Tiếng Việt có thể bị xói mòn ngay trong những môi trường
tuyệt đối chỉ sử dụng tiếng Việt, nếu không có những chương trình khuyến khích
và phát triển đúng mức. Thị trường sách văn học Việt Nam đang bị thống trị bởi
văn học dịch, các nhà xuất bản trong nước đói bản thảo trầm trọng từ người sáng
tác bằng tiếng Việt.
BẢN SẮC ĐƯỢC PHÁT MINH
ĐỨC HOÀNG
Việc lạm dụng thuật ngữ “giữ gìn bản sắc” có thể tạo
ra những hệ quả không cần thiết. Nhiều người có thể hiểu theo nghĩa rất hẹp, rằng
“bản sắc” là một thứ sẵn có, cần truy nguyên và gìn giữ. Từ khóa “giữ gìn bản sắc”
xuất hiện dày đặc trong các văn bản chỉ đạo của ngành văn hóa và trên truyền
thông minh họa cho cách hiểu này: nó đã ở đó rồi, và việc cần làm là “giữ”. Nhưng
không có “bản sắc” nào, của cả dân tộc Việt hay xã hội Việt Nam đương thời, tồn
tại từ 4.000 năm trước, khi cha Lạc Long Quân gặp mẹ Âu Cơ. Chúng đều đến qua một
quá trình tiếp nhận văn hóa từ bên ngoài, biến đổi và thích ứng với các đặc
trưng địa chính trị riêng của Việt Nam.
Bản sắc, thực chất đã luôn được tạo ra. Có những bản sắc
nổi tiếng và được xác định là có giá trị kinh tế cao, như việc nấu và ăn phở của
người Việt, mới ra đời hơn 100 năm. Nếu xét đến việc có thời chúng ta đã cân nhắc
chọn slogan cho kinh tế Việt Nam là “Bếp ăn của thế giới” (bao gồm cả sản xuất
nông nghiệp, chế biến thực phẩm lẫn kinh doanh ẩm thực), thì hầu hết nguyên liệu
của bếp ăn đó đều hình thành trong khoảng hơn trăm năm trở lại đây.
Và có những bản sắc được tạo thành trong chục năm trở
lại đây, nhưng đã trở thành yếu tố quan trọng quyết định sự vận hành của xã hội.
Lãnh đạo một tập đoàn kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng
lớn tâm sự với tôi, rằng khi bà đề xuất với đối tác nước ngoài, rằng dự án nghỉ
dưỡng mà họ hợp tác sẽ có bán villa cho nhà đầu tư cá nhân, đối tác đã rất ngại.
Đó là một bản sắc của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam: chủ đầu tư,
vì nhiều khó khăn liên quan đến thị trường vốn trong nước, không thể một mình đầu
tư toàn bộ cả một khu biệt thự bên bờ biển và đôi tòa khách sạn được. Họ cần gọi
các nhà đầu tư cá nhân vào thông qua hình thức bán bất động sản.
Chuyện này giờ đã trở thành thông lệ của thị trường.
Nhưng mười năm trước, khi chưa có tiền lệ, đối tác nước ngoài – một tập đoàn quản
lý khách sạn nổi tiếng thế giới - nghe vậy thì rất sợ. Ở các nước khác, họ chỉ
phải làm việc với một ông chủ nhà (là chủ đầu tư); nay sang Việt Nam phải làm
việc với cả trăm ông chủ nhà.
Quá trình thuyết phục đó đã tạo ra một tiền lệ riêng
cho thị trường Việt Nam. Ngày nay, nhà đầu tư cá nhân có thể mua những bất động
sản được quản lý bởi các tập đoàn nước ngoài, nhờ vào thứ “bản sắc được phát
minh” này.
Một doanh nhân khác, kinh doanh phòng tập, thì khẳng định
rằng ông phải thiết kế riêng các gói tập theo nhóm, các chương trình tập thể, để
phục vụ cho thị trường Việt Nam, nơi mọi người thích giao tiếp cộng đồng. Điều
này không tồn tại ở quốc gia nơi ông trưởng thành, khi phòng fitness là không
gian rất cá nhân.
Đó sẽ là “bản sắc” trong lĩnh vực kinh doanh này tại
Việt Nam.
