Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.
Nhà thơ Mai Thìn sinh năm 1965, hiện đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định. Ông đã xuất bản các tác phẩm “Cổ tích tình yêu”, “Ðồng quê”, “Lặng lẽ xanh”, “Thiên đường thơm rèm cửa nhà mình”, “Tiếng chim về cũ”... Tập thơ mới nhất của nhà thơ Mai Thìn do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, có tên gọi “Tiếng của thiên lương”.
Sinh thời, Cao Bá Quát từng cho rằng: “Người đẹp không
ở áo/ Thơ hay thường ít lời”. Có thể hiểu: Đối với một con người, cái đẹp không
quá phụ thuộc vào vỏ bọc, vào cái bên ngoài, tương ứng với câu: “Tốt gỗ hơn tốt
nước sơn”. Còn thơ hay thì nên cô đọng, khúc chiết, tránh dài dòng, tản mát, rườm
rà. Trong đó, tránh nhất là nhiều lời ít ý hoặc nhiều lời mà không có ý gì. Nói
một cách khác: Tránh nhất là chỉ có hình thức, mà không có nội dung, tư tưởng.
Cũng không ít người, thường chọn một cách nói trực tiếp
mà vẫn thơ, mà vẫn chất chứa, đầy hàm ý. Thế kỷ 14 - 15, trong “Mạn thuật 8”,
Nguyễn Trãi viết: “Thân đà hết luỵ thân nên nhẹ”. Giữa đầu thế kỷ 20, B. Brecht
trong “Mặt nạ kẻ ác” viết: “Làm kẻ ác vất vả vô cùng”. Tất nhiên, cách nói trực
tiếp thường không dễ làm và cũng không dễ thuyết phục độc giả, nếu như người viết
không có trải nghiệm độc đáo, sâu xa, khác người.
Những vần thơ trong tập rất gần gũi
đời sống và cũng rất hữu ích. “Gần gũi đời sống” đã khó. Hữu ích với đời sống,
xem ra còn khó hơn nhiều. Nhiều
bài trong tập có tứ và người viết đã đoạt tứ rất nhanh, hấp dẫn người đọc ngay
từ khi mở ra cho đến khi khép lại. Có thể kể tên: “Bướm”, “Hoa giả hoa thật”,
“Lưỡi”, “Mất bóng”, “Tìm mặt”...
Đó là “Bướm” với “mỗi ngày co lại một ít/ chịu đựng
một ít/ làm con sâu cái kén quấn kèn/ co/ co mãi/ đến ngày lột xác/ bướm bay
lên/ choán một khoảng trời”. Nhìn một vật bình thường mà phát hiện ra khác thường
như thế thì thật là lạ! Chính sự “mỗi ngày co lại một ít/ chịu đựng một ít...”
mà có ngày mới “bay lên/ choán một khoảng trời”.
Đó là “Mất
bóng” với: “vì không muốn làm/ cái bóng của mặt trời/ vầng trăng/ cứ ngày đêm cách
biệt// vậy mà nhiều người/ dựa hơi kẻ khác/ xun xoe, khoác lác/ đến nỗi/ bóng của
mình/ cũng bỏ đi”. “Dựa hơi kẻ khác” đến nỗi đánh mất chính mình, không còn là
chính mình, để “mất bóng” thì thật đáng sợ và liệu có nỗi sợ nào đáng sợ hơn?
Đó là “Để
tìm đến sự thật” với “những cây kim/ ròng máu/ tự chui qua lỗ kim/ để tìm đến sự
thật”. Đây là những câu thơ lạ. Tìm đến sự thật, tìm ra sự thật quá khó. Đó là
một hành trình đớn đau ngỡ khó đớn đau hơn, xa xót ngỡ khó xa xót hơn. Ở một chừng
mực nào đó, còn khó hơn cả “mò kim đáy bể”.
Và còn có một nỗi khó khác, một nỗi khổ khác, đó là “Tìm mặt” mình:
không còn nhìn thấy/ sau mấy chục năm lớn khôn thành đạt/ anh tuyệt vọng tìm
gương mặt mình/ trong vô vàn không thật.
