Năm 1995 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi Han Kang cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tay "Yeosu", đánh dấu sự chuyển hướng sang lĩnh vực văn xuôi. Tập truyện này đã gây được tiếng vang trong giới văn học Hàn Quốc, báo hiệu sự xuất hiện của một tài năng mới


Những áng văn Han Kang

DƯƠNG ANH

"Nhà văn người Hàn Quốc đầu tiên giành giải Nobel Văn học", "nữ nhà văn thứ 18 trong số 117 giải thưởng được trao kể từ năm 1901"… là những mỹ từ  nói về Han Kang, người gia nhập hàng ngũ những nhà văn đoạt giải Nobel vào tháng 10/2024. Sự kiện này không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của bà mà còn là một bước ngoặt lớn đối với nền văn học Hàn Quốc và châu Á nói chung.

Với ngòi bút sắc bén cùng những tác phẩm đầy ám ảnh, những áng văn đậm chất thơ nhưng cũng rất kịch liệt, Han Kang đã mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc về xã hội Hàn Quốc, những chấn thương lịch sử cũng như bản chất và sự mong manh của con người. Còn như nhận xét của Viện Hàm lâm Thụy Điển thì: "Những áng văn xuôi mãnh liệt, đậm chất thơ, đề cập trực diện những vết thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của kiếp người".

Han Kang sinh ngày 27/11/1970 tại Gwangju, một thành phố ở miền Nam Hàn Quốc, trong một gia đình có truyền thống văn chương. Cha của Han Kang, ông Han Seung-won, là một nhà văn nổi tiếng và là người đã truyền cảm hứng văn chương cho cô con gái nhỏ. Môi trường gia đình đậm chất văn học đã đặt nền móng cho sự nghiệp sau này của Han Kang.

Ngày 18/5/1980, đám đông sinh viên và người dân tại thành phố Gwangju đã đổ ra đường phản đối chính quyền quân sự của Tổng thống Chun Doo-hwan. Phong trào này sau đó đã bị đàn áp dã man với cái chết của ít nhất 165 người. Gia đình Han Kang chỉ mới chuyển đến Seoul vài tháng trước khi xảy ra cuộc nổi dậy Gwangju, và sự kiện này đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn và trở thành một chủ đề trung tâm trong các sáng tác của bà về sau.

Han Kang tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc tại Đại học Yonsei năm 1993. Điều thú vị là bà bắt đầu sự nghiệp văn chương với tư cách là một nhà thơ, xuất bản những bài thơ đầu tiên trên tạp chí Văn học và Xã hội số mùa Đông. Năng khiếu thơ ca này sau đó đã góp phần tạo nên phong cách văn xuôi đặc trưng của Han - một lối viết giàu hình ảnh và đầy tính thơ.

Thành công đầu tiên của Han Kang là vào năm 1994 khi truyện ngắn "Mỏ neo đỏ" (Red Anchor) giành giải "Tác giả trẻ" của báo Seoul Shinmun, đặt những viên gạch đầu tiên trên hành trình sáng tác ấn tượng của bà.

Năm 1995 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi Han Kang cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tay "Yeosu", đánh dấu sự chuyển hướng sang lĩnh vực văn xuôi. Tập truyện này đã gây được tiếng vang trong giới văn học Hàn Quốc, báo hiệu sự xuất hiện của một tài năng mới đầy triển vọng. Tuy nhiên, phải đến năm 2007, với sự ra đời của tiểu thuyết "Người ăn chay" (The Vegetarian), Han Kang mới thực sự bước ra ánh sáng quốc tế. Cuốn sách này đã giành giải Man Booker năm 2016, đưa tên tuổi của Han Kang vang danh toàn cầu.

Những tác phẩm nổi bật của Han Kang có thể kể đến như tiểu thuyết "Chú hươu đen" (Black Deer), "Tay người thì lạnh" (Your Cold Hands), "Lớp học tiếng Hy Lạp" (Greek Lessons), "Cậu thiếu niên ấy đến" (Human Acts), "Trắng" (The White Book), "Không từ biệt" (We Do Not Part); tuyển tập truyện ngắn "Tình yêu ở Yeosu" (Love of Yeosu); "Trái ngọt đời nàng" (Fruits of My Woman); tập thơ "Cất buổi tối vào ngăn kéo" (I Put The Evening in the Drawer); và "Những bài hát thì thầm" (Quietly Sung Songs).

