AI với sức mạnh kỹ thuật vượt trội, có thể giảm đáng
kể thời gian sản xuất, chi phí và tối ưu hóa quy trình sáng tạo dựa trên những
gợi ý từ con người. Tuy nhiên, bản chất máy móc của AI vẫn khiến nó thiếu đi sự
nhạy cảm, chiều sâu cảm xúc mà chỉ con người mới có thể mang lại.
AI phổ nhạc cho thơ: Cuộc phối ngẫu giữa thi ca và
công nghệ
Trình làng tháng 11, “NovelDemo” (Tiểu thuyết) là
album gồm tám ca khúc của đạo diễn, nhà thơ Huỳnh Tuấn Anh. Đáng chú ý, “nhạc
sĩ” phổ nhạc cho tám bài thơ ấy chính là trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh sáng
tác âm nhạc bằng AI không còn là điều quá mới mẻ, việc dùng AI để tạo ra một
album hoàn chỉnh từ thơ ca như “NovelDemo” lại là thử nghiệm tiên phong tại Việt
Nam.
@ Anh vốn nổi tiếng với vai trò đạo diễn, “cha đẻ” của
các bộ phim như “Ngôi nhà bươm bướm”, “Lô tô”, “Phượng Khấu”… Về thi ca, anh
cũng để lại nhiều dấu ấn với tập “Thơ dành cho gái hư”, “Ngô đồng”... Đặc biệt,
người ta biết nhiều về thơ anh nhờ bài hát quốc dân “Vô cùng” (tên khác là “Vì
anh thương em”) do nhạc sĩ Võ Hoài Phúc phổ nhạc. Vậy tại sao lần này anh không
còn cậy nhờ các nhạc sĩ mà lại chọn AI - một sự lựa chọn khá mạo hiểm - để phổ
nhạc cho thơ mình?
Huỳnh Anh Tuấn:
Tôi chọn AI vì tôi luôn bị hấp dẫn bởi sự giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ.
Thơ vốn là dòng chảy cảm xúc của con người, nhưng khi được đặt trong không gian
của AI, nó có thể biến thành những trải nghiệm âm nhạc mới lạ. AI giúp tôi khám
phá những cung bậc cảm xúc không giới hạn, tạo ra những bản hòa tấu mà có lẽ nếu
chỉ dựa vào cảm nhận con người, chúng ta khó có thể chạm tới. Đây là một hành
trình khám phá, và tôi tin rằng công nghệ có thể mở ra những cách tiếp cận hoàn
toàn mới đối với nghệ thuật.
@ Anh có thể giới thiệu đôi chút về album “NovelDemo”?
Huỳnh Anh Tuấn:
Album gồm tám ca khúc, cũng là tên các bài thơ của tôi: “Điều ngọt ngào nhất”,
“Bên triền đồi”, “Tiểu thuyết”, “Ánh chớp”, “Những bình minh khác”, “Tạm biệt
thảo nguyên”, “Đừng xa nhau nữa”, “Họa mi của mẹ”. Tôi đặt tên cho album là
“NovelDemo” bởi điểm nổi bật của album nằm ở yếu tố thử nghiệm và tính chất
chưa hoàn thiện của công nghệ AI. Từ “demo” trong tên gọi còn là câu chuyện về
những mối tình không trọn vẹn, mang tinh thần lạc quan và hy vọng. Những vần
thơ kể về những trải nghiệm tình yêu đã qua, tuy chưa viên mãn nhưng luôn hướng
tới một tương lai tốt đẹp hơn, một tình yêu chân thành hơn.
@ Vậy quá trình anh “ra lệnh” cho AI thực hiện album đặc
biệt này như thế nào?
Huỳnh Anh Tuấn:
Đầu tiên, tôi viết những bài thơ. Mỗi bài mang đậm dấu ấn cá nhân và phong cách
nghệ thuật của tôi. Khi tôi đưa các bài thơ vào hệ thống AI để chúng phổ nhạc,
cảm giác giống như đang đối thoại với một người bạn mới mẻ, tuy không có trái
tim nhưng lại có khả năng nhìn thơ qua một lăng kính hoàn toàn khác.
Sau khi AI tạo ra các giai điệu từ bài thơ, tôi bắt đầu
quá trình biến những bản nhạc thô sơ đó thành những tác phẩm hoàn chỉnh. Tôi lắng
nghe từng giai điệu, từng nốt nhạc, cảm nhận xem chúng có thực sự nắm bắt được
tinh thần của thơ hay chưa. Có những khi tôi cảm thấy giai điệu thiếu đi một
chút hơi ấm, một chút “đời”, tôi sẽ tinh chỉnh và thay đổi nhịp điệu, hòa âm.
Đôi khi tôi phải điều chỉnh một đoạn nhạc nhiều lần, hoặc thử qua nhiều phiên bản
để tìm ra sự hòa hợp giữa thơ và nhạc.
Về giọng hát cũng vậy. Giọng ca sĩ trong album đều do
AI thực hiện bằng cách phối trộn nhiều chất giọng thành một chất giọng ảo nhưng
nghe như thật. Chất giọng này không giống với bất kì ca sĩ thật nào để đảm bảo
quyền sở hữu trí tuệ.
@ Ưu điểm và hạn chế lớn nhất anh gặp phải khi dùng AI
phổ nhạc là gì?
Huỳnh Anh Tuấn:
AI, với sức mạnh kỹ thuật vượt trội, có thể giảm đáng kể thời gian sản xuất,
chi phí và tối ưu hóa quy trình sáng tạo dựa trên những gợi ý từ con người. Tuy
nhiên, bản chất máy móc của AI vẫn khiến nó thiếu đi sự nhạy cảm, chiều sâu cảm
xúc mà chỉ con người mới có thể mang lại. AI có thể tạo ra giai điệu, nhưng để
nó thực sự chạm đến trái tim người nghe, đó là một thử thách. Ngoài ra, một bài
hát được coi là nghe được phải hội đủ ba tiêu chí. Thứ nhất giai điệu và bản phối
phải phù hợp với lời thơ, thể loại thơ. Thứ hai là giọng ca sĩ hát phải rõ lời.
Thứ ba là giai điệu hạn chế cưỡng âm nhất có thể.
Nhìn qua ai cũng tưởng việc dùng AI phổ nhạc đơn giản
nhưng có bắt tay vào rồi mới thấy khá nhọc nhằn. Tôi phải can thiệp rất nhiều,
phải “dạy” cho AI biết cách hiểu và cảm nhận những ý nghĩa sâu sắc trong từng
bài thơ. Điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, nhưng cũng chính đó
là điều làm nên sự thú vị của dự án này. Nó giống như việc cùng nhau học hỏi,
cùng nhau tìm cách để biến những gì tưởng chừng như vô tri thành một thứ âm nhạc
có hồn. Dù AI chưa thể thay thế hoàn toàn sự tinh tế của nghệ thuật từ con người,
nhưng lại giúp mở rộng tiềm năng sáng tạo cho sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ
thuật.
@ Có thể coi dùng AI phổ nhạc cho thơ là một cách thưởng
thức thơ mới không?
Huỳnh Anh Tuấn:
Chắc chắn rồi. Khi một bài thơ được phổ nhạc bằng AI, nó mở ra một cách cảm nhận
hoàn toàn mới. Những câu chữ trong thơ không chỉ được đọc lên mà còn được lắng
nghe qua từng nốt nhạc, tạo nên một trải nghiệm độc đáo cho người nghe. Thơ trở
nên sinh động hơn, và âm nhạc giúp những tầng ý nghĩa của bài thơ được thăng
hoa. Đó là một cách để thưởng thức thơ không chỉ qua mắt và tâm hồn, mà còn qua
đôi tai và cảm xúc âm nhạc.
Album lần này không chỉ đơn thuần là một dự án âm nhạc,
mà còn là một lời mời gọi đến mọi người để suy ngẫm về sự tương tác giữa cảm
xúc con người và công nghệ. Tôi muốn khám phá xem công nghệ có thể đưa thơ ca
và âm nhạc đến đâu, và đồng thời thử thách ranh giới giữa sáng tạo truyền thống
và hiện đại. Tôi hy vọng qua dự án này, khán giả sẽ nhận ra rằng công nghệ
không chỉ là những con số lạnh lùng, mà khi được đặt vào tay của người nghệ sĩ,
nó có thể trở thành một nguồn cảm hứng mới, một cách tiếp cận mới cho những tâm
hồn yêu nghệ thuật.
@ Những bài thơ của anh như “Vô cùng” (Vì anh thương
em), “Ngô đồng” do các nhạc sĩ phổ nhạc đều trở thành hit. Vậy anh có lo sợ những
ca khúc mà AI phổ nhạc sẽ không thể bùng nổ được như thế?
Huỳnh Anh Tuấn:
Là người sáng tác, tôi luôn tin rằng mỗi tác phẩm đều có một thân phận riêng.
Không có công thức nào đảm bảo khi làm đúng thì sẽ bùng nổ thành hit. Tôi làm
album này không phải nhắm đến mục tiêu là nổi tiếng hơn hay phải tạo những bài
hit. Người nghệ sĩ có cái sướng lâu bền hơn sự nổi tiếng là được sáng tạo, làm
mới mình. Công nghệ, đặc biệt là AI, mang đến cho chúng ta sự khai phóng, mở ra
những khả năng mà trước đây có thể chúng ta chưa từng nghĩ đến. Với dự án này,
tôi mong muốn người sáng tạo đạt đến độ tự do tối đa, để không bị ràng buộc bởi
quy chuẩn mà tập trung vào việc khám phá và biểu đạt cảm xúc chân thực.
@ Liệu cách làm của anh có khiến nhạc sĩ, nhà sản xuất
âm nhạc chuyên nghiệp dần mất việc và cổ xúy những người “mù” nhạc lý vẫn có thể
làm nhạc sĩ nhờ AI?
Huỳnh Anh Tuấn:
AI đúng là đang tạo ra những thay đổi lớn trong ngành âm nhạc, nhưng tôi nghĩ
điều quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận và sử dụng nó. Nếu coi AI là một
công cụ, một đối tác sáng tạo, thì nó sẽ mở ra vô vàn khả năng mới. Tôi không
nghĩ AI sẽ khiến nhạc sĩ chuyên nghiệp mất việc. Ngược lại, tôi tin rằng AI là
một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ giúp các nhạc sĩ mở rộng giới hạn sáng tạo của mình.
Những ai có khả năng sáng tạo thực sự sẽ biết cách tận dụng AI để làm giàu thêm
ý tưởng, thêm chiều sâu cho tác phẩm của mình. Thật ra ở album “NovelDemo”, phần
nhạc không hoàn toàn phụ thuộc 100% AI. Tôi cũng kết hợp với các nhạc sĩ, không
chỉ để tận dụng khả năng của AI mà còn để đưa vào đó chất cảm xúc mà chỉ con
người mới có. Đó là sự kết hợp giữa sự chuẩn mực kỹ thuật của công nghệ và cái
hồn của nghệ sĩ, tạo nên những tác phẩm vừa có tính hiện đại, vừa đậm chất nghệ
thuật.
Còn những người mới bắt đầu với âm nhạc có thể sử dụng
AI như một bước đệm để thể hiện sự sáng tạo của mình. Nhưng để đi lâu dài với
âm nhạc và tạo ra những tác phẩm chạm đến trái tim, giàu chất lượng nghệ thuật
vẫn cần đến sự trải nghiệm và hiểu biết của người nghệ sĩ. Sự sáng tạo của con
người là vô giá, và AI chỉ là một phần của hành trình khám phá ấy, chứ không phải
đích đến.
@ Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
MAI QUỲNH NGA (Văn Nghệ Công An)