Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn ở tuổi 82 vẫn tâm trạng ‘lão mà chưa an’ khi xuất bản cuốn sách ‘Cái vội của người mình’ phân tích lối sống người Việt hôm nay.


Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn sinh năm Nhâm Ngọ 1942. Ông được công chúng biết đến với các tác phẩm “Những kiếp hoa dại”, “Cây bút đời người”, “Những chấn thương tâm lý hiện đại”…

Năm 2018, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cùng nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh ra mắt cuốn sách “Người xưa cảnh tỉnh - Thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX”. Bây giờ, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn lại có cuốn sách “Cái vội của người mình”, một tập phiếm luận về việc xây dựng lối sống văn minh cho cộng đồng.

– đạo đức tốt đẹp hơn, cốt cách vẫn là bản thân mỗi người nhìn nhận và tự rèn luyện bản thân trong cuộc sống.

Với cuốn sách dày 350 trang, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đề cập đến 5 khía cạnh. Thứ nhất, những thói hư tật xấu bộc lộ trong làm ăn kiếm sống, đi lại, các hoạt động nghề nghiệp. Thứ hai, những bất cập trong thói quen sinh hoạt, trong đời sống tinh thần mỗi cá nhân, trong các mối quan hệ người với người hàng ngày. Thứ ba, những di lụy quá khứ đồng thời trong mỗi thói hư tật xấu đều mang dấu vết thời đại. Thứ tư, những hạn chế kéo dài trong tổ chức và quản lý xã hội. Thứ năm, nhìn thói hư tật xấu ở tầm khái quát để dần dần tiến tới cách khắc phục có hiệu quả.

Bằng cách soi rọi chi tiết, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn khái quát một số biểu hiện bất ngờ qua các câu chuyện “Kiếm sống với bất cứ giá nào”, “Hỗn loạn trong giao thông, hỗn loạn trong tâm lý, “Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”, “Nói nhiều, như một căn bệnh”,  “Cuộc sống luôn là gồm cả hoa lẫn rác”, “Ảo tưởng, đâu dễ từ bỏ”, “Những tù nhân của lợi ích trước mắt”, “Đẹp riêng mà lại xấu chung”, “Biện hộ cho sự vô cảm”, “Ăn lận vào tương lai của con cháu”,  “Hàng giả vẫn được ưa thích”, “Bảy bước tới tha hóa”, “Làm sao có thể sống không hy vọng”…

Ngoài những kinh nghiệm bắt nguồn từ các sáng tác văn chương sau mấy chục năm làm công tác nghiên cứu và xuất bản, thời gian gần đây nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn thổ lộ đã tiếp nhận thêm ba nguồn tài liệu. Đầu tiên là nhiều gợi ý sâu sắc từ việc tìm hiểu và giải thích thói hư tật xấu lan tỏa trên báo chí và các mạng xã hội. Kế đến là tham khảo các công trình của một số chuyên gia khoa học xã hội soi rọi những vấn đề về người Việt, xã hội Việt. Và sau nữa là đối chiếu những tác phẩm chuyên đề về quan hệ đạo đức và kinh tế.

Khi tập trung toàn bộ sức lực để suy nghĩ về đề tài thói hư tật xấu của người Việt, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cũng song song tiếp nhận và thường nghe những lời mỉa mai, chê trách rằng bao nhiêu điều tốt đẹp của dân Việt còn chưa được viết đầy đủ, tại sao lại đi vào những phía tiêu cực mà dân tộc nào cũng có, như thế chẳng phải là một công việc không cần thiết, thậm chí có hại hay sao? Nhận thấy công việc của người làm nghiên cứu phải đặt tính khách quan, chính luận lên hàng đầu, nên ông vẫn kiên trì con đường của mình.



Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn chia sẻ: “Việc viết về những điều tốt đẹp đã là nội dung chủ yếu trong các công trình của các nhà văn nhà báo khác, phần những người chuyên đi vào thói hư tật xấu như tôi thì độ dăm bảy phần trăm, như thế có gì là nhiều, làm sao lại bảo là không nên tiếp tục. Vả chăng khi đi sâu vào thói hư tật xấu, thật ra tôi cũng đã có tìm hiểu rộng hơn các mặt tích cực của tính cách dân tộc. Chỉ có điều làm khoa học là phải thế, việc tạm tách rời một phương diện của hiện thực ra để khai thác chính là một cách để chuẩn bị cho những người khác nghiên cứu toàn diện và tổng hợp về đối tượng được kết quả hơn”.

Có thể nhận thấy, phong cách phiếm luận Vương Trí Nhàn trong tác phẩm là phiếm đàm có ích. Đến lúc chúng ta cần nhìn lại trong sự tĩnh lặng, thực sự nghiêm túc khi nhìn nhận vấn đề tính cách người Việt, xã hội Việt. “Cái vội của người mình” như một xã hội thu nhỏ, chỉ khác là tác giả từ tốn nhặt nhạnh những câu chuyện chưa hay, những mặt còn hạn chế để hầu chuyện người đọc, cái mà hiếm ai làm trong xã hội hiện đại.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, phiếm đàm kiểu “Cái vội của người mình” rất có giá trị tham khảo. Bởi lẽ, mắt kính của nhà tâm lý học đám đông là hai tròng. Luôn nhìn sự vật cụ thể, tản mạn, khi tỏ khi mờ bằng con mắt người cao tuổi nhiều kinh nghiệm và thói quen thị giác mà người trẻ chưa có. Và đồng thời nhìn nó đã được khúc xạ qua lăng kính của các nhà văn mà tác giả tâm giao. Trong cuộc phiếm đàm gọn nhẹ không bông lơn mà nghiêm trang về văn hóa, Vương Trí Nhàn dùng ba “thủ pháp kinh điển” của trò chuyện là lấy xưa nói nay, lấy ngoài nói trong, lấy người nói ta.

Tận tụy dõi theo “Cái vội của người mình”, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn tâm niệm, hạnh phúc con người đích thực xưa nay là tình yêu cuộc sống, thấy rằng cuộc sống có ý nghĩa. Chỉ nhờ có được điều hy vọng tự nhiên đó mà con người vượt lên bao nhiêu thách thức gặp phải trên đường đời. Nay cái ý nghĩa lớn lao đó nhiều người không nhìn thấy. Tương lai trở nên vô vọng. Cuộc sống chỉ còn chuồi đi theo thói quen. Tự mình chứng kiến sự hư hỏng của mình và những người thân của mình, hỏi có nỗi đau khổ nào hơn với con người đang sống trong thời đại này. Con người không ai là hoàn hảo, chỉ có con người sống tốt đẹp và hoàn thiện hơn từng ngày. Cái đáng quý ở đây là chúng ta có dám đối thoại với những thói hư tật xấu, tự cảnh tỉnh và dần tiến tới cách khắc phục có hiệu quả.

                                             NNVN