Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.
Học giả Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại xã Thanh Chi,
huyện Thanh Chương, Nghệ An. Sau một thời gian làm việc ở Ty Điền địa Phú Yên
vào thập niên 60 của thế kỷ trước, ông chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu về văn
hóa và lịch sử.
Năm 2018, học giả Nguyễn Đình Tư từng được giải A của
Giải thưởng sách quốc gia với tác phẩm “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ
(1859-1954)”. Bây giờ, ở tuổi 104, ông lại được giải A của Giải thưởng sách quốc
gia với tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử
(1698-2020)”
Tác phẩm được vinh danh lần này của học giả Nguyễn
Đình Tư, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Học giả Nguyễn Đình Tư chia sẻ:
“Tôi muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn
lịch sử, từ năm 1698 đến năm 2020, các chế độ chính trị, các lĩnh vực hoạt động
về hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo tín ngưỡng,
thể dục thể thao, v.v… của từng thời kỳ. Tóm lại, tác phẩm này ví như một tập cẩm
nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong Thành phố nên có để
khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến TP.HCM, chỉ việc mở sách ra là được
thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa”.
Tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh:
Dặm dài lịch sử (1698-2020)” gồm hai tập với hai cột mốc, tập một từ năm 1698 đến
năm 1945, tập hai từ năm 1945 đến năm 2020. Học giả Nguyễn Đình Tư chia công
trình nghiên cứu thành sáu phần.
Phần thứ nhất giới thiệu thời các chúa Nguyễn và vua
nhà Nguyễn, trình bày về tình hình vùng Bình Thuận - Đồng Nai - Gia Định trước
khi Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào kinh lý miền Nam. Ông khái quát việc đặt nền
móng, các đơn vị hành chính, việc mở mang bờ cõi, tổ chức các đơn vị hành chính
dưới thời các vua nhà Nguyễn, tổ chức an ninh quốc phòng, mở mang nông nghiệp,
tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải - bưu chính, thương mại, thuế khóa, tiền
tệ, hoạt động văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thể dục, y tế, xã hội, tín ngưỡng
- tôn giáo.
Phần thứ hai giới thiệu thời Pháp thuộc, trình bày bối
cảnh quân Pháp mở đầu cuộc xâm lược Nam Kỳ, đánh thành Gia Định, đánh đồn Phú
Thọ, đánh đồn Chí Hòa; công cuộc kháng chiến của quan chức; Hòa ước Nhâm Tuất
(1862). Ông phân tích bộ máy cai trị, chính sách đối với người Hoa, chính sách
về nông nghiệp, về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, về giao thông vận tải…
Phần thứ ba giới thiệu giai đoạn từ ngày Nhật đảo
chánh Pháp (1945-1975) đến Hiệp định Genève 1954, trình bày về cuộc đảo chánh của
Nhật và cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền tại Sài Gòn,
quân Pháp tái chiếm Sài Gòn - Gia Định và cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm
(1945 - 1954).
Phần thứ tư giới thiệu giai đoạn Việt Nam Cộng hòa
(1954-1975), trình bày việc chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu chia cắt lâu dài đất
nước dưới sự can thiệp của Chính phủ Mỹ, các cấp Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo
nhân dân Sài Gòn - Gia Định đấu tranh chống Mỹ dẫn tới Chiến dịch Hồ Chí Minh đại
thắng.
Phần thứ năm giới thiệu giai đoạn xây dựng TP.HCM hòa
bình, văn minh, hiện đại, hội nhập từ 1975-2020. Và phần thứ sáu là tổng luận về
văn hóa và lịch sử đô thị phương Nam.
Học giả Nguyễn Đình Tư đã sống qua hai thế kỷ. Ông miệt
mài nghiên cứu và ghi chép nhiều tư liệu quý báu cho cộng đồng. Trong hơn 60 đầu
sách của học giả Nguyễn Đình Tư có những tác phẩm có giá trị vượt thời gian như
“Non nước Phú Yên”, “Địa chí Khánh Hòa”, “Non nước Ninh Thuận”, “Non nước Quảng
Trị”, “Đường phố nội thành TP.HCM”, “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ”, “Tiểu
sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ”, “Sổ tay tên đường ở thành
phố Hồ Chí Minh”, “Địa chí hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc”…
NNVN