Nữ văn sĩ Hàn Quốc này từng nhận nhiều giải thưởng văn học quan trọng như giải Văn học Daesan, giải Nghệ sĩ trẻ ngày nay, giải Văn học Yi Sang, Văn học Manhae, Văn học Malaparte (Italy), Văn học Kim Yu Jung, Văn học San Clemente (Tây Ban Nha), giải Médicis trong hạng mục Văn học nước ngoài (Pháp). Hai tiểu thuyết "Người ăn chay" (2009) và "Vết sẹo" (Scars) (2011) đã được chuyển thể thành phim.

Những áng văn giàu chất thơ

"Người ăn chay" là tác phẩm đưa tên tuổi Han Kang vang danh quốc tế. Cuốn tiểu thuyết kể về Yeong-hye, một người phụ nữ quyết định trở thành người ăn chay sau một giấc mơ đầy ám ảnh. Quyết định này dẫn đến một chuỗi sự kiện bi kịch, phơi bày những mâu thuẫn và bạo lực tiềm ẩn trong xã hội Hàn Quốc.

Một đoạn trích tiêu biểu từ tác phẩm: "Trước khi tôi gặp vợ tôi, tôi chưa bao giờ tin rằng cơ thể con người có thể bị biến đổi một cách hoàn toàn chỉ bởi ý chí của một người. Mặc dù, tất nhiên, tôi biết rằng thông qua những nỗ lực kiên trì, người ta có thể thay đổi cơ thể của mình đến một mức độ nào đó - giảm cân, tăng cơ bắp, thậm chí thay đổi màu da. Nhưng sự biến đổi của vợ tôi là một điều gì đó hoàn toàn khác".

Han Kang đã sử dụng góc nhìn của một nhân vật để phản ánh những thay đổi sâu sắc và đột ngột trong cuộc sống, nhấn mạnh một cách tinh tế sự phản kháng của cá nhân đối với những kỳ vọng và áp lực của xã hội.

Cuốn "Cậu thiếu niên ấy đến" (Human Acts, 2014) đào sâu vào cuộc nổi dậy Gwangju năm 1980. Cuốn sách kể về số phận của nhiều nhân vật liên quan đến sự kiện đẫm máu này, phản ánh những vết thương lịch sử vẫn còn âm ỉ trong xã hội Hàn Quốc đương đại. Tác phẩm như một bản ca bi tráng với những ấn tượng mãnh liệt trong lòng độc giả.

"Sau khi em chết, anh không thể tổ chức đám tang, vì vậy cuộc đời anh đã trở thành một đám tang.

Sau khi em bị bọc trong tấm bạt và chở đi bằng xe rác.

 Sau khi những tia nước lấp lánh phun ra một cách không thể tha thứ từ đài phun nước.

Khắp nơi ánh sáng của các ngôi đền đang cháy.

Trong những bông hoa nở vào mùa xuân, trong những bông tuyết.

Trong những buổi tối kết thúc mỗi ngày.

Những tia lửa từ những ngọn nến, cháy trong những chai rỗng".

Han Kang đã sử dụng ngôn ngữ đầy thi vị để miêu tả nỗi đau và mất mát, tạo nên những hình ảnh mạnh mẽ, gợi lên cảm xúc sâu sắc trong lòng độc giả. Sự kết hợp giữa cái đẹp và nỗi đau trong đoạn văn này là một đặc trưng trong phong cách viết của Han.

Tác phẩm mới nhất của Han Kang "Không từ biệt" (We do not part, 2021) tiếp tục chủ đề bạo lực và chấn thương lịch sử, lần này tập trung vào vụ thảm sát đảo Jeju năm 1948. Han mô tả cuốn sách này là "một tiểu thuyết về tình yêu tột cùng", tìm kiếm sự nhân văn và hy vọng ngay cả trong những hoàn cảnh đen tối nhất.

