theo cách mạng, ban đầu ở đội
tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau đó về đoàn văn công Long Châu Hà. Trong
chiến khu, Lưu Trần Nghiệp được học đàn mandolin và lấy nghệ danh là Hoàng Hiệp
khi biểu diễn hòa tấu.
Năm 1954, Hoàng Hiệp tập kết ra Bắc. Hoàng
Hiệp đinh ninh tạm xa cách miền Nam khoảng 2 năm, và sẽ trở lại quê nhà sau tổng
tuyển cử vào tháng 7/1956. Thế nhưng, tinh thần Hiệp định Geneve đã không được
thực hiện, nên Hoàng Hiệp theo học khóa đào tạo sáng tác đầu tiên ở Trường Âm
nhạc Việt Nam cuối năm 1956.
Từ lớp giảng dạy của giáo sư Tô Vũ về thể
loại ca khúc cấu trúc hai đoạn, Hoàng Hiệp đã trả bài bằng tác phẩm “Câu hò bên
bờ Hiền Lương” dựa theo lời thơ Đằng Giao. Mặc dù Hoàng Hiệp tâm sự ca khúc
“Câu hò bên bờ Hiền Lương” chỉ khởi sự từ niềm riêm “dù cho bến cách sông ngăn,
dễ gì chặn được duyên anh với nàng” mà mình đã hứa hẹn cùng một thôn nữ vùng
núi Cấm – Tịnh Biên, nhưng giáo sư Tô Vũ vẫn đánh giá rất cao triển vọng sáng
tác của cậu học trò này.
Tốt nghiệp hạng ưu Trường Âm nhạc Việt
Nam, nhạc sĩ Hoàng Hiệp làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Âm nhạc. Bạn bè lẫn đồng
nghiệp khuyên nhạc sĩ Hoàng Hiệp lập gia đình, vì ông đã
30 tuổi và chưa biết khi nào non sông liền
một dải để tái ngộ người yêu xưa. Nhà thơ Thế Lữ nhiệt tình mách nhỏ nhạc sĩ
Hoàng Hiệp: “Ở Đoàn kịch nói trung ương của tớ, có cô Diễm Lan xinh lắm. Để tớ
mai mối cho”. Được nhà thơ Thế Lữ mời đi xem vở kịch “Những người ở lại” có diễn
viên Diễm Lan đóng vai chính, Hoàng Hiệp lập tức xiêu lòng.
Diễn viên Diễm Lan tên thật Nguyễn Thu
Vĩnh, sinh ngày 15/11/1933, quê quán Quảng Trị. Diễn viên Diễm Lan thuộc thế hệ
nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn kịch nói trung ương, cùng thời với Đào Mộng Long,
Song Kim, Bích Châu, Hồ Kiểng… Do nhà thơ Thế Lữ trực tiếp hướng dẫn nghề sân
khấu, nên diễn viên Diễm Lan rất kính trọng người thầy nức danh.
Khi nhà thơ Thế Lữ hỏi tình cảm với nhạc
sĩ Hoàng Hiệp có tiến triển gì không, diễn viên Diễm Lan đành thú thật rằng,
đêm nào Hoàng Hiệp cũng đến rạp hát chờ hết giờ diễn rồi đưa mình về nhà, nhưng
không nói câu gì. Nhà thơ Thế Lữ tư vấn: “Cậu ấy bản tính rụt rè, em càng phải
chủ động”.
Nghe lời nhà thơ Thế Lữ, đêm sau, lúc cùng
nhạc sĩ Hoàng Hiệp đạp xe từ rạp hát trên phố Tràng Tiền về nhà trên phố Nguyễn
Du, diễn viên Diễm Lan khe khẽ hát ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Nhận được
tín hiệu tốt lành, diễn viên Hoàng Hiệp lập tức ngỏ ý cầu hôn và được diễn viên
Diễm Lan gật đầu. Năm 1962, nhạc sĩ Hoàng Hiệp và diễn viên Diễm Lan làm đám cưới.