Về lý thuyết, chúng ta không thể sao chép hoàn toàn mô
hình kinh doanh của bất kỳ quốc gia nào. Từ góc nhìn của giáo sư sử học Trần Quốc
Vượng, nền văn hóa Việt Nam bị chi phối bởi địa hình bán đảo, tạo ra những tập
quán đặc trưng và điều đó chi phối tiến trình tiếp nhận văn hóa của nước ta. Chỉ
có một Việt Nam, với địa hình hẹp, dân số đông, đường bờ biển dài và vị trí địa
chính trị trọng yếu trong khu vực. Một nghìn năm Bắc thuộc không xóa sổ được
các nền văn minh từng tồn tại trên mảnh đất này.
Minh họa một cách dễ hiểu, bất kỳ nhà bán lẻ nào muốn
kinh doanh tại Sài Gòn sẽ phải tính tới một “combo” các yếu tố không tồn tại ở
một quốc gia nào khác, từ mật độ dân số, thói quen sử dụng xe máy cho đến thói
quen sử dụng thực phẩm tươi sống mới giết mổ trong ngày. Họ sẽ phải tìm ra một
mô hình mới, và nếu mô hình đó hiệu quả, nó sẽ trở thành bản sắc của thị trường
Việt Nam.
Việc lạm dụng thuật ngữ “giữ gìn bản sắc” có thể tạo
ra những hệ quả không cần thiết. Ngôn ngữ có ảnh hưởng rất lớn lên ý thức.
Hệ quả lớn nhất là tâm lý xã hội, khi cách hiểu bản sắc
là thứ gì đó của quá khứ và cần truy nguyên bị lạm dụng trên truyền thông. Ta
cho rằng mình có một pháo đài mơ hồ nào đó tên là “bản sắc Việt” để sống chết bảo
vệ. Mấy chục năm trước, NSND Kim Tiến phải xuất hiện trên chương trình Hộp thư
Truyền hình để trả lời cật vấn của một khán giả: “Tại sao Đài Truyền hình Quốc
gia lại dùng tên viết tắt tiếng Anh?”. Nhà đài có lẽ đã ngại cuộc xung đột này,
nên đưa ra một cách giải thích khá sáng tạo: “VTV là viết tắt của Vô tuyến Truyền
hình Việt Nam”.
VTV là Vietnam Television, điều đó ngày nay đã được thừa
nhận và dường như nó chẳng tạo ra hậu quả nào xấu lên tiếng Việt. Việc sử dụng
các ngôn ngữ phổ biến trong kinh doanh toàn cầu để đặt tên cho các sản phẩm hay
dịch vụ của mình, đã có từ thời cha ông. Nhưng ngày nay, trong nỗ lực mơ hồ của
việc “giữ gìn bản sắc”, một nhà kinh doanh vẫn có thể đối mặt với câu hỏi (mang
sắc thái lên án) gay gắt: “Sao lại đặt tên sản phẩm bằng tiếng Anh?”. Trong những
năm gần đây, nhiều học giả vẫn xuất hiện trên báo chí và khẳng định rằng việc đặt
tên các dự án bất động sản bằng tiếng Anh “là một vấn đề nghiêm trọng về văn
hóa”, hay “ảnh hưởng cảm nhận về chủ quyền quốc gia”.
Các tuyên bố này rất khó chứng minh. Nhất là ở một quốc
gia đã giành độc lập, một dân tộc đã tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong thời đại
ngôn ngữ chính thức của hệ thống giáo dục là tiếng Pháp.
Tiếng Việt có thể bị xói mòn ngay trong những môi trường
tuyệt đối chỉ sử dụng tiếng Việt, nếu không có những chương trình khuyến khích
và phát triển đúng mức. Thị trường sách văn học Việt Nam đang bị thống trị bởi
văn học dịch, các nhà xuất bản trong nước đói bản thảo trầm trọng từ người sáng
tác bằng tiếng Việt. Các tác phẩm hội họa Việt Nam gây tiếng vang trên thế giới
vẫn được vẽ từ thế hệ theo học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (không biết thứ này
có xứng đáng được coi là “bản sắc” hay “là một vấn đề nghiêm trọng về văn
hóa”). Để có một nền mỹ thuật có bản sắc, một nền thương mại có bản sắc, hay là
một nền sản xuất có bản sắc – ta cần hàng loạt bộ chính sách để người Việt Nam
có thể phát huy sức sáng tạo, kiến tạo những giá trị mới dựa trên đặc trưng xã
hội, dựa trên nhu cầu mỹ cảm và nhu cầu kinh doanh của riêng họ.
Đã đến lúc, cần nghiêm túc cân nhắc sử dụng thuật ngữ
“giữ gìn và kiến tạo bản sắc”.
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng