Đọc sách để vượt dòng "thác" của những xu thế dễ dãi, lố bịch, đọc sách để tự mình viết nên những trang của chính cuộc đời mình có lẽ là điều bình dị và ý nghĩa nhất. Đọc để kiếm tìm sự mới mẻ, đọc để không quên những gì xưa cũ và đọc để biết mình đang thiếu những gì.


Đọc sách và ngược thác

LÂM VIỆT

Hôm rồi, biết tôi sắp đi dự một buổi ra mắt sách, một người em họ nhắn nhủ: "Nhớ mang sách về cho em đọc nhé". Lời nhắn ấy sẽ không có đặc biệt, nếu đó là một nhà văn, nhà báo hay nhà nghiên cứu văn học. Nhưng, sự ngóng trông đó lại là của một bạn trẻ đang làm nhân viên ở spa. Công việc hằng ngày khiến vai gáy, xương khớp đau mỏi nhưng cô em tôi vẫn ham đọc sách. Trong cuộc sống có những việc tưởng dễ mà hóa ra lại khó như chèo thuyền vượt thác. Có điều, nếu dễ dàng thì đâu còn thú vị. Thực ra, sách chưa từng bị lãng quên, sách đã trở lại với một tư thế mới, được đón nhận bằng tâm thế mới. Sách đã giúp chúng ta thấm thía nhiều điều bên ngoài những con chữ...

Mới đây, khi bộ phim "Ngày xưa có một chuyện tình" (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra mắt ngày 25/10. Có thể bộ phim này chưa hot như: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (2015), "Cô gái đến từ hôm qua" (2017) hay đặc biệt là "Mắt biếc"... nhưng vẫn thuộc chủ đề của kí ức, với những khung cảnh làng quê, trò chơi tuổi thơ, rung động đầu đời, bạn bè, trường lớp... Những tác phẩm của nhà văn đất Quảng này mang đến cho chúng ta một loại "thông tin" đặc biệt: Bạn hãy trân trọng những giá trị sống.

Sách không chỉ là giúp chúng ta trở về quá khứ (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ) mà còn là chuyến tàu đưa chúng ta đến với tương lai. G.H.Taxteven từng nói: "Bạn hãy học cách tôn trọng sách. Bạn hãy nhớ rằng sách là do con người tạo ra, vì vậy bạn tôn trọng sách cũng chính là bạn tôn trọng con người". Đọc sách không chỉ là biết dung nạp thông tin, cập nhật tri thức mà còn là sự cầu thị, là việc duy trì một tư duy mở, khai phóng trước mọi xu thế tiến bộ, mới mẻ. Đọc sách để hoàn thiện một cơ chế nhận diện, sàng lọc, tạo ra điệu sống cho bản thân. Chỉ khi thực sự dành tâm ý đọc sách, bạn mới có thể "ngược thác". Thác ấy là những trend vô vị, nhất thời không thể giúp bạn kiến tạo con đường cho mình. Khi chia sẻ và tương tác đang lên ngôi, thay vì like dạo, bạn đã và đang đọc, thấm thía được những gì từ sách, từ những điều thật sự hữu ích?

Lí thuyết là như thế nhưng khi đi vào thực tiễn của đời sống văn hóa đọc hiện đại mới nhận ra những tụt hậu của bản thân và sự chuyển động mới mẻ. Thực tế, các thư viện ở nhiều địa phương đã gần như vắng bóng độc giả, thư viện ở thành phố lớn thì lác đác những bạn đọc trung thành. Đã có lúc người đọc tự hỏi: Ai là người đang tham dự vào chu trình từ văn bản đến tiếp nhận và bày tỏ thái độ sau khi "giải mã" các thông tin của sách.

Câu trả lời có thể được tìm thấy từ bài viết "Nghề thủ thư thời nay" của TS Phạm Hiệp như chiếc "chìa khóa" quý giá: "Về mặt truyền thống, vai trò quan trọng nhất của thủ thư có tính chất "tĩnh", chủ yếu tập trung là lưu giữ và quản lý sách, tài liệu chuyên môn. Trong bối cảnh hiện đại, vai trò của thủ thư trở nên "động" hơn, tập trung vào việc hỗ trợ quá trình luân chuyển thông tin, tri thức một cách hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn từ phía các nhà xuất bản, các tạp chí, các tác giả đến phía bạn đọc bao gồm học sinh, sinh viên, giảng viên, giáo viên, nhà khoa học..." (Báo Dân trí).