Tại căn hộ của họ ở khu tập thể Kim Liên, hai đứa con trai lần lượt chào đời.
Con trai đầu, sinh năm 1964, đặt tên là Lưu Nguyễn, ghép từ họ của cha và họ của
mẹ. Con trai thứ, sinh năm 1971, đặt tên là Lưu Hà Xuyên, ghép từ hai địa danh
Hà Nội và Long Xuyên.
Có được mái ấm hạnh phúc với người vợ đảm
đang, nhạc sĩ Hoàng Hiệp bùng nổ khả năng sáng tạo. Chỉ tính khoảng thời gian
chào đời giữa đứa hai con trai Lưu Nguyễn và Lưu Hà Xuyên, nhạc sĩ Hoàng Hiệp
đã có một loạt ca khúc lừng lẫy, gồm “Ngọn đèn đứng gác” phổ thơ Chính Hữu, “Đất
quê ta mênh mông” phổ thơ Bùi Minh Quốc, “Cô gái vót chông” phổ thơ Mô Chô Y
Loi, và “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” phổ thơ Phạm Tiến Duật.
Tháng 4/1975, nhạc sĩ Hoàng Hiệp mang theo
ca khúc “Lá đỏ” phổ thơ Nguyễn Đình Thi, cùng đoàn quân giải phóng tiến đến đại
thắng mùa xuân thống nhất đất nước. Bắc Nam sum họp một nhà, nhưng gia đình nhạc
sĩ Hoàng Hiệp lại chia cách hai miền. Từ Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết thư
cho diễn viên Diễm Lan để thông báo ông đang bề bộn nhiệm vụ, chưa thể quay ra
Hà Nội để đón vợ con. Quan niệm “thuyền theo lái, gái theo chồng”, diễn viên Diễm
Lan xin phép rời khỏi Đoàn kịch nói Trung ương, để đưa hai con vào Sài Gòn đoàn
tụ với chồng.
Quyết định của diễn viên Diễm Lan được nhà
thơ Thế Lữ ủng hộ. Bằng quan hệ cá nhân từng dọc ngang ở Hải Phòng, nhà thơ Thế
Lữ đã tìm cách cho diễn viên Diễm Lan và hai con trai được đi ké tàu hải quân từ
thành phố cảng vào Đà Nẵng, rồi từ Đà Nẵng đi xe đò vào Sài Gòn cuối năm 1975.
Gia đình nhạc sĩ Hoàng Hiệp bước vào cuộc
sống mới ở TP.HCM với ngôi nhà trên đường Phan Kế Bính, quận 1. Thấu hiểu tâm
trạng bỡ ngỡ của diễn viên Diễm Lan làm dâu phương Nam, cũng giống mình giai đoạn
làm rể đất Bắc, nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết ca khúc “Nơi anh gặp em” để tặng vợ.
Năm 1980, khi thực hiện bộ phim “Nơi gặp gỡ của tình yêu” với cặp tài tử Thế
Anh và Thẩm Thúy Hằng, đạo diễn Long Vân đã lấy ca khúc “Nơi anh gặp em” làm
bài hát chủ đề: “Nơi anh gặp em có hoa vàng rực rỡ/ Có khung trời mộng mơ/ Biển
xanh bao la triền miên sóng vỗ/ Nơi anh gặp em nắng xua tan mù sương/ Gió thôi
mang mùi đạn bom/ Vết thương đang lành trên thân mình”.
Vốn là một diễn viên tài ba tại Hà Nội,
nhưng khi định cư TP.HCM, bà Diễm Lan không còn cơ hội đứng trên sân khấu. Bà nhận
công tác ở Trung tâm văn hóa TP.HCM và đi học đạo diễn để dàn dựng các tác phẩm
cho phong trào văn nghệ quần chúng. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp biết ơn sự hy sinh của vợ,
nên ông luôn tìm cách hỗ trợ bà tiếp tục gắn bó nghệ thuật. Đó cũng là lý do để
nhạc sĩ Hoàng Hiệp dành không ít thời gian viết nhạc cho các vở kịch có sự tham
gia của vợ mình.
