Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ của Đinh Thị Thanh Thủy chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.


Nhà văn Sơn Nam là một trường hợp tiêu biểu suốt đời cầm bút chỉ đeo đuổi mỗi một chủ đề, bền lòng đi trên con đường đó, không chệch hướng. Ngay từ thời trai trẻ, mới chân ướt chân ráo vào nghề, cao quý thay và cũng may mắn sao khi ông đã tự ý thức, tự nhận “sứ mệnh” phải trình bày trên trang viết của mình về “đất lề quê thói” của miền Nam. Từ đó, ông đã được nhiều thế hệ tri ân bằng cụm từ thân thương, và hết sức trìu mến: “Sơn Nam – Ông già Nam Bộ”.

Làm nên thương hiệu Sơn Nam, tên tuổi Sơn Nam, yếu tố cốt lõi nhất chính bởi ông còn là “nhà phong tục học” miền Nam có sắc thái độc đáo và đã quán xuyến trong toàn bộ tác phẩm, từ truyện ngắn, truyện dài đến các công trình biên khảo. Sở dĩ tác phẩm của ông hấp dẫn, sống động chính là những gì ông đã quan sát, ghi chép điền dã, tham khảo tài liệu để rồi thể hiện dưới nhiều thể loại, góc nhìn khác nhau. Càng đọc Sơn Nam, chúng ta có cảm giác như ông biết rõ tường tận mọi ngóc ngách gốc cây, cục đá và ngôi sao của “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”.


Trong cái sự bao quát ấy, Sơn Nam như một lực điền “vạch một chân trời” mở rộng qua nhiều biên độ lẫn lối viết, do đó, để hiểu hết về đóng góp của ông là một công việc không dễ dàng. Có lẽ do thấu hiểu điều này, tác giả Đinh Thị Thanh Thủy đã “khoanh vùng”, giới hạn trong phạm vi của thể loại truyện để nghiên cứu “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam”.

Như vậy, cũng là một hướng đi tập trung, tìm hiểu cặn kẽ hơn về tính chất phong tục, “đất có lề, quê có thói” của miền Nam, qua cái nhìn của Sơn Nam. Sự khảo cứu này, theo tôi, đã là một chọn lựa mạnh dạn, tâm huyết vì rằng khi khảo sát “134 truyện” của Sơn Nam như tác giả Đinh Thị Thanh Thủy cho biết, ta có thể nhận ra những “đúc kết” của chị mới mẻ, chu toàn, cần thiết cho bất kỳ ai quan tâm đến “Cá tính miền Nam”, “Nói về miền Nam”...


Truyện là thể loại hư cấu, là “mảnh đất” thích hợp cho nhà văn tung tẩy, phiêu bồng trong trí tưởng tượng để tạo nên trang văn với nhiều tình huống gay cấn, hấp dẫn. Tuy nhiên, mảnh đất của sự hư cấu ấy sẽ cằn cỗi, không xum xuê hoa trái nếu chỉ là tưởng tượng mơ hồ, xa rời hiện thực đời sống. Muốn hiểu đất đai phải giẫm chân xuống tận bùn lầy. Muốn hiểu về con người của một vùng đất thì phải sống đến tận cùng trong sự gắn bó máu thịt, dẫu âm dương cách trở.


Truyện của Sơn Nam ngồn ngộn sức sống, hư cấu chỉ là cái cớ, cái nền để chuyển tải các yếu tố mà Đinh Thị Thanh Thủy đã nhìn ra, thí dụ: “Hình ảnh những người tiên phong khẩn đất lập làng ở Đồng bằng sông Cửu Long thế kỷ XIX được miêu tả qua những khó khăn gian nan nhưng đầy tính hồn nhiên và lạc quan trên bước đường đi tìm mầm sống mới. Sự khổ nhục của nông dân dưới chế độ điền địa của thực dân Pháp và tinh thần yêu nước nhen nhóm trong lòng người Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các tác phẩm văn học của Sơn Nam.

Lồng ghép vào đó là các vấn đề giằng xé và thay đổi đời sống văn hóa xã hội dưới tác động của Chủ nghĩa thực dân mới Mỹ, nền văn minh mới Mỹ. Cuối cùng là những chuyển đổi xã hội ở phần tư cuối thế kỷ XX khi nhân dân chọn con đường đổi mới để kiến thiết, xây dựng lại đất nước. Bộ mặt đời sống xã hội, diện mạo con người tuy biểu hiện khác nhau trong mỗi giai đoạn, nhưng vẫn nằm trong một chỉnh thể chung của xã hội và con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam”.


Theo tôi, đây là một nhận định quan trọng. Rất quan trọng. Đặt Sơn Nam vào đúng vị trí vốn có của ông. Lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các nhà văn hóa miền Nam như Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Nguyễn Văn Hầu… là của miền Nam, chỉ miền Nam. “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau” (Truyện Kiều). Sở dĩ, tầm vóc lớn lao của họ, chạm đến trái tim người Việt cả nước, chính là họ ý thức đặt văn hóa miền Nam trong dòng chảy văn hóa Việt Nam thống nhất, tức trong “tương đồng” dù “dị biệt” nhưng vẫn là truyền thống, tinh thần của đất nước, con người Việt Nam.


Thật đáng ngạc nhiên, từ năm 1967, khi viết Người Việt có dân tộc tính không”, nhà văn Sơn Nam đã nhận định: “Việt Nam là một đóa hoa trong những đóa hoa. Nụ hoa đang trải qua giông bão, đang mãn khai, đang kết trái. Xem trái để hiểu gốc là một trong những phương pháp mà chúng ta nên chọn. Vì miền Nam là đất mới. Nên tìm hiểu những tác dụng qua lại giữa văn hóa Việt Nam và các luồng văn hóa khác (Tàu, Pháp, Mỹ, Miên...). Đó là sự va chạm vừa âm thầm, vừa gay go”.


Gay go những gì? Thật tri âm, tri kỷ khi tác giả Đinh Thị Thanh Thủy đã phân tích, đã chỉ ra rất chi tiết trong chuyên luận “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam”. Ta nhận thấy ở chuyên luận này, xét trong dòng văn hóa Việt Nam khi vào đến miền Nam, căn cứ yếu tố biến đổi văn hóa, khí chất con người…, tác giả đã phân tích chu đáo, góp phần giúp chúng ta hiểu rõ hơn nữa về vì sao chính nhà văn Sơn Nam lại mạnh dạn đặt từ “văn minh” đứng trước từ “miệt vườn” đã có sẵn để trở thành “Văn minh miệt vườn”.


Những luận điểm như: “Dừng chân ở mảnh đất sình lầy, phù sa bồi lắng chưa xong, lênh đênh chống chèo trong âm u rừng thẳm, nếu không mang theo truyền thống lâu đời “cố kết cộng đồng”, chắc chắn người Việt không thể định cư lâu dài ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sức mạnh của cách phản ứng quy tụ, đoàn kết làm con người mạnh dạn tiến sâu hơn vào vùng hoang sơ để tìm cho mình chân trời mới” hoặc trong quá trình tồn tại “Cho đến khi gặp biến cố lịch sử to lớn, nó lại có cơ hội thử thách để tiếp tục giữ vững hệ giá trị hay là chịu sự biến đổi. Biến đổi văn hóa diễn ra trên cơ sở các nhân tố văn hóa bản địa tiếp xúc với văn hóa nhập nội mà thích nghi tồn tại hay bị triệt tiêu, bật gốc” đã cho thấy tác giả Đinh Thị Thanh Thủy khảo sát chu đáo tinh thần cốt lõi tư tưởng của nhà văn Sơn Nam.


Nói cách khác, tác giả chuyên luận “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam” đã làm nổi bật hơn nữa một cách thuyết phục và sâu sắc về dân tộc tính của người Việt miền Nam mà nhà văn Sơn Nam đã quan niệm, theo ông, dù thế nào thì người miền Nam vẫn “dám thách đố những khó khăn ấy, chúng ta mới có đủ tư cách để cầu nguyện cho mẹ Việt Nam, cho Tổ quốc vì chúng ta đã gặp, đã tán thành cái định nghĩa về mẹ Việt Nam, về Tổ quốc mà đồng bào đã bộc lộ, van vái trong dịp long trọng, lúc cần tìm lực lượng tinh thần để vượt gian nguy. Đó là ‘Đất đai viên trạch, Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ’. Đó là ‘Ông Bà Đất Nước’”.


Khi đọc “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam”, chúng ta nhận ra tác giả Đinh Thị Thanh Thủy đã chứng minh rạch ròi quan niệm này, từ truyện Sơn Nam mà trước đây chưa mấy ai khảo sát cặn kẽ, lớp lang một cách có hệ thống. Trên đời này, vì một cơ duyên nào đó, có những nhà nghiên cứu chỉ tập trung về một tác giả. Với Đinh Thị Thanh Thủy, cùng chuyên luận “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam”, dù chỉ mới mỗi tác phẩm này, nhưng tôi cũng mạnh dạn xếp chị là một trong những tri âm của nhà văn hóa Sơn Nam. Điều này cũng tựa như nhà nghiên cứu Châu Hải Kỳ với Nguyễn Hiến Lê; Bùi Quang Huy với Lý Văn Sâm; Lại Nguyên Ân với Phan Khôi; Chương Thâu với Phan Bội Châu…

Ở đây là tấm lòng của sự tri âm, tri kỷ giữa nhà nghiên cứu và tác giả. Họ đã đeo đuổi bền lòng chỉ vì lý do duy nhất: đồng cảm với tác phẩm của tác giả mà mình đã đọc, đã say mê, đã tâm đắc. Điều này không chỉ khiến tác giả cảm động mà còn là lúc những suy nghĩ, nhận định, cảm nhận của họ được chia sẻ đến với bạn đọc. Như một cách tri ân đến tác giả mà họ đã đồng hành, từ tác phẩm. Cách tri ân này đáng tin cậy, hoàn toàn có lợi cho việc tìm hiểu của bạn đọc về tác giả đó. Quý thay, tấm lòng đồng điệu ấy.

                                               LÊ MINH QUỐC