Trong đoạn văn này, điều mà người viết tâm đắc nhất về vai trò của người thủ thư trong cuộc sống hôm nay có lẽ là cụm từ: "luân chuyển thông tin". Ngày nay, thông tin chính là tài nguyên quan trọng để chúng ta khai thác cho học tập và sáng tạo. Nếu trước khi bạn đọc và đón nhận thông tin, có sẵn một đội ngũ thu thập, soạn thảo và luân chuyển đúng hướng để thông tin đến với người cần và quan trọng hơn, nó giúp người tiếp cận thông tin nhận ra: Thông tin cũng cần những người xứng đáng như thế nào.

Còn nhớ, trong một bài báo mới đây trên Tạp chí Tia sáng có tên "Cốt lõi của sáng tạo: Nhận ra những điều bị bỏ lỡ" (Tuệ Tâm dịch) có đoạn viết: "Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao những cá nhân sáng tạo dường như phát hiện ra những điều mà người khác bỏ lỡ? Bất kể đó là một nhà phát minh tìm ra giải pháp sáng tạo cho một vấn đề quen thuộc hay một nghệ sĩ thể hiện lại một khung cảnh dưới một nhãn quan tươi mới, nhiều người sáng tạo có khả năng đặc biệt là tìm ra sự thú vị ngay cả trong những thứ tẻ nhạt. Nghiên cứu cho thấy đây không phải là sự trùng hợp: cách bộ não của một người ưu tiên cho thông tin gì có thể thực sự thúc đẩy tư duy sáng tạo".

"Thông tin được ưu tiên" chính là chìa khóa cho những sáng tạo. Từ những lối mòn, người có tư duy sáng tạo sẽ biết phải làm gì để có con đường đi riêng cho mình. Con đường có thể chưa lớn, thành quả chưa nhiều nhưng tầm ảnh hưởng, lợi ích đem lại đã góp phần vào sự tiến bộ của xã hội.

Từ hai bài báo, hai nhận định sâu sắc ấy, người viết nhận ra một điều rất tâm đắc: Sách-thông tin-sự ưu tiên lựa chọn chính là cánh cửa để chúng ta kiếm tìm những thành công mới. Thành công ấy không thể đến từ những mẹo mực, càng không thể là món quà siêu giảm giá được chốt đơn trong đêm mất ngủ. Sống tích cực vì những giá trị sống cho bản thân và hơn thế nữa là nhân lên những yếu tố văn hóa.

Mới đây, trong hội thảo "Nhân lực bền vững - Trọng tâm của chữ "S" trong ESG?" do Báo Dân trí tổ chức tại Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án sáng kiến chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) chia sẻ: "Khi tôi đến một nhà máy bánh kẹo ở Bình Dương với quy mô vừa phải, nhưng ở đó treo những bức ảnh tôn vinh người lao động có thâm niên. Tôn trọng người lao động là một văn hóa rất tốt. Hay, tại một công ty khác tôi đến, nhà ăn của họ rất sạch sẽ, tiện nghi..." (Đối diện thách thức "lương cao chưa chắc giữ được người tài" - theo: tác giả Tùng Nguyễn, Báo Dân trí).

Câu chuyện mà ông Tuấn kể cũng đồng nhất với tâm tư của nhiều người: giá trị văn hóa là điều mà chúng ta mong muốn được thụ hưởng không chỉ có thù lao được nhận về. Sức lao động được tái tạo thông qua động lực chứ không chỉ nhờ vào sự bổ sung dinh dưỡng hay chăm sóc y tế. Người lao động cũng cần "đọc" ra trong hướng đi của công ty những yếu tố văn hóa tích cực để cảm thấy xứng đáng với những gì mình đã cống hiến.

Đọc sách để vượt dòng "thác" của những xu thế dễ dãi, lố bịch, đọc sách để tự mình viết nên những trang của chính cuộc đời mình có lẽ là điều bình dị và ý nghĩa nhất. Đọc để kiếm tìm sự mới mẻ, đọc để không quên những gì xưa cũ và đọc để biết mình đang thiếu những gì. Albert Einstein (1879-1955) đã nói: "Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức thì hạn chế. Trí tưởng tượng lại bao quanh cả thế giới. Trí tưởng tượng ôm ấp cả thế giới và cả những kiến thức chưa ai biết, chưa ai hiểu được. Logic sẽ đưa bạn đi từ A đến B còn trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đi tới bất cứ đâu". Hãy học những gì bạn cần, hãy sống với trí tưởng tượng như đôi cánh của khát vọng để đạt tới những thành công, đó mới là cuốn sách giá trị nhất...

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An