Mùa xuân Giáp Tý 1984, nhạc sĩ Hoàng Hiệp
dự định đưa vợ con ra Hà Nội đón tết cổ truyền, để diễn viên Diễm Lan thỏa lòng
mong nhớ người thân sau 9 năm vào miền Nam sinh sống. Tuy nhiên, điều kiện giao
thông bấy giờ khó khăn, không thể nào mua được vé tàu lửa hay vé máy bay cho cả
hai vợ chồng và hai đứa con, gia đình nhạc sĩ Hoàng Hiệp đành gác lại một kế hoạch
đầy hân hoan. Nhìn nét bùi ngùi trên khuôn mặt diễn viên Diễm Lan những ngày tết
năm ấy, nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết ca khúc “Nhớ về Hà Nội” như món quà an ủi vợ.
Ca khúc “Nhớ về Hà Nội” nhắc đến những kỷ niệm của họ, từ phố Nguyễn Du hẹn hò
đến sự gian khó từng cùng nhau trải qua “lúc bom rơi thời chiến tranh, đất rung
ngói tan gạch nát, em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới”. Ca khúc “Nhớ
về Hà Nội” vang lên trong lễ kỷ niệm 30 năm tiếp quản Hà Nội, ngày 10/10/1984,
và nhanh chóng được công chúng khắp nơi yêu thích suốt bốn thập niên qua.
Đất nước bước sang giai đoạn mở cửa hội nhập,
sinh hoạt âm nhạc cũng có những thay đổi mạnh mẽ. Nhiều nhạc sĩ cùng thế hệ đã
không còn bắt kịp nhịp điệu hiện đại, nhưng nhạc sĩ Hoàng Hiệp vẫn có chỗ đứng
riêng của ông. Không ít sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp tiếp tục chinh phục giới
trẻ, ví dụ ca khúc “Đánh mất” phổ thơ Thanh Nguyên, được đón nhận nồng nhiệt
qua tiếng hát Hoài Nam, Thanh Thúy hay Đàm Vĩnh Hưng. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp được
xưng tụng là một trong những người phổ thơ thành công bậc nhất làng âm nhạc Việt
Nam.
Những bài thơ viết về năm tháng khói lửa
dĩ nhiên gần gũi nhạc sĩ Hoàng Hiệp, còn những bài thơ trữ tình thì ông tiếp cận
cách nào? Lúc sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Hiệp hé lộ, chính vợ ông là người đã
phát hiện và chia sẻ cho ông những bài thơ ấn tượng để ông phổ nhạc. Năm 2000,
nhạc sĩ Hoàng Hiệp được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Sau khi nghỉ hưu, vợ chồng nhạc sĩ Hoàng
Hiệp bán căn nhà ở trung tâm TP.HCM và dọn về chung cư An Khánh nằm ven sông
Sài Gòn thuộc địa bàn thành phố Thủ Đức. Những năm xế bóng hoàng hôn, ông bà đi
đâu cũng có đôi. Và họ có được một đám cưới vàng đầm ấm bên con cháu. Đặc biệt,
hơn nửa thế kỷ ân nghĩa phu thê, nhạc sĩ Hoàng Hiệp chẳng mấy khi gọi vợ mình bằng
tên thật Nguyễn Thu Vĩnh, mà ông luôn gọi bà là Diễm Lan, để giữ nguyên hình ảnh
một nữ diễn viên xinh đẹp mà ông may mắn được hạnh ngộ duyên nợ trên phố phường
Hà Nội thuở nào.
Ngày 9/1/2013, nhạc sĩ Hoàng Hiệp trút hơi
thở cuối cùng ở tuổi 82. Diễn viên Diễm Lan lủi thủi nhớ thương chồng hơn 5
năm, rồi bà cũng lặng lẽ rời xa nhân gian vào ngày 10/2/2018, ở tuổi 85./.
LÊ THIẾU NHƠN