Thơ Phạm Phương Lan tha thiết những lời chiêm bái bóng dáng cố nhân mờ mịt mang theo thương nhớ nhạt nhòa “lòng ta cơn sóng/ một dòng mi cay”. Thế nhưng, chị cũng đủ tỉnh táo để thoát ra khỏi vùng ủy mị lẩn khuất.
‘Nứt ra từ đá’ là
tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn
hành, với hình thức song ngữ, bản dịch tiếng Anh do Nguyễn Ngọc Quỳnh thực hiện.
Nếu so sánh những tác phẩm trước đây của nhà thơ Phạm Phương Lan như “Mật ngữ
em” hoặc “Góc trọ hồn người”, thì “Nứt ra từ đá” nhiều ngổn ngang hơn và nhiều
dư vị hơn.
Thơ rất cần rung động
tươi trẻ, nhưng thơ càng cần suy tư trải nghiệm. Tập thơ “Nứt ra từ đá” được viết
khi tác giả bước vào tuổi tri thiên mệnh, đủ tích lũy để có sự dung hòa giữa
xúc cảm cuộc đời và xúc cảm thi ca. Cho nên, những vần điệu khởi sự từ lặng lẽ
“Nghe trái tim dịu dàng/ Thì thầm trong lồng ngực/ Nhịp yêu thương rất mực/ Cho
ngày hiền mênh mang” được tương tác trực diện bao nhiêu rung lắc mà phơi bày
nhiều bâng khuâng “Tình đâu ai bán mà mua/ Ai cho mà nhận, ai thừa mà xin”, để
chấp nhận bình thản “Thôi đành chọn phía lặng im/ Mà nghe nắng kể chuyện tình
ngày mưa”.
Giọng điệu đằm thắm
đặc trưng của thơ nữ, giúp tập thơ “Nứt ra từ đá” tạo được thiện cảm nhất định cho
độc giả. Nhà thơ Phạm Phương Lan dùng cách nói nhỏ nhẹ, đôi lúc như thầm thì, để
an ủi những sóng gió mà bản thân đã nếm chịu “Bơi trong cuộc đời/ Chát chao buồn
vui chìm nổi/ Con cá ngược dòng/ Khởi nguồn lai sinh cuồng vội”. Sự vận hành câu
chữ chậm rãi không che được ý nghĩ tê buốt của tác giả: “Mặn nhạt môi người/ Lời
yêu rỗng tuếch/ Em ngược bóng mình về phía chênh vênh”.
Trong đời sống hiện
đại, thi ca cho con người một điểm tựa để cư trú niềm đắng đót hoặc cất giấu nỗi
xót xa. Và ở chính chốt chặn cuối cùng trước bộn bề thị phi ấy, nhà thơ phải tự
thú tất cả “Quá nửa cuộc đời đi nhặt hoàng hôn rơi/ Vầng nắng cuối ngày đốt bừng
tia mắt biếc”. Thơ tình Phạm Phương Lan luôn hé lộ những khoảnh khắc mong manh,
dẫu chị đã gắng gượng kiếm tìm hạnh phúc mơ hồ: “Em chìm vào trong mắt anh/ Biết
đâu cội nguồn tan vỡ”.
Phía sau trái tim
yêu của người đàn bà không thể nào che chắn yếu đuối và hụt hẫng: “Nhớ người
băng giá mùa đông/ Từ khi thu vội qua sông bỏ thuyền/ Bến lòng ủ nhớ lên men/ Ngập
sâu trong mắt, nợ duyên bến nào”. Vì vậy, giữa rối bời kỷ niệm, nhà thơ Phạm
Phương Lan đành âm thầm trút bỏ gánh nặng đa đoan “Đò trưa mơ chuyến sang ngang/
Bỏ ai thinh lặng bẽ bàng chiều buông”.
Lắm phen đối mặt sự
thật chẳng mấy dễ chịu “Gặp nhau khó tựa lên ngàn/ Nhẽ nào duyên nợ đã tàn trống
canh”, chị đành truy vấn khoảng không mông lung: “Em giấu đằng đẵng nhớ nhung
vào trong đáy mắt/ Hỏi vì sao rơi cùng trời cuối đất, bao giờ mình gặp được
nhau”.
Thơ Phạm Phương
Lan tha thiết những lời chiêm bái bóng dáng cố nhân mờ mịt mang theo thương nhớ
nhạt nhòa “lòng ta cơn sóng/ một dòng mi cay”. Thế nhưng, chị cũng đủ tỉnh táo
để thoát ra khỏi vùng ủy mị lẩn khuất “Chân tình vùi dưới cơn mưa/ Cuốn trôi
chiếc lá dư thừa ngãi nhân”. Nhờ vậy, trong tập thơ “Nứt ra từ đá” có những câu
thơ day dứt thực tại. Chị bày tỏ ái ngại trước chùa chiền trầm mặc nguyện cầu bằng
hành vi lạ lùng “Ai mượn trò phóng sinh để tỏ bày cao thượng/ Ban phát tự do
cho cá nước chim trời”. Đồng thời, chị phẫn nộ trước những kẻ tham lam đã tàn
phá thiên nhiên để phục vụ thú vui thụ hưởng cá nhân ích kỷ: “Ta lạy người đừng
giả vờ ngơ ngác ngây thơ/ Đánh đổi kỳ quan lấy bạc xanh tiền lẻ/ Mang được những
gì khi lìa xa trần thế/ Mà bán cả non vàng, biển bạc linh thiêng”.
Sau 6 tập thơ đã
phát hành, nhà thơ Phạm Phương Lan tìm được tiếng nói riêng mình ở tập thơ thứ
7 có tên gọi “Nứt ra từ đá”. Đó là tâm trạng của người phụ nữ thấu hiểu mọi vui
buồn lẫn trái ngang “Đối diện ta bà nhân thế hỡi ơi/ Ta hốt hoảng rùng mình trốn
vào đáy cốc” và ung dung hướng thiện với thi ca “Thôi mặc cho gió cuốn/ Mặc ai
vờ ngây ngô/ Mặc người ta diễn cố/ Bật cười biên câu thơ”.
LÊ THIẾU NHƠN