Cũng nói về
cái giả - cái thật, Mai Thìn luận về hoa giả hoa thật với những câu thơ thật thấm
thía “cùng màu sắc ấy/ cùng thanh tao ấy/ sờ vào cũng thấy mát/ chạm vào cũng
mượt mềm// chỉ khi rũ tàn/ mới biết là hoa thật// hoa thật thì vài hôm/ còn hoa
giả/ cứ mãi”
Đó là tính
về những bài hay ở tứ. Còn hay về ý, “Tiếng của thiên lương” có nhiều câu ấn tượng,
giàu triết lý, giống như những chiếc đinh được đóng vào trí nhớ. Có thể thống
kê: “Cái xấu màu mè hơn cái tốt” (Nhủ với các con), “Cuộc sống/ ngày càng văn
minh/ những chiếc khóa/ càng trở nên vi diệu” (Những chiếc khóa), “Tiền không
thể nào mua được/ bông hoa lương thiện ở trong đời” (Tiền), “Trọn một vai đời/
kèn trống/ mướt mồ hôi” (Xem hát bội ở đền thờ Đào Tấn), “Phố phường muôn nẻo/
mang cả quê nhà/ một tiếng rao” (Tiếng của quê hương), “con người/ khô bao nước
mắt/ để thành những đám mây/ trôi/ trong hư vô” (Hỏi), “lưỡi con người/ mềm/ mà
bén thế” (Lưỡi)...
Hẳn phải
có con mắt khác lạ, Mai Thìn mới có cách nhìn khác lạ từ những “chú rùa/ chọc vỡ
bầu trời quả trứng/ khám phá một bầu trời khác/ tự do/ cùng rủi ro hơn” để thấy
và liên hệ với: “con người/ loay hoay/ chọc vỡ bầu trời của mình/ đi tìm bầu trời
khác/ nở/ những mùa sinh tuyệt chủng”?
Hẳn phải
có một trái tim chan chứa yêu thương đích thực, Mai Thìn mới “đốt lên mùa xuân
từng có được” với “nỗi đau/ tình yêu/ cùng cái chết”, một cách “đốt lửa để tìm
lửa” hy vọng “tìm lại ngọn lửa nồng trong chúng ta” đó là niềm tin.
Mai Thìn
chỉ ra bi kịch của sự đóng kín, khép kín của người phố (so với quê) đau xót đến
nỗi, đến mức “kết nối với bên ngoài/ là/ con chó/ sủa liên hồi/ mỗi lúc có người
qua”. Và mọi thứ đều có nguyên nhân của nó, đều từ lòng người “xa hay gần/ gần
hay xa/ do lòng người/ mà ra vậy”.
Nhưng bao
trùm lên tập thơ “Tiếng của thiên lương” là cuộc đối kháng không ngừng, không
nghỉ trước cái giả dối, cái ác, cái xấu xa, cái tuyệt vọng... một cách bền bỉ,
thường trực. Ở đấy, dường như ngày nay, con người ta phải đối mặt với cái
nguyên khí đã mất và niềm tin đổ vỡ. Có thể tìm thấy những ý lớn này trong “Bài
ca đưa linh”, “Cái ác cỏ dại, cái ác lang thang”, “Cây cầu và dòng sông”, “Những
con chim bị khâu mắt”, “Mồ côi”, "Đói những yêu thương"...
Cuộc đối
kháng này được Mai Thìn ví như những quả bom thời bình. Ở nơi ngỡ như không có
tiếng súng, chúng được cài sẵn. Một sự nguy hiểm rất tiềm tàng luôn sẵn sàng xuất
hiện. Đây là những câu thơ mang giá trị cảnh báo rất cao “thế hệ chúng tôi/ không
có chiến tranh/ những quả bom cài sẵn/ trong mỗi bước đi/ trong từng giấc ngủ/ hôm
nào cũng thương vong/ bao con số xếp hàng/ nhan nhản trên mặt báo”.
Còn con người thì phải đi tìm niềm tin đã mất,
đến nỗi có lúc phải thốt lên “ôi trái tim của tôi/ trái tim lơ ngơ/ bên bờ sạt
lở”. Mặc dầu vậy, Mai Thìn vẫn làm thơ. Bởi “làm thơ” chính là “làm người”,
không đơn thuần “thơ là người” như con người lâu nay thường nghĩ thế và anh khẳng
định: “Làm thơ/ cũng khó như làm người” vậy! Bởi vì thơ chính là “Tiếng của
thiên lương”.
ĐẶNG HUY GIANG