Cô giáo Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.


Cô giáo Nùng Lý Thị Thủy sinh ra ở xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Khi được 8 tuổi, Lý Thị Thủy cùng gia đình di cư vào xã Sơn Giang thuộc huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Thời khắc thay đổi quan trọng ấy, được Lý Thị Thủy ghi lại: “Năm 1990, cả nhà chúng tôi cùng 9 gia đình nữa đặt chân đến vùng đất đầy nắng và gió của miền tây Phú Yên vào những ngày cuối đông, khi những cơn mưa dai dẳng đã dần vắng bóng, trời ấm dần lên đợi xuân về. Ba tôi bảo, đi để đón mùa xuân ở vùng đất mới, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn. Mười ngôi nhà mái tôn giống nhau xếp hàng bên dòng suối nhỏ, phía sau là đại ngàn trải xanh hút tầm mắt. 

Những ngôi nhà đơn sơ, gần gũi với núi rừng, không khác mấy so với ngôi nhà của chúng tôi ở miền núi đông bắc của Tổ quốc. Chỉ khác là ở đây đường bằng phẳng, không đồi núi trùng điệp và cũng không lạnh tái tê. Đường xa, mọi thứ đem theo đều được tối giản, nên ngôi nhà mới của chúng tôi nhỏ bé mà hóa rộng rãi quá chừng. Ba và những người đàn ông tìm cách lấp đầy không gian bằng cách làm cái bàn, cái ghế, kê thêm cái giường”.

Sau khi tốt nghiệp khoa sư phạm của Trường Đại học Tây Nguyên, Lý Thị Thủy trở thành cô giáo Nùng dạy học ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh vài năm, rồi tiếp tục lấy bằng thạc sĩ ở Trường Đại học Sư phạm Huế.

Hiện nay, Lý Thị Thủy là cô giáo Nùng dạy văn rất được yêu mến tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên. Bên cạnh những chương trình cố định trong sách giáo khoa, Lý Thị Thủy luôn tìm cách mở rộng biên độ cảm thụ văn chương cho học trò, nên giờ lên lớp của cô giáo Nùng bao giờ cũng rất sinh động. Chị chia sẻ, thay vì giảng bài một cách khô khan, có buổi học đã cho học trò nghe chương trình “Chuyện tình khó quên” của Nông Nghiệp Radio nói về cuộc đời một nhà văn hoặc nhà thơ nào đó, khiến các em rất thích thú.

Ngoài vai trò một giáo viên, Lý Thị Thủy cũng là một cây bút được chú ý trên văn đàn. Chị là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Dân tộc thiểu số Việt Nam. Tác giả Lý Thị Thủy đã xuất bản tập truyện ngắn “Vòng tay” vào năm 2016 và tập tản văn “Còn mãi những tin yêu” vào năm 2020.

Tác giả Lý Thị Thủy viết về ân nghĩa cuộc đời: “Làm mẹ rồi mới hiểu lòng mẹ. Thật ra, nuôi con, bậc sinh thành chẳng mong con cái sau này sẽ cung phụng mình tuổi già, mà an ủi lớn nhất của bậc làm cha làm mẹ đó là các con mình được bình yên và yêu thương nhau. Chỉ cần thế thôi. Nên mình vẫn dặn lòng mỗi khi va vấp giữa đời rằng, tự chăm sóc tốt cho bản thân cũng là một cách báo hiếu vậy. Tuyệt đối, chị em chúng mình dù có đau cũng chỉ tìm nhau mà cùng cố gắng vượt qua, chứ không bao giờ về nhà nói với ba mẹ. Có những lần vấp ngã, tưởng chừng chẳng thể đứng dậy bước tiếp nữa, chị em chúng mình lại tìm về bên cha mẹ, như một thói quen để tìm kiếm sự bình yên trong vòng tay của đấng sinh thành”.



Trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, cô giáo Nùng Lý Thị Thủy có một món quà chia sẻ với đồng nghiệp và học trò, đó là tập lý luận phê bình “Khơi chuyện” do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.

Với hơn 200 trang sách “Khơi chuyện”, tác giả Lý Thị Thủy đưa ra những góc nhìn thú vị “Như chàng Đam San đi tìm Nữ Thần Mặt Trời”, “Chòng chành sông nước vùng biên”, “Cái gì rồi cũng qua, tình còn là mãi mãi”, “Có miền thanh xuân tràn về trong ký ức”…

Cô giáo Nùng muốn gửi gắm điều gì qua “Khơi chuyện”? Chị bày tỏ: “Đây là tập hợp các bài viết về những quyển sách mà tôi đã đọc và yêu thích. Tôi gom lại in như một cách lưu giữ ấn tượng đẹp khi được tiếp cận những tác phẩm hay. Tôi đặt tên “Khơi chuyện”, vì nghĩ đọc và cảm nhận một tác phẩm văn chương cũng như là một cách trò chuyện vậy. Mỗi lần đọc, mỗi người đọc khi tiếp nhận tác phẩm sẽ có những cảm nhận khác nhau. Mong câu chuyện về những tác phẩm ấy sẽ được khơi gợi và tiếp tục như là người đọc đồng sáng tạo cùng với tác giả. Như thế cũng là một cách góp phần khẳng định và lan tỏa giá trị của những tác phẩm này đến với nhiều độc giả hơn”.

                                         NNVN