‘Vị quê thương nhớ’ gồm những ghi chép về các món ăn đặc trưng xứ Huế, được tác giả Lê Hà viết trong thời gian thường xuyên nằm viện điều trị bệnh ung thư.
“Vị quê thương nhớ” ngót nghét 300 trang, vừa khái
quát ẩm thực xứ Huế vừa gửi gắm niềm riêng ở mỗi sắc thái chua cay mặn ngọt. Vì
vậy, “Vị quê thương nhớ” đúng như tinh thần tác gải Lê Hà muốn chia sẻ “Món ăn
đâu chỉ là món ăn, món ăn làm nên ký ức, cho ta mãi nhớ về những căn bếp bình dị
mà thơm thảo, về những tên đất, tên người đã từ lạ thành quen, từ quen thành
thân sau bữa cơm đãi khách miền xuôi gây thương nhớ. Nỗi nhớ ấy sao mà ngọt
lành, sao mà đằm sâu”.
Tác giả Lê Hà tên thật Lê Thị Ngọc Hà, sinh ra và lớn
lên ở Huế. Chị từng có nhiều năm làm phóng viên, nhưng không may mắc bệnh ung
thư phải từ bỏ đam mê xuôi ngược trên những cung đường để phản ánh đời sống cộng
đồng.
Cú đánh úp bất ngờ của số phận, không làm tác giả Lê
Hà gục ngã. Những ngày nằm viện điều trị căn bệnh quái ác, tác giả Lê Hà bày tỏ
sự lạc quan: “Năm 40 tuổi, mình được sống đúng ước mơ ngày bé: Ăn rồi chỉ mỗi
việc nằm đọc sách. Ước mơ đó do người lớn kể lại, chứ thật tình mình không nhớ.
Hồi xưa mê sách mà ở nông thôn sách rất hiếm.Trong nhà chỉ có duy nhất rương
sách của ông ngoại và dì để lại. Năm mình học cấp ba, rương sách đó mới được
mình lần lượt bổ sung thêm. Nhưng năm 1999, lụt lút đôn nhà, rương sách hoàn
toàn bị xóa sổ.
Những ngày này, nếu bỏ qua việc bụng đau (do vết mổ
chưa hồi phục), mệt, choáng các kiểu, thì mình đang sống những ngày thần tiên
thật sự... Mình nằm đọc sách dưới ô cửa sổ đầy ánh sáng. Cửa sổ mở ra vườn. Cây
giáng châu xanh um, tán rộng phủ kín cả ô cửa. Cây bưởi, cây khế cũng vươn cành
đến. Khoảng trưa khi nắng gắt, qua ô cửa là nghe bọn sẻ ríu rít trên cây, lũ gà
cũng đến dưới gốc giáng châu tránh nắng, chúng ồn ào kinh. Trong phòng chắc mát
hơn, nên lâu lâu bọn chàng hiu cũng nhảy vào; dế, bướm đôi khi cũng đi lạc.
Mình nằm đọc sách chán thì nghĩ đến bọn trẻ nhà mình,
không biết chúng có nhớ mẹ không nhỉ? Chứ mẹ nó mệt quá, chẳng nhớ chúng tẹo
nào.
Mình có nhớ xã hội. Đang mong từng ngày, chờ đến lúc
được hòa nhập trở lại”.
Ngoài việc đọc sách, một trong những cách kết nối với
nhịp điệu xã hội thân thuộc của tác giả Lê Hà là viết. Sau tập truyện ngắn “Ô cửa
rêu xanh” do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2023, thì tác giả Lê Hà vừa có
thêm tập tản văn “Vị quê thương nhớ” do Chibooks và Nhà xuất bản Dân Trí ấn
hành.
Tác giả Lê Hà tâm sự, những năm theo nghề báo đã giúp
chị có cơ hội đi khắp đất Huế. Vì vậy, bản đồ ẩm thực Huế cứ thế rộng dài mãi trong
ký ức chị, từ đồng bằng yên tĩnh tới đại ngàn mơ mộng, từ bữa cơm đơn sơ mẹ nấu
ngày thơ bé tới những món ăn được chế biến độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số
vùng chiến khu xưa A Lưới.
“Vị quê thương nhớ” không những kích thích giác quan,
phục vụ dạ dày mà còn nuôi dưỡng trái tim, như tác giả Lê Hà thú nhận: “Ẩm thực
luôn mở ra những chân trời thật rộng, ở đó không chỉ là hương vị thơm ngon của
món ăn mà còn có mùi của ký ức, có vị của đắm say khi được tận hưởng một món
ngon. Để rồi qua bao nhiều thời gian, những hương sắc ngọt lành ấy sẽ theo ta
mãi mãi”.
Trong cuốn sách “Vị quê thương nhớ”, tác giả Lê Hà có những trang văn đầy cảm xúc khi nhắc đến “Ngọt lành canh rau ngót quê nhà”, “Thương hũ mắm cà sau chái bếp” hoặc “Trứng lộn sốt me ngày se se lạnh”.
Thậm chí, có
những khoảnh khắc nếm thử đặc sản chắt chiu sự hiếu khách, cũng khiến chị bâng
khuâng: “Những món ăn gói trong lá rừng được vùi trong tro bếp, được bỏ trong ống
tre, nướng trên than hồng đỏ au giữa một đêm sương lạnh trập trùng phủ kín mái
nhà sàn. Những món ăn thơm nức mùi lá rừng quyện trong hương củi lửa, để bước
chân lúc xuôi về phố thị cứ vấn vương mãi, tựa như đất trời thanh khiết miền
cao và lòng người hiền hòa chốn đại ngàn cứ nắm níu mãi lòng người đi”.
NNVN