Dòng chảy cảm hứng

Các tác phẩm của Han thường xoay quanh những chủ đề gai góc và đau thương song được tiếp cận bằng sự nhạy cảm và tôn trọng. Han Kang không ngần ngại đào sâu vào những vết thương lịch sử, qua đó khuyến khích độc giả đối diện với quá khứ, dù đau thương hay khó khăn, như một cách để hiểu rõ hơn về hiện tại và hướng tới tương lai. Một đặc điểm nổi bật trong phong cách viết của Han Kang là sự giao thoa giữa cái đẹp trữ tình và sự tàn nhẫn của cuộc sống. Bà thường xuyên đặt những nhân vật của mình vào những tình huống cực đoan, buộc họ phải đối mặt với những khía cạnh đen tối nhất của bản thân và xã hội.

Tuy nhiên, ngay cả trong những khoảnh khắc tăm tối nhất, văn chương của Han vẫn luôn tìm kiếm những tia sáng của nhân tính và hy vọng. Có thể nói dù các tác phẩm của bà thường xoay quanh những chủ đề u ám, Han Kang vẫn tìm thấy cái đẹp trong những khoảnh khắc nhỏ bé và đơn giản, nhấn mạnh tới những giá trị nhân văn về ánh sáng và hy vọng trong hoàn cảnh khó khăn, và rằng cái đẹp có thể xuất hiện từ những trải nghiệm đau thương.

Văn chương của Han Kang giúp độc giả xem xét những câu hỏi sâu sắc về bản sắc cá nhân và sự tồn tại. Bà thể hiện sự mâu thuẫn giữa con người và xã hội, giữa mong muốn cá nhân và áp lực từ cộng đồng. Điều này khuyến khích người đọc có thể tự vấn về chính mình, tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống và chấp nhận những khía cạnh phức tạp của bản thân.

Nét đặc trưng trong phong cách viết của Han Kang là cách bà sử dụng cấu trúc phi tuyến tính và góc nhìn đa chiều trong các tác phẩm. Bà thường xuyên chuyển đổi giữa các nhân vật, thời gian và không gian, tạo nên một bức tranh đa diện về các sự kiện và cảm xúc. Điều này không chỉ làm tăng tính phức tạp của câu chuyện mà còn cho phép độc giả nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.

Phong cách của Han Kang nổi bật với nét rất riêng, kết hợp giữa sự tinh tế của thơ ca và sức mạnh của văn xuôi, vận dụng sự tinh tế vừa mạnh mẽ của các thể loại ngôn từ tạo nên những câu chuyện lay động lòng người. Viện Hàn lâm Thụy Điển cho biết lý do chọn Han Kang cho giải Nobel Văn học là vì nhà văn này chọn đối mặt với những vết thương trong lịch sử và những quy tắc vô hình trong mọi tác phẩm của mình, phơi bày sự yếu đuối của đời sống con người. Bà có sự thấu hiểu độc đáo về mối liên hệ giữa thể xác và tâm hồn, giữa sự sống và cái chết, thậm chí có thể coi là một cây bút nổi bật trong việc đổi mới văn xuôi hiện đại với phong cách vừa thi vị, vừa mang tính thử nghiệm cao.

Han Kang thể hiện sự tự do trong cách sử dụng ngôn ngữ và cấu trúc tác phẩm. Bà không ngần ngại thử nghiệm với các hình thức khác nhau, từ tiểu thuyết đến thơ, điều này khuyến khích độc giả khám phá và trân trọng tính đa dạng trong văn chương. Sự sáng tạo này cũng nhấn mạnh rằng văn học có thể là một công cụ mạnh mẽ để bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, giúp độc giả tìm thấy tiếng nói riêng của mình.

Những thông điệp sâu sắc trong văn chương của Han Kang không chỉ khơi gợi những đối thoại về lịch sử và nhân tính mà còn khuyến khích mỗi người đọc suy ngẫm về vị trí của bản thân trong thế giới này. 

 

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng