Nghệ thuật cải lương thực sự vẫn có sức quyến rũ đối với công chúng, sau 20 ngày diễn ra Liên hoan cải lương toàn quốc 2024 tại thành phố Cần Thơ.
Nghệ thuật cải lương được kết hợp giữa ca và kịch, ra
đời đầu thế kỷ 20 tại Nam bộ. Nghệ thuật cải lương phát triển rực rỡ trong hai
thập niên 60 và 70 ở thế kỷ 20, với những tên tuổi Phùng Há, Thành Được, Út Bạch
Lan, Tấn Tài, Minh Phụng, Bạch Tuyết, Mỹ Châu… Trong bối cảnh công nghệ nghe
nhìn chi phối đời sống tinh thần người Việt, thì nghệ thuật cải lương có còn đất
sống không? Câu hỏi ấy được trả lời tại Liên hoan cải lương toàn quốc vừa bế mạc
tối 15/11 tại Cần Thơ.
Qua 20 ngày tranh tài sôi nổi, gần 1000 nghệ sĩ của 29
đơn vị nghệ thuật đã mang đến 33 vở diễn công phu và sinh động cho Liên hoan cải
lương toàn quốc 2024. Thực sự, con đường chuyên nghiệp của nghệ thuật cải lương
vẫn liên tục chào đón những tài năng mới những thế hệ mới.
Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức đảm nhận vai trò Chủ tịch
Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan cải lương toàn quốc 2024, đánh giá: Đề tài được
khai thác qua các vở diễn rất phong phú và đa dạng về phong cách thể hiện. Tại liên
hoan, đã xuất hiện nhiều vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật cao; chủ đề, tư tưởng
rõ ràng, sâu sắc.
Cùng với sự hiện diện của những tác giả có uy tín
trong các loại hình kịch hát dân tộc, đã xuất hiện nhiều tác giả trẻ với sự “lấp
lánh” qua khâu biên kịch hoặc chuyển thể cải lương. Đội ngũ đạo diễn cũng đã chứng
minh được vai trò của mình với trọng trách “trưởng ê-kíp sáng tạo vở diễn”. Đặc
biệt, tất cả các nghệ sĩ, diễn viên tham dự liên hoan đều đã khẳng định được
tình yêu dành cho nghệ thuật cải lương và khát khao được thể hiện tài năng trước
khán giả, đồng nghiệp.
Tuy nhiên, Liên hoan cải lương toàn quốc 2024 cũng xuất
hiện một số bất cập. Đầu tiên là việc một số vở diễn lạm dụng kỹ thuật hình ảnh
minh họa làm hạn chế phẩm chất ước lệ đặc trưng của nghệ thuật cải lương. Đồng
thời, đơn vị nghệ thuật xã hội hóa dường như chỉ chăm chút diễn viên thủ vai
chính hoặc thủ vai thứ có thể có được huy chương, nên việc đầu tư cho vở diễn từ
khâu chọn kịch bản, ê kíp sáng tạo, âm nhạc và trang trí vở diễn để tạo nên một
tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh, có chất lượng nghệ thuật cao thì chưa có sự quan
tâm đúng mức.
Liên hoan cải lương toàn quốc 2024 đã trao Huy chương
Vàng cho bốn vở diễn xuất sắc, gồm: vở diễn “Xuân Hương nữ sĩ” của Nhà hát Cải
lương Hà Nội, vở diễn “Người con của rừng tràm” của Đoàn Nghệ thuật Cải lương
Long An, vở diễn “San hô đỏ” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và vở diễn “Chất
Ngọc - Cầm Thi giang” của Nhà hát Tây Đô.
Có 8 vở diễn được trao tặng Huy chương Bạc, gồm “Người
mang 9 án tử”, “Tây Sơn nữ tướng”, “Người ven đô”, “Sáng mãi vầng nhật nguyệt”,
“Cây lẻ bạn”, “Gặp lại người đã chết”, “Nơi bình minh vẫy gọi” và “Không gục
ngã”.
Trong số 41 Huy chương Vàng và 63 Huy chương Bạc dành
cho cá nhân, có nhiều gương mặt trẻ của nghệ thuật cải lương đang được khán giả
yêu mến như Bình Tinh, Kim Tiểu Long, Lê Duy, Hồng Thủy, Phương Anh, Hải Linh,
Võ Vũ Linh, Hồng Giang…
Liên hoan cải lương toàn quốc 2024 đã khép lại, nhưng
dư âm nhiều suy tư. Bởi lẽ, hành trình nghệ thuật cải lương sau một thế kỷ đang
gặp không ít thử thách. Cơ sở vật chất của các sàn diễn cải lương đều rất khiêm
nhường và tạm bợ. Đời sống cơm áo của nghệ sĩ cải lương khá chật vật, thù lao mỗi
vở diễn gần như không đủ trang trải chi phí phục trang cho từng vai diễn. Vì vậy,
cần có chính sách cải thiện và chế độ đãi ngộ với những con người nỗ lực nuôi
dưỡng loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Đặc biệt, đội ngũ soạn giả cải lương hiện nay vô cùng
ít ỏi. Nếu không có chiến lược bồi dưỡng soạn giả trẻ, thì tương lai sân khấu cải
lương chỉ quẩn quanh vài vở diễn quen thuộc mà không có hơi thở nhịp điệu rộn
ràng của cộng đồng khao khát hội nhập và phát triển.
NNVN