Nhà văn Như Bình ở tuổi 52 cùng lúc ra mắt hai tập sách ‘Sự im lặng biếc xanh’ và ‘Thương những xa xôi’ kèm triển lãm tranh vào sáng 19/10 tại Hà Nội.


Nhà văn Như Bình là một gương mặt nữ không quá xa lạ với công chúng. Sinh ra và lớn lên tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nhà văn Như Bình tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh rồi làm phát thanh truyền hình địa phương một thời gian dài. Từ năm 2002, nhà văn Như Bình chuyển ra Hà Nội công tác trong ngành công an. Hiện tại, chị mang quân hàm thượng tá.

Thời cầm bút ở quê nhà với những địa danh Hồng Lĩnh, Ngàn Trươi, Thiên Cầm, Kẻ Gỗ thì nhà văn Như Bình chủ yếu viết truyện ngắn, tiêu biểu là hai tập “Giông biển” và “Dòng sông một bờ”. Sau khi hòa nhập không khí sáng tạo ở Thủ đô, chị mở rộng đề tài lẫn thể loại, và liên tục ra mắt các cuốn sách “Bùa yêu”, “Người mang lại ái tình”, “Những góc khuất số phận” hoặc “Những câu chuyện khó tin nhưng có thật”.

Giai đoạn gần đây, nhà văn Như Bình có thêm hai đam mê là làm thơ và vẽ tranh. Vì vậy, khi cùng lúc phát hành tập thơ “Sự im lặng biếc xanh” và tập tản văn “Thương những xa xôi” vào sáng 19/10 tại 65 Nguyễn Du, Hà Nội thì chị cũng kết hợp trưng bày triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của mình.

Tập tản văn “Thương những xa xôi” tiếp tục giọng điệu mềm mại và trữ tình của nhà văn Như Bình, không có gì đáng ngạc nhiên. Còn thơ của nhà văn Như Bình thì sao nhỉ? Bây giờ đang có xu hướng nhiều nhà văn hứng thú vần điệu thi ca. Thơ Như Bình có gì lạ? Chị thú nhận: “Thơ tôi cũng là tiếng nói thật thà, có thể là bản năng phần nhiều. Nhưng tôi không nghĩ có gì đó phải e ngại. Thơ trước nhất viết cho mình, rồi mới có thể viết cho người. Khi viết ra được những câu thơ là tôi đã dũng cảm hơn với chính mình”.



Giới làm thơ chuyên nghiệp đón nhận tập thơ “Sự im lặng biếc xanh” của nhà văn Như Bình, bằng nhìn cảm nhận khác nhau. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đánh giá: “Sự vật, thiên nhiên trong mắt các nhà thơ đều có sức sống. Con người và thiên nhiên nhập một. Chị nói “đừng khóc nữa những tán cây”, hay “đừng gọi nữa hỡi vọng câm” ta thấy cuộc đối thoại chỉ xảy ra khi tâm hồn thăng hoa trong vô thức. Vì thế vô thức, yếu tố phi lý mà rất có lý. Chủ nghĩa huyền ảo đã đặt công việc sáng tạo của nhà thơ lên hàng đầu. Đó là thế mạnh trong thế giới cô đơn của chị. Chị cô đơn nhưng không lạc lõng. Chị đã hoàn thiện chính mình. Một chuỗi bài thơ ra đời tạo nên gương mặt hoàn chỉnh.

Thơ giúp chị giải bày tâm trạng mà lâu nay nén lại chực bung ra. Ẩn ức sáng tạo là con đường thăng hoa của mọi thi sĩ. Và thi sĩ sẽ dâng cho đời những áng thơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát chính mình. Như Bình hiện thân người phụ nữ trong thời đại của thế kỷ 21. Vẻ đẹp thơ đã tạo ra phong cách nữ quyền - duyên dáng và tự chủ. Đọc chị khác với những nhà thơ trước đó và cùng thời. Tự tin và mạnh mẽ. Một thứ mạnh mẽ, thoáng đạt mà vẫn nhìn thấy nét dịu dàng như con người chị”.

Chọn không khí rộn ràng kỷ niệm ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam để ra mắt hai tập sách mới và trưng bày tranh, nhà văn Như Bình đích thực một phụ nữ đa mang sáng tạo. Giữa rất nhiều hoa chúc mừng và lời khen tặng của bạn bè lẫn đồng nghiệp, nhà văn Như Bình thổ lộ: “Sống, được viết, được vẽ là một cách tôi làm bạn được với chính mình. Suốt quá trình sống, sáng tạo, tôi luôn cố gắng để gần hơn với linh hồn mình, hiểu, thương, tha thứ, chia sẻ và hơn thế nữa là mong ước đến tri kỷ”.

                                